Nhà văn Trần Thị Trường

Tự khâu những vết thương

Thứ Năm, 30/07/2015, 08:32
Chị đến với văn chương khá muộn, nhưng ngay từ tác phẩm đầu tiên, chị đã định vị tên tuổi mình trên văn đàn. Người đàn bà có cái vẻ ngoài lịch lãm và tỉnh táo ấy, lại chất chứa một tâm hồn giông bão, nặng nợ với văn chương. Cuộc sống có thể cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng với chị, cái còn lại vẫn là văn chương, những trang viết...

Chị tuổi Hổ, phụ nữ tuổi Hổ đầy nổi loạn và mạnh mẽ, nhưng Trần Thị Trường biết giấu kín con người nổi loạn của chị, vì một thứ mạnh mẽ hơn đó là gia đình, đã níu giữ tâm hồn nghệ sĩ của chị trong những khuôn hẹp của đời sống. Nhưng con người sinh ra, trót đắm đuối với nghệ thuật ấy, thì dù có đi đâu, có làm bất cứ nghề gì, cuối cùng cũng trở về với bản ngã của chính mình, đó là văn chương.

Nhà văn Trần Thị Trường đến với văn chương khá muộn, 40 tuổi, khi đã sống, đã thẩm thấu được bầm dập của đời sống. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị, "Lời cuối cho em" với minh họa bìa của họa sĩ Thành Chương trở thành best seller với số bản in lên tới hàng vạn. Nhuận bút của cuốn sách đủ cho chị xây ngôi nhà mái bằng 17m vuông, thời đó đã là một hiện tượng trên văn đàn.

Nhà văn Trần Thị Trường.

Tôi đọc chị, tìm thấy trong đó những thân phận phụ nữ của một thời đại vừa bước ra khỏi bao cấp, của những kìm nén bản năng, dục vọng. Tôi hỏi vì sao chị cầm bút muộn như vậy. Chị chia sẻ: "Với văn chương, không thể vội, cứ sốt sắng, ăn xổi, tác phẩm ra sẽ nhạt, vả lại, những ngày còn trẻ tôi còn đắm đuối với hội họa. Nhà văn Alesey Tolstoy sau khi có những cuốn sách rất nổi tiếng thì ông đã từng đốt những sáng tác đầu tiên của mình đấy thôi. Tôi cũng vậy, nhiều lúc muốn đốt sách của mình khi đọc lại". Đó là giai đoạn, chị viết liên tục, viết với những ý nghĩ "ngây thơ" rằng, phải đoạt giải Nobel. Nhưng càng viết, càng thẩm thấu đời sống, chị càng hiểu rằng, văn chương chỉ giản dị vậy thôi, đó là những chia sẻ với những thân phận người.

Chị nói, cuộc đời mỗi người đàn bà, hay bản thân chị và những gì chị chứng kiến, không cần hư cấu đã là một bức tranh dữ dội nhiều sắc màu, đủ cho một cuốn tiểu thuyết. Đó là những năm tháng bao cấp, bố mất sớm, chị cùng mẹ gồng gánh gia đình, gây dựng kinh tế gia đình từ một hiệu may, lưu lạc từ Tuyên Quang về Hà Nội. Chị được thừa hưởng "gen" kinh doanh của bố mẹ, nên đến đâu, làm gì có vẻ như thành công cũng mỉm cười với chị. Rồi đến khi lập gia đình riêng, chị cũng là người gánh vác kinh tế gia đình.

Chồng chị là một họa sĩ tài hoa, nhưng cuộc sống của ông có nhiều ẩn ức. Ông chỉ biết đến nghệ thuật mà thôi. Mọi lo toan đời thường dồn lên đôi tay của chị. Con đường duy nhất để thoát khỏi những áp lực kinh tế thập niên 80 của thế kỷ trước là chị học tiếng Nga, rồi đi làm phiên dịch cho thợ hàn ở Sofia - Bungari. Nghĩa là chị cũng phải làm như một thợ hàn bậc 4, biết cả hàn leo như thợ hàn thuyền sà lan.

