Vân “dại” và duyên nghiệp ca trù

Thứ Bảy, 05/04/2008, 10:30
Tôi đã vài lần được nghe Bạch Vân hát. Và nhờ có chị mà tôi hiểu ra sự mê hoặc của ca trù. Khi hát chị dường như biến thành một người khác hẳn. Cứ như thể chị đang dốc hết gan ruột của mình ra mong nhận được sự sẻ chia của người đời.

Tôi không thấy chị có gì khác biệt như nhiều nghệ sĩ tôi từng gặp. Chị tất bật như người chị quê nhà của tôi, lo lắng như là đang nuôi con mọn. Áo quần đơn giản, tuềnh toàng. Không son, không phấn. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Chỉ nụ cười là rạng rỡ. Riêng đôi giày đen lỗi mốt vẫn còn lấm đầy đất bùn. Chị vừa đi về. Ngồi xuống là liến thoắng nói. Chỉ duy nhất một đề tài không bao giờ nhàm chán: Ca trù.

Bạch Vân da nâu, gương mặt có nét mạnh mẽ, cứng rắn của người con gái tuổi Đinh Dậu, lại đậm chất "xứ Nghệ". Nhìn chị tôi cứ có một cảm nhận rằng, chị sẽ phải gánh chịu nhiều thử thách của số phận. Cảm nhận ấy chính xác hơn, khi lắng nghe câu chuyện cuộc đời chị. Một cuộc đời mà tôi dám chắc là một người phụ nữ bình thường rất khó có thể hình dung.

Đầu tiên là nói về căn nhà của chị. Nó chỉ chừng 20m2, bừa bộn đủ mọi thứ trên đời. Nhưng chủ nhân chẳng hề có ý che giấu nó. Ngôi nhà ấy tuồng như chẳng thấy có một góc nào cho riêng tư của chị. Sống cùng chị bây giờ là một cô cháu gái, từ Nghệ An ra thủ đô học và một con chó đáng yêu, cứ quấn quýt vào ra quanh chủ nhân. Chị kể, trời mưa nhà dột rất ghê.

Cách đây khoảng chục năm, khi chưa đôn cao cái nền nhà, trước nhà còn là một cái mương, nước mưa còn ngập vào nhà đến tận đầu gối, chị cứ cầm chậu mà tát nước ra cửa. Rắn rết bò vào nhà cũng là chuyện thường tình. Bao lần chị tính chuyện sửa nhà, nhưng rồi chẳng bao giờ sửa được cả. Vì đồng lương của chị eo hẹp. Mà cứ kiếm được bao nhiêu chị lại "đổ" hết vào niềm đam mê ca trù, nên tiền bạc lúc nào cũng ở "vạch xuất phát".

Ca trù, hai chữ đó thôi cũng đã đủ làm nên một cái "ách" (nếu có thể nói như vậy), một mối duyên nghiệp buộc vào thân phận chị. Bạn bè, những người yêu mến chị đều gọi chị là Vân "dại", Vân "điên". Dại, điên quá đi, khi mà người ta đang hối hả lo làm kinh tế, xây nhà cao, mua xe đẹp, hưởng thụ văn minh vật chất, còn chị mấy mươi năm cứ bươn bả trên chiếc xe đạp cà tàng với sứ mệnh lớn lao tự nguyện chuốc lấy, là chấn hưng nghệ thuật ca trù. Hãy nhớ lại hàng chục năm về trước, ngay cả những nghệ sĩ tâm huyết nhất với nghệ thuật dân tộc cũng đều cho rằng, ca trù đã chấm dứt vẻ đẹp rực rỡ của nó, không thể tồn tại trong một đời sống bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí. Riêng Bạch Vân thì có một niềm tin, niềm tin mãnh liệt đến nỗi chị sẵn sàng quăng cả tuổi trẻ, tài năng và tâm huyết của mình vào đó.

Bạch Vân học giỏi văn từ nhỏ. Vốn được nuôi dạy trong một gia đình đậm tinh thần Nho giáo, có cha mẹ và anh trai đều yêu nghệ thuật. Giấc mộng tuổi thơ của chị là bước chân vào cổng Trường đại học Tổng hợp và trở thành một nhà văn. Nhưng rồi chị lại trở thành sinh viên trường Âm nhạc Việt Nam, sau đó là Trường đại học Văn hóa, cũng chuyên ngành âm nhạc.

