Xuân về chat với ông hề Mạc Can

Thứ Năm, 07/03/2013, 08:09
"...Văn chương với tôi ư? Chính là sự siêu thoát khỏi thân phận "tép riu" của mình. Trong đó tôi được sống những cuộc đời khác, lớn hơn..."

Mạc Can là một "ông hề" nổi tiếng qua những gánh xiếc rong từng được nhiều người nhớ trước khi trở thành một "nhà văn trẻ" với những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn như "Tấm ván phóng dao", "Cuộc hành lễ buổi sáng", "Người nói tiếng bồ câu"... Tôi đã gặp, trò chuyện với ông nhiều lần, khi là cuộc trà đá bên hẻm phố Sài Gòn, khi mời ông tham gia vào một phim ngắn, khi qua điện thoại hoặc email... Nhưng luôn ý thức rằng, cuộc đời Mạc Can còn ẩn chứa những bí mật mà sự thật chỉ mình ông là người biết rõ nhất. Cuộc trò chuyện qua mạng với ông trong dịp Tết 2013 này, Mạc Can cũng hé lộ thêm một vài chuyện đời mà có thể nhiều người chưa biết.

- Thưa ông, năm mới vừa sang, đã thấy "Mạc Can - Truyện ngắn chọn lọc" dày dặn trên kệ sách, trang cuối đề in 2013 rồi?

+ Cuốn sách lần này đúng là truyện ngắn, tuy vậy cũng có "truyện khá dài" như "Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa", "Khách sạn Cánh đồng diều"… Ha ha… Chính tôi đọc lại cũng thấy là lạ vui vui. Các truyện ngắn khác đôi khi ngắn quá, thật không biết sao mà lường, hầu như chuyện vui chuyện buồn của tôi cũng có mà chuyện của người khác cũng có. Dịp này có nhà đạo diễn kịch sân khấu và đạo diễn điện ảnh cũng có chọn vài truyện để làm phim. Vui rồi sẽ viết tiếp nhé.

- Đây là cuốn sách thứ bao nhiêu của ông rồi nhỉ?

+ Thực sự nếu có ai hỏi như trên thì mình lập tức gãi đầu. Có lẽ là ít thôi nhưng không nhớ nổi. Vừa rồi có nhà xuất bản đề nghị mình ký hợp đồng truyện của mình lên dạng sách điện tử (để đọc trên máy vi tính và cả điện thoại nữa), khi đó mình cũng chưa nhớ ra đã viết bao nhiêu cuốn. Có điều vui là cứ viết tới tới rồi đếm ngược lại từ cuốn mới thì sẽ... biết thôi.

- Với cuốn sách này, hẳn ông có ý định "chọn lọc" lại những gì đã viết, ở "mảng truyện ngắn"?

+ Tất nhiên rồi, viết sao mà giống khi đi đóng phim. Cứ xong vai rồi, có dịp ngồi xem phim thì mình cứ nghĩ ngợi, sao lúc diễn mình không diễn khác hơn. Còn khi có dịp đọc lại những gì mình viết, mình cũng có ý nghĩ sao lúc đó mình không bỏ bớt dòng này, hay là thêm dòng nọ. Các dòng thêm hoặc bớt đó, nếu làm được e rằng nó là một cuốn sách mới. Chữ đẻ ra chữ, các tình huống cũng sẽ tạo ra tình huống khác chứ. Có lẽ nếu chọn lọc thì nó sẽ làm mình hài lòng hơn. Chọn lọc thì nhiều, tỉ như chọn một ít truyện ngắn úm ba la thành truyện dài, hay thành trường thiên tiểu thuyết chương hồi chẳng hạn.

- Hồi này ông đang viết cuốn gì vậy?

+ Ban ngày và cả ban đêm tôi vẫn đi đóng phim. Nhưng như thường lệ, tôi mang cái laptop "bèo" của tôi theo. Khi chờ tới vai diễn tôi lại khỏ vài dòng. Hình như đó là cuốn sách khá dầy, có tựa tạm là "Bước một chân vào Miền Đất Hứa". Mỗi ngày đều viềt một ít, đêm thì viết nhiều hơn.

- Vậy thì với Mạc Can, văn chương là gì? Có phải là một "cuộc chơi" như nhiều người từng nói?

+ Văn chương với tôi ư? Chính là sự siêu thoát khỏi thân phận "tép riu" của mình. Trong đó tôi được sống những cuộc đời khác, lớn hơn.

- Thế còn ảo thuật?

+ Nghề này, làm cho con nít vui, mà tôi cũng vui.

- Chính ra cái hồi Mạc Can đi nước ngoài, ông lại viết được nhiều?

+ Đúng vậy! Viết vì buồn nhớ nhà, nhớ bạn bè nhớ đường phố. Vì suốt 3 mùa tuyết cứ viết suốt và gởi về nhà. Bây giờ vẫn cứ ám ảnh về tuyết. Mùa tuyết đầu tiên tôi nào biết gì, sau đó mới hay mùa đó là mùa tuyết khủng khiếp nhất của nước Mỹ, hàng chục năm mới có một lần, tôi vượt qua tỉnh bơ vì có biết nó khủng khiếp đâu. Có lẽ vì "không biết" nên với tôi là bình thường. Tôi sẽ kể lại trong cuốn sách mới nhé, nó có chuyện tình, chuyện phiêu lưu và các câu chuyện "bình thường" khác.

- Có vẻ dạo này ông bận bịu chạy sô nên thưa viết?

+ Tôi vẫn viết nhiều và đọc nhiều đó chứ, nhưng tìm văn phong mới, cách viết nầy khá mất thời gian. Chứ không phải là thưa viết. Viết báo và viết kịch nhiều nhiều.

