“Việt Nam Idol” đãi cát tìm vàng

Thứ Sáu, 29/06/2007, 10:00
Bắt đầu từ 23/5, Đài Truyền hình TP HCM phát sóng chương trình "Vietnam Idol" cùng 7 đài truyền hình Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Với mục đích tìm kiếm "thần tượng âm nhạc Việt Nam", trong hai chương trình đầu tiên (ngày 23 và 30/5), "Vietnam Idol" đã có được hiệu ứng tốt từ phía khán giả.

Có những thước phim quay công phu tận nhà của thí sinh, những sinh hoạt của họ trong cuộc sống đời thường, hay hành trình vào thành phố Hồ Chí Minh, các câu chuyện bên lề... không ít khán giả đã phải ôm bụng cười lăn lộn và háo hức chờ đợi chương trình sau.

Với những dòng chữ quảng cáo: "Dám hát là đã được 10 điểm tự tin", "Biến một người từ zero thành ngôi sao", hay "có giọng ca chưa phải là tất cả mà cần một phong cách mới, lạ...", đã đem đến sự tự tin thái quá cho các thí sinh.

Ai cũng hy vọng "một bước thành sao", chỉ cần dám hát, và thể hiện ca khúc một cách cầu kỳ, khác người, lạ lẫm. Nhiều thí sinh đã cầu kỳ chọn những bộ trang phục không giống ai, đến nỗi Ban tổ chức không biết gắn số dự thi vào đâu, hay có thí sinh quay cuồng, giật cà giật, uốn éo, quằn quại, lắc hông, đá chân.

Người thì tô thâm đen quầng mắt như một nhân vật trong phim ma nhưng lại nũng nịu kiểu "nai tơ" với ban giám khảo. Chính các bạn trong khi chờ đến lượt thi còn truyền tai nhau rằng "phải cực điên, cực phủi" thì mới gây ấn tượng mạnh.

Giống như những cuộc thi tiếng hát truyền hình khác, "Vietnam Idol" cũng chỉ là sô diễn giải trí trên truyền hình, chỉ cốt sao thu hút đông khán giả truyền hình. Ban tổ chức đã rất nhọc công chọn ra Hội đồng Nghệ thuật, gồm ca sĩ Siu Black, nhạc sĩ Hà Dũng, nhạc sĩ Tuấn Khanh, được đánh giá là những người vừa có chuyên môn vừa có khả năng diễn đạt dễ hiểu và rất dí dỏm nữa.

Thái độ "không khoan nhượng" của nhạc sĩ Hà Dũng, hay những câu hỏi lắt léo của nhạc sĩ Tuấn Khanh và những cú lắc vai phiêu bồng của chị Siu Black... cũng làm tăng thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Phần đối đáp giữa thí sinh và Hội đồng Nghệ thuật cũng chính là điểm tạo nên thương hiệu Pop Idol.

Bên cạnh đó, hai MC của chương trình Nguyên Vũ và Thanh Thảo cũng tạo được hình ảnh trẻ trung thân thiện, là cầu nối giữa thí sinh với khán giả. Tuy nhiên, đây là chương trình không có sẵn kịch bản, đòi hỏi phải linh hoạt trong mọi tình huống, nên họ vẫn còn đôi chút cứng nhắc.

Với “Vietnam Idol” thì MC không chỉ biết nói mà còn phải đồng cảm, chia sẻ, giao lưu với các thí sinh giống như một người bạn, và phải biết sử dụng ngôn ngữ hình thể để làm cho thí sinh và khán giả cảm thấy gần gũi nhau hơn.

Ở phiên bản gốc MC của chương trình đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng giải trí và hy vọng 2 MC của "Vietnam Idol" cũng học hỏi được nhiều điều từ họ.

Với con số 6.000 thí sinh đăng ký dự thi đã cho thấy thành công bước đầu trong việc tạo dư luận của chương trình. Thiết nghĩ, dù "Vietnam Idol" có tìm được "Thần tượng" hay không cũng đã thành công trong việc khơi gợi "cái riêng" của nhiều bạn trẻ mê ca hát, đem lại một sân chơi mới mẻ. Và đây cũng là dịp để các đài truyền hình tăng tính cạnh tranh, tìm chọn những chương trình hay, mới lạ

Khôi Việt
.
.