Giáo sư Vũ Khiêu:

Tuổi bách niên vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ

Thứ Ba, 23/09/2014, 08:00
Giáo sư Vũ Khiêu bước xuống từ cầu thang trong bộ quần áo gấm trắng ngần, chống chiếc gậy ba-toong đầy thư thái và thanh thản. Cái dáng hình 100 tuổi chắc chắn, nghiêm nghị, hiền hòa với ánh mắt, nụ cười khiến nhiều người ngưỡng mộ gọi ông là "người không tuổi". Và trước mắt tôi hiện lên một vị giáo sư tôn kính, người đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt thế kỷ XX với bề dày kiến thức rộng lớn đồng thời cũng là một học giả có tâm hồn thơ ca đầy lãng mạn, bay bổng và tinh tế...

Căn nhà rộng lớn của Giáo sư Vũ Khiêu được phủ kín bởi một màu xanh của cỏ cây và những giò hoa nở suốt bốn mùa. Không gian đẹp thoáng đãng và tịch mịch khiến cho tâm hồn người như lắng lại trước những ồn ào, biến động của đời sống tấp nập ngoài kia. Ông bảo ông rất yêu màu xanh, bởi vì đó là màu sắc khiến cho tâm hồn con người thư thái trước tất cả mọi bận rộn. Rồi giáo sư đọc cho tôi nghe bài thơ "Xanh", một áng thơ tình ông viết đã khá lâu: "Cho anh ca màu xanh/ Không phải nước da như ngày tàn nhợt nhạt/ Không phải mái đầu anh khô lời đã bạc/ Cho anh ca màu xanh của biển xanh trời xanh/ Khi buổi ấy lòng anh đã xanh cả những chiều sáng nhất/ Cho anh ca màu xanh/ Cho ánh nắng ngang trời cho đời em đang tươi và hồn em xanh biếc/ Cho anh ca màu xanh từ ánh mắt em chan hòa ánh biếc/ Từ ngày mai trong lành một màu xanh xanh biếc".

Tôi hỏi giáo sư Vũ Khiêu: Viết về ông đã có hàng trăm bài, nhiều người ngợi ca thành tựu ông đã đóng góp cho nền văn hóa, mỹ học nước nhà. Nhưng chưa bao giờ thấy ông thổ lộ chuyện tình yêu, điều mà bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng trải qua và thường lấy làm "tư liệu" để viết nên những áng thơ ca bất hủ. Giáo sư Vũ Khiêu cười tránh câu trả lời của tôi bằng một câu chuyện kể: "Tôi có ông bạn Phạm Huy Thông bằng tuổi nhau, cùng làm Phó chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội, thường hay ngồi trò chuyện cùng nhau. Trong một lần nói chuyện, ông bảo rằng, tuổi của chúng ta là tuổi đào hoa, chỉ có khác rằng, tôi là một người lộ liễu còn anh là một người kín đáo mà thôi"…

Tôi lại hỏi ông, ông làm nhiều thơ tình đến vậy, sao ở tuổi bách niên ông không in một tập thơ để làm kỷ niệm? Ông cười thản nhiên: "Hư vô hết thôi cô ạ! Tôi làm thơ cho vui, rồi vứt đâu hết cả, nhớ được bài nào thì nhớ thôi. Cuộc đời ngắn lắm, phải tranh thủ những việc cần kíp trước mắt. Dù tôi biết rằng, mình rồi cũng sẽ bị lãng quên cùng năm tháng đời người…".

Ở tuổi bách niên, sức làm việc của Giáo sư Vũ Khiêu vẫn khiến thế hệ cháu con phải nể phục.

Có lẽ bởi phải tận dụng từng giây thời gian, nên hầu hết các cuộc hẹn gặp giáo sư Vũ Khiêu đều chỉ được mươi mười lăm phút. Ông để cho các thư ký của mình sắp xếp cuộc hẹn, rồi ngồi cạnh nhắc nhở ông đã đến giờ làm việc. Ngồi cùng ông mười lăm phút thì đã "mất" đến năm phút ông trả lời các cuộc điện thoại, những cuộc gọi vì công việc. Ông nói với tôi một cách đầy hình tượng: "Thời gian của cô ở phía trước là tỉ phú, còn với tôi, chỉ còn vài xu, nên tôi phải tiết kiệm nó hết mức có thể!".

Một ngày của ông bây giờ vẫn là những giờ lao động miệt mài câu chữ. 14 tiếng đồng hồ được ông dành cho công việc, chỉ còn 4 tiếng để ngủ. Dường như nếu không làm việc, thì công việc của ông có thể dồn lại thành cồn, thành núi. Điện thoại reo liên tục, thư điện tử đến tới tấp, những bản thảo dở dang cần đánh máy, những ý tưởng mới lên khuôn, đó là chưa kể có rất nhiều người từ các tỉnh đến gặp ông để xin câu đối, xin chữ, mời ông về viết văn tế, văn bia…

