Vấn đề "Chỉ đạo nghệ thuật" ở các nhà hát: Nên bỏ hay giữ?

Thứ Bảy, 27/10/2018, 07:26
Đây là vấn đề chung của sân khấu nước ta từ nhiều năm nay. Cũng không ai nhớ và biết ai là người đã khai sinh, đã “đẻ” ra cụm từ “Chỉ đạo nghệ thuật” hay sự biến tấu của nó “Cố vấn nghệ thuật”, để cụm từ này tồn tại cùng những vui buồn của sân khấu. Tại sao một cụm từ lại có thể vui buồn cùng sân khấu! Có đấy, nó tồn tại như một thực tế được mặc định nhiều năm.


Những người làm sân khấu tự hào vì sân khấu luôn đi tiên phong trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trong công cuộc đổi mới đất nước khởi phát từ năm 1986, sân khấu đã là ngành nghệ thuật đi đầu của văn học nghệ thuật Việt Nam, với những vở diễn dám đả phá những cái xấu, cái ác, sự trì trệ của xã hội đương thời một cách khá mạnh mẽ, tạo nên những dư chấn xã hội lúc bấy giờ như: vở “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình; vở “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm, đặc biệt sau này là những vở đặc sắc của Lưu Quang Vũ như: “Tôi và Chúng ta”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”… Đấy là sự tiên phong thực thụ của sân khấu.

Một sự tiên phong nữa, chính là nghĩ ra cụm từ “Chỉ đạo nghệ thuật”. Và, không chỉ sân khấu, ngành nghệ thuật khác cũng lác đác áp dụng.

Mọi thứ hay dở đều do cơ chế mà nên, phía trên cơ chế là thể chế. Vậy, con người ở thể chế nào sẽ vận dụng hết sức linh hoạt để thích ứng với cơ chế đã được lập trình.

Sân khấu nước ta trước kia, cả nước có 156 đoàn. Nay đều đã chuyển đổi danh tính thành các nhà hát. Số nhà hát mỗi ngày mỗi giảm đi, nhưng chức danh “Chỉ đạo nghệ thuật” thì không thay đổi. Nghĩa là mỗi nhà hát khi có vở mới được dàn dựng và ra mắt, đương nhiên phải có chức danh “Chỉ đạo nghệ thuật”, mà chức danh này chỉ có ông hay bà giám đốc hoặc quyền giám đốc mới được dùng.

Mỗi ngành hay đơn vị nghệ thuật, sự chọn lựa một đường hướng nghệ thuật để phát triển rất quan trọng. Trong sân khấu, chính là con đường dẫn dắt mỗi nhà hát đi theo khuynh hướng nghệ thuật mình chọn lựa.

Khuynh hướng nghệ thuật tạo nên bản sắc riêng mỗi nhà hát. Chẳng hạn Nhà hát kịch Hà Nội đi theo khuynh hướng kịch chính luận; Nhà hát Tuổi trẻ đa tiêu chí (kịch chính luận, bi kịch xã hội, hài kịch…); Nhà hát Chèo Việt Nam theo khuynh hướng chèo truyền thống (không pha tạp, không cải biên…). Đã từng có giai đoạn nói tới kịch chính luận không đâu hơn Nhà hát Kịch Hà Nội, với các gương mặt nghệ sĩ: Trần Vân, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Hoàng Dũng, Tiến Đạt, Phú Thăng…

Một tiết mục trong vở “Quan âm - Thị Kính”.

Nói tới chèo truyền thống không đâu bằng Nhà hát Chèo Việt Nam, với nhiều gương mặt nghệ sĩ các thế hệ như: Diễm Lộc, Thanh Bình, Thanh Ngoan, Vân Quyền, Quốc Anh…

Ai quyết định khuynh hướng nghệ thuật mỗi nhà hát! Đó là ban giám đốc, cao nhất là giám đốc nhà hát. Có thể thấy giám đốc nhà hát có vai trò rất quan trọng trong việc định hình nên khuynh hướng nghệ thuật, phong cách nghệ thuật… của mỗi nhà hát. Nếu giám đốc nhà hát là một nghệ sĩ, nhà quản lý có tài sẽ kiên trì đưa nhà hát đi theo con đường nghệ thuật đã chọn.

Từ đó sẽ chọn lựa những kịch bản, đạo diễn, diễn viên phù hợp khuynh hướng nghệ thuật nhà hát đang theo đuổi. NSƯT, đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Giám đốc của Nhà hát Kịch Hà Nội giai đoạn trước là người kiên trì theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật kịch chính luận, và ông đã góp phần quan trọng tạo nên danh tiếng của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Nhiều thế hệ giám đốc của Nhà hát Chèo Việt Nam như NSND Trần Bảng, NSND Chu Văn Thức, Bùi Đức Hạnh… cũng đã đưa Nhà hát Chèo Việt Nam không chệch hướng khỏi huynh hướng nghệ thuật chèo truyền thống; trước những biến động của sân khấu chèo và những áp lực cải biên chèo nhằm thu hút khán giả đến với chèo…

 Các nhà hát đều có phòng nghệ thuật hoặc hội đồng nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ đạo nghệ thuật cho hoạt động của nhà hát hoặc từng vở diễn, vai trò quyết định là giám đốc. 

Chúng ta đều biết, chủ trương xã hội hóa sân khấu không thu được mấy thành tựu. Các nhà hát từ trước đến nay vẫn phải sống nhờ bầu sữa nhà nước. Nhà nước không cấp kinh phí hoạt động, các nhà hát làm sao sống nổi; đặc biệt trong thời sân khấu ảm đạm hôm nay.

