Vai trò truyền thông cho hành chính công

Thứ Năm, 12/11/2015, 13:04
Tháng 10 vừa rồi, cổng thông tin Chính phủ ra mắt một trang facebook riêng, như một kênh truyền thông của Chính phủ để tiếp cận người dân theo hai chiều tương tác thông tin một cách thuận lợi hơn. Đó là một động thái tích cực, đáng mừng và cần phải được học hỏi bởi các cơ quan hành chính công khác, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. 

Chưa nói đến việc trang facebook đó sẽ hoạt động ra sao nhưng chỉ cần nói đến việc có ý thức tạo dựng một kênh truyền thông trên mạng xã hội như thế đã là một bước tiến lớn về ý thức hiện đại hóa của những người làm truyền thông Chính phủ trong thời đại thông tin kỹ thuật số như hiện nay. Và điểm lại rất nhiều cơ quan công quyền khác, chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng, gần như chưa một cơ quan nào chọn cách tương tác với người dân bằng mạng xã hội cả. Có lẽ, họ còn e ngại sự phiền hà bởi những ý kiến phá hoại đến từ các phần tử theo chủ nghĩa chống đối (hereism) sẽ làm họ mất nhiều thời gian chắt lọc cổng truyền thông hiệu quả này? Hoặc cũng có thể, họ chưa có những người phụ trách truyền thông hiểu rõ về bản chất của truyền thông như người phụ trách cổng thông tin Chính phủ hiện nay?

Vẻ như quan điểm thứ hai sát thực hơn so với mặt bằng chung của xã hội Việt Nam hôm nay. Người phụ trách cổng thông tin Chính phủ hiện thời vốn trước đây là một nhà báo rất giỏi nghề, năng động và chịu cập nhật của Thông tấn xã Việt Nam. Ở cương vị của mình, chắc chắn ông nhìn thấy một nhu cầu rất cấp thiết trong dân chúng hiện nay, là nhu cầu minh bạch. Và bước tiến chọn mạng xã hội làm kênh tương tác với người dân cho thấy sự dấn thân thực sự của Chính phủ để chủ động việc bạch hóa dần các thông tin, đặc biệt trong hoàn cảnh "thuyết âm mưu" đang tồn tại vô cùng mạnh mẽ trên các kênh truyền thông cá nhân, nhất là những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhất định đến công chúng.

Theo Văn phòng Chính phủ, trong Nghị quyết về Chính phủ điện tử vừa được ban hành, có nội dung về việc thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Người dân cần nguồn thông tin xác đáng, nguồn thông tin mà người đưa tin luôn chịu trách nhiệm 100% trên chất lượng thông tin mình đưa ra. Bởi thế, tồn tại một kênh truyền thông công cộng được cập nhật tốt của các cơ quan hành chính công đã trở thành một nhu cầu bức thiết và lựa chọn kênh truyền thông gần với người dân, dễ tương tác (mạng xã hội) là một hướng đi sáng suốt, khi mà sự lỗi thời của các website chính thức đã ngày càng rõ ràng hơn nhiều.

Song, điểm quan trọng nhất vẫn phải là việc thay đổi tư duy về truyền thông bởi nếu không có sự thay đổi này, việc thực hiện các kênh truyền thông kể trên sẽ chỉ mang tính hình thức. Kênh truyền thông công cộng không thể phủ bụi như những cuốn sách cẩm nang trên giá mà phải luôn được cập nhật liên tục, với những hồi đáp xác đáng, kịp thời. Điều đó đòi hỏi ý thức, tư duy về truyền thông sâu sắc và đó lại là thứ mà cán bộ phụ trách truyền thông ở rất nhiều cơ quan hành chính công đang thiếu.

Đa số các cơ quan hành chính công hiện nay đều tồn tại bộ phận truyền thông với suy nghĩ đơn thuần chỉ là một bộ phận chăm sóc về phát ngôn, báo chí. Thực sự, sức mạnh của truyền thông vượt xa cái giới hạn manh mún ấy. Đơn cử, nếu một bộ A đưa ra một chính sách mới, họ rất cần làm cho người dân hiểu rõ chính sách ấy là như thế nào, phục vụ cái gì, vận hành ra sao. Truyền thông phải làm rõ câu chuyện đó, khuếch trương nó để người dân thấu hiểu chính sách ấy và sẵn sàng giải quyết mọi khủng hoảng ngay từ khi mới manh nha để người dân càng tin tưởng vào chính sách mới hơn.

Nói nôm na, cơ quan hành chính công đưa ra một chính sách mới cũng giống như tập đoàn đưa ra một sản phẩm mới vậy. Bộ phận truyền thông phải có trách nhiệm quảng bá sản phẩm ấy, tạo ra một làn sóng ủng hộ sản phẩm ấy và thu gom những phản hồi về sản phẩm, giải quyết các khúc mắc xoay quanh sản phẩm để hình ảnh của sản phẩm luôn "bóng bẩy" trên thị trường.

Phải thừa nhận rằng, kể từ khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều chính trị gia của Việt Nam đã liên tục gặp các ''tai nạn'' truyền thông khi phát biểu của họ bị ngắt ra khỏi ngữ cảnh và được bình luận, suy luận theo áp đặt chủ quan của cộng đồng. Điều này nguy hiểm ở chỗ, nếu bình luận, suy luận chủ quan kia đến từ những người theo chủ nghĩa chống phá (hereism) thì nó còn gây ra biến động xã hội khó lường. Sự thấu hiểu của dân chúng vì thế là vô cùng quan trọng và truyền thông sẽ góp phần đắc lực vào việc tạo dựng một cơ chế tương tác lành mạnh dựa trên sự thấu hiểu đó.

Đừng vội nghĩ một chính trị gia, một cơ quan công quyền dùng mạng xã hội là để đánh bóng mình. Hãy nghĩ đến một lợi ích lớn hơn, là sự minh bạch, là tính dân chủ, là tính hiệu quả và mục đích ổn định xã hội. Khi một xã hội có tính dân chủ cao, minh bạch, rõ ràng và ổn định, chắc chắn xã hội ấy sẽ tạo ra nhiều giá trị, đồng thời sàng lọc được ngay những nhân tố chống phá luôn ngồi rảnh rỗi để bới móc những nguồn thông tin nhằm đưa ra những quan điểm trục lợi cho riêng mình. Dễ hiểu, chỉ khi thông tin chưa rộng mở, còn nhập nhèm thì những cá nhân như thế mới có môi trường để tồn tại. Ngược lại, họ sẽ bắt đầu phải suy nghĩ đến việc tạo ra giá trị trong khi cả xã hội đang chuyển động mạnh mẽ và tích cực bởi không ai muốn mình bỗng chốc lộ diện là một con sâu đang làm rầu cả một nồi canh ngon.

Hà Quang Minh
.
.