Về nơi có đền thờ cá ông lớn nhất cả nước

Chủ Nhật, 16/02/2014, 08:00

Ở nơi mênh mông sóng gió, Cù lao Thu - còn có tên là Hòn Khoai Xứ, và tên chính thức hiện nay là huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận - nằm cách đất liền 56 hải lý. Để ra được đảo, tôi phải bay từ Hà Nội vô Sài Gòn, hẹn mua vé tàu rồi ra Phan Thiết, nghỉ lại một đêm để hôm sau lên tàu ra đảo...

Điểm tựa tâm linh

Đảo chỉ rộng 16km2 mà có đến ba mươi di tích lịch sử, tín ngưỡng, văn hóa như chùa Linh Quang, chùa Linh Sơn, núi Cao Cát, chùa Mỹ Quang, chùa Linh Bửu rồi những di tích mang dấu ấn Hoa như Mộ Thầy, Dinh Thầy, dấu ấn Chăm như đền Công chúa Bàn Tranh, đặc biệt là Vạn An Thạnh, nơi thờ cá ông lớn nhất cả nước, tín ngưỡng độc đáo của cư dân biển phía Nam... Tôi quyết định đi thăm Vạn An Thạnh.

Vạn An Thạnh được xây dựng hướng ra phía biển, có phong cách một ngôi đình miền Trung trong đất liền. Đi qua cổng tam quan, qua một sân rộng là đến nhà tiền tế, liền với cả quần thể, chính điện, hậu tẩm và hậu cung. Điểm đặc biệt là nơi đây lưu giữ chừng 100 bộ xương cá ông, số lượng không di tích nào có thể sánh được. Lão ngư Mai Văn Lâm, năm nay 70 tuổi, Trưởng ban quản lý di tích nhiệt tình chia sẻ niềm tự hào và thành kính về Vạn An Thạnh.

Theo ông Lâm, Vạn được ông Đỗ Độ lập nên để thờ Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần (cá ông) từ năm Tân Sửu 1781. Ban đầu Vạn chỉ lợp gianh, sau đó 11 gia đình ngư dân cùng đóng góp để xây gạch, lợp ngói. Đúng một hoa giáp sau, năm Tân Sửu 1841 thì "cố vô", nghĩa là vị cá ông đầu tiên lụy (chết) dạt vô đảo. Vị cá ông đầu tiên này được tôn xưng là "cố" và ngày rằm tháng Mười âm lịch, ngày "kỵ của cố" trở thành lễ hội "cầu ngư" lớn nhất trong năm của Vạn An Thạnh.

Ngày đó, ngư dân trên đảo thường dâng cúng lễ vật gồm một con bê và hai con heo quay, cầu xin cố phù hộ cho họ ra khơi được "đầy ghe khẳm chía" - nghĩa là cá đầy ghe đầy thuyền. Vạn cũng là nơi thờ các vị tiên hiền đã có công khẩn hoang, lập làng, lập vạn trên đảo... Trải qua năm tháng, hiện nơi đây còn lưu giữ 11 đạo sắc phong và Vạn An Thạnh cũng được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1996.

"Hiện nay bộ xương của "cố" được đặt trong "tẩm", cố dài hơn 2m, xương vàng ươm, đẹp lắm. Tôi có chìa khóa đây, nhưng không mở tẩm được, phải có thầy đến cúng trình cố rồi mới dám mở" - ông Lâm cho hay.

Chính điện là ban thờ, ở giữa đề chữ Thần, và nhiều bài vị sơn đỏ, chữ Hán màu trắng, bài vị có kích thước lớn nhất ghi "Cung thỉnh uy linh Thủy tướng Nam Hải dương trung ngọc lân tôn thần", các bài vị khác đều mở đầu bằng "Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần", hai bên là thờ "Tiên sư" và "Thủy long". Xung quanh có hoành phi, câu đối, đồ tế khí rất rực rỡ.

Phía sau của bàn thờ chính là gian tẩm. Tẩm hiện lưu giữ bộ xương cá ông lụy năm 1841, dựng trên giá đỡ để thờ, ngoài ra là rất nhiều chum sành đựng chừng gần 100 bộ xương cá voi và sinh vật biển khác. Đây là nơi đặc biệt linh thiêng trong tâm thức ngư dân trên đảo Phú Quý, nên rất thâm nghiêm. Phía sau của tẩm là gian cuối cùng, có hai cửa đi ra hai bên hiên của vạn, gian này thờ các vị tiên hiền.