Lãnh đạo một đơn vị sân khấu trước kia là Đoàn trưởng, nay là Giám đốc. Đơn vị sân khấu ấy năng động, hay, dở, có nhiều vở diễn có giá trị, được công chúng biết nhiều và yêu mến… nhiều khi phụ thuộc vào người lãnh đạo cao nhất. Nếu như giám đốc nhà hát nào có tâm, có tầm, có nghề, năng động, biết thu hút và đối đãi người tài; thì đơn vị nghệ thuật sân khấu ấy nghệ sĩ, diễn viên… rạng danh, có thu nhập, và ngược lại.

Một vở diễn nếu ông hay bà giám đốc biết chọn được kịch bản hay, mời được đạo diễn giỏi cùng dàn nghệ sĩ diễn viên được phân đúng vai; cùng điều hành công tác tổ chức biểu diễn, công tác quảng bá hình ảnh tốt…; thành công của vở diễn ấy - công của giám đốc không nhỏ. Và nếu vậy, chức danh “Chỉ đạo nghệ thuật” không có giá trị với những việc họ đã làm. Điều họ làm cao hơn một chức danh cụ thể. Họ và các nghệ sĩ diễn viên đã đem nghệ thuật, những tinh túy của nghệ thuật sân khấu tới khán giả; và thông qua nghệ thuật nhắn gửi những điều muốn nói, tạo những cảm xúc thẩm mỹ trong sáng tới những lớp người đương thời…

Thế nhưng, vẫn có câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Xem xét lại lịch sử ngành sân khấu Việt Nam từ sau năm 1954 đến nay; chúng ta có bao nhiêu ông bà Đoàn trưởng hay Giám đốc (thời nay), là những nghệ sĩ trưởng thành và trở thành lãnh đạo nhà hát.

Một đặc điểm của thể chế là nhà nước cử lãnh đạo. Sân khấu đã có và vẫn đang có những Đoàn trưởng, Giám đốc là người được cử từ những ngành khác về, họ hoàn toàn không có chuyên môn, không có hiểu biết nhiều về nghệ thuật sân khấu.

Thực tế cũng đã chứng minh có những Đoàn trưởng hay Giám đốc không phải từ sân khấu lên; nhưng họ lại lãnh đạo rất giỏi và đưa đơn vị nghệ thuật phát triển rất tốt. Ngược lại, có những Đoàn trưởng, Giám đốc là nghệ sĩ bậc cao (NSND, NSƯT) nhưng lại biến đơn vị nghệ thuật mình lãnh đạo trở nên bung bét, mất đoàn kết, làm ăn lụn bại và nguy cơ dẫn đến tan rã…

Hiện trạng sân khấu Việt Nam đã chứng minh: Có những ông, bà Đoàn trưởng hay Giám đốc bao giờ cũng ngồi yên vị, chắc chắn ở vị trí “Chỉ đạo nghệ thuật” mỗi khi vở diễn ra đời. Trong rất nhiều kỳ Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, vị Cục trưởng này, Cục trưởng kia ngồi một lúc mấy chục ghế “chỉ đạo nghệ thuật ” của mấy chục đơn vị nghệ thuật (tất nhiên phải là Cục trưởng đương nhiệm). Phải công nhận các ông Cục trưởng ấy đại tài, bởi không hiểu tài đâu, sức đâu để chỉ đạo nghệ thuật cho mấy chục đoàn một lúc…!

Trở lại vấn đề "chỉ đạo nghệ thuật" của các nhà hát. Khởi thủy vấn đề này là những ông bà Đoàn trưởng xưa kia không phải nghệ sĩ, nhưng bởi họ có quyền quyết định lấy kịch bản này, mời đạo diễn kia dựng… Như vậy, chức danh “Chỉ đạo nghệ thuật ” gắn tên họ vừa có cái danh về nghệ thuật, và đằng sau là khoản tiền trong kinh phí dựng vở…

Một vấn đề nữa, các đơn vị nghệ thuật tồn tại nhờ kinh phí dựng vở nhà nước cấp. Ông bà giám đốc dù có nghề hay không là những người có công lớn trong việc dựng vở ấy; nhưng nếu không có một chức danh nào thì ông, bà giám đốc chẳng lẽ chỉ hưởng đồng lương suông…

Thực chất, như ở các nước phương Tây có sự phát triển văn minh và minh bạch, rõ ràng; một bộ phim, một vở kịch, người chịu trách nhiệm nghệ thuật cao nhất chính là đạo diễn bộ phim ấy, vở kịch ấy.

Vấn đề “Chỉ đạo nghệ thuật” đã ăn sâu, bám rễ trong sân khấu Việt Nam như một sự hiển nhiên. Trong đời sống nghệ thuật ở nước ta hiện nay, đã đến lúc nhiều giá trị thực phải trở về đúng nghĩa của nó; những sự “ký sinh” cần được bóc gỡ… Vậy: Thứ nhất: Có nên tiếp tục duy trì sự “Chỉ đạo nghệ thuật” hiện nay trong các nhà hát. Thứ hai: Vai trò của Giám đốc Nhà hát rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động của đơn vị sân khấu ấy. Vậy có hình thức nào để không làm giảm: Danh và Tiền mà những giám đốc nhà hát tài năng đáng được hưởng.

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại tiến vào Bốn chấm không (4.0). Nghệ thuật sân khấu nếu không tự mình gỡ bỏ những tư duy cũ, quan điểm cũ, cách nhìn cũ; thì chắc chắn sân khấu sẽ không thể hưng thịnh được.

15-10-2018

Cao Minh
.
.