Về thăm quê hương Hải đội Hoàng Sa

Thứ Ba, 27/12/2011, 08:00
Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa vùng trời biển mênh mông. Đứng trên một trong số các đỉnh núi này nhìn xuống, thấy trời biển bao la. Thu tầm ngắm lại một chút là những cánh đồng tỏi hành xanh mơn mởn như một bức thủy mặc của danh họa thời cổ...

Vẻ đẹp u huyền…

Là hòn đảo nằm giữa biển khơi nên vẻ đẹp của Lý Sơn ít nhiều còn đượm nét hoang sơ. Lý Sơn trước đây còn có tên gọi khác là Cù Lao Ré vì trên đảo có nhiều cây ré sinh sống. Tuy diện tích chưa đầy 10 km2 nhưng trên đảo có năm hòn núi. Cho nên, trong chuyến hải trình từ đất liền ra đảo, khi vừa thoát khỏi cửa biển Sa Kỳ, du khách đã thấy "Bốn phía sóng giăng mây tuyết phủ/ Năm hòn son đứng nắng phơi sương".

Quả vậy, cái cảm giác lênh đênh theo nhịp dập dìu của sóng biển dễ khiến lòng người lâng lâng. Bọt sóng bay bay hòa lẫn vào trong từng nếp nắng của buổi sáng trông thật kì ảo. Thi thoảng vài chú "cá chuồn nhảy dài ăn trứng", thậm chí là bay sát mạn tàu khiến du khách reo lên thích thú.

Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa vùng trời biển mênh mông. Đứng trên một trong số các đỉnh núi này nhìn xuống, thấy trời biển bao la. Thu tầm ngắm lại một chút là những cánh đồng tỏi hành xanh mơn mởn như một bức thủy mặc của danh họa thời cổ. Bờ biển Lý Sơn rất đẹp. Ở đây không có bãi biển thích hợp cho việc tắm, nhưng là nơi rất lý tưởng cho những ai thích ngao du dưới đáy biển, ngắm đàn cá tung tăng bơi lội, san hô màu sắc sặc sỡ, bắt ốc. Ven bờ biển từ chùa Hang đến hang Câu là một cảnh tượng hùng vĩ; một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông. Bạn hãy thử một lần đi chân trần trên làn cát mịn màng, trắng tinh và mát rượi ấy, cùng với khí trời tinh khiết, hãy hòa mình vào bản tình ca đất trời - sóng biển, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thản lạ thường! Thật tuyệt nếu bạn đến đây vào mùa trăng. Đêm trăng lãng mạn và thơ mộng làm sao. Ngồi trên núi Thới Lới thưởng trăng, ngắm biển lung linh kì ảo ánh trăng, gió dịu dàng mang về hương đồng nội thơm ngát.

Ngoài ra bạn được tham quan chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, di tích Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ.

Tượng Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn.

Nổi tiếng nhất là chùa Hang, đây là hang động lớn nhất đảo dùng để thờ Phật. Nó được tạo thành từ thế kỉ XVI từ một vách đá dựng đứng cao gần 20m ở ngọn Thới Lới, do nước biển xâm thực. Hang có bề ngang 30m ăn sâu vào núi trên 25m theo kiểu hàm ếch. Ở trong hang có những kỉ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hang là dãy bàng cổ thụ cành lá sum xuê, trước dãy bàng là tượng Quan Thế Âm hướng ra biển. Đình làng An Hải (trước kia gọi là Lý Hải) là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng năm 1820, đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét chính của kiến trúc ban đầu. Đây là ngôi đình làng cổ nhất Quảng Ngãi. Chùa Đục được xây dựng trong một hang đá trên núi Giếng Tiền. Mới đây, trước chùa dựng tượng Phật Quan Âm được cho là lớn nhất đảo. Âm Linh Tự là nơi tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như lưu giữ những ngôi mộ gió của người lính Hoàng Sa... Lý Sơn còn có những hiện vật bằng đá, gốm sứ Chăm, Đại Việt. Đặc biệt trong lòng đảo ẩn chứa rất nhiều di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh.

