Văn hào Pháp Stendhal: Một đời "đen" và "đỏ"

Thứ Ba, 21/12/2010, 12:14
Stendhal là người mở đầu cho trào lưu hiện thực phê phán trong văn học Pháp, song ngoại trừ Honore de balzac, ông không được các nhà văn cùng thời đánh giá cao. Mặc dù vậy, trải bao biến thiên thời cuộc, đến nay, vị trí của người có "Giọng điệu cá biệt nhất trong văn học từ trước tới nay" (như nhận xét của Valery) ngày càng thêm vững chắc.

Cuốn tiểu thuyết "Đỏ và đen" của Stendhal hiện vẫn là một trong những cuốn sách bán chạy tại nhiều nước trên thế giới (hiện ở Trung Quốc, nó đã xuất hiện với 8 bản dịch khác nhau). Gần đây, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng tiết lộ rằng, cuốn sách ưa thích nhất của ông chính là tiểu thuyết "Đỏ và đen" của Stendhal.

Stendhal tên thật là Marie - Henri Beyle. Ông sinh ngày 23/1/1783 tại Grenoble, một thị trấn nằm ở miền Đông nước Pháp, cách biên giới Italia 100 km. Bởi mẹ mất sớm, bố có tư tưởng bảo thủ, ngay từ nhỏ, ông đã được giao phó cho một linh mục Gia tô kèm cặp. Chính sự hà khắc trong cách giáo dục của vị linh mục đã khiến trong trái tim thơ trẻ của ông luôn đầy ắp ác cảm với nhà thờ.

Stendhal trưởng thành trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội, gắn với vai trò thắng - bại của Napoleon (Stendhal từng làm thư ký cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Italia thời Đế chế I). Những năm trong quân ngũ, Stendhal làm việc chủ yếu ở Italia và chính vùng đất cũng như con người nơi đây đã gợi cho ông nhiều cảm hứng sáng tác.

Vốn thần tượng Napoleon, lại từng nhiều năm tham gia các chiến dịch quân sự dưới quyền chỉ huy của vị hoàng đế lẫy lừng này, cho nên hình tượng Napoleon đã đi vào những tiểu thuyết trụ cột của Stendhal. Nếu như trong tiểu thuyết "Đỏ và đen", Stendhal cho nhân vật Julien Sorrel mê mải đọc hồi ký của Napoleon thì trong "Tu viện thành Parme", Napoleon được lý tưởng hóa rõ nét qua nhân vật Fabrice.

Sau khi triều đại Napoleon Đệ nhất sụp đổ, Stendhal chủ yếu sống ở Italia, nơi ông xem như Tổ quốc thứ hai của mình. Năm 1822, tại Italia nổ ra phong trào khởi nghĩa của những người Carbonari (nghĩa đen: Những người đốt than, vì những người này trú ẩn trong rừng). Stendhal vốn có cảm tình với lực lượng khởi nghĩa. Ông đã đội một cái tên bí mật là Elrico Vismara để hoạt động. Vismara bị coi là phần tử nguy hiểm, từng bị chính quyền kết án tử hình vắng mặt. Tuy nhà chức trách không phát hiện ra Vismara thực chất là ai, song ít nhiều Stendhal cũng bị tình nghi. Cho đến năm 1830, khi Stendhal được cử làm lãnh sự Pháp tại Trieste (Italia) thì Hoàng đế Áo (người mà quyền lực đang chi phối nhiều tới chính thể Italia) đã không chuẩn y.

Năm 1842, Stendhal về Pháp. Ông tính chỉ lưu lại đây một thời gian ngắn. Thế rồi, trong một lần đi dạo phố, ông bị huyết áp và đột tử ngay trên đường phố Paris ngày 23 tháng 3 năm ấy.

Sinh thời, mặc dù Stendhal thường phát biểu rằng việc viết văn với ông chỉ là một thú tiêu khiển, song thực tế ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc sáng tạo.

Tác phẩm đầu tiên ông viết tại Milan là một công trình biên khảo: "Tiểu sử của Haydn, Mozart và Metastasio" (1814). Ba năm sau, cuốn "Lịch sử hội họa Italia" được in thành hai tập. Năm 1827, tiểu thuyết đầu tay của ông ra đời, đó là cuốn "Armance". Khi Stendhal còn sống, cuốn "Bút ký của một du khách" viết năm 1838 được coi là tác phẩm đặc sắc nhất của ông. Hai cuốn khác, "Laniel" và "Lucien Lenowen" chỉ được xuất bản sau khi ông mất.

Bìa tiểu thuyết "Đỏ và đen" của Stendhal xuất bản ở Việt Nam.

"Đỏ và đen" là cuốn tiểu thuyết trứ danh nhất của Stendhal, được xuất bản vào năm 1830. Tác giả dựa trên một sự việc có thật đăng trên nhật báo Tòa án từ ngày 28 đến ngày 31/12/1827. Tiểu thuyết có phụ đề "Ký sự của năm 1830" và lời đề từ: "Sự thật, sự thật cay nghiệt".

Nhân vật chính của tiểu thuyết - chàng thanh niên Julien Sorel (có nhiều bóng dáng của Stendhal) là một người đàn ông giàu nghị lực và rất thông minh. Anh ta luôn nuôi dưỡng trong mình những ảo tưởng lãng mạn nhưng rồi cuối cùng trở thành nạn nhân của các mưu đồ chính trị. Stendhal dùng hình ảnh một người hùng bị thất bại để đả phá cái giả trá của tầng lớp quý tộc trong xã hội Pháp thời đó.

