Vi Thùy Linh phiêu du cùng "Phim đôi tình tự chậm"

Thứ Ba, 14/06/2011, 08:42
Tôi gặp Vi Thùy Linh lần đầu tiên tại Hội thảo thơ Hải Phòng cách đây hơn chục năm. Hôm đó Linh là đại biểu trẻ nhất lên đăng đàn diễn thuyết và gây được ấn tượng mạnh bởi sự nồng nhiệt, thẳng thắn có phần hơi cực đoan, quá khích. Nét tính cách này Linh mang vào thơ mình khá trọn vẹn.

1. Trong một thời gian ngắn, với sự xuất hiện của hai tập thơ: "Khát" (NXB Hội Nhà văn, 1999) và "Linh" (NXB Thanh niên, 2000), Vi Thùy Linh đã ghi một dấu ấn đậm nét trong làng thơ trẻ đương đại và trong dư luận người đọc. Dù ở mỗi người, ấn tượng đó khác nhau, người khen, kẻ chê, nhưng chúng ta không thể không công nhận đó là một hiện tượng. "Hiện tượng Vi Thùy Linh" đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi với hai luồng ý kiến trái ngược nhau, kéo dài hơn một tháng từ ngày 17/2 đến ngày 24/3/2001, liên tiếp trên các số 7, 8, 9, 10 báo Người Hà Nội. Rồi tiếp sau đó là tập thơ song ngữ Việt - Pháp "Đồng tử" (2005), song ngữ Việt - Anh "ViLi in love" (2009). Vì sự tranh cãi sau tập "Linh", mà bản thảo tập thơ "Đồng tử" phải "dạo chơi" qua vài nhà xuất bản rồi mới được ra mắt người đọc. Dù sự đánh giá về hiệu quả nghệ thuật còn có điều chưa đồng thuận, song có thể thấy những nỗ lực cách tân, không chịu khép mình dưới cái bóng của mỹ học truyền thống được thể hiện rõ trong các tập thơ của Linh. Sinh thời, Xuân Diệu cho rằng, một bài thơ sống được đến 50 năm, đã có thể xem là vĩnh cửu, bởi nó có khả năng thoát được nạn ôxy hoá của thời gian. Trong hoàn cảnh bây giờ, một bài thơ "sống" được 5, 7 năm đã có thể xem là điều đáng mừng, tức là nó đã có dấu hiệu trụ lại được với thời gian. Một số bài thơ của Linh ra đời cách đây chục năm, đọc lại ta thấy vẫn mới mẻ. Các tập thơ của Linh đã có đời sống và số phận của nó.

Với Vi Thùy Linh, báu vật của đời người là tuổi trẻ. Người ta có thể dấn thân, khám phá, phiêu lưu trong quãng đời thanh xuân đó. Dù con đường họ nỗ lực khai phá ấy ngày mai có thể trở thành đại lộ, hay chỉ là lối mòn không người đi, nhưng điều đáng quý là họ đã dám khai phá, đã dũng cảm đem thơ mình, đời mình vào một cuộc chơi mạo hiểm. Nếu Linh không tâm huyết với nghề, không có bản lĩnh, chắc sẽ tìm một hướng đi khác, một cách viết khác an toàn hơn. Và chắc chắn rằng sẽ không có một ViLi như đang hiện diện trong đời sống thơ ca hôm nay.

Bìa tập thơ "Phim đôi - Tình tự chậm" của nhà thơ Vi Thùy Linh.

2. "Phim đôi - Tình tự chậm" là tập thơ thứ 5 của Linh, ra đời khi chủ nhân của nó tròn 15 năm thi ca. Chúng ta vẫn gặp lại ở đây một Vi Thùy Linh của những dự cảm nồng nàn và khát khao mãnh liệt trong tình yêu. Cá tính dữ dội ấy không chịu được những gì quá quen thuộc, càng không thể buộc mình vào khuôn khổ. Với Linh, nghệ thuật dường như đồng nghĩa với sự thành thật và mới lạ một cách đặc biệt. Ngôn từ trong thơ Linh luôn hàm chứa sự dồn nén và bùng nổ của cảm xúc: "Gió kéo đàn qua cửa sổ/ Phổ dọc các khuông đường Vĩnh Yên/ Bạt ngàn bản nhạc tình cổ điển…Venise in ViLi/ Giọng chim quyên lan đi/ Vĩnh Yên vĩnh yên vĩnh yên vĩnh yên/ Mây liếm cong trăng/ Nước xanh theo lá, lá biếc như sao, sao tan vào mắt/ Giang tay xoải chân rạng rỡ/ Vang lộng phương phương tiếng Nàng/ Em yêu Anh yêu Anh yêu Anh…/ Vít lưng trời ập đất, theo Anh/ Ghì bao la nhập nước phồn sinh/ Ôm giữ nhau, cho mọi biên giới tan chảy dưới đôi mình" (Venise in ViLi). Những câu thơ trôi trong dòng chảy miên man của ký ức, vượt qua mọi giới hạn. Nhà thơ như một bản thể căng phồng sự sống, không chấp nhận yên ổn với những câu chữ cũ, những cảm xúc trơn mòn, luôn hăng hái trên con đường tìm kiếm và truy đuổi tình yêu, luôn bị giày vò bởi "những giấc mơ dâng lên", những "lời ca ngùn ngụt tim người" không muốn dứt.

