Văn hoá xin lỗi

Thứ Tư, 21/09/2011, 08:00
Trong 2 năm (từ 1998 đến 2000), Báo X. tổ chức một cuộc thi cả văn lẫn thơ để chào mừng thế kỷ XXI. Ban đầu, Ban tổ chức công bố: Giải nhất 15 triệu đồng. Đến khi trao giải, người đoạt giải nhất về thơ chỉ được lĩnh 5 triệu đồng. Tuy tiền không phải là tất cả và cũng không có ai đi thi, nhất là thi về văn học hoặc nghệ thuật mà vì tiền cả, nhưng làm ăn như thế là tiền hậu bất nhất, là khó chấp nhận...

Từ 1999 đến 2000, Báo Y., cũng tổ chức một cuộc thi cả văn lẫn thơ. Ban đầu, Ban tổ chức công bố: Giải nhất 10 triệu đồng. Đến khi trao giải, người đoạt giải nhất về thơ chỉ được lĩnh 3 triệu đồng. Tất nhiên không chỉ có giải nhất, mà các giải nhì, ba, khuyến khích cũng bị "khấu trừ" một số tiền theo kiểu… giảm dần đều. Tuy tiền không phải là tất cả và cũng không có ai đi thi, nhất là thi về văn học hoặc nghệ thuật mà vì tiền cả, nhưng làm ăn như thế là tiền hậu bất nhất, là khó chấp nhận. Hỏi: Vì sao lại thế? Trả lời (không chính thức): Vì có khó khăn về tài chính nên không đủ tiền để trao theo công bố ban đầu.

Trong thời gian từ 2004 đến 2008, Báo Z. tự hào là tờ báo duy nhất của cả nước (vào thời điểm ấy) có 2 ấn phẩm ra cùng một ngày, vào hai khoảng thời gian khác nhau. Tồn tại một thời gian không dài, một tờ tự đình bản. Hỏi: Vì đâu nên nỗi? Trả lời không chính thức: Vì không bán được (mỗi số tiara khoảng 1.500 đến 2.000 bản) và vì một số trục trặc "nhạy cảm" khó nói ra.

Các ấn phẩm báo chí xuất hiện nhiều nhưng trước những "thất thố" với bạn đọc, không phải lúc nào các cơ quan này cũng có lời xin lỗi (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ).

Cách đây ít lâu, một tờ tuần báo đứng ra tổ chức cuộc thi viết về người tốt việc tốt. Sau khi phát động được một thời gian và một số bài dự thi được đăng tải trên báo, thì cuộc thi tự dưng như ngọn đèn tắt bóng. Hay nói một cách khác: Cuộc thi đã tự kết thúc dở chừng theo lối không kèn không trống.

Có điều lạ là cho dù cuộc thi trên chết non, nhưng tịnh không thấy một độc giả nào thắc mắc cả. Phải chăng tờ báo trên không có một gram nào trong lòng độc giả? Bởi nếu có một gram nào, dù nhỏ nhoi thôi, chắc chắn sẽ có người lên tiếng và gửi thư thắc mắc cho ra môn ra khoai chứ!

Một hôm, trong lúc ngồi uống nước chè và hút thuốc lào vặt ở một quán nước vỉa hè, tôi nghe hai người (chắc là có quan tâm ít nhiều đến cuộc thi dở chừng ấy) chuyện trò to nhỏ:

- Tại sao lại thế nhỉ?

- Do ít người dự thi chẳng hạn.

- Cũng có thể.

- Do thiếu kinh phí chẳng hạn.

 - Cũng có thể.

- Hay là vì cả hai…

- Không loại trừ.

- Tại sao?

- Ấy là tôi đoán mò như thế mà!

- Nhưng sự đoán mò của ông là có cơ sở đấy. Cho nên không thể bảo rằng ông… đoán mò.

- Vậy ư?

- Sao ông không lên tiếng?

- Hơi đâu. Hàng ngày, tôi còn khối việc phải làm. Mà có lên tiếng bằng cách gửi thư, cũng bằng thừa, chắc gì đã được hồi âm.

- Thế ông có nghĩ: Đây chỉ là chuyện vặt trong làng báo không?

- Tôi không nghĩ như thế. Phát động hẳn một cuộc thi, sao có thể cho là chuyện vặt được.

- Thế ông có nghĩ: Làm thế sẽ mất uy tín không?

- Quá mất uy tín là đằng khác. Nhưng…

- Nhưng…sao?

- Có khi chỉ là nhận thức của ông thôi. Còn cái nơi đã làm thế, họ lại không trùng nhận thức với ông, thì sao?

- Thế chả nhẽ ý kiến của một người, cho dù là đúng hoặc rất đúng, không phải là tất cả sao?

Nhân "nhặt" được chuyện này, móc nối với những chuyện trên, tôi tự nghĩ: Mọi chuyện trên đều liên quan đến văn hóa xin lỗi. Đơn giản nhất là những tờ báo trên nên có nhời với người dự thi và bạn đọc của mình, may ra còn nhận được sự cảm thông nào đó.

Chả nhẽ chỉ có nhời xin lỗi mà cũng khó khăn đến thế sao?

Đặng Huy Giang
.
.