Vùng cao mở hội hát xuân

Thứ Hai, 02/03/2015, 08:04
Mùa xuân với tiết trời ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương cũng là mùa của tình yêu đôi lứa và là mùa tiếng hát Soong hao của người Nùng ở Lục Ngạn (Bắc Giang) được cất lên thành lời. Tục hát Soong hao của người Nùng được bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết mùa xuân. 

Dập dìu trảy hội

Hát Soong hao, tiếng Nùng có nghĩa là hai ta, đôi ta. Người Nùng ở Lục Ngạn vẫn có câu hát truyền khẩu "Soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui" (hai ta đi chơi xuân hát lượn, không lượn là không vui). Màu chàm những chiếc khăn trên đầu thiếu nữ, màu chàm những tà áo thướt tha ngày hội. Và càng không thể không nhắc tới điệu Soong hao dặt dìu mỗi độ giêng hai.

Vào mùa Soong hao, người Nùng ở Lục Ngạn thường mời người Nùng ở Lạng Sơn cùng các vùng lân cận xuống chơi dự hội. Chợ Thác Lười từ lâu đã trở thành trung tâm của hội hát xuân. Đi chợ với đồng bào cũng chính là đi hội, đến chợ không chỉ để trao đổi mua bán mà còn là nơi mọi người giao lưu, gặp gỡ và uống rượu, nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất. Họ khoe sắc, đua tài, tỏ tình và trao gửi lời yêu thương, đặc biệt hơn là được hát giao duyên qua những điệu Soong hao mộc mạc, trữ tình.

Ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn kể rằng: Các bạn hát từ Lạng Sơn về thường đi thành từng đoàn. Đoàn ít cỡ khoảng mười người, đoàn nhiều có khi lên tới vài ba chục người. Mỗi đoàn thường có người già đi theo làm nhiệm vụ giao dịch tổ chức. Các đoàn khách đến trước hội từ một đến hai ngày. Để tỏ lòng mến khách, dân bản thường giữ khách ở chơi vài ngày cùng vui chơi ca hát và thăm hỏi lẫn nhau.

Người dân đi xem hội hát dân ca xã Tân Sơn.

Vào hội Soong hao, thanh niên dân tộc Nùng hát trong làng, ngoài bản, bên những cánh rừng hoặc ở các chợ trung tâm. Đi hát hội cũng là đi mua sắm các vật dụng gia đình, đi chơi chợ ngày xuân. Họ rủ nhau đi chợ để cùng hát với nhau, trai ngồi một bên, gái ngồi đối diện, qua những canh hát tập thể kéo dài, nếu thấy ai hợp với mình thì sẽ dắt tay nhau đi chơi. Cuộc hát kéo dài đến lúc xế chiều, họ hát say sưa trên cả các ngả đường đi về bản, rồi từng đôi trai gái tìm nơi vắng vẻ trò chuyện tâm tình, nhiều đôi đã thành vợ thành chồng sau cuộc hát ấy.

Theo quan niệm của người Nùng, khi đã thành vợ thành chồng rồi thì sẽ hát Soong hao giao duyên đến khi nào có con đầu lòng mới thôi. Vì thế đồng bào dân tộc Nùng ở Lục Ngạn luôn coi hát Soong hao như một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Ông Lý Văn Bế, người dân tộc Nùng ở Tân Sơn, một người đã từng tham gia hội hát Tân Sơn nhiều lần chia sẻ: "Cứ sau Tết là tôi lại cùng mọi người trong thôn ôn lại những bài hát để chuẩn bị cho ngày hội. Hát Soong hao này hay lắm, lạ lắm, rất cuốn hút nên khi đã hát thì lại muốn hát nữa, hát mãi".