Là đảo, nên dễ lý giải vì sao những món đặc sản ở đây đa phần là hải sản. Chẳng hạn như gỏi cá cơm, mực, cua Huỳnh Đế, ốc cừ, chình biển… Điều ngạc nhiên nhất là việc chế biến các món này không tốn nhiều công sức và nguyên liệu. Nói đến Lý Sơn mà không nhắc đến hành tỏi thì quả là sơ xuất. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng thơm ngon và đã ít nhiều khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường. Gỏi tỏi được xem như món ăn độc đáo của người dân nơi đây vào những dịp cuối đông và đầu xuân. Bên cạnh đó, những món như rau xa, chân vịt, sóc xôi… cũng làm đắm lòng du khách mỗi khi ghé thăm "Vương quốc tỏi".

Lý Sơn có nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ hội Đua thuyền tứ linh đầu xuân và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đầu năm, hễ cứ đến ngày mồng 4 Tết Âm lịch là nhân dân hai xã trên đảo Lớn tổ chức lễ đua thuyền truyền thống; gồm bốn thuyền đua là Long - Lân - Quy - Phụng. Để rồi ngày mồng 8 Tết Âm lịch, tất cả thuyền đua của hai địa phương trên tựu trung đông đủ về vùng biển trung tâm huyện để tranh tài. Đây cũng là ngày hội khép lại những ngày Tết ở đảo Lý Sơn. Lễ hội đua thuyền gắn liền với tín ngưỡng dân gian, qua đó người dân cầu mong mưa thuận gió hòa. Còn lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức vào cuối tháng hai, đầu tháng ba Âm lịch hằng năm. Đây là dịp để nhân dân trên đảo tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền nhân, trai tráng đã "Vị quốc vong thân" từ hàng trăm năm trước trong công cuộc mở cõi, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa: "Tháng hai có lễ Khao lề thế lính Hoàng (Trường) Sa".

Những khúc ca bi hùng…

Những hình ảnh sống động về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa vẫn còn sống mãi cùng con người đảo Lý Sơn. Và cùng với sóng biển, âm vang của câu ca dao đầy chất bi hùng luôn vọng về: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa."

Thời Chúa Nguyễn, Hải đội Hoàng Sa được thành lập (sau này kiêm quản Trường sa). Với nòng cốt là những trai tráng đảo Lý Sơn, hàng năm vào khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch, tại đình làng An Vĩnh, họ giong thuyền ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ như đo đạc hải trình, dựng miếu, đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đội hùng binh này hoạt động cho tới thời Tây Sơn.

Tại đình An Vĩnh, khi ra đi, những binh phu ngoài mang lương thực, họ còn mang theo bảy sợi dây mây, bảy nẹp tre, một đôi chiếu và tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản quán của người lính để nếu chẳng may hy sinh trên biển, họ sẽ được đồng đội bó xác lại và thả xuống biển với hy vọng khi trôi vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích để đưa về bản quán. Ngày ấy đi biển rất khó khăn, phương tiện thô sơ, chỉ là những chiếc thuyền nan. Họ ra đi với kinh nghiệm và lòng dũng cảm nên phần lớn những người đi Hoàng Sa đều ở lại nơi biển mẹ.

Theo các vị bô lão trên đảo, đó là lí do vì sao có câu ca trên. Nếu đọc thoảng qua bốn dòng của câu ca dao trên, ta không hề thấy chữ nào chứa đựng nét hùng cả mà chỉ thấy cái bi trong "Người đi thì có mà không thấy về". Nhưng nếu ngẫm lại và đọc nhiều lần, ta thấy cái hùng dần hiện hữu. Không có chữ nào đặc tả hay phác họa cái hùng, nhưng chính cái bi lại là gam màu tô thêm sắc rực rỡ của cái hùng. Thử hỏi: Vẫn biết là Hoàng Sa mênh mông và có đi mà không thấy về, vậy tại sao mỗi năm họ lại giong thuyền đi Hoàng Sa? Nếu như trong những con người ấy không phải là dòng máu Lạc Hồng đang chảy, trái tim nhiệt huyết Việt Nam đang đập và lòng yêu nước nồng nàn thì liệu rằng họ có bình thản, hiên ngang ra đi không? Và đó há chẳng phải là cái hào hùng hay sao!