Tiểu thuyết "Tu viện thành Parme" được xuất bản năm 1839, chỉ ít năm trước khi tác giả tạ thế. Cuốn sách kể về Fabrice, một thanh niên có chí hướng. Anh sùng bái Napoleon nhưng chưa kịp gia nhập quân đội thì Napoleon bại trận ở Waterloo. Trở về Italia, anh bị tình nghi có tư tưởng tự do và bị Quốc vương Parme truy nã. Trong thời gian bị giam ở một tòa tháp, Fabrice làm quen và yêu con gái một viên quan coi thành. Anh được cô gái cứu thoát và trở thành nhà truyền giáo. Tình yêu giữa anh và cô gái gặp trắc trở. Sau khi cô gái và đứa con chung của hai người chết, Fabrice rút lui vào tu viện thành Parme và chết ở đó.

Cả "Đỏ và đen", "Tu viện thành Parme" cũng như nhiều cuốn sách khác của Standhal đều được viết bằng lối văn trong sáng, giản dị, súc tích. Tác giả rất chú trọng khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ giữa tính cách nhân vật với hoàn cảnh xã hội. Trong lá thư gửi Balzac, Stendhal cho hay: Khi viết cuốn "Tu viện thành Parme", để câu văn đạt đến độ chính xác, tự nhiên, ngày nào ông cũng đọc vài ba trang trong bộ Dân luật của Napoleon.

Như ở đầu bài đã nói, sinh thời, tác phẩm của Stendhal được đón nhận khá dè dặt. Bản thân Stendhal cũng ý thức được điều này. Trong lời mở đầu cuốn "Tu viện thành Parme", ông ghi bằng tiếng Anh: "Để cho một thiểu số hạnh phúc". Văn hào Balzac cũng hiểu sự "kén độc giả" của nó khi nhận xét: "Tu viện chỉ có thể tìm độc giả trong một nghìn hay nghìn rưởi người", song đến đây, ông phải chua thêm rằng, đó là những người "đứng đầu châu Âu".

Không chỉ có Balzac, văn hào Nga Lev Tolstoy cũng đánh giá rất cao văn tài của Stendhal. Có lần, Tolstoy nói với một bạn văn: "Hãy đọc kỹ đoạn Stendhal tả trận Waterloo trong "Tu viện thành Parme". Trước Stendhal, làm gì có ai tả chiến tranh như thế? Tôi muốn nói là tả chiến tranh theo đúng sự thực. Bạn hãy nhớ lại cảnh anh chàng Fabrice cưỡi ngựa chạy trên chiến trường mà hoàn toàn "không hiểu gì cả". Tolstoy cũng thừa nhận rằng Stendhal đã dạy cho ông biết chiến tranh là gì, dù ông từng là sĩ quan pháo binh trong trận chiến ở Sebastopol: "Nếu tôi không đọc đoạn văn miêu tả về trận đánh Waterloo trong "Tu viện thành Parme" của Stendhal thì chắc tôi không thể nào viết thành công theo kiểu ấy những cảnh chiến trận trong "Chiến tranh và hòa bình".

Stendhal từng ước đoán là phải nhiều năm sau khi ông mất, tác phẩm của ông mới được người đời ưa chuộng. Thực tế, phải gần bốn mươi năm sau khi Stendhal tạ thế, một số bản thảo của ông mới tiếp tục được công bố, và những cuốn sách ông đã cho xuất bản trước đó mới được nhiều độc giả tìm đọc.

Trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1937, toàn bộ các tác phẩm của ông (gồm 79 cuốn) được in bằng tiếng Pháp. Và năm 1953, cuốn "Nhật ký của đời tôi" của ông được xuất bản bằng tiếng Anh.

Để lý giải cái sự "ngày càng tỏa sáng" của di sản Stendhal, nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới tính nhân văn trong tác phẩm của ông. Đạo diễn Nga nổi tiếng Karen Shakhnazarov, trong một lần trả lời phỏng vấn về việc có những đạo diễn hiện nay thích những cảnh phim gây sốc, thu hút bạn đọc bằng những tình tiết máu me đâm chém, đã nhận định rất đúng đắn rằng, sự đam mê những cảnh phim gây sốc còn bắt nguồn từ chỗ trong văn học, điện ảnh hôm nay xuất hiện nhiều người kém hiểu biết đời sống. Và họ bù lại sự kém hiểu biết đó bằng sự tưởng tượng, bịa đặt. "Vì vậy, các nhân vật của họ dễ dàng bắn giết nhau".

Liên hệ tới trường hợp Stendhal, Shakhnazarov cho rằng, chính Stendhal đã cùng với quân đội Napoleon rút khỏi Moskva. "Chắc chắn ông được mục sở thị rất nhiều cảnh bạo lực. Nếu dựa trên những hồi ức của các sĩ quan Pháp mà làm phim, sẽ xuất hiện những bộ phim khủng khiếp, man rợ, những cảnh ăn thịt người, đánh mất nhân tính! Stendhal là một trong số ít người nguyên vẹn trong cái địa ngục này. Và điều gì xảy ra sau đó? Ông viết "Đỏ và đen", "Tu viện thành Parme". Những tác phẩm cực kỳ tao nhã".

Không biết có phải vì sự nhân văn, "tao nhã" này mà trong thời gian Giang Thanh lộng hành ở Trung Quốc, bà ta tỏ ra không thích "Đỏ và đen" của Stendhal. Và đó là một trong những lý do khiến nhiều độc giả ở đất nước đông dân nhất hành tinh này càng thêm tò mò muốn tìm đọc cuốn sách?

Trần Đắc Danh
.
.