Mỗi bài thơ tựa như một trang nhật ký cá nhân. Tác giả của nó "nhớ từng ngày đi qua, từng cái cây, hồ nước, con đường bị tiêu vong, từng con người, mỗi kỷ niệm đang trôi, từng giây mất mát…giữ từng chi tiết của mỗi ký ức, kỷ niệm, giữ Hà Nội mỗi ngày tha thiết. Tình yêu trong tình yêu". Linh đã dành cho Hà Nội một tình yêu bất tận. Thành phố với biểu tượng là cây cầu Long Biên được ví như tháp Eiffel ngả xuống sông Hồng hiện lên thật sống động trong bài thơ "Link Long Biên". Nhà thơ đã chọn một cách tiếp cận với cầu Long Biên thật thú vị: "Ngồi hoả xa Hà Nội - Hải Phòng/ Chọn tàu hỏa để cùng bay bổng/ 5 phút qua cầu trăm năm". Chiều sâu văn hóa và những nét hào hoa thanh lịch của Hà Nội ngàn năm tuổi được khắc họa qua hình ảnh của những nhân vật cụ thể, nổi tiếng trong giới nghệ thuật Thủ đô và cả nước, đã làm nên những ấn tượng đậm nét. Là một người có ý thức lao động nghệ thuật chuyên nghiệp, Vi Thùy Linh luôn đi tìm một cách thể hiện riêng. Lối tổ chức bài thơ theo sự dẫn dắt của vô thức, tiềm thức với rất nhiều liên tưởng bất ngờ, những quan sát, chọn lọc, sắp xếp tưởng như rời rạc, không có sự kết dính mà lại bổ sung cho nhau tạo nên vẻ độc đáo trong thơ Linh. Đoạn kết của bài thơ đã mở ra một không gian tươi trẻ đầy sức sống cho cây cầu tuổi trăm năm:

Kìa cây cầu, kết bằng trăm thiếu nữ đùi
                                  nối nhịp mỹ kiều
Lồng lộng nude sức sống
Lịch sử thở ngực cầu vồng
Lịch sử nóng bỏng Thăng Long
Ánh sáng giai nhân
Làm quên thương đau sông Hồng
Hào hoa bao tài khí anh hùng
Lia chậm nhịp nhịp cầu gợi cảm…
Niên đại, niên biểu thành vô hạ
Cùng Hà Nội thiên niên kỷ
Cầu Long Biên tuổi yêu…

Thơ Vi Thùy Linh ngổn ngang hiện thực, rậm rạp những suy tư trăn trở về một Hà Nội đã bị "trọng thương" vì sự "quy hoạch lộn xộn giải tỏa chất thơ", vì sự xô bồ náo nhiệt thời kinh tế thị trường và thói vô cảm đáng sợ của con người.

Vi Thùy Linh luôn khát khao bộc lộ cái tôi bản thể của cá nhân mình trong đời sống xã hội cũng như trong thơ ca. Ý thức về cái tôi được thể hiện ngay từ chính cách gọi tên mình trong hàng loạt câu thơ: "Nương ngực Anh, em bồng bềnh…/ Bản nhạc tựa tình yêu Linh"; "Trên cánh đồng tình ca mùa Thu/ Linh từ hôn cơn sốt"; "Những giấc mơ dâng lên/ ViLi đắm đuối"; Và đây nữa, táo bạo, thành thực, mời gọi trong "Phiên hoa": "Tỏ tình với Vi Thùy Linh không cần hoa hồng/ Chỉ cần môi thơm lời thật/ Chỉ cần đúng Anh".