- Ông viết kịch bản? Công việc này chắc kiếm tiền dễ hơn so với viết văn?

+ May cho tôi nhớ lại mình viết kịch truyền hình được. Cho nên chuyển bộ qua viết các vở ngắn ngắn cho vài đài tỉnh. Tôi cần có ít "tiền tươi" để mua gạo, và tự nấu. Viết văn thì vẫn viết dù biết là khó nuôi nổi cái xác phàm này. Viết kịch cũng không dễ kiếm tiền, nếu viết dở không có người thu hình. Nhưng dù sao cũng giúp cho cái bao tử có "công việc" hơn là cứ uống trà đá trừ cơm.

- Vậy năm qua, ông có nhớ mình đã tham gia bao nhiêu bộ phim không?

+ Nhiều và… khá nhiều là khác. Ngoài danh hiệu "cây bút trẻ" tôi còn có giải thưởng diễn viên (già) phim truyền hình (có lúc) được yêu thích nhất. Cảm ơn khán giả chưa quên tôi. Năm qua đóng phim "Minh tâm kỳ án" bối cảnh Huế. Phim hài "Bà ngoại vẫn biết yêu", phim "Con trai con gái", phim "Ngược sóng" và các phim khác không nhớ tên. Mới nhất chiếu Tết này là phim "Hiệp sĩ Guốc Vông" dạng phim võ thuật hài của hãng phim Nguyễn Chánh Tín…

- À, xin được tò mò, ông ăn Tết nhiều nơi, vậy ông có ấn tượng với Tết ở đâu nhất?

+ Có lẽ tôi sẽ về huyện Cần Giuộc, nơi mà lúc nhỏ xíu tôi có nhiều bạn. Về kỳ này chắc còn không nhiều. Cần Giuộc, tôi nghĩ rằng không chỉ vậy thôi, mà tôi sẽ viết về Cần Giuộc và… Cầm.

- Cầm - đó có phải một người yêu cũ của ông? Xin ông nói rõ hơn về cô Cầm? Ông đã có cả một truyện ngắn khá dài "Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa" viết về Cầm rồi mà?

 + Bà Cầm vẫn còn ở ngay ngôi nhà có cái cửa sổ tò vò ấy, năm nay khoảng 60 tuổi. Tôi vẫn hay chạy xe máy xuống Cần Giuộc. Ngồi đâu đó, thường thì cái quán cà phê cạnh cầu tàu để nhìn bà. Cây cầu tàu và quán cà phê của ông Chào vẫn như cũ, nhà lồng chợ khu phố vẫn như ngày xưa ấy. Cầm chính là nhân vật của câu chuyện "Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa". Cho tới nay Cầm vẫn chưa biết rằng tôi rất yêu bà, đó là mối tình đầu "không bao giờ nói" của tôi. Trong truyện ngắn, nhân vật nam chính vẫn không nói. Tôi lại rong ruổi còn Cầm vẫn ngồi yên bên song cửa. Khi mình già rồi thỉnh thoảng hay khóc thầm. Giờ mà nói "yêu" e rằng đã muộn, cứ như thế lại đẹp hơn.

- Tết đến xuân về, người ta hay nhớ tới mẹ. Ông có thể kể chút ít về người mẹ của mình?

+ Cha và mẹ tôi về với đất rồi. Mẹ tôi có cái bếp chỉ 3 cục gạch. Tôi nhớ mẹ tôi với "ông Táo" nhà nghèo của bà lắm.

- Còn với Sài Gòn thì sao, thưa ông?

 - Vẫn còn nhiều thời gian về Sài Gòn, nơi tôi có nhiều ân tình. Và "nợ nần" ở miền đất này, tôi sẽ trả bằng… chữ. Thật nhiều chữ.

- Tức là một cuốn sách riêng về Sài Gòn, thưa nhà văn Mạc Can?

+ Báo Tuổi Trẻ có đề nghị tôi viết bài nhiều kỳ. Về những con đường, ngõ hẻm, con người và tính cách người Sài Gòn. Kể cả chuyện uống cà phê sáng như thế nào, tôi vẫn chưa viết chữ nào. Có một vài chuyện kiểu truyện ngắn như "Địa đàng không quên" hay "Nancy và Tôi". Thoang thoáng có vẻ Sài Gòn. Tôi thích đọc các truyện người Hà Nội viết về thành phố Hà Nội còn tôi thì sống nhiều về Sài Gòn. Món nợ của tôi ở Sài Gòn là chuyện đó. Sài Gòn là người tình của tôi với những con đường ướt mưa và nắng dữ. Buổi sáng có tiếng chuông nhà thờ và con gà cao chót vót trên đỉnh tháp, nhiều chuyện chỉ còn có mình tôi biết.

- Thưa ông, năm 2013, bạn đọc còn có thể gặp lại nhà văn Mạc Can thông qua cuốn sách nào nữa không?

+ Tôi không viết thì tôi đã chết. Tuy nhiên viết mà được in hay không lại là chuyện khác. Cũng như phim, khi nào tôi vắng một thời gian, thì thế nào sau đó cũng rộ lên, sách có lẽ cũng vậy. Còn thở (dài) thì còn làm việc tiếp. Kính chào và kính chúc khán giả và độc giả năm mới An khang thịnh vượng - Phát tài phát lộc.

- Xin cảm ơn nhà văn Mạc Can. Chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe, có nhiều tác phẩm mới và liên tục… đắt "sô"!

Bìa một tập sách mới của Mạc Can.

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)
.
.