Tác giả bài viết bên một bộ xương cá ông được đặt tại nhà trưng bày ở Vạn An Thạch.

Theo tục lệ của ngư dân, khi thấy có cá ông lụy vào bờ thì ngư dân tổ chức an táng, sau dăm ba năm thì hốt cốt mang về Vạn, để chung trong các chum sành. Theo tập tục trên đảo, người nào phát hiện thấy ngài lụy thì người đó báo cho Vạn rồi tổ chức tang lễ như con đối với cha mẹ, phải để tang, phải lạy tạ những người đến phúng điếu. Gần đây, Vạn đã có ban đại diện nên không ai đứng làm "con" như xưa nữa. Năm nay, có 7 vị nhập điện, năm ngoái 11 vị. Những vị này thường nhỏ, chỉ dài chừng 1,2m đến 1,4m. Theo chỉ dẫn của ông Lâm, chúng tôi mới để ý hai hòm gỗ vuông màu đỏ, mỗi bề chừng 50-60cm được trang trí kỹ càng, hóa ra trong đó là 7 bộ xương chuẩn bị làm lễ để đưa vào tẩm.

Nghe chuyện lão ngư Mai Văn Lâm, tôi biết niềm tin của ông đối với cá ông thật mãnh liệt. Với chất giọng sang sảng nhưng đặc biệt khó nghe, ông kể: Với vạn đây thì các ngài linh thiêng vô cùng. Cách đây mấy chục năm, có những người lính đóng quân trên đảo đã căng dây phơi quần áo ở nhà tiền tế, rồi ngủ ở đó, có người dám vào bàn thờ mang "chiếc hải" (thuyền nhỏ bày trên bàn thờ) ra biển nghịch chơi nên ba người đột ngột chết, ai cũng nghĩ là họ bị cảm...

"Còn thấy ngài trên biển thì thường - ông Lâm nói - Nhiều năm dịp tế xuân, ngày 10-12 tháng Giêng, chúng tôi thấy "ông bà" đi cả đàn. Các ngài thường đi giữa biển, đi ngoài cảng. Chúng tôi đi biển cách bờ vài chục lý là có thể gặp rồi, ngài thường xuất hiện kỳ lưng vào thuyền, có khi có cá heo là bộ hạ của ngài nhảy phía trước. Khi ngài lụy, bao giờ cũng có cá heo đi theo, kèm vào đến bờ mới quay đi".

Trong vô số chuyến đi biển, ông Lâm nhớ mãi ngày 11 tháng Giêng năm Ất Tỵ - 1965, hôm đó sóng to gió lớn, đoàn của ông đi chiếc ghe buồm dài 20m, trọng tải 40 tấn. Trong lúc sợ hãi, mọi người kêu cứu đến ngài nên ngài hiển linh, ngài dài hơn cả chiếc ghe, nổi lên đi song song cách ghe khoảng 10m, chắn trước chiều gió. Vì vậy mà ghe vượt qua cơn nguy hiểm một cách bình an...

- Lúc nguy cấp như vậy thì kêu ngài sao bác? - Tôi hỏi ông Lâm.

- Khi đó thì chỉ có cách dậm chân xuống sàn ghe mà kêu: Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần... cứu chúng con. Lớp trẻ không nhớ thì thường chỉ kêu: Ông Cự cứu con! Ông bà cứu con. Và đã kêu cứu thì ai cũng hứa lễ tạ như hứa cúng bê, cúng heo, gà... Có người thấy nguy hiểm quá, và có điều kiện thì hứa lớn "xin nguyện một chầu hát bội". Ngày lễ tạ đó là thực hiện lời hứa với ngài, cũng là dịp cùng nhau liên hoan mừng thoát chết.

Nghe chuyện ông Lâm, tôi thầm nghĩ cá ông đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ngư dân trên đảo chinh phục biển khơi, để mỗi lần đối diện với sóng gió và vô vàn bất trắc, họ thêm vững tay chèo, tin tưởng có đấng siêu nhiên che chở...