Ngày 8 tiếng làm việc ở nhà máy, đêm về chị tranh thủ may quần bò bán cho người Di-gan. Khi về nước, bằng sự khéo léo xoay xở, chị kiếm đủ tiền xây nhà. Và bắt đầu nghĩ đến văn chương bởi vốn sống đã dầy và cảm xúc thì tràn ứa trong chị. Nguyên liệu của nó chỉ cần một cái bút bi và chữ thì ở trong đầu rồi. Chị viết bằng sự dồn nén của những năm tháng vật vã, nếm trải nhiều cung bậc của cuộc sống.

Chị kể rằng: "Tôi nghĩ, trừ khi con người lệch lạc về đường hướng, không có sức khỏe, còn người cầm bút không khi nào ngừng suy nghĩ để cho ra đời những tác phẩm chứa chất đầy tâm tư của mình". Người viết bài này nhìn thấy trên máy tính của chị là những trang viết dở, tiểu thuyết Phố Hoài. Cuốn tiểu thuyết đã hoàn thành được 3 chương. Nó giống như một bức tranh lịch sử mà cuộc đời chị trải qua, chị kể lại những sự thật bằng ngôn ngữ của tiểu thuyết. Có những giai đoạn lịch sử rất đau thương, có những bi kịch do con người cố ý tạo ra, có những bi kịch do ngẫu nhiên. Đó là những gì dồn nén trong tác phẩm của chị. Những thân phận đàn bà trong chiến tranh, những kìm nén tình yêu, khát vọng, dục vọng...

Có những chuyện tưởng như phi lý được kể bằng một giọng văn hồn nhiên, giống như một bảo tàng thời bao cấp, khiến người đọc trào nước mắt… Nhiều người nói chị cuộc sống đủ đầy, con cái thành đạt, lại thêm chức Phó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, bận rối đầu, còn đâu thời gian cho văn chương. Chị cười. Nhà văn, có cần phải vỗ ngực lên rằng, ta đang viết thì mới là lao động văn chương không?

Hằng đêm lặng lẽ trước máy tính, chị vẫn viết, vẫn trăn trở cho cuốn tiểu thuyết của mình. Với chị, đó là một tác phẩm lớn, về một thời đại chị đã sống. Sau tất cả những bổn phận,  văn chương, vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời chị, dù nhà văn Trần Thị Trường là người "đa năng". Nhưng bên ngoài cái vẻ sắc sảo, lịch lãm của chị là một tâm hồn nghệ sĩ luôn cựa đạp. Những lúc buồn, chị vẽ. Chị có thể đắm chìm hàng giờ đồng hồ trong một bản giao hưởng. Chị vốn là dân hội họa, theo học khoa sứ gốm của đại học Mỹ thuật công nghiệp.

Ngày còn nhỏ, chị từng được tham dự lớp học Mỹ thuật quần chúng ở 65 Nguyễn Thái Học, học trò của họa sĩ Trần Văn Cẩn, họa sĩ Phạm Viết Song. Nhưng rồi, thời cuộc khốn khó. Vẫn là bài toán kinh tế, làm sao có lò nung làm sao có tiền mua nguyên liệu, màu, vải, hoặc than... Chị  đứt đoạn tất cả những thứ thuộc về tâm hồn mình, để đi lao động xuất khẩu trong danh phận thợ hàn. Thỉnh thoảng chị giở ra vẽ và cũng tự bỏ đi rất nhiều những bức tranh của chị. Tôi hỏi chị bao giờ thì có một triển lãm tranh. Chị cười, đó là một câu chuyện khác. Chị vẽ như một niềm vui sống, một cuộc dạo chơi mà thôi. Bởi với nhà văn Trần Thị Trường, văn chương vẫn là ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời chị.

Một góc bình yên của nhà văn Trần Thị Trường.