Rồi chị bất ngờ đến với ca trù, bị cuốn phăng theo nó, bất chấp sự phản ứng dữ dội của gia đình. Gần nửa thế kỷ đã qua, ca trù phải chịu nhiều điều tiếng không hay. Nhắc đến ca trù người ta nghĩ ngay tới những "đào rượu" lẳng lơ, lúng liếng xóm "cô đầu" Khâm Thiên, Ngã Tư Sở ngày nào. Là kiếp "sống làm vợ khắp người ta". Những thị phi ấy không làm Bạch Vân nản lòng. Hành trình đi tìm lại những "người muôn năm cũ", gìn giữ những "ngón nghề" quý báu mới gian nan làm sao.

Gõ cửa các bậc thày về ca trù, buổi đầu chị chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. NSND Quách Thị Hồ giọng ca trù lẫy lừng xứ Bắc từng "dội" một gáo nước lạnh vào niềm đam mê của Bạch Vân. Bà cay đắng: "Học làm gì hả con? Ca trù một đời bà dùng còn chẳng hết. Con bà thì không học. Cháu ba, cô Thanh Huyền đấy, giọng đẹp như thế, cũng không thể sống chết với ca trù. Phần bà, tuy được giải thưởng quốc tế này nọ đấy, nhưng ở ta, ca trù chỉ có lụi đi thôi". Nhưng Bạch Vân không tin vào chữ "lụi" ấy.

Chị làm bà Hồ cảm động đến nỗi bà đồng ý nhận chị làm học trò. Suốt 3 năm ròng rã, chị cũng chỉ được bà luyện cho 4 câu Mưỡu. Nản quá, chị đi tìm cụ Kim Đức, được cụ nhận làm con nuôi hẳn hoi, nhưng 5 năm trôi qua, cụ không truyền dạy gì nhiều. Thời gian đó cụ để thử thách Vân, "xem con này có Tâm không đã". Ca trù vốn là thứ nghệ thuật thiêng liêng, khổ công và dụng công, chỉ những người có Tâm mới gắn bó suốt đời với nó được.

Học được chút nghề mà cơ cực vậy. Có đêm mưa tầm tã, chị đạp xe từ nhà thầy trở về, cứ ngửa mặt lên trời mà khóc, nước mắt hòa nước mưa, thề rằng từ nay sẽ rũ bỏ ca trù, làm việc khác cho đỡ nhọc thân, nhọc lòng. Thế nhưng ngày mai thức giấc, lại muốn xách xe ra cửa, đi gặp thầy để được bước vào cõi "đàn say, phách ngọt".

"Tầm sư học đạo", ôi chao, con đường ấy với Bạch Vân dài và xa hun hút. Chục năm trời, chị gõ cửa, thuyết phục những người thầy ca trù đã "mai danh ẩn tích", quyết mang "khối tình ca trù" xuống tuyền đài như cụ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, cụ Chu Văn Du, bà Kim Đức, bà Mùi, bà Trúc.... Cảm vì tấm lòng thiết tha của chị, các bậc tài danh ấy đều giang tay truyền nghề cho chị. Chị được dạy cách lấy hơi, nhả chữ, nhả câu, chuốt phách cho nảy, giòn, cho tình tứ. Với chất giọng đẹp, mượt mà vốn có, chị đã có thể hoàn chỉnh được các ngón nghề cơ bản của ca trù.

Khi có thể ngồi chung chiếu hát với những bậc thầy của mình cũng là lúc Bạch Vân giật mình nhận ra rằng, các nghệ nhân tài danh đều đã tuổi cao sức yếu cả rồi. Họ cứ lần lượt ra đi mà không người kế cận. Chị lang thang khắp các nẻo đường, từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa đến Hà Tây, Hưng Yên, Phú Thọ. Cứ ở đâu mách có nghệ nhân hát ca trù là chị lặn lội tìm đến, học hỏi, thuyết phục, đưa các cụ về Hà Nội, lo chỗ ăn chỗ ở cho cụ để được cụ truyền giáo. Có lần Bạch Vân đi xe máy xuyên đêm từ Hà Nội vào Thanh Hóa để gặp một nghệ nhân. Chị vừa lái xe vừa ngủ gật, vượt qua cả dặm đường dài mấy trăm cây số.

Chị chỉ lo mình chậm một ngày cũng là không kịp để tiếp kiến cụ. Chị ngậm ngùi kể chuyện về trường hợp cụ Hạ ở Hà Tây. Nghe tiếng cụ đàn giỏi, chị lần mò đạp xe về Quốc Oai tìm cụ. Gặp Vân, cụ Hạ mừng quá: "Thấy con còn trẻ mà bươn bả với nghề này ông mừng quá. Nhưng tai ông đã điếc, tay ông đã run quá rồi. Bà lão nhà ông cũng yếu lắm".

