Văn học thiếu nhi: Vắng bóng các nhà văn trẻ

Thứ Sáu, 06/06/2008, 10:15
Văn học thiếu nhi từ lâu bị bỏ ngỏ, thậm chí được coi như thứ văn học hạng hai, "vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền". Người viết đã từng nghe một nhà văn trẻ tuyên bố: "Tôi chả dại gì viết cho thiếu nhi. Nhuận bút văn chương nước mình quá thấp, mấy ai mong mình làm giàu bằng văn học được...".

Theo thống kê của NXB Kim Đồng, tỉ lệ sách văn học dành cho thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chiếm khoảng 20% số lượng sách văn học thiếu nhi nói chung. Con số này kể cũng không quá bi quan nếu chúng ta không đi sâu tìm hiểu.

Thực tế, các tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm vẫn là tái bản tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương.

Ngoại trừ trường hợp nhà văn viết cho thiếu nhi số 1 hiện nay là Nguyễn Nhật Ánh mỗi năm đều có tác phẩm mới, còn thì hiếm hoi lắm mới thấy bóng dáng của một vài nhà văn trẻ tham gia vào lãnh địa này.

Thiếu vắng tác phẩm văn học dành cho các em đến nỗi nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng ban Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng phải viết thư tâm huyết kêu gọi các nhà văn trẻ, rằng các bạn hãy dành thời gian, tâm sức để viết cho các em. Nhưng xem ra lời kêu gọi ấy cũng chẳng có mấy nhà văn trẻ "động lòng".

Vì sao các nhà văn trẻ không mặn mà với đề tài văn học thiếu nhi? Đến bao giờ thì chúng ta lại có được những tác phẩm viết cho các em hay và độc đáo như trường hợp nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần với các tác phẩm "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", "Một thiên nằm mộng"?

Nguyễn Ngọc Thuần vừa được vinh danh với giải thưởng Peter Pan, một giải thưởng văn học uy tín của Thụy Điển dành cho các tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất sắc, nhưng cũng chính anh đã tuyên bố, từ nay sẽ không viết cho... thiếu nhi nữa.

Nhìn vào các kệ sách dành cho các em, ở đâu ta cũng chỉ thấy phần lớn là tác phẩm của các tác giả nước ngoài. Trong đó truyện tranh gần như chiếm vị trí độc tôn. Tác phẩm của các tác giả trong nước ngày càng ít về số lượng.

Nhận thấy rõ khoảng trống này càng ngày càng lớn, đầu năm 2008, Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc họp mặt "Gặp gỡ văn học thiếu nhi"  với 80 người cầm bút tham dự. Nhưng trong số đó, số nhà văn trẻ có thể đếm trên đầu ngón tay.  Đến nỗi nhà văn Tô Hoài phải thở dài: "Tôi buồn lắm".

Ngay trong tháng 5 này, Hội Nhà văn tiếp tục tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi tại Hà Nội. Song, vẫn là một nỗi buồn mênh mang khi nhìn vào bản danh sách đại biểu, lại là những cái tên đã quá quen thuộc với bạn đọc nhỏ tuổi và phần lớn là các nhà văn... cao tuổi.

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này không khó. Đời sống văn học những năm vừa qua đã chứng kiến một số cuộc ồn ào thu hút dư luận từ phía các tác giả trẻ, trong lĩnh vực thơ, tiểu thuyết, và truyện ngắn.

Những người viết trẻ thông minh và nhập vào thời cuộc nhanh hơn ai hết, họ hiểu nên hướng mối quan tâm của mình vào góc nào của đời sống văn học thì sẽ nhanh chóng được bạn đọc biết đến.

Tình dục, đồng tính là những khía cạnh được khai thác triệt để trong sáng tác của một số tác giả trẻ. Và hiệu ứng trong dư luận thì chúng ta đã thấy.

Trong khi đó văn học thiếu nhi từ lâu bị bỏ ngỏ, thậm chí được coi như thứ văn học hạng hai, "vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền". Người viết đã từng nghe một nhà văn trẻ tuyên bố: "Tôi chả dại gì viết cho thiếu nhi. Nhuận bút văn chương nước mình quá thấp, mấy ai mong mình làm giàu bằng văn học được.

Vấn đề còn lại là danh tiếng. Trong thời đại thông tin như hôm nay, không viết về đề tài thu hút sự tò mò của độc giả, làm sao có thể nhanh chóng được biết đến. Hàng trăm người viết cho thiếu nhi mới có một người trở thành Nguyễn Nhật Ánh".

Như vậy, văn học thiếu nhi, ngay trong tư duy của người cầm bút đã chưa có được một vị trí thỏa đáng và công bằng.

Viết cho thiếu nhi hay viết cho người lớn dễ hơn đã trở thành đề tài của nhiều cuộc trao đổi, tranh luận. Nhưng có một điều chắc chắn là, những người đã từng ít nhất một lần cầm bút viết cho các em đều hiểu rằng, sẽ không thể có một tác phẩm thành công nếu người viết thiếu đi sự yêu thương, sự am hiểu về thế giới của trẻ nhỏ.

Nôn nóng - một căn bệnh thường gặp ở nhà văn trẻ sẽ là một trở ngại đối với chính họ, nếu họ muốn lựa chọn việc viết một tác phẩm cho thiếu nhi. Dường như, viết cho thiếu nhi là công việc cần ở nhà văn sự bình tâm, sự thấu đáo và chắc chắn là một sự an nhiên, trong vắt trong việc cảm nhận đời sống xung quanh mình.

Nặng lòng với văn học thiếu nhi, nhà văn Tô Hoài từng bày tỏ bức xúc: "Văn học thiếu nhi Việt Nam gần như không vận động, không có phong trào, không có lực lượng. Không ai khuyến khích các nhà văn trẻ viết cho các em cả".

Và cho đến khi chúng ta giật mình nhìn lại thì khoảng trống đã là quá lớn. Đó là một thiệt thòi cho văn học nói chung và cho bạn đọc nhỏ tuổi nói riêng. Chúng ta đang thiếu đi những tác phẩm văn học hay, đủ để nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé của các em. Nói rộng ra, văn hóa đọc của trẻ em cũng đang ngày một suy giảm.

Vẫn là nhà văn Tô Hoài quả quyết: "Nếu trao giải thưởng 1 tỉ đồng thì sách thiếu nhi sẽ hay ngay". Câu nói đó hàm ý rằng, cần có một sự đánh giá xứng đáng hơn đối với những người cầm bút viết cho thiếu nhi. Có như vậy thì mới có mong được những tác phẩm hay. Và cố nhiên, sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của nhà văn trẻ

Thy Đoan
.
.