Ở đâu và bất cứ lúc nào, Linh cũng không ngần ngại bày tỏ một cái Tôi - tình yêu được đẩy đến tận cùng mọi cung bậc cảm xúc. Dường như mọi thời gian, không gian đều là nơi để Linh bày tỏ những khát vọng tình yêu không giới hạn của mình. Từ thành phố Vancouver bên bờ Thái Bình Dương đến Việt Trì thành phố ngã ba sông, từ quán cà phê lúc 0 giờ đến thảm cỏ ở thung lũng Khoang Xanh, từ đêm Roma "đường đá đen loáng sáng" đến "tận linh dâng hiến trắng" ở xứ sở hoa anh đào…tất cả, tất cả đều ngập xúc cảm yêu đương vừa lãng mạn, bay bổng vừa tràn đầy nhục cảm. Và hơn thế, Linh còn kể cho chúng ta nghe "Một truyện ngắn về nàng Tím hay là Eva Linh" - một khúc hoan ca ngời sáng tôn vinh tình yêu: "Chỉ Tình yêu/ Tái sinh từng - thế - giới/ Tạo ra violette/ Tạo ra vườn địa đàng/ Bằng mật mã ViLi".

Khả năng liên tưởng và trí tưởng tượng phong phú tạo điều kiện cho nhà thơ nhìn xuyên bề mặt các sự vật, phát hiện những mối liên hệ ngầm ẩn giữa chúng. Nó mở ra những trường liên tưởng mới, bất ngờ về một hiện thực khác, một hiện thực được cảm thấy, chứ không phải là một hiện thực được nhìn thấy và miêu tả. Từ những hình ảnh quen thuộc, qua cách cảm xúc và lối viết của Linh, chúng đã mang màu sắc khác, như thể lần đầu tiên xuất hiện và được gọi tên:

"Chiều nay, 17/2/2010, em chỉ một mình tìm lại. Cột mốc số 102 dựng năm 2001 mọc bên cửa khẩu. Lào Cai lên thành phố lâu rồi.  Đứng bên dòng Nậm Thi, em điện thoại. Nói về cảnh tượng yêu vừa trải. Giao cảm tê người. Điện trường nối khí quyển yêu. Da nóng rực, môi ướt. Đầm đìa. Chúng mình cùng trở về quá khứ. Run rẩy hôn Anh sông gió.

Hàng hàng cây hoàng hôn tán tròn kết những mâm sương lớn, rung vỡ ngọc chuông chiều tím. Sóng cỏ lau xào xạc quệt kí ức. Sóng mở hai bờ giọng của sông dự cảm.

Em biết mình đã yêu Anh, từ 31 năm trước, khi Anh 19 tuổi, từ khi em chưa ra đời. Thực sự yêu Anh của ngày 19 tuổi. Tới giờ. Tới sau khi em chết" ("Yêu Anh", "19 tuổi"). Anh luôn được viết hoa, đấy không chỉ là một người tình cụ thể mà còn là biểu tượng của cái Đẹp, của Khát khao, Mơ ước…

3. "Phim đôi - Tình tự chậm" là một ấn phẩm nghệ thuật sang trọng và đắt giá (theo cả nghĩa đen), có sự góp mặt của nhiều họa sĩ, dịch giả, nhà thơ, đạo diễn, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Tập thơ có 39 bài, gồm hai phần. Phần 1 chọn 10 bài của các tập "Khát và Linh". Phần 2 gồm 29 bài được sáng tác chủ yếu trong năm 2010. Ở phần mới này, Vi Thùy Linh viết có "nghề" hơn nhưng không tài năng bằng giai đoạn trước. Giữ được giọng điệu riêng là điều đáng quý, nhưng cũng cần phải biết tránh sự lặp lại mình. Trong thơ, Vi Thùy Linh có cách nghĩ riêng, gương mặt riêng, tiếng nói riêng, không thể bị "gọi nhầm tên hay nhớ nhầm sang gương mặt khác" (điều mà Linh từng lo ngại). Là một cây bút có bản lĩnh, tâm huyết với thơ ca và luôn có ý thức tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật, tôi nghĩ rằng ở chặng đường đã qua, tuy không dài lắm, Vi Thùy Linh cũng đã có được niềm hạnh phúc lớn, đó là được dấn thân, được tung hoành cùng lối viết bạo dạn, tự do, phóng khoáng của mình...

4/ 4/ 2011

Lưu Khánh Thơ
.
.