Biển ta ta đánh bắt

Hiện nay, Vạn An Thạnh có nhà trưng bày, trong đó có bộ xương cá voi đầu to (cá nhà táng) chết năm 1963, dài 17m, trọng lượng khoảng 50 tấn. Nhìn bộ xương cá đồ sộ, tôi thầm nghĩ, với kích thước lớn như thế, một khi xuất hiện, nâng đỡ mạn thuyền thì đây quả là một sự trợ giúp tuyệt vời đối với ngư dân. Các nhà khoa học giải thích rằng, cá voi hô hấp bằng phổi nên mỗi khi biển động, nước thiếu dưỡng khí, cá phải nổi lên mặt nước để thở. Do phản xạ nên cá ông thường nép vào các con thuyền để tránh sóng, như vậy là hai bên nương tựa vào nhau... Dù ngư dân ngày nay đã am hiểu khoa học hơn xưa, đã quen với việc đọc sách báo nhưng có điều lạ là bất cứ ngư dân nào chúng tôi gặp trên đảo, khi hỏi về cá ông, họ đều nguyên vẹn niềm tin tưởng, thành kính gần như tuyệt đối đối với sự phù hộ của cá ông mỗi khi ra biển.

Ông Châu Văn Lực, 60 tuổi, ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh thì nhớ mãi một chuyến đi biển năm 1994. Hôm đó khi thuyền ông đang bủa cá mập thì bỗng gặp trời dông to gió lớn, lo sợ quá, ông liền thắp ba nén nhang đứng trước mũi thuyền dậm chân ba cái và đọc câu thần chú "Cự tộc Ngọc long Thủy tướng Nam Hải" thì ngay lập tức ngài xuất hiện to hơn chiếc xe ôtô. Hai lỗ mũi của ngài phun lên giống hai vòi nước với độ cao khoảng hơn 10m, đồng thời phát ra tín hiệu như một tiếng chuông ngân dài. Ngài nằm phía trên gió của thuyền, giúp chiếc thuyền vững vàng hơn và cứ thế ngài đã đưa thuyền của ông về đến tận đảo. Khi về gần đến đảo ngài quay đầu phun hai vòi nước, và lại vang lên như một tiếng chuông rồi mới bơi ra biển.

Các ngư dân đều nói, ngày nay đi biển họ vẫn thường gặp "ông bà", nhưng lâu lắm rồi chưa ai bị nạn phải kêu cứu để "ông bà" trợ giúp nữa. Nguyên do là ngày nay dự báo thời tiết tốt hơn, dài ngày hơn nên những ngày thời tiết xấu thì tàu bé đã trú ở nơi an toàn.

Từ câu chuyện cá ông, tôi hỏi thăm các ngư dân trên Cù lao Thu về tình trạng đánh cá trên biển, thì điều bất ngờ và thật vui là không ai nao núng, ai cũng nói vẫn đánh bắt như thường. Số người e ngại cũng có nhưng không nhiều. Ông Mai Văn Lâm mới ngừng đi biển vài năm nay thì nói: Đi gần không có cá nữa, bây giờ thuyền nào cũng trang bị máy dò, máy tầm ngư, nên phải đi xa. Biển của mình mình cứ đánh bắt, đâu có vấn đề gì. Mấy năm trước tôi vẫn đi biển, gặp tàu Trung Quốc, tàu Philippines...

Ông Tạ Văn Phúc, sinh năm 1951, vừa trở về từ biển cho hay, ông câu cá xuất khẩu cách Phú Quý 400-450 hải lý, cũng có tàu bè của nước này, nước khác. "Đâu có gì sợ. Biển ta ta phải bám thôi" - ông Phúc nói.

Sống nhờ biển, đối mặt với hiểm nguy từ biển, nếu ngư dân không có niềm tin tâm linh vững chắc, không có niềm tin vào chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì sao họ có thể vững vàng vượt qua sóng gió, ngày đêm chinh phục và canh giữ biển khơi? Đứng trước Vạn An Thạnh, bắt tay những ngư dân quen ăn sóng gió, tôi thầm nghĩ như vậy

Nguyễn Phan Khiêm
.
.