Tục hát Soong hao của người Nùng, nam nữ phải đối đáp theo các bước: làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn và hẹn hò. Thường thì mọi người vẫn hát những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, phong tục sản xuất, ca ngợi bốn mùa. Qua lời hát, các cặp đôi gửi cho nhau những lời nhắn nhủ yêu thương, ngỏ ý giao duyên kết tình. Mỗi mùa Soong hao về lại có biết bao cặp nam nữ nên duyên đôi lứa. Những cuộc hát Soong hao đầu năm mới luôn thu hút rất đông người tham gia, nó gắn liền với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi bản làng người Nùng. Trẻ em từ lúc 11 tuổi đã được cha mẹ, ông bà dạy hát Soong hao và những lời ca trữ tình, ngọt ngào đằm thắm đó đã làm cho bao lứa đôi bén duyên nên vợ nên chồng.

Chuẩn bị trang phục đi dự hội hát.

Đến hẹn lại... hát

Đã thành lệ, hết hội vùng này lại tới hội vùng kia, bạn Soong hao lần lượt mời nhau về dự hội ở địa phương mình cho "có đi có lại". Họ say sưa từ Thác Lười đến Phong Vân về Tân Hoa, Biển Động, xuôi Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng. Soong hao cứ vui như thế cho đến hết xuân.

Ông Hoàng Văn Tuy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Lục Ngạn bảo: Mùa xuân năm 1996, lần đầu tiên hội hát Soong hao được huyện Lục Ngạn tổ chức tại khu du lịch Khuôn Thần. Đây là hội hát nhằm khôi phục lại nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Lục Ngạn. Đến nay đã qua mười bảy mùa hội, đến hẹn lại lên, Soong hao giờ đã trở thành máu thịt của người Lục Ngạn. Cứ mỗi độ xuân về, ngày 18/2 âm lịch - đúng phiên chợ Chũ, trai gái dân tộc ở các bản làng lại nườm nượp kéo nhau về vui hội. 29 xã, thị trấn của huyện đều cử ra những người hát giỏi, hát hay lên sân khấu trình diễn, đua tài.

Tuy hát trên sân khấu, nhưng hình thức giao duyên của Soong hao vẫn được thể hiện theo lối hát truyền thống. Hát Soong hao có thể theo hình thức đối đáp nhóm nam nữ hoặc một nam một nữ.

Soong hao đang được gìn giữ và bảo tồn với tất cả những tinh hoa đặc sắc của người Lục Ngạn. Nghệ nhân Vi Văn Tà đã dịch một số lời hát đối đáp nam nữ từ tiếng Nùng sang tiếng Kinh, những lời hát này anh và bạn hát đã từng hát suốt một thời trai trẻ. Nam: "Anh và em cùng xuống chợ rồi rủ nhau lên đồi tâm sự. Cả năm vất vả, đôi ta chỉ có dịp này là thảnh thơi".  Nữ: "Mặt trời khuất sau cánh rừng, đêm xuống rồi anh ơi. Anh hãy kéo mặt trời lên đi, em sẽ đi cùng anh vui chơi".

Không khí vui tươi trong hội hát xã Tân Sơn.

Cô gái không khước từ lời mời của chàng trai. Nhưng nàng e thẹn, cái e thẹn sơn nữ. Ý cô nói trời tối rồi em phải về nhà kẻo pế - mé (bố - mẹ) mong. Nếu anh kéo được mặt trời đừng khuất sau cánh rừng thì em sẽ ở lại cùng anh vui chơi. Dù biết chàng trai không làm được điều này nhưng cô gái vẫn đố. Đây cũng là lời từ chối ý nhị, nhưng lại như khích lệ chàng trai (dù chàng không kéo được mặt trời) nếu anh có lòng tin, có sức mạnh anh sẽ đến được với em.

Nhiều khi lời giao duyên của Soong hao chuyển tải tình cảm và ước nguyện đôi lứa, lấp lánh tính nhân văn cao đẹp. Trong tình yêu đôi khi sự giàu nghèo vẫn là bức tường ngăn cách các đôi trai gái. Nhưng Soong hao thì không. Những chàng trai cô gái quen nhau trong các mùa hội hát đến với nhau bằng sự rung động của con tim. Những khúc hát dân ca dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn đang được đồng bào nâng niu, gìn giữ như một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Thông qua các buổi hát ấy bà con động viên nhau cố gắng quên đi mệt nhọc để chăm lo sản xuất, phục vụ cho cuộc sống gia đình.

Kim Sa - Xuân 2015
.
.