Chuyện đời thường

Vết sẹo đầu đời

Thứ Năm, 18/08/2011, 08:10

Khác với chị, khi con sinh ra, hàng xóm hiếm khi nghe thấy tiếng khóc của con. Con không thích người lớn bế trên lòng. Con thích nằm yên tĩnh một mình. Ở trên tay người lớn một lúc là con vặn mình khó chịu, mặt con đỏ, vằn vện lên. Mấy tháng trời con cứ ngủ ly bì. Sợ con đói, biếng ăn, mẹ tính giờ đánh thức con dậy, bắt con bú. Hình như con không thích bú. Con muốn ngủ hơn muốn ăn.

Mẹ mừng con lớn dần. Năm tháng, sáu tháng... biết lẫy, biết bò. Gương mặt con khôi ngô, trắng trẻo. Đôi mắt to, ánh mắt rất hiền. Đầu con nhẵn thín, nhìn kỹ mới thấy lơ thơ những sợi tóc tơ màu vàng mềm mướt. Ngắm con, ai cũng bảo, con giống Đường Tăng. Con đáng yêu làm sao. Nhiều lúc mẹ cứ ngắm con hoài. Mẹ ngắm hoài không chán. Mẹ sung sướng trào nước mắt. Con là thiên thần của mẹ.

Con được sáu tháng tuổi. Mẹ trở lại cơ quan làm việc. Bà nội đến trông con. Con lại rất ngoan nên bà không bận. Thời gian rảnh rỗi rất nhiều. Nhà mình mặt phố. Bà bàn với mẹ để bà vừa trông con vừa mở quán bán hàng giải khát, túc tắc thêm thu nhập. Mẹ đồng ý. Dần dà quán của bà rất nhiều khách. Nhiều lúc bà không kịp trở tay. Bà thuê đóng một cái cũi rộng khoảng một mét vuông. Bà đặt con ngồi trong cũi với một ít đồ chơi. Chơi đồ chơi, chán, con không khóc. Con đứng bám vào thành cũi, chăm chú nhìn bà làm việc, nhìn khách trò chuyện, ăn nhậu. Đôi mắt to, mi mắt dài, ánh mắt trong vắt như ngày nào con mới được sinh ra. Có lần, mấy cậu thanh niên giấu bà giấu mẹ, cho con "nếm" bia, cà phê. Con bị say, mắt, mặt đỏ bừng. Da đầu cũng đỏ. Cái đầu không tóc, lắc lư như con gà chọi. Đám thanh niên thích thú cười. Mẹ nhìn con, tội nghiệp. Xót xa quá.

Khi chị của con vào lớp một. Con được một tuổi. Chị là đứa trẻ thông minh, tự giác. Chị còi nên chưa bế được em. Em vẫn thường xuyên bị "giam" trong cũi. Chị hay trêu em lắm. Chị trêu con khi nào con khóc mới thôi.

Con bắt đầu biết cáu, tập toẹ câu chửi bậy. Bực tức là con ném, quẳng đồ chơi ra xa. Có lần con lọ mọ nghịch đồ của bố. Bố quát, đánh vào mông con một cái. Con tức giận, mặt đỏ lên. Con vớ cái đĩa sứ ở trên mặt bàn trước mặt ném mạnh xuống sàn nhà. Choang! Chiếc đĩa vỡ tan. Bố sững sờ, ngạc nhiên. Bà nội bảo, thằng này "đầu gấu", gớm lắm chứ không phải vừa đâu.

Năm con lên bốn tuổi. Một sự kiện xảy ra với con. Có lẽ đây là sự kiện con sẽ nhớ mãi không quên. Một sự kiện làm thay đổi tính cách của con. Bởi ngay sau đó tính khí của con khác hẳn những ngày qua.

Một buổi chiều con đang chơi đá bóng với các bạn cùng trang lứa ở góc phố. Trong đám đó có Dũng. Ngày ấy, con chơi thân với Dũng. Rất kỳ lạ là hai đứa gần nhà, cùng sinh một ngày một tháng một năm, chỉ khác nhau giờ sinh. Đang chơi vui, Dũng dỗi bỏ về. Con chạy theo kéo bạn ở lại chơi tiếp. Dũng vẫn ngấm nguẩy đi về. Tức giận, con vớ hòn sỏi ném theo bạn. Đúng lúc vô tình, Dũng quay mặt lại. Viên sỏi chỉ bé bằng ngón tay út, nó vẫn đủ làm xước trán Dũng. Dũng không thấy đau. Nhưng vết xước đã chảy máu. Máu loang trên trán, rỏ xuống má làm Dũng sợ. Dũng khóc rất to để gọi người lớn. Dũng đưa tay quệt nước mắt làm máu loang nhem nhuốc khắp mặt. Có người chạy lại gọi mẹ. Mẹ chạy ra. Mẹ sợ máu. Mẹ luống cuống bế Dũng nằm ngửa trên tay chạy đến nhà bác sĩ. Con sợ không dám đến gần Dũng. Con cũng không bỏ chạy. Con đứng như chôn chân. Mặt tái mét. Bác sĩ lấy nước ấm lau mặt cho Dũng. Nhà bác sĩ gần nhà Dũng. Bố Dũng hốt hoảng chạy sang. Bố Dũng giậm chân, trợn mắt, chỉ vào mặt mẹ: "Ông sang ông giết cả họ nhà mày?". Bố Dũng túm tóc mẹ. Thái độ của bố Dũng càng làm Dũng sợ. Dũng khóc to hơn. Mọi người gàn bố Dũng: "Anh bình tĩnh, trẻ con chơi với nhau. Thằng bé không làm sao đâu. Sợ quá nó khóc, bôi be bét ra mặt thế. Vết thương nhẹ lắm. Đáng gì đâu. Nó chỉ bằng cái đầu tăm". Bố Dũng quay sang chửi mẹ thiếu trách nhiệm, không băng vết thương cho Dũng, để máu chảy nhiều.

Biết bố Dũng là người đàn ông sợ vợ, xót con, mất bình tĩnh dễ có thể làm điều chẳng hay với con trai của mẹ, bà nội bế vội con sang nhà hàng xóm giấu.

Con được giấu trên gác xép tối om của nhà ông hàng xóm. Buổi tối, bố mẹ xách một làn đường sữa, hoa quả, đồ chơi sang nhà thăm Dũng. Con dại cái mang, mẹ xin lỗi bố mẹ Dũng. Mẹ Dũng đành vui vẻ.

Mọi việc ổn thỏa, mẹ mới sang nhà ông hàng xóm đón con về.

Phải đến một tuần, con không ra đường chơi. Không biết hậu quả của việc cáu giận ném bạn của con đã giúp con rút được ra điều gì. Chỉ biết là từ đó, con tránh làm phiền bố mẹ, tránh giao tiếp. Đến nhà ai chơi, mời con ăn không bao giờ con ăn. Thấy bạn có đồ chơi đẹp, có món ăn con thích, con không xin, không mượn. Con sợ ở nhà một mình, sợ tiếng nói to. Con rất sợ ma...

Không biết sau này, con trai của mẹ sẽ ra sao…

Yến Lê
.
.