Cửa sổ văn nghệ

Từ "phong trào" đến "lưu ý"

Thứ Ba, 02/08/2011, 10:04

Ít nhất hai lần, tôi trực tiếp được nghe một vị là Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói về "giải thưởng liên hiệp". Lần thứ nhất ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vào cuối năm 2010. Lần 2 ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Cả 2 lần, vị Phó Chủ tịch này đều nhấn mạnh: Từ mấy năm nay, giải thưởng liên hiệp đã có thay đổi. Chúng tôi chỉ trao giải cho các cầu thủ chân đất, không trao giải cho các cầu thủ chân giày.

Theo tôi biết, trên sân cỏ, "chân đất" được hiểu là "bóng đá phong trào", "chân giày" được hiểu là "bóng đá nâng cao". Hay nói một cách khác: "Chân đất" được hiểu là "bóng đá nghiệp dư", "chân giày" được hiểu là "bóng đá chuyên nghiệp". Tất nhiên, trong thể thao, kể cả phong trào và nâng cao, nghiệp dư và chuyên nghiệp, còn có nhiều môn khác như điền kinh, bơi lội, võ thuật, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, bóng ném... nữa.

Phản ứng với ý kiến của vị Phó Chủ tịch nọ, có người nói: "Đã trao giải, dù là giải gì, mà nói toạc móng heo như thế, thì là hạ thấp giá trị của người nhận giải. Mà nói như thế thì cũng có nghĩa là đã hạ thấp chính giá trị của đơn vị đứng ra trao giải. Trong cuộc sống, ở nhiều nơi nhiều lúc, không phải lúc nào thật thà cũng được coi là cách hành xử hay!" . Tuy vậy, cũng có một nhà thơ (xin phép được không nêu tên) lại có cách nghĩ khác, ít nhiều cũng mang "màu sắc" thực tế: "Năm ngoái, tôi đã nhận được một giải phong trào đấy. Và tôi đã có 9 triệu đồng để tiêu xài".  Nhà thơ này đặc biệt nhấn mạnh mấy từ: "9 triệu đồng".

"Một giải phong trào" được đong đếm bằng "9 triệu đồng", hình như không nói được gì nhiều. Và số tiền 9 triệu đồng, hình như cũng không phải là đáng kể lắm trong thời buổi này, nhất là khi lạm phát gia tăng, giá cả nhiều mặt hàng cũng gia tăng đến mức chóng mặt.

Cách nay đã lâu, tôi còn nghe được dư âm của hai cuộc thi thơ qua hai cuộc chấm thi vòng chung khảo.

Ở cuộc thi thơ thứ nhất, một vị nói: "Chúng ta nên lưu ý đến nhà thơ này. Ông ta đã làm thơ nhiều năm, vậy mà từ khi cầm bút đến nay đã vừa tròn 60 năm, vẫn không được trao một giải thưởng nào. Lần này, chúng ta nên..."

Ở cuộc thi thứ 2, một vị nói: "Chúng ta nên lưu ý đến nhà thơ này. Bà ta đã hết lòng vì thơ, lúc nào cũng coi thơ là nơi ký thác cuộc đời, lúc nào cũng coi thơ với đời là một, đời với thơ là một, vậy mà cho đến lúc nghỉ hưu, vẫn chưa có một giải thưởng nào. Chúng ta nên…".

- Thế sau đó, các vị khác phát biểu thế nào?

- Thông cảm, sẻ chia… và cuối cùng thì cũng cho qua.

- Thế sau khi được trao giải, được nhận giải, hai vị trên có biết chuyện này không?

- Không.

- Thế thì vẫn còn may.

- May ư? Tại sao?

- Vì cách nhận xét ấy, xem ra có phần hơi… bất nhã.

- Bất nhã chứ không phải hơi bất nhã.

- Nếu liên hệ giữa "giải thưởng phong trào" (ở trên)  với "giải thưởng lưu ý" (ở dưới), bản thân ông rút ra được điều gì?

- Một đằng chỉ quan tâm đến… phong trào, còn một đằng chỉ lưu ý đến… tác giả.

- Chứ không lưu ý đến tác phẩm sao?

- Tất nhiên. Vì nếu chỉ lưu ý đến tác phẩm thì người ta đã không chấm giải kiểu như vậy

Đặng Huy Giang
.
.