Về Đại Định, nhớ "làng kháng chiến kiểu mẫu"

Thứ Tư, 29/07/2009, 09:30
Theo sử sách để lại thì làng Đại Định là một làng có truyền thống cách mạng. Cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20 cụ Phạm Duy Hiên (thường gọi là cụ Đô Hiên) cùng với cụ Tạ Thị Bô đã tham gia Đảng Nghĩa Hưng của cụ Hoàng Hoa Thám và Đặng Thị Nhu (Nho). Vào các năm 1895 - 1896, cụ Đô Hiên giúp Đề Thám cầm một cánh quân chiến trong suốt 3 năm.

Những ngày tháng 7, đối với hầu hết những người lính trở về từ chiến trường, dường như đều có cảm xúc giống nhau. Có người thăm lại chiến trường xưa. Có người vào nghĩa trang liệt sĩ thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất. Có người cuốn theo dòng cảm xúc ngồi viết lại những ký ức về bạn bè một thuở. Tiến sĩ Tạ Đình Thính, nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp văn phòng Trung ương Đảng, Chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, một người con của làng Đại Định (xã Tam Hưng, Huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) thì trả ơn làng bằng một cuốn sách viết về lịch sử của làng để kịp ngày kỷ niệm.

Theo sử sách để lại thì làng Đại Định là một làng có truyền thống cách mạng. Cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20 cụ Phạm Duy Hiên (thường gọi là cụ Đô Hiên) cùng với cụ Tạ Thị Bô đã tham gia Đảng Nghĩa Hưng của cụ Hoàng Hoa Thám và Đặng Thị Nhu (Nho). Vào các năm 1895 - 1896, cụ Đô Hiên giúp Đề Thám cầm một cánh quân chiến trong suốt 3 năm.

Trước Cách mạng Tháng Tám, trí thức làng là các cụ Cử, cụ Tú, cụ Cống, những người có học chữ thánh hiền đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Vào những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, lứa thanh niên có học, phần đông là học trò cụ giáo Tạ Đình Giáp ở trường Kiêm Bị đã tham gia cuộc vận động dân chủ 1936-1939. Một số thanh niên làng Đại Định ra Hà Nội đã tiếp cận được các tư tưởng của Đảng, chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ. Nhiều người đã đến với mặt trận Việt Minh học cùng lứa với các đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Thọ Chân, Tạ Hoàng Cơ... Những người này sau khi tiếp thu tư tưởng yêu nước đã tiến hành tuyên truyền cách mạng. Nhiều người trở thành các nhân tố mở đường cho phong trào, chuẩn bị cướp chính quyền ở địa phương.

Sách lịch sử của làng chép lại: "Sáng ngày 19/8/1945, hàng nghìn quần chúng trong xã và một số thôn lân cận, dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề, sau khi bắn ba phát súng hiệu mở đầu cho đoàn quân khởi nghĩa tiến lên Bình Đà. Hàng ngũ chỉnh tề, đoàn quân khởi nghĩa 8 thôn phối hợp cùng nhiều cánh quân khác kéo lên Bình Đà. Hoảng sợ trước khí thế cách mạng của quần chúng, tri huyện Lê Quang Nhạ bỏ huyện đường chốn chạy thoát thân. Toàn bộ huyện lỵ Thanh Oai về tay cách mạng".

Cổng đình làng Đại Định.

Làng Đại Định (trước 1945) có xóm trong và xóm ngoài, được bao bọc bởi thành cao, lũy tre và hào sâu. Ở xóm ngoài, tính từ đầu làng kéo dài về phía đông, là một thành đất cao hơn 1m, với lũy tre dày đặc dài khoảng hơn 400m. Liền đó về phía đông là hào sâu đến giáp làng Tê Quả. Xóm ngoài ở phía tây, theo hướng từ đầu làng cũng là lũy tre, không có hào sâu, thì lại có hệ thống ao liên hoàn. Xóm trong cũng được bao bọc bởi hào sâu luỹ dày. Các xóm có cổng xây, xóm nào không có thì dân quân du kích trong kháng chiến làm cổng chống (kiểu như cửa bẫy chuột) bằng cả cây tre ken dày, có cành tre và gài mìn muỗi.

Với thế đất như vậy, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946), dân quân làng đã nhiệt liệt hưởng ứng, địa thế tự nhiên đặt lên vai nhân dân làng, nhiệm vụ ngăn chặn mở vùng lấn chiếm của quân địch, là địa khu (gọi là khu Đô Hiên) an toàn cho Chính phủ, quân chủ lực rút lui an toàn vào vùng tự do Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức đi Hòa Bình đến "Thủ đô kháng chiến", làm cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm. Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cũng đã tới vùng đất này. Ông nhìn về Hà Nội ngập trong khói lửa để viết bài ca bất hủ "Người Hà Nội". Nơi đây cũng là nơi ông Tạ Đình Đề đã mở làm huyết mạch khi đồng đội nhập thành và rút ra chiến khu an toàn.

Để bám trụ và làm tròn nhiệm vụ trên con đường đánh phá vùng tự do của địch cũng như bảo vệ hành lang kháng chiến, bảo vệ lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đại Định đã làm nên hệ thống hầm hào quanh làng dưới các lũy tre: "Đại định có 2 đường hầm: đường thứ nhất ở xóm ngoài dài 500m chạy từ nhà ông Đạt đến nhà cụ Đó chia làm 3 ngách, cửa hầm là chỗ cối giã gạo nhà ông Chấm, đường thứ hai ở xóm trong dài 600m, kéo dài từ nhà Tây (nhà ông Bê hiện nay), đến ao nhà cụ Dúng, có cửa chạy vào chùa, một ngách chạy ra lũy tre ao Sào, có cửa ra cánh đồng, một ngách ra buồng nhà cụ Phương.

