Xử lý việc đạo văn: Tưởng dễ mà khó

Thứ Hai, 16/03/2009, 16:30
Đã có nhà nghiên cứu đi đến kết luận: Đạo văn đang trở thành một vấn nạn có nguy cơ làm mai một nhiệt huyết sáng tạo của không ít văn nghệ sĩ, trí thức chân chính, đồng thời làm cho bầu không khí học thuật vốn dĩ còn nhiều trì trệ, yếu kém ngày càng trở nên bấn loạn hơn.

Thỉnh thoảng, trên một đôi tờ báo, bạn đọc lại một phen ngỡ ngàng trước những thông tin về vụ đạo văn nào đó mới được...phanh phui. "Thủ phạm" có thể là một sinh viên mới nhập trường, mà cũng có thể là một nhà "nghiên cứu" lâu năm, vốn dĩ được xem là bậc "khả kính" trong giới học thuật. Tuy nhiên, sau những đợt công luận "ồn" lên như vậy, những tưởng các hiện tượng nói trên sẽ phần nào được... đẩy lui, nhưng không!

Việc đạo văn, việc xâm phạm bản quyền vẫn ngày một gia tăng, thậm chí nó còn biến hóa ở những dạng thức khá tinh vi, khiến các "nạn nhân" biết đấy mà vẫn phải... ngậm bồ hòn làm ngọt.

Đã có nhà nghiên cứu đi đến kết luận: Đạo văn đang trở thành một vấn nạn có nguy cơ làm mai một nhiệt huyết sáng tạo của không ít văn nghệ sĩ, trí thức chân chính, đồng thời làm cho bầu không khí học thuật vốn dĩ còn nhiều trì trệ, yếu kém ngày càng trở nên bấn loạn hơn.

Tuy nhiên, muốn cắt nghĩa được hiện tượng trên, chúng ta cần thống nhất với nhau quan điểm: Thế nào là đạo văn? Và đạo văn khác với "sự ảnh hưởng có tính sáng tạo" như thế nào?

Có thể nói, trong quá khứ (ở cả Việt Nam và thế giới), những vụ án văn chương xoay quanh vấn đề quyền sở hữu chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, nếu không nói là rất hãn hữu. Vì quả tình, như một nhà thơ từng nhận xét "ăn cắp được văn người đâu phải dễ". Trước khi đi vào vấn đề này, xin cứ dẫn ra đây một trường hợp:

Có lẽ giới nghiên cứu văn học sử chưa quên sự ra đời của cuốn tiểu thuyết "Đôn Kihôtê, nhà quý tộc tài ba xứ Mantra" của văn hào Tây Ban Nha Mighel đê Xervantex, tác phẩm được xem là "mở đầu cho tiểu thuyết cận đại". Tác phẩm này ra đời năm 1605 thì đến năm 1614, ở Taragôna bỗng xuất hiện tập 2 cuốn tiểu thuyết cũng có tên gọi như trên, song tên tác giả thì lại khác, hoàn toàn lạ hoắc: Alphônxô Phernanđêx đê Avêanêđa.

Trước tình hình trên, ngay năm sau (1615), Xervantex cho xuất bản phần thứ 2 của cuốn tiểu thuyết nói trên, gồm 74 chương. Đến đây, độc giả có thể nhận thấy ngay ai mới là chủ nhân chân chính của tác phẩm bất hủ này. Thực tế, đây là một vụ ăn cắp văn chương, nhưng xem ra hành vi của tay "nhà văn" nọ mang tính hằn thù, khiêu khích hơn là ý định chiếm dụng sự nổi tiếng của người khác, vì bản thân cái tên mà y trương lên trên bìa sách là một cái tên giả.

Trở lại vấn đề, sở dĩ tôi đưa ra nhận xét "ăn cắp văn người đâu phải dễ" là ngầm dẫn lại ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu. Đại thể, trong một lần trò chuyện với anh em viết văn trẻ, ông có tâm sự rằng thế hệ của ông có học, có "thuổng" của thơ Pháp ít nhiều (điều này Xuân Diệu đã nói đi nói lại nhiều lần) và dẫn chứng mà ông thường đưa ra là việc bài thơ "Yêu" của ông (Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết...), chỉ vẻn vẹn 13 câu mà ông chịu ảnh hưởng của những... ba nhà thơ Pháp. cả về ý tưởng lẫn cấu trúc nhạc điệu.

