Xung quanh việc “dán nhãn” các sản phẩm có nội dung không phù hợp với trẻ em:

Vẫn còn những băn khoăn...

Thứ Sáu, 06/10/2017, 08:03
Bắt đầu từ ngày 1/10/2017, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT, ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm có hiệu lực. 

Sự ra đời của thông tư được coi là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trước những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, để quy định của Thông tư thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống, còn nhiều điều phải bàn luận.

Cần quy định cụ thể, thống nhất

Một trong những nội dung đáng quan tâm của Thông tư số 09 là khi phát sóng, phát thanh hoặc đăng tải những nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo. Tại Điều 16 của Thông tư quy định rõ: “Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp với từng loại báo chí, xuất bản phẩm, bao gồm nhưng không giới hạn âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng”.

Nội dung cảnh báo phải đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và thể hiện được tối thiểu các khuyến cáo như: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem; Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem; Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 6 đến dưới 11 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 đến dưới 16 tuổi…

Cộng hưởng với việc dán nhãn cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em, rất cần đến cái Tâm của những nhà sản xuất chương trình. Trong ảnh: Chương trình “thần tượng âm nhạc nhí” 2017.

Theo đánh giá của các bậc phụ huynh, quy định về việc cảnh báo chương trình không phù hợp với trẻ em là rất cần thiết và đáng lẽ ra phải được thực hiện từ lâu. Từ trước tới nay, các bậc cha mẹ vẫn chưa có ý thức, thậm chí là bị động trong việc phân loại, lựa chọn chương trình phù hợp với con em mình. Đơn cử như, khi cả gia đình cùng xem một chương trình truyền hình, một bộ phim, nếu không có cảnh báo, các bậc phụ huynh không thể biết trước điều gì sẽ diễn ra trong chương trình để quyết định có nên cho con xem tiếp hay không. Việc đưa ra cảnh báo cũng giống như tạo ra “bộ lọc” cần thiết giúp các bậc phụ huynh cũng như chính trẻ em trong việc lựa chọn các sản phẩm văn hóa phù hợp, có tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ em.

Mặc dù trong Thông tư 09 đã quy định nội dung, thời điểm, vị trí đưa ra cảnh báo đối với phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử nhưng không ít người cho rằng, việc quy định này còn chưa cụ thể, có thể dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện. Theo đó, cần phải đưa ra những biểu tượng cảnh báo thống nhất để người đọc, nghe, xem dễ dàng nhận ra.

Vấn đề cần quan tâm là biểu tượng cảnh báo có màu sắc, kích cỡ như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm về việc thiết kế, duyệt biểu tượng này. Báo in nên có cảnh báo thống nhất bằng hình gì? Tương tự như vậy, báo điện tử, báo nói cũng cần có biểu tượng hình ảnh, âm thanh cảnh báo thống nhất.

Theo quy định thì Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2017 và chắc chắn, việc đưa ra cảnh báo của mỗi cơ quan báo chí, xuất bản sẽ khác nhau. Nếu không để ý và tìm hiểu về quy định của Thông tư 09 thì các bậc phụ huynh khó nhận dạng được các chương trình có cảnh báo không phù hợp với trẻ em.

Một vấn đề nữa cũng khiến nhiều người băn khoăn là ai sẽ chịu trách nhiệm “dán nhãn” những sản phẩm không phù hợp với trẻ em khi chúng được đăng tải tự do lên internet hay mạng xã hội. Với các trường hợp đưa thông tin, hình ảnh nhạy cảm liên quan đến trẻ em lên mạng xã hội thì xử lý như thế nào. Thông tư mới chỉ đề cập đến các ấn phẩm thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản còn những nội dung được đăng tải tự do trên internet và mạng xã hội dường như còn đang bỏ ngỏ.

Để Thông tư 09 thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống thực tiễn, cần có nội dung quy định chế tài cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc các cơ quan báo chí, xuất bản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định của Thông tư thì xử lý thế nào? Hình phạt có đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm hay không. Nếu thiếu chế tài xử lý cụ thể thì việc triển khai thực hiện Thông tư dễ rơi vào tình trạng làm “không đến nơi, đến chốn”.