Dù đã phải khước từ rất nhiều cuộc hẹn, rất nhiều chuyến đi, rất nhiều lời đề nghị để có thể yên tâm ngồi bên bàn làm việc, cần mẫn với từng con chữ, từng lời văn, câu văn, nhưng ông lúc nào cũng có xe chờ ở cửa. Nay ông ở Nam Định, ngày mai đã thấy ông về Hải Dương, rồi ông lại bay vào Đồng Nai, TP HCM tiếp tục công việc. Giáo sư Vũ Khiêu đã phải thuê một lúc 6 thạc sĩ để giúp ông soạn thảo các văn bản, nhận email, nhận điện thoại, tiếp khách, trả lời câu hỏi phỏng vấn, sửa chữa bản thảo, đọc lại hàng trăm, hàng nghìn trang sách ông đang gấp rút để hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng thủ đô. Bộ sách dày 2.400 trang mang tên "Văn hiến Thăng Long". Đây là bộ sách do ông lặng lẽ biên soạn dễ đến 10 năm nay nói về nền văn hiến Thăng Long. Không chỉ vậy, song hành với tập sách biên soạn là một tập bút ký, tiểu luận dày hơn 600 trang…

Dễ hiểu vì sao giáo sư Vũ Khiêu tận dụng từng chút thời gian của đời người để làm việc. Đối với ông, một giây phút sống trên đời đều có ý nghĩa. Ý nghĩa vì mình được làm việc mình yêu thích, được đọc thiên kinh vạn quyển, được viết ra những câu chữ để đời cho con cháu mai sau. Dù ông luôn khiêm tốn chia sẻ rằng, với ông, công việc viết lách như là "mệnh giời" chứ không phải đam mê, cũng không phải nỗ lực vì một điều gì cả, nhưng rõ ràng, sự nghiệp của ông, trong vai trò là một nhà mỹ học và triết học, đã là một tấm gương sáng cho con cháu thế hệ sau hiểu được giá trị của sự lao động. Lao động là vinh quang và thực tế bao giờ cũng mang lại những thành quả đáng ngưỡng mộ.

Với giáo sư Vũ Khiêu, còn sống trên đời, là còn tư duy, còn đọc, còn viết, như "khẩu hiệu" mà ông đã từng hào hứng tuyên bố vào một dịp mừng thọ gần đây: "Trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của Trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó".

Gặp giáo sư Vũ Khiêu, nhiều người vẫn hỏi ông một câu quen thuộc "bí quyết nào để ông giữ gìn sức khỏe của mình?", giáo sư cười hiền thổ lộ: "Tôi chẳng có bí quyết gì cả, tôi thích ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ, có hôm dậy từ 4 giờ sáng, có hôm thì 8 giờ sáng mới dậy, thích gì ăn nấy, ngon miệng thì ăn nhiều… Tôi không có khái niệm tập thể dục thể thao vì nó tiêu tốn của tôi quá nhiều thời gian, công sức, trong khi tôi là một kẻ quá nghèo nàn về thời gian. Thỉnh thoảng những lúc chiều xuống, ra đường dạo xung quanh nhà cho thư thái, để ngẫm nghĩ đến những cuốn sách của mình. Lao động trí óc cũng là một cách tập thể dục cho trí não, mà trí não là thứ điều khiển toàn bộ cơ thể mình, để cho tâm hồn mình và trái tim mình luôn ấm áp. Bởi vậy, còn sống được ngày nào là tôi còn làm việc ngày ấy, đó là cả một lẽ sống mà cả đời tôi theo đuổi".

Không chỉ trở thành một biểu tượng văn hóa trong xã hội, giáo sư Vũ Khiêu còn là một thần tượng đối với các con cháu trong gia đình. GS.TS Vũ Thị Quý, con dâu của ông đã chia sẻ: "Ông dạy cho chúng tôi về sự trân trọng cái đẹp, cái cao quý, cái không chỉ ở lý thuyết sách vở mà ở những gì thật bình dị, thật thanh đạm  ngay bên cạnh chúng ta, trong cuộc sống đời thường. Tôi cũng đã thấu hiểu hơn tại sao bố chồng tôi lại là nhà cách mạng kiên cường, đấu tranh không mệt mỏi cho cái đẹp và chân lý, đồng thời cũng là nhà văn hóa có trái tim và tâm hồn rộng mở, quảng đại và vị tha. Tôi cũng hiểu hơn vì sao văn phong của ông lại trẻ trung, sôi nổi đến thế và vì sao nó lại vừa khúc chiết, sâu sắc, lại vừa lãng mạn, dễ làm lay động lòng người đến thế. Nhìn ông tuổi tác đã cao mà hăng say làm việc mới thấy ông yêu đời, yêu người đến thế nào. Ông đã được trời cho sống bằng hai cuộc đời và ông cũng cống hiến cho đời toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình…".

Chúng tôi xin được kính chúc giáo sư vạn thọ vô cương, và nói như Giáo sư Hoàng Chương, một người bạn vong niên của Giáo sư Vũ Khiêu, trong lời chúc thọ ông nhân ngày ông tròn 100 tuổi: "Trong mấy chục năm qua giáo sư đã rong ruổi khắp nẻo đường đất nước để thăm hỏi đồng bào, viếng mộ liệt sĩ, đã viết ra hàng trăm bài Minh, bài Phú tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ… Những câu đối, những bài văn tế hào sảng, thâm sâu và thống thiết của GS Vũ Khiêu được tạc vào bia đá để cho muôn đời sau chiêm nghiệm, tưởng nhớ tới những bậc Hiền nhân, những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc: Là những tinh hoa, những kiệt tác mang yếu tố tâm linh, linh ứng, được phát tiết từ một trái tim nhân hậu, bao dung của một danh nhân văn hóa mang tâm hồn Phật, nên có sức tỏa sáng rộng lớn mang tới cho mọi người những điều tốt lành, những ước vọng về hạnh phúc, và thăng hoa, thăng tiến. Ông xứng đáng là một con người viết hoa, một lão sư tiêu biểu của đất nước trên mặt trận văn hóa…"

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.