Cuốn sách nổi tiếng và dịch giả nổi tiếng, vậy mà vẫn bị... đạo văn.

Tuy nhiên, ảnh hưởng thì ảnh hưởng vậy, cái chính là từ một sự "gợi ý", các ông có thể nâng cấp, biến hóa thành những sản phẩm đặc biệt, mang hương vị của tâm hồn mình, cốt cách dân tộc mình.

Cũng vậy, trong lần hồi tưởng bước đầu đến với văn học của mình, nhà thơ Chế Lan Viên đã tỏ ra tâm đắc với một quan điểm của Arixtốt: "Hai nguồn gốc của thơ thì một là bắt chước". Nghệ thuật là sự kích thích, gây men, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thể nói không có sự ảnh hưởng, kế tục. Vấn đề là "ảnh hưởng" bao nhiêu thì vừa, và phải chuẩn bị những gì để không bị "đồng hóa", bị "nô dịch".

Chẳng hạn như ở trường hợp bài "Yêu" của Xuân Diệu, mặc dù so sánh về ý, nó có sự "vay mượn" khá rõ của thơ Pháp, nhưng về tổng thể mà nói, bài thơ vẫn cho thấy ở Xuân Diệu một kỳ công trong sáng tạo (chính bởi lẽ đó mà nó có vị trí riêng trong làng thơ Việt Nam và được nhiều bạn trẻ chép trong sổ tay).

Như vậy, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, cần phải phân định minh bạch ranh rới giữa sự ảnh hưởng có tính sáng tạo (cũng như sự ngẫu nhiên trùng hợp ý tưởng) với hành vi đạo văn để có một cách hành xử thỏa đáng. Hơn nữa, trước khi khẳng định một hành vi "ăn cắp văn", ta cũng cần thống nhất với nhau quan niệm thế nào là "ăn cắp". 

Ở đâu và thời nào cũng vậy, tính chất phạm tội của con người (ở tội danh "ăn cắp") được căn cứ vào bản thân giá trị hiện vật. Chẳng ai có thể bắt người bỏ tù chỉ vì họ vô tình nhặt được những thứ "giời ơi đất hỡi" như hoa rơi, lá rụng, như viên sỏi, hòn đá...trên đường.

Trong lĩnh vực sáng tạo cũng vậy, người ta có thể chê các tác giả làm thơ, viết văn còn thiếu bản sắc, còn "chung chung", "mòn sáo", chứ không bao giờ vì thế mà người ta quy cho họ tội "ăn cắp văn" (mặc dù vẫn nói là họ "mòn sáo"). Đấy là vì những thứ họ viết chẳng qua cũng chỉ là những thứ vương vãi họ thu lượm được như việc mót lúa, bòn khoai mà thôi.

Nhưng cũng "chất liệu" ấy (kho tàng ngôn ngữ của dân tộc- tài sản chung để các nhà văn tha hồ khai thác, sử dụng), một khi đã được những tác giả có thực tài nhào nặn, xây cất thành những vật dụng mang dấu ấn sáng tạo đặc biệt của riêng họ (như những viên gạch được kết lại thành một công trình kiến trúc độc đáo) thì ai đó chớ dại mon men tìm cách biến nó thành tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Làm như vậy là người đó tự đặt mình bên bờ vực của sự phạm pháp.

Đúng như ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu "ăn cắp văn người đâu phải dễ". Ai cũng biết, một đặc điểm của việc ăn cắp là phải làm sao để người ta không biết (như thế mới là ăn cắp, chứ không đã thành trấn lột, ăn cướp rồi). Với chuyện văn chương, đặc điểm này đã gặp phải một điểm phi lôgich (sở dĩ nói "ăn cắp văn" khó vì thế): Văn chương khi đã hay thường được nhiều người biết. Mà tìm cách lấy cái "ai cũng biết", biến cái "ai cũng biết"  ấy của người khác thành của mình thì khác nào "lạy ông tôi ở bụi này", chẳng hóa không dưng chuốc lấy tiếng nhơ nhuốc cho mình sao?

