Xem “Thi hứng” và “Hú họa” của hai nhà văn

Thứ Sáu, 25/07/2008, 09:15
Đúng 4h chiều ngày 1/7/2008, trời đổ mưa to, nhiều con phố ở Hà Nội ngập trong nước. Đây cũng là thời điểm mà hai nhà văn Trần Nhương và Nguyễn Khắc Phục khai mạc triển lãm "Thi Hứng" và "Hú họa" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Có lẽ với Trần Nhương, một thi sĩ, nhà văn từ lâu đã được biết đến cả với tư cách họa sĩ, thì triển lãm lần này không phải quá bất ngờ với công chúng. Đây đã là lần triển lãm thứ 7 của ông.

Vẫn biết là nghề tay trái và hội họa với ông như một cách để thư giãn, nhưng tranh của ông đã đưa người xem đến với những câu chuyện, những số phận, những cảnh sắc thiên nhiên quê hương...

Với Trần Nhương, đây là thời điểm "chín" của một cây cọ. Thay bằng những màu sắc dịu mát trước đây là những gam màu mạnh, đầy thô ráp. Màu tím chiếm vị trí chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm, ở nhiều sắc độ nó thể hiện một sự tàn úa, khắc khoải, ở sắc độ khác nó lại thể hiện sự khao khát, đam mê.

Tác giả đã thật khéo khi để màu tím chìm vào giữa biển màu và rồi ở một góc nào đấy bật ra, đưa người xem lạc vào cõi hư vô huyễn hoặc... Hư hư, thực thực, hình ảnh người phụ nữ lại tiếp tục được tôn vinh trong các tác phẩm của ông.

Những hình người phụ nữ khỏa thân với bầu ngực khi thì lồ lộ, lúc lại khuất lấp sau bao lớp lang màu sắc. Và một điểm đặc biệt, trong từng khuôn mặt thiếu nữ, ta luôn bắt gặp ánh mắt và nụ cười của tác giả.

Khác với gian trưng bày của Trần Nhương, gian triển lãm "Hú họa" của Nguyễn Khắc Phục đã thật sự là một bất ngờ lớn, không chỉ bởi số lượng tác phẩm khổ lớn, mà còn bởi chính cách thể hiện của người nghệ sĩ.

Vẫn là một Nguyễn Khắc Phục trăn trở với đời, với số phận, với những con toán phật học, của luật nhân quả... nhưng với một cách thể hiện hoàn toàn khác, tự nhiên hơn và giản dị hơn.

Có lẽ ông đã quá khiêm tốn khi đặt tên triển lãm của mình là "hú họa", hay có thể hiểu đó là một cách ngạo mình vì những bức tranh trưng bày ngày hôm nay không thể nói là của người không chuyên. Từng nét cọ, từng mảng miếng đều rất ăn khít. Đây đó có những nét vờ như nguệch ngoạc, lại có những nét thật chắc khỏe, uyển chuyển.

Nếu như ở văn và kịch, Nguyễn Khắc Phục dường như quá ôm đồm các triết lý, các tư tưởng cao vợi, thì ở hội họa nó như những lát cắt phẳng của một chiếc máy chụp cắt lớp, rất rõ ràng, mạch lạc, về đời, về bạn bè và cả về chính bản thân ông.

Các tác phẩm với những cái tên "Hữu vô biên xứ", "Con ngộc nghệch", "Nàng tiên cá", "Thế giới của nghé", "Duyên", "Quá cảnh"... tuy có hơi hướng của cổ tích, thần thoại, nhưng dường như mọi cảnh và vật trong tranh đã "thoát", đã "siêu" đi trong thế giới hiện thực.

Bằng cách diễn đạt mới, ông đã hé lộ được thế giới chủ quan nơi mình, một thế giới nội tại phong phú, đầy màu sắc và yêu thương.Những bức chân dung tự họa có thể nói là thành công. 3 bức chân dung, 3 góc nhìn về chính mình.

Khi là một Nguyễn Khắc Phục trong khối lập phương đa màu với những đường nét lập thể tạo nên một khuôn mặt góc cạnh được nung nóng bởi những gam màu đỏ đối lập với những mảng tối nâu và đen.

Hay một Nguyễn Khắc Phục tròn và mụ mị bởi những cấu véo cuộc đời trong "Xanh và xám", "ánh chiều".  Vẫn mái tóc trắng khi lòa xòa như mây, khi dựng ngược mất ngủ. Và ẩn chứa trong mỗi bức dù đau khổ, méo mó, hay gai góc xù xì, vẫn thấy ẩn một ánh nhìn lóng lánh và ngân ngấn nước.

Hai phong cách hoàn toàn khác nhau, hai thời điểm đến với hội họa, nhưng dường như hai nhà văn già đã gặp được nhau ở những trải nghiệm mới. Với họ, quan trọng là ở ý tưởng, còn văn hay họa, hát hay múa chỉ là phương tiện để thể hiện ra mà thôi

Tường Hương
.
.