Và những chàng trai ấy đã ra đi, để lại trong lòng người thân chút buồn. Nỗi buồn chia ly mấy ai không có, nhưng điều đáng quý là nỗi buồn ấy không bao giờ bị biến thành bi lụy, dẫu đôi lần người chinh phụ cất tiếng hát: "Mãn mùa tu hú kêu nhanh/ Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về".

Xin lưu ý câu: "Tháng hai khao lề thế lính Trường (Hoàng) Sa", đây là nghi lễ để khắc ghi công lao to lớn của những người con kiên trung, ở đây có một chữ "thế" mà chúng ta cần lưu ý. Có tài liệu ghi là "tế" chứ không phải là "thế". Về phương diện ngôn ngữ thì đương nhiên ý nghĩa của nó khác nhau, nhưng xét về phương diện lịch sử và mặt tâm linh của người dân nơi đây thì hai cách đọc ấy không có gì khác nhau cả. Cần biết rằng trước khi tiễn các chàng trai đi Hoàng Sa, người ta tổ chức lễ thế lính, nghĩa là đưa những người này ra thay cho những người ra đi từ năm trước. Nhưng những người ra đi hiếm khi trở về, cho nên trong lễ "thế" ấy người ta kèm theo lễ "tế". Điều đáng chú ý là những người lính được tế khi còn sống!

Đến đây ta càng thấy được cái hào hùng kì vĩ của câu ca, tạc nên tượng đài sừng sững giữa biển khơi. Đấy là cụm tượng đài "Hùng binh Hoàng Sa" được đặt trước nhà lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Tượng đài gồm ba nhân vật đều cao 4,5 mét, nặng khoảng 40 tấn. Người đứng giữa là cai đội mặc trang phục triều đình, tay chỉ về phía trước (theo hướng Hoàng Sa), tay kia đặt lên cột mốc khắc dòng chữ "Vạn lý Hoàng Sa". Hai tượng còn lại, một cởi trần vác lưới, một mặc áo chùng. Sau lưng tượng khắc "Bản quốc hải cương Hoàng Sa thứ tối thị hiểm yếu"(Hoàng Sa là vị trí cực kì hiểm yếu nơi biên giới quốc gia).

…Và chứng tích sống động

Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng để chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Quý nhất có lẽ là việc phát hiện một sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà tộc họ Đặng đã giữ hơn 170 năm qua. Với sắc lệnh này, chúng ta càng có thêm sử liệu để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

Thật không khó để chúng ta bắt gặp những ngôi mộ gió của người lích thủy binh năm xưa. Thời gian có thể làm hư hao ngôi mộ, nhưng chẳng bao giờ nó xóa nhòa những trang sử hào hùng của dân tộc. Âm Linh Tự là nơi cất giữ nhiều nhất những ngôi mộ gió của người lính Hoàng Sa. Đình làng An Vĩnh, nơi những người còn kiên trung đất đảo dứt áo ra đi hãy còn đó. Và mới đây, nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã được đưa vào sử dụng. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật của thủy binh Hoàng Sa, cùng những giấy tờ, sử liệu chứng minh chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Đặc biệt, ở đây còn trang trọng bố trí bài vị của các cai đội Hoàng Sa nổi tiếng như Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết… cũng như danh tính của từng thành viên trong Hải đội Hoàng.

Ngày nay, dẫu ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn lắm hiểm nguy nhưng những trai tráng Lý Sơn vẫn cứ đi về dải Cát Vàng. Bên ngoài cái sự mưu sinh ấy, đó còn là một minh chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên

Lê Xuân Thọ
.
.