Điều này lý giải tại sao trước đây, khi báo NHN mở cuộc tranh luận xem có phải nhà thơ Bế Kiến Quốc đã "đạo thơ" của thi hào Đức thế kỷ XIX Henrích Hainơ không, và một phụ san của báo VN tạo ra "nghi vấn" nhà thơ Vương Trọng "đạo thơ" của một nhà thơ quá cố ở Thanh Hóa, tôi đã xem như người ta nhầm lẫn gì đó. Không phải chỉ vì tôi tin vào tư cách cũng như năng lực thi ca của các nhà thơ Bế Kiến Quốc, Vương Trọng, mà cái chính là tôi tin các ông không phải những người... "tâm thần", có thể làm cái điều xuẩn ngốc, trước sau cũng bị...bại lộ kia. Quả nhiên sau này, sự thật đã được chứng minh đúng như nhận định của tôi.

Nói vậy để thấy, hiện tượng đạo văn nếu xảy ra thì thường rơi vào trường hợp những cây bút không có uy tín, tên tuổi, và đa phần vì mục đích mưu sinh. Biểu hiện rõ thấy nhất là họ thường núp dưới danh nghĩa "sưu tầm", hoặc "biên soạn" khi đưa đăng bài trên mặt báo để chiếm dụng nhuận bút, hoặc sử dụng làm "khóa luận", "luận văn" nhằm mưu cầu về học hàm, học vị.

Điều đáng buồn là trong quá trình thực hiện hành vi này, để tránh "gia chủ" phát hiện (hoặc có cơ sở khởi kiện), nhiều vị đã tìm cách chỉnh sửa câu chữ cho khác đi. Hậu quả là làm cho nhiều vấn đề trở nên méo mó, độ phản ảnh thiếu hẳn sự trung thực. Đã có ý kiến cho rằng: Làm như vậy thì thà chấp nhận để cho họ "cóp" nguyên văn, xem ra vấn đề đỡ "phức tạp" hơn. 

Bởi đa phần mọi người đều có quan điểm: Đạo văn phải là việc lấy nguyên cả đoạn, ít ra là từ 1,2 câu trở lên thì mới có cơ sở để suy xét, cho nên trong thực tế, nhiều tác giả, dù biết mười mươi người ta đã "tận dụng" sức lao động của mình, song cũng đành im hơi lặng tiếng, "nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình".

Trong khi thực tế, như nhiều người đã biết, với truyện ngắn, tiểu thuyết, cấu tứ là rất quan trọng. Người ta không đạo đoạn văn mà chỉ thuổng mô típ truyện, cấu tứ truyện thì sao? Với thơ, có người cho rằng ý tưởng là quan trọng, nhưng cũng có người cho rằng cấu trúc giai điệu cũng rất quan trọng. Vậy trong vấn đề này, ta phải giải quyết như thế nào? 

Lại một lần nữa, trách nhiệm đặt lên vai những người "gác cổng" ở các cơ quan báo chí, truyền thông. Bởi hơn ai hết, họ cần phải trang bị cho mình một vốn văn hóa sâu rộng, một vốn liếng sách vở phong phú. Có như vậy may ra mới hạn chế được những trường hợp "cầm nhầm" trong sáng tạo, trả lại cho bầu không khí văn chương sự trong lành cần thiết.

Bên cạnh đó, để cho khoa học, khi công bố các công trình, bài viết của mình, các tác giả cũng nên ghi dấu thời điểm chúng ra đời, đặc biệt là thời điểm (và nơi) chúng được in ấn, xuất bản.

Về lý thuyết mà nói, một tác phẩm ra đời sau, nếu có nhiều điểm trùng lặp với một tác phẩm được công bố trước đó, thì tác phẩm ấy phải được suy xét đến khả năng: Hoặc tác giả có sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt tư duy, hoặc là có hành vi đạo văn...

Phạm Thành Chung
.
.