Về thăm hai ngôi làng nổi tiếng trong văn học

Thứ Ba, 28/01/2014, 08:00

Tôi đã chụp ảnh cả 2 ngôi làng ấy, và giờ khi ngồi gõ bàn phím, lôi ảnh trong ổ cứng ra xem, cứ ngơ ngẩn sao mà nó giống nhau là vậy, ở những cái núi trọc phía sau làng…
Làng không có rừng, có còn là làng Tây Nguyên không. Nhất là cả 2 ngôi làng ấy, những chủ nhân nổi tiếng một thời là ông Núp, ông Mết cùng dân làng đã dựa vào rừng, sống cùng rừng, an nhiên với rừng và đi qua chiến tranh nhờ rừng…

Ở Gia Lai, Kon Tum có mấy hiện tượng văn học nghệ thuật thú vị.

Chuyện thú vị thứ nhất là riêng tỉnh Gia Lai có đến 3 nguyên mẫu trong ba bài hát nổi tiếng trong chiến tranh, còn sống đến sau chiến tranh, tự mình nghe người ta hát về mình đến mấy chục năm, giờ 2 người mới mất, còn người vẫn sống. Cả 3 đều là Anh hùng lực lượng vũ trang. Người thứ nhất là anh hùng Núp, nguyên mẫu của bài "Ca ngợi Anh hùng Núp" của Trần Quý với ca từ "Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/ Có anh hùng là chim đầu đàn/ Gương anh Núp đánh tây giữ làng…".

Người thứ 2 là anh hùng A Sanh, mà tôi tự hào nhận là một trong những người có công phát hiện ra ông khi ông đã bỏ nghề sông nước, về ở ẩn đến khi báo chí phát hiện và Nhà nước phong ông Anh hùng. Ông là nguyên mẫu của bài hát "Người lái đò trên sông Pô Kô" của Cầm Phong: "Hỡi Pô Kô ơi, dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biếc/ Nước chảy xiết sâu thẳm/ Bao tháng ngày hỏi sông ơi có biết/ Anh lái đò tên gọi A Sanh".

Và ông thứ 3 là Bùi Ngọc Đủ, hiện còn sống, người mới được phong Anh hùng dù ông đánh trận và nổi tiếng từ năm 1972 ở Quảng Trị, nguyên mẫu trong bài hát "Con suối La La" của nhạc sĩ Huy Thục: "Ơi con suối La La ơi con suối hiền hòa chảy quanh đồi không tên/ nay đồi đã mang tên/ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ". Cả 3 ông đều gắn với 3 bài hát rất hay, đặc biệt là được sáng tác trong thời chiến tranh. Xung quanh các ông có nhiều chuyện vui gắn với cả đời và huyền thoại, tôi đã có vài lần viết về những chuyện xung quanh các ông này. Ông Núp, người Ba Na ở huyện K'bang; ông A Sanh, người Gia Rai, ở huyện Ia Grai, và ông Bùi Ngọc Đủ, người Kinh, quê Thanh Hóa, giờ ở huyện Đăk Đoa, đều thuộc tỉnh Gia Lai.

Điều thú vị thứ hai là có 2 ông Anh hùng gắn với 2 ngôi làng nổi tiếng. Cả 2 ông và ngôi làng của các ông đều trở thành nguyên mẫu trong 2 tác phẩm văn chương của cùng một ông nhà văn, là ông Nguyên Ngọc. Đấy là ngôi làng Xô Man của ông Mết (tác phẩm "Rừng xà nu") và làng Kông Hoa của ông Núp (tác phẩm "Đất nước đứng lên"). Ở ngoài đời, làng Xô Man có tên gọi là làng Xốp Nghét và làng Kông Hoa có tên gọi làng S'tơ.

Đường lên đỉnh Kon Ka King, nơi ngày xưa Anh hùng Núp lập làng chiến đấu.

Tôi từng đến làng Xốp Nghét và ghi lại chuyến đi ấy thế này: "Làng Xô Man cũ có thể tên thật là Xã Đoàn thuộc Tu Dốp ở cách làng bây giờ đến 70 cây số, và hình như nó đã lẫn đâu đó vào rừng già mà nghe đâu ngay cả khi còn sống thì cụ Mết cũng chưa bao giờ trở lại được nơi ấy kể từ sau năm 1975. Nguyên do là người Tây Nguyên bình thường đã thường xuyên du canh du cư, thay đổi nơi ở và nơi canh tác, thế mà lại còn chiến tranh, giặc dã, còn bao yếu tố khách quan, chủ quan khác xảy ra trong gần một thế kỷ biến động kia. Làng mới Xô Man bây giờ mà chúng tôi vào lần này ở cách thị trấn huyện 30 cây số, nhưng đường đi rất khó, chúng tôi phải xuống xe đi bộ khá xa, có tên là làng Xốp Nghét, xã Xốp. Ở đấy còn ba người con của người vợ thứ 2 của cụ Mết, có cháu dâu và cả chắt nội ngoại. Họ sống khá chật vật...".

Thú thật là làng không còn hình ảnh nào của xà nu. Nằm chênh vênh trên sườn ngọn núi trọc, thấy cứ thui thủi và cô độc thế nào. Nó trơ trọi và khô khốc. Biết làm sao được, vật đổi sao rời, bom rơi đạn lạc, mà lại còn bao nhiêu nhân họa…

Ngôi làng thứ 2 lại khác, giờ nó sầm uất như thị trấn với rất nhiều quán xá, cửa hàng, cửa hiệu. Là làng Kông Hoa của ông Núp.