Xóm trong, cửa hầm là chỗ gốc cây thị nhà ông È, buồng nhà ông phó hội Kỉnh, hệ thống hầm thông nhau chằng chịt. Giữa ngách nọ và ngách kia được ngăn bằng rãnh nước (như một "ao nhỏ") khi địch phát hiện, hun hầm ngách này mà lặn ngụp sang ngách khác thì khói không lan sang được. Nhờ cách này mà ngày 18/11 năm Quý Sửu một số du kích thoát chết. Hệ thống hầm hào này có thể ví như "Củ chi" thời kỳ kháng chiến chống Pháp" (trích trang 79 - lịch sử cách mạng xã Tam Hưng).

Ngay từ đầu năm 1947, dân quân du kích đã tổ chức chống càn. Địch đưa một lực lượng mạnh có cả xe tăng tấn công. Dân quân du kích chiến đấu dũng cảm, cầm chân địch. Vài ngày sau Pháp lại mở đợt hành quân thứ 2, gặp sự kháng cự, xe tăng,  tô địch bị chặn lại. Đến đầu làng Đại Định, chúng cho hoả lực mạnh tấn công dữ dội. Du kích anh dũng chiến đấu cầm chân địch 3 ngày. Một số đoạn tường rào, cống xóm bị phá hủy. Dân quân tự vệ Đại Định nổ súng chiến đấu quyết liệt. Trong trận này, đồng chí Nguyễn Đình Đại đã anh dũng hy sinh để lực lượng dân quân du kích rút an toàn. Chiếm được làng, địch đã đốt sạch cả làng.

Tiến sĩ Tạ Đình Thính từng nghe kể lại rằng, vì căm thù giặc, tất cả thanh niên nam, nữ, những người khoẻ mạnh đều vào đội dân quân du kích, tất cả đều được trang bị vũ khí, ai cũng có lựu dạn do nhà máy Phan Đình Phùng chế tạo. Vũ khí đó còn đơn sơ lắm, lựu đạn dễ nổ ngay trên tay khi giật "nụ xòe". Ai cầm lựu đạn, mìn là thành "Cảm tử quân" rồi. Mìn muỗi gài khắp cổng làng ngõ xóm. Đáng kể là có khẩu súng Carađiêng do ông Tạ Đình Đề cướp được của địch và 1 khẩu "Phan Đình Phùng" do dân Đại Định đóng góp tiền để mua.

Khi đó, để động viên dân góp tiền, anh em có câu "đem vàng đổi súng cối xay". Dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu. Chỉ huy là ông Tạ Đình Hâm, Bí thư chi bộ lo công việc chung của xã, các ông Tạ Đình Thái, Đào Văn Lê là ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến xã, ông Lê Đình Nhờ là chi uỷ viên phụ trách làng Đại Định, ông Tạ Đình Am là Chính trị viên thôn đội, ông Tạ Đình Bưởi là Thôn đội trưởng, ông Phạm Duy Tóa là Thôn đội phó. Có trận dân quân Đại Định tiêu diệt hơn 50 tên địch. Tuy nhiên, địch cũng tập trung một lực lượng lớn liên tục tổ chức vây ráp, tấn công Đại Định.

Chỉ hơn một tháng từ ngày 23/11/1949 đến ngày 6/1/1950, chúng đã 3 lần vây đánh Đại Định, mặc dù quân dân Đại Định chiến đấu anh dũng, nhưng với vũ khí thô sơ và sự phối hợp, chi viện của bộ đội địa phương mỏng, địch đã tràn vào làng và 42 dân quân du kích của làng đã hy sinh.

Ngày 6/11/1950, địch bất ngờ huy động một lực lượng lớn đánh vào khu làng kháng chiến Tam Hưng và khu Đô Hiên hòng xóa làng chiến đấu, xóa con đường kháng chiến nối vùng tạm chiếm với vùng tự do, cắt đứt con đường liên lạc, tiếp tế từ vùng Hà Đông, Hà Nội qua vùng Ứng Hòa đi Lương Sơn, Hòa Bình, đi Kim Bảng, Chi Nê nối liền với khu tự do.

Hôm đó, Bí thư Chi bộ Tạ Đình Hâm, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến xã Tạ Đình Thái đang có mặt ở xóm trong, phát hiện thấy dấu hiệu của cuộc càn quét, ông Lê Huy Tẹo, một du kích gan dạ ngay từ mờ sáng đã lội qua Cừ (Đỗ Giang) chui qua cống đồng Mây từ xóm ngoài vào xóm trong để thông báo cho chỉ huy và dân quân du kích biết. Nhưng không kịp, địch đã tràn vào ngõ xóm trong làng Đại Định. Vẫn thủ đoạn cũ, chúng lùng sục, phát hiện ra cửa hầm, chất rơm rạ, quăng lựu đạn vào cửa hầm để hun đốt. Trong trận đột kích này có 13 dân quân du kích đã ngã xuống, trong đó có đồng chí Tạ Đình Hâm, là Bí thư Chi bộ của xã Tam Hưng.

Tiến sĩ Tạ Đình Thính đang viết những trang cuối cùng của cuốn sách về ngôi làng yêu thương của mình. Tôi thấy ông nâng niu bản thảo như nâng niu chính những linh hồn của các anh hùng liệt sĩ cũng như bao con dân của làng đã hóa thân vào núi sông làng mạc. Cuốn sách cũng là lời biết ơn sâu nặng tới những người con của làng đã góp phần cùng hàng trăm nghìn đồng đội đã anh dũng hy sinh khắp mọi miền tổ quốc để làm nên tượng đài vinh quang của đất nước Việt Nam hôm nay

Song Kim
.
.