Nhà thơ Hoàng Trung Thông:

Vị thủ trưởng “Vô tiền khoáng hậu” của Viện Văn học

Thứ Ba, 30/10/2007, 07:10
Không học hàm, học vị, ông chỉ là một nhà thơ với những thi phẩm nổi tiếng viết về những người áo thô chân đất. Ông được điều về làm Viện trưởng Viện Văn học trong tình thế cơ quan này đang có những khúc mắc nội bộ.

Và, với bản tính hồn hậu, dân dã, ông đã đem đến cho cơ quan có tiếng là “hàn lâm” này một phong cách, lề lối làm việc thật khác biệt. Hiện tại và lâu dài, Viện Văn học sẽ rất khó có một hình mẫu thủ trưởng thứ hai như ông - nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Ngay trong lễ ra mắt mọi người ở cơ quan mới, Hoàng Trung Thông đã gây ấn tượng đặc biệt bởi cách ăn mặc xuềnh xoàng, giản dị. Không nghiêm cẩn trong bộ Âu phục complê, càvạt như người tiền nhiệm của mình - GS Đặng Thai Mai, ông bỏ áo ngoài quần, ngồi chăm chú nghe giới thiệu từng thành viên trong cơ quan.

Và khi được mời phát biểu, ông cũng chỉ nói mấy lời ngắn gọn, gọi là một chút tâm tình với anh chị em. Chính giọng nói ấm, nhẹ và nụ cười hiền của nhà thơ đã chinh phục mọi người ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.

Thuộc “típ” lãnh đạo có tác phong quần chúng, Hoàng Trung Thông không thích lối ăn vận gò bó. Nhà thơ Ngô Văn Phú nhớ lại: “Rất hiếm khi thấy ông quần áo chỉnh tề ngồi trong văn phòng” và “Quần áo ông mặc hầu như không bao giờ là”.

Nhà báo Trung Sơn thì kể: “ở liên hoan phim lần thứ IV tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1977, anh là Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện. Điều lạ là tôi thấy anh đi đôi giày da lộp cộp, nhưng chỉ một hôm thôi, lại thấy anh kiếm đâu đôi dép nhựa lẹp kẹp ở khách sạn Bến Nghé”.

Bình dị, cởi mở trong giao tiếp nên mặc dù đã có tuổi, lại giữ cương vị lãnh đạo, song Hoàng Trung Thông luôn tạo cho anh em cán bộ trẻ một cảm giác thân gần.

GS Phong Lê, người sau này kế tục ông giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn học cho hay: “Ông ghé vào đâu, anh em có thể nói chuyện hàng giờ với ông. Gặp ông ở ngoài đường, có thể cùng nhau tạt vào một quán nước chè, muốn bàn gì với ông cũng nhanh gọn và tiện. Còn muốn khẩn cầu ông điều gì thì chỉ cần có thêm chén rượu để kéo dài câu chuyện”.

Nhân nhắc đến chuyện uống rượu - một trong những cái thú của thi nhân họ Hoàng, nữ tác giả Phong Lan cũng cho biết: “Anh chị em trong Viện quý ông, biết ông luôn “viêm màng túi” nên thỉnh thoảng kéo ông ra quán, đãi một chầu rượu suông.

Chỉ thế thôi mà bác cháu đôi bên rất vui vẻ, hỉ hả, chẳng có vẻ gì là cách bức giữa thủ trưởng và nhân viên cả”. Không chỉ có vậy, theo nữ tác giả Lê Phong Tuyết thì vị Viện trưởng của chị còn gần gũi, thân tình với anh chị em cán bộ cấp dưới đến độ “Có lúc, bác lại nhờ chúng tôi trả hộ mấy chén rượu “xếch” bác uống với vài người bạn ở quán gần cơ quan”.

Thật đúng như TS Lã Duy Lan nhận xét: “Ai mời nước ông uống, ai đưa thuốc ông hút, có thì ông mời lại, chẳng hề kiểu cách xa lạ…”.

Khi nhà thơ Hoàng Trung Thông giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn học được ít năm thì ủy ban Khoa học xã hội - cơ quan chủ quản của Viện Văn học lúc bấy giờ - bắt đầu thực hiện việc “chuẩn hóa” một số chức danh, theo đó, những người ở cương vị như Hoàng Trung Thông đều phải chuẩn bị hồ sơ để phục vụ việc xét phong học hàm Giáo sư và Phó giáo sư.

Với quan điểm “làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi”, Hoàng Trung Thông tỏ ra “bất cần” trước những yêu cầu nói trên. Rốt cục, cả ủy ban Khoa học xã hội chỉ trơ trọi riêng mình Viện trưởng Viện Văn học là không có học hàm Giáo sư (hoặc Phó giáo sư).

Điều này lắm lúc cũng gây cho Hoàng Trung Thông những bất tiện trong điều hành công việc. Song dẫu thế nào thì thi nhân họ Hoàng cũng không một chút ân hận về sự lựa chọn của mình.

“Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi”- nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu có lẽ đã có cách nhìn nhận đúng khi cho rằng, việc lãnh đạo Viện Văn học là công việc mà Hoàng Trung Thông “cần phải làm, bởi được giao phó”, còn “hứng thú của ông có lẽ lại ở chén rượu và câu thơ”.

Ở đây, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đã có một sự liên hệ thông minh “Có lẽ câu châm ngôn nước ngoài: Hãy nhanh chóng làm cái phải làm để làm cái ta thích làm lại có vẻ thích hợp với Hoàng Trung Thông”. Và khi đã đối diện với chén rượu, câu thơ, Hoàng Trung Thông hoàn toàn trút bỏ chiếc áo Viện trưởng.

Nhà văn Phong Thu từng kể: Một lần, ông và người bạn cùng trang lứa được thi nhân họ Hoàng đãi rượu ở một tửu quán trên phố Bà Triệu. Khi nâng cốc, anh bạn lên tiếng: “Xin chúc thủ trưởng”. Hoàng Trung Thông nghe vậy thì ngồi yên, giọng lạnh tanh hỏi: “Cậu chúc gì ai đấy?”.

Anh bạn vội giải thích: “Chúc anh”. Hoàng Trung Thông vẫn ngồi im. Phải đến vài giây trong tư thế ấy, ông nhìn chằm chằm vào người vừa buông ra lời chúc, cười nhạt bảo: “Thơ - không có thủ trưởng. Uống đi!”.

Hoàng Trung Thông là vậy. Nhưng như thế không có nghĩa là không phải không có lúc ông đã kết hợp nhuần nhị trong mình cả hai tư chất “nhà thơ” và “Viện trưởng”. Nói như nhà thơ Nguyễn Bao thì “Sự vô tư, niềm say mê lý tưởng và đặc biệt tấm lòng nghệ sĩ đã giúp ông hoàn tất những công việc nhiều khi nặng nhọc và phức tạp với phong thái ung dung, thanh thoát, đầy ngẫu hứng…”

Hà Khải Hưng
.
.