Năm 1981, cuối năm, tôi đeo balô lên Tây Nguyên nhận công tác thì chuyến công tác đầu tiên là xuống xã Nam, vào làng S'tơ. Chắc các bác lãnh đạo thời ấy cũng có đọc "Đất nước đứng lên" nên có chính sách đổ tiền của vào xã này khá nhiều. Nhà được vận động làm nhà trệt như người Kinh, vận động xóa khố. Trụ sở các loại xây rất to, trường học bề thế… Làng được vận động dời xuống thấp để làm lúa nước. Loa phóng thanh khắp làng. Nói chung Nhà nước đổ tiền của vào khá nhiều, nhưng làng vẫn không phát triển, bởi Nhà nước toàn làm thay họ, chứ họ chưa thấy là họ phải làm. Ông Núp khi này là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đi về như con thoi nhưng tình hình cũng không khá lên là bao. Sau này người Kinh và người Tày Cao Bằng vào khá nhiều, chính họ, bằng những việc làm cụ thể của mình, đã dìu người Ba Na ở đây phát triển. Ví dụ như người Tày mang vào nghệ thuật thiến gà khiến con nào con nấy béo mẫm, rồi trồng rau hàng hóa, lúa nước v.v… Tất nhiên cũng chính họ đã tham gia… phá rừng nhiều nhất.

Làng Xốp Nghét hôm nay.

Sau này, tôi còn nhiều dịp trở lại ngôi làng này, có lần cùng với cả ông Nguyên Ngọc và ông Núp, ngủ ở ngôi nhà 2 tầng tỉnh xây cho ông Núp giữa những ngôi nhà sàn lụp xụp xung quanh. Một ngôi nhà 2 tầng ở giữa làng có đầy đủ xí bệt lavabo nhà bếp phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách nhưng không điện không nước, bà Ch'rơ vợ ông Núp đốt bếp lửa ngay giữa nền gạch hoa theo đúng phong tục Tây Nguyên. Ở nhà ông Núp bây giờ còn ba người là bà Ch'rơ, người vợ nối dây của ông Núp từ năm 1967, cô con dâu vợ sau của anh H'rup (con của Núp với H'liêu mà ông Núp đã cõng ra Bắc khi đi tập kết) và đứa cháu gái, con của H'rup và chị con dâu này. Ngoài ra còn một người cháu gái gọi ông Núp là cậu ruột ở nhà gần đấy. Ông Núp chỉ có hai anh em. Người em gái cũng chỉ có một người con là chị này. Chị có ba đứa con gái rất xinh, đều học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đã ra trường về quê...

Cá nhân tôi, tôi cho rằng, cả 2 ông Mết và Núp đều nhờ có nhà văn Nguyên Ngọc mà nổi tiếng, và ngược lại, ông Nguyên Ngọc cũng có 2 ông để trở thành nhà văn. Nhưng thâm tâm, tôi phục ông Mết hơn. Ông Núp chỉ bắn Pháp chảy máu, chứ ông Mết thực sự giết được lính Pháp kia. Người Giẻ Triêng xưa có tục săn đầu người, hằng năm mỗi làng phải săn được một đầu người thì làng mới yên ổn. Phong tục ấy từ xửa xưa, và nó giúp cho ông cụ Mết săn được đầu Tây thật sự. Nhưng nghe nói, hồi đề nghị phong ông là Anh hùng có 2 ý kiến về ông, một là cho rằng ông là "tầng lớp trên" - khổ cái thời chủ nghĩa lý lịch nó thế, và mấy bố tổ chức đâu có biết già làng, kể cả vua lửa, vua nước đi nữa, cũng chỉ là những người bình thường, ăn cơm nhà vác tù và, chỉ là một hình thức thần quyền chứ trên dưới nỗi gì. Và ý kiến thứ 2 là ông vi phạm chính sách tù binh, ấy là bắt được Tây là ông… beng.

Ngôi làng của hai ông cũng khác. Làng ông Mết giờ rất nghèo, phơi ra nắng với cuồn cuộn gió và bụi. Làng S'tơ trù phú hơn nhiều, và đang có một kế hoạch rất lớn sắp thành hiện thực là phục dựng lại ngôi làng S'tơ cũ thời ông Núp đánh Pháp. Nhưng có điểm chung của cả 2 làng, ấy là… hết rừng. Sau lưng làng S'tơ bây giờ là rừng quốc gia Kon Ka Kinh, nhưng là tít phía trên kia, chứ lội lên chừng chục cây số thì chỉ toàn đồi mà thôi. Mà ngay trên đỉnh Kon Ka Kinh cũng thấy loang lổ xanh xen lẫn vàng. Làng Xốp Nghét tức Xô Man cũng thế, trơ trụi, dù phía sau cũng có núi, nhưng là núi trọc.

Tôi đã chụp ảnh cả 2 ngôi làng ấy, và giờ khi ngồi gõ bàn phím, lôi ảnh trong ổ cứng ra xem, cứ ngơ ngẩn sao mà nó giống nhau là vậy, ở những cái núi trọc phía sau làng…

Làng không có rừng, có còn là làng Tây Nguyên không. Nhất là cả 2 ngôi làng ấy, những chủ nhân nổi tiếng một thời là ông Núp, ông Mết cùng dân làng đã dựa vào rừng, sống cùng rừng, an nhiên với rừng và đi qua chiến tranh nhờ rừng…

"Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng... Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời..." - tác giả "Rừng xà nu" đã viết như thế và quả là, bây giờ rừng chỉ còn trong những trang sách dù chúng không còn bị bom đạn phạt nữa…

Văn Công Hùng (Xuân 2014)
.
.