Nhiều người bảo, ở tuổi này rồi vẫn còn xăng xái hoạt động, không dành thời gian cho văn chương. Chị hiểu, vắng cô thì chợ vẫn đông. Chị không phải là người ham hố. Nhưng chị trót nhận lời với nhạc sĩ Phó Đức Phương, cũng như văn chương và hội họa, đã làm là không muốn bỏ dở chừng. Chị cũng trót  "biết" quá nhiều, và không thể làm ngơ để mọi thứ cứ lệch pha theo tư duy rối rắm của nghệ sĩ. Đến bây giờ, chị vẫn nói với ông, tìm người thay thế, để chị theo đuổi giấc mơ văn chương và hội họa của mình. 

Có lẽ không ai ngờ rằng, tác giả của những trang viết ám ảnh về thân phận phụ nữ, về khát vọng giải phóng bản năng bị kìm nén ấy, lại là một người cực kỳ tỉnh táo và nhạy bén về kinh doanh. Ai bảo nhà văn tư duy mơ hồ, mộng tưởng. Trong chị còn có một con người khác rất rạch ròi và lo-gic. Chị có cái nhìn sắc sảo, lý tính  như một luật sư. Tư duy về sự công bằng, về những nỗi oan khuất, về những bi kịch của con người con người đã khiến chị đồng tình với cậu con trai vốn rất mê văn chương ở bước đầu chọn học trường Luật và trở thành một luật sư nổi tiếng...

Có lần tôi thấy chị rơi nước mắt trong một chương trình truyền hình khi nói về ca sĩ Ngọc Tân. Hỏi, hay tình yêu của chị là ở đó. Chị bảo, có những tình bạn lớn hơn cả tình yêu. Chị mê âm nhạc, mê giọng hát nhiều uẩn khúc của người ca sĩ tài hoa ấy. Và với tư duy kinh doanh nhà nòi, chị cùng anh tổ chức liên tục thành công những show của Ngọc Tân ở Hà Nội. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước. Đến khi có quá nhiều bầu show và thị trường âm nhạc sôi động hơn, thì chị rút lui.

Chị nói, con người còn sống thì còn tham sân si. Chị hàng ngày tự chế ngự nó bằng cách tập luyện 5 thức yoga Tây Tạng và 1.800 lượt vẫy tay. Điều đó giúp chị giữ được trạng thái an nhiên, tự tại trước những được mất của cuộc đời. Chị nói, chị nhận được nhiều thứ từ cuộc đời và chị cũng luôn ý thức cho việc trả ơn cuộc sống, trả ơn đời. Và trong đời sống nhiều biến động, nhiều bon chen của danh vọng, của thị phi ấy, thì nhà văn Trần Thị Trường vẫn lặng lẽ viết.

Sau đại hội nhà văn, vẫn còn đó nhiều suy ngẫm về trách nhiệm của nhà văn trước những vấn đề nóng của thời đại. Chị không đăng đàn bằng những tuyên ngôn. Bởi tôi hiểu, tác phẩm lớn nhất với chị, đó là tác phẩm về cuộc đời, chạm đến những thân phận, những vấn đề thời cuộc… Chị kể về ngôi nhà ngập tràn sắc màu và âm thanh của chị. Nhà chị, ngôi biệt thự chị đang ở chìm lấp trong màu xanh của cây, của những bản giao hưởng đa sắc màu. Chị vẫn thường ngồi một mình, tận hưởng không khí yên tĩnh đó, và để bắt đầu cho những hành trình không mệt mỏi của chị với văn chương…

50 năm nay, chị vẫn giữ thói quen tự may cho mình những chiếc áo, váy. Trong túi chị lúc nào cũng có một bộ quần áo đang khâu dở. Không theo một xu hướng thời trang nào, mà giản dị, tinh tế như tâm hồn chị. Đó là cách chị tận hưởng những giây phút quý giá của cuộc sống, để khâu lại những vết thương của chính mình và làm cho trái tim mình lành lặn với yêu thương.

Khánh Linh
.
.