Xin đừng ngộ nhận

Thứ Tư, 14/04/2010, 16:30
Trên thực tế, có thể có 90% số người quan tâm đến báo và 10% số người không quan tâm đến báo; 10% số người quan tâm đến văn và 90% số người không quan tâm đến văn. Đó là thống kê chưa hẳn đã chính xác của một nhà xã hội học, nhưng chúng ta hãy tạm coi như vậy để tham khảo.

Nhà xã hội học nọ nói tiếp: "Nhưng như thế không hoàn toàn có nghĩa là 90% này lấn át 10% kia, 10% kia đáng để ý hơn 90% này và như thế cũng không có nghĩa là báo quan trọng hơn văn, hay văn quan trọng hơn báo. Bởi vì khi phân tích, mổ xẻ vấn đề, chúng ta còn phải đi sâu tìm hiểu cả chất lượng độc giả nữa.

Chúng ta sẽ phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: 90% số người quan tâm là ai? 10% số người không quan tâm là ai? Trình độ văn hóa của họ thế nào? Họ tìm gì ở báo và văn? Chúng ta cũng không vội vàng đưa ngay ra những kết luận mang tính chủ quan, đơn chiều. Hãy để cho mọi người tự tìm ra câu trả lời chính xác nhất".

- Đó là sự khách quan hoặc những khơi gợi đi đến kết luận khách quan mà một nhà xã hội học mang đến cho độc giả -  Nhà xã hội học nọ kết luận.

Trong việc định giá một tác phẩm văn học hiện nay cũng thế. Chúng ta rất cần một sự  khách quan để định giá một tác phẩm, để đánh giá sự quan tâm của độc giả qua tác phẩm được đăng tải trên tất cả các loại hình báo (báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử...).

Tại Mỹ có một nhà báo người Mỹ gốc Việt đã trên 30 năm sống ở nước ngoài, là người có công chuyển ngữ một tập thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh từ tiếng Việt ra tiếng Anh và tập thơ này đã lọt vào vòng chung khảo một cuộc thi về dịch văn chương ở vùng Bắc Cali cách đây hai năm. Nhà báo này hiện đang làm việc ở Đài Truyền hình và phát thanh độc lập mang tên KQED.

Hiện KQED thường xuyên phát trên kênh TV9 ở San Francisco và thu hút khoảng một triệu khán, thính giả ở thành phố San Francisco và Mỹ. Nhà báo này nói: "Ở ngoài nước, nhiều người làm văn, làm thơ cứ tưởng một vài tờ báo văn nghệ trong nước có nhiều người đọc. Còn ở trong nước, nhiều người làm văn, làm thơ cứ tưởng có một vài Website văn chương tại Mỹ có nhiều người đọc. Thật ra, bài của một tác giả nào đó tải trên một Website có khi chỉ có số lượng người đọc rất hạn chế. Cũng có khi chỉ có tác giả đọc tác giả, tự thưởng thức mình thôi".

Nghe nhà báo này nói thế, tự nhiên tôi lại liên hệ đến tiếng hò reo buồn cười từ một phía cầu môn của một trận bóng đá. Tôi biết có khá nhiều cú sút cách cầu môn đến hàng mét đã làm nhiều khán giả ngồi gần đó thất vọng và họ hoàn toàn im tiếng, trong khi khán giả ở rất xa (ở phía cầu môn đối diện, cách cả 100m chẳng hạn) lại ồ lên... khó hiểu. Đơn giản vì có một khoảng cách khá xa nên họ không xác định được vị trí chính xác điểm đến của trái bóng.

Âu cũng là một bài học cần rút ra trong văn chương!

Vả lại, nếu có ai đó cố tình quên đi hiện tượng này và cố tình làm reo cho mình thì cũng nên nhớ lại một điều: Ở thời buổi mọi thứ đều nhanh nhạy, đa chiều, mang tính chất toàn cầu hóa này, độc giả không thiếu điều kiện để kiểm chứng mọi thông tin một cách trung thực và khách quan

Đặng Huy Giang
.
.