Vân quay về Hà Nội, tìm mua máy trợ thính cho cụ Hạ. Lúc quay lại thì cụ bà đã ra đi. Cụ Hạ nắm chặt tay chị, hứa "Bà lão đi rồi, ông sẽ theo con, sống chết với ca trù". Tròn bách nhật cụ bà, Bạch Vân quay lại, định đón cụ Hạ ra Hà Nội để được cụ truyền nghề cho. Nhưng hỡi ôi, khi chị quay lại thì cụ Hạ cũng đã về nơi chín suối...

Với niềm tin làm sống lại ca trù sau bao năm vắng bóng, Bạch Vân tập hợp được 200 người vào Hội Ca trù Hà Nội, và chính thức ra mắt từ năm 1991. Sau đó chị tìm cách xây dựng Bích Câu đạo quán thành trụ sở của Hội, một địa chỉ mà những ai nặng lòng với ca trù đều có thể ghé đến mỗi tuần.

Chị quyết tâm mở các lớp học về ca trù cho các bạn trẻ, giúp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Liên hoan Ca trù từ năm 2002, tổ chức các buổi hội thảo về ca trù tại Hà Nội. Và gần đây nhất, chị giúp Viện Âm nhạc, cung cấp tư liệu hoàn chỉnh hồ sơ về ca trù để trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Tôi đã vài lần được nghe Bạch Vân hát. Và nhờ có chị mà tôi hiểu ra sự mê hoặc của ca trù. Khi hát chị dường như biến thành một người khác hẳn. Cứ như thể chị đang dốc hết gan ruột của mình ra mong nhận được sự sẻ chia của người đời. Đôi bàn tay nhả phách lúc nhặt lúc thưa đầy cảm xúc. Khuôn mặt chị như đang trôi về một cõi nào rất xa xăm trong tiềm thức, đôi mắt mê dụ như người lên đồng. Tôi chẳng hề ngạc nhiên khi đọc những dòng thơ của nhà thơ Dương Trọng Dật đã viết tặng chị khi đã trót một lần nghe chị thổn thức với ca trù: "Đau đáu một kiếp tằm/ Phút thoát xác hóa thân? Huyền hoặc âm thanh/ Và tiêu diêu nhịp phách/ Những âm thanh như dấu xưa hóa thạch/ Em vắt ra từ máu thịt chính mình”.

Bạch Vân cứ cười tít mắt mà nói về ca trù, Và cũng vẫn là chị rưng rưng nước mắt một lúc khác, vẫn nói về ca trù. Đó là một thứ tình yêu, và còn cao hơn cả tình yêu. Đó là định mệnh của chị. Nó mạnh đến nỗi có thể át đi những hạnh phúc đời thường khác. Trời đã từng cho chị một mái ấm gia đình, nhưng rồi tất cả lại mất đi. Người đàn ông thua chị tới 13 tuổi, đã vào chùa chuẩn bị xuống tóc đi tu thì gặp chị. Rồi mê ca trù mà nên duyên vợ chồng với chị.

Những ngày hạnh phúc là những ngày hai người cùng chung chiếu hát. Chị buông lời, nhả phách, anh chơi đàn đáy ngồi kề bên. Nhưng cuộc sống nghèo, anh chị xoay sang mở quán cơm chay. Rồi quán cơm chay khiến anh xa dần ca trù. Mà chị thì không chịu được điều đó. Chị chọn giải pháp chia tay, để vĩnh viễn được sống trọn vẹn cho ca trù. Cực đoan đến như vậy mới chính là Bạch Vân.

Nhưng tôi biết chị vẫn là đàn bà, trong những lúc giật mình tỉnh giấc. Và chắc chắn là không thoát khỏi nỗi xót xa thương mình, những đêm quạnh vắng trên đường hay những lúc cô đơn, giá lạnh. Hỏi: “Có thật là chị không nuối tiếc điều gì không?” Bạch Vân đáp thật lòng: "Lẽ ra mình phải thu xếp để có một đứa con. Nhiều khi thấy hiu quạnh quá...".

Bạch Vân năm nay đã ở tuổi 50 có lẻ rồi. Và chị lại đang tất bật để hoàn thành luận án Tiến sĩ ngành Văn hóa... Vẫn là đề tài về ca trù. Thứ tình yêu "điên dại" không thể nào dứt bỏ của chị...

Bình Nguyên Trang
.
.