“Sốc” lại các chương trình truyền hình cho trẻ em

Lĩnh vực đáng quan tâm hiện nay là các chương trình truyền hình cho trẻ em nở rộ trên các kênh sóng từ Trung ương đến địa phương. Đối tượng tham gia chương trình là trẻ em và chương trình có mục đích tạo ra sân chơi giải trí bổ ích cho trẻ em nhưng nếu đối chiếu với những tiêu chí quy định tại Thông tư 09 thì nhiều chương trình có lẽ lại cần phải dãn nhãn cảnh báo không phù hợp với trẻ em.

Những năm gần đây, các chương trình giải trí cho trẻ em đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các chương trình giải trí trên truyền hình. Truyền hình thực tế cho trẻ em là “mảnh đất” màu mỡ để các nhà sản xuất khai thác. Doanh thu từ quảng cáo mà các chương trình truyền hình trẻ em mang lại không thua kém bất cứ một chương trình truyền hình “hot” nào cho người lớn. Nếu như vài năm trước đây, các chương trình truyền hình cho trẻ em chỉ lác đác một vài chương trình, lên sóng chủ yếu vào dịp hè thì giờ đây, “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Vua đầu bếp nhí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu nhí tranh tài”, “Mặt trời bé con”, “Thần tượng tương lai”… nối tiếp nhau lên sóng quanh năm.

Có nên cho trẻ em tham gia các chương trình truyền hình thực tế hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự bùng nổ các chương trình truyền hình cho trẻ em hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Phần lớn các chương trình đều có format từ phiên bản của người lớn nên tính cạnh tranh, tương tác rất cao.

Trong ảnh (từ trái sang): Mộng Thơm, Tâm Hào, Thu Hà (đội Vũ Cát Tường) biểu diễn ca khúc bolero “Đèn khuya” của nhạc sĩ Lam Phương trong chương trình “Giọng hát Việt nhí” 2017 lên sóng hôm 30/9 vừa qua.

Với truyền hình thực tế, để tạo sự hấp dẫn, nhà sản xuất không “ngại” sử dụng những chiêu trò. Có chương trình khai thác quá sâu về đời tư, hoàn cảnh của các em nhằm tạo sự hấp dẫn, gây xúc động cho khán giả. Những cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành tấm vé đi tiếp, giọt nước mắt của những cô bé, cậu bé phải dừng cuộc chơi, sự ồn ào của truyền thông, áp lực từ dư luận xã hội… liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của các em sau này?.

Nhiều chương trình cho trẻ em nhưng “tính trẻ em” lại không rõ nét. Tình trạng trẻ em được khuyến khích hát ca khúc người lớn, nhảy những điệu nhảy sexy, phản cảm đã diễn ra trong các chương trình. Trong trào lưu nhạc bolero “thịnh”, thí sinh nhí cũng được các huấn luyện viên lựa chọn, cho “thử sức” với những ca khúc nhạc tình sướt mướt. Nhiều em hát rất hay, rất “ngọt” nhưng có lẽ, ở lứa tuổi lên 8, lên 10, các em không thể hiểu hết ý nghĩa của các ca từ cũng như thông điệp nghệ thuật mà người nhạc sỹ muốn gửi gắm qua đứa con tinh thần của mình.

Sau mỗi phần trình diễn, ban giám khảo, huấn luyện viên, khán giả lại dành cho các em những “lời khen có cánh”, sự tung hô quá đà với những thuật ngữ như “thiên tài”, “thần đồng”, “thần tượng”… Lời khen tưởng như “vô thưởng vô phạt” ấy có tốt cho sự phát triển của trẻ hay sẽ khiến các em ảo tưởng về bản thân mình?

Trở lại câu chuyện của Thông tư 09. Cộng hưởng với việc “dán nhãn” cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các phương tiện truyền thông, phải cần đến cái “tâm” của những người làm nghề. Phải “sốc” lại những chương trình dành cho trẻ em. Lợi nhuận không  phải mục đích cao nhất đối với việc sản xuất các chương trình cho trẻ em mà trước hết đó phải là giáo dục, giúp các em xây dựng nhân cách, hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ.

Tường Phạm
.
.