“Tứ diện cũ” tìm những vẻ đẹp mới

Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:29
"Tứ diện cũ" là tên của một cuộc triển lãm chuẩn bị diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí minh của 4 hoạ sĩ Hà Nội: Ngô Thành Nhân, Bùi Việt Dũng, Phạm Xuân Dung và Tô Chiêm trong những ngày cuối năm 2018 này.


Cái cách đặt tên triển lãm khá "ngược", cùng với những gương mặt đã cũ của hội họa Việt Nam, ở mảnh đất Kinh kỳ xứ Bắc, "Tứ Diện cũ" phải chăng là một cách thách thức của nghệ thuật trong hành trình sáng tạo không ngừng để làm mới và tìm kiếm cái mới. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với hoạ sĩ Tô Chiêm về cuộc triển lãm.

- Thưa họa sĩ Tô Chiêm, tại sao lại là "Tứ diện cũ", bởi nếu để đặt một cái tên cho một triển lãm nghệ thuật thì nghe thật không "an toàn" nếu không nói là thiếu mỹ cảm, khi nghệ thuật luôn tìm đến cái mới, cái sáng tạo toàn bích?

+ Thưa chị, cái tên chúng tôi đặt cho triển lãm quả thật là không hoa mỹ, không văn học nhưng nó được xuất phát từ thực tế là như vậy.  Như tôi là người trẻ nhất nhóm cũng đã ngoài 50... Cũ rồi còn gì! Nhưng "cũ" là cũ mặt thôi, còn nghệ thuật thì có khi còn "trẻ' chán. Nói vậy bởi vì tuy đã có tuổi, nhưng chúng tôi vẫn lao động cật lực để mưu sinh và sáng tạo nghệ thuật với tất cả những gì nghiêm túc và trân trọng nhất.

Họa sĩ Tô Chiêm.

- Thế ra cái tên bắt nguồn từ những gương mặt cũ, từ một thế giới vốn cũng cũ nốt bởi cả bốn gương mặt cho cuộc triển lãm lần này đều đã có trên dưới bốn mươi năm hoạt động trong lĩnh vực hội hoạ… Tham vọng nghệ thuật mà cả 4 người mang tới triển lãm lần này là gì?

+ Cả bốn người chúng tôi cũng đã trải qua hơn nửa cuộc đời, những cung bậc cảm xúc của một đời có lẽ cũng trải nghiệm đủ. Cái gì có thì đã có rồi chị ạ. Qua triển lãm này, tham vọng lớn nhất của  chúng tôi là mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật những sản phẩm hội họa mới nhất mà chúng tôi đã sáng tạo một cách nghiêm cẩn và gửi gắm biết bao cảm xúc chiêm nghiệm trong thời gian qua.

Và mong rằng sẽ được công chúng yêu quý, đón nhận những sản phẩm nghệ thuật đó. Nó là những thông điệp về con đường chúng tôi đã và đang bước tiếp, một con đường khó khăn nhưng luôn hướng tới những vẻ đẹp của cuộc sống.

Tranh sơn dầu: “Nỗi niềm thương nhớ” của họa sĩ Tô Chiêm.

- Trong cũ có mới, tìm trong những điều rất xưa cũ là những mới mẻ của đời sống hiện tại, của những cảm xúc đang diễn ra mỗi ngày… So với những hoạt động nghệ thuật trước đây, hay cụ thể là những triển lãm trước đó, "Tứ diện cũ" hẳn có những bước đột phá mới và mạnh mẽ?

+ Đột phá thì có lẽ không nhiều! Phong cách cá nhân cũng đã định hình ... Cái mới mẻ ở triển lãm này là sự chiêm nghiệm của mỗi cá nhân cũng đã đạt tới độ chín của tuổi tác và của nghề trong mỗi tác phẩm. Có thể nói hành trình sáng tạo của nhóm như một vòng hình xoáy trôn ốc. Người xem nhìn thấy tác phẩm ở vòng xoay đầu và tương tự ở vòng xoay phía trên, nhưng mỗi tác phẩm có giá trị riêng, mang dấu ấn cá nhân. Họ có thể đắm chìm vào mỗi tác phẩm và chia sẻ với các họa sĩ với những gì các họa sĩ muốn gửi gắm trong đó.

- Anh có thể chia sẻ một chút về sự kết hợp của "Tứ diện cũ" khi bản thân mỗi nghệ sĩ là một phong cách riêng với những chất liệu nghệ thuật khác nhau. Các anh gặp nhau ở điểm gì trong hành trình sáng tạo? Liệu "Tứ diện cũ" có làm nên một "bữa tiệc hội hoạ" đa dạng?

+ Bốn chúng tôi xuất phát điểm khác nhau, mỗi người được đào tạo ở những môi trường nghệ thuật khác nhau, như anh Nhân, chị Dung thì học bên Mỹ thuật Công nghiệp, anh Dũng ở trường mỹ thuật Huế, còn tôi thì học mỹ thuật Hà Nội. Nhưng có những cái giống nhau như tôi, anh Dũng, anh Nhân đều đã từng dạy học...

Điều quan trọng nhất để bốn người có thể đứng cùng nhau trong một triển lãm là phải tôn trọng nhau trong nghệ thuật, cũng như trong cuộc sống. Người làm nghệ thuật, cái "tôi" trong họ rất lớn, nếu như thiếu sự tôn trọng nhau thì khó mà làm được điều gì! Trong sáng tạo, cả bốn chúng tôi đều có một điểm chung là "Luôn muốn thay đổi".

Chị có nói đến bữa tiệc sắc mầu... Nói vui nhé, chúng tôi không phải là "master chef" đâu mà chỉ là các đầu bếp gia đình. Nếu bắt buộc phải ví cuộc triển lãm này với một điều gì đó thì tôi xin ví nó với "bữa cơm đãi khách" thôi... bữa cơm của những chủ nhà chân tình quý bạn với những món sau: Món khai vị: Giấy dó cổ truyền được vẽ với kĩ thuật cổ truyền và đậm chất phương Đông.

Món chính: Sơn mài và Sơn dầu được sáng tạo với sự chắc chắn về tay nghề và tài hoa trên những sắc màu. Món tráng miệng: Acrylic được sáng tạo với tinh thần tươi trẻ và rực lửa sống… Và khi các vị khách quý đã trải qua các cung bậc cảm xúc đó thì họ sẽ mỉm cười với chúng tôi: Rất hài lòng.

Tranh sơn dầu: “Đầm Chuồn- Phá Tam Giang” của họa sĩ Ngô Thành Nhân.

- Tại sao lại là một cuộc trưng bày nghệ thuật hội hoạ ở phương Nam trong khi cả 4 hoạ sĩ đều lớn lên, trưởng thành và môi trường sáng tác ở phương Bắc? Một cuộc dạo chơi với nghệ thuật? hay nghệ thuật dẫn lối cho các hoạ sĩ rong chơi đến miền đất lạ để tạo nên một sự khác biệt tươi mới hơn?

+ Cả 4 người chúng tôi đều sinh ra ở Hà Nội... Phương Nam đem lại cho chúng tôi rất nhiều kỉ niệm... mỗi chúng tôi đều có rất nhiều những vui buồn ở đó. Chúng tôi vào đó với câu hát ám ảnh trong đầu: "Về đây nghe em... về đây mặc áo the, đi guốc mộc..". Người ta thường nói đến chơi với bạn bè… với cuộc triển lãm này chúng tôi - những người bạn cũ - làm "Một cuộc dạo chơi với nghệ thuật" để kể cho những người bạn phương Nam những gì chúng tôi đã làm trong thời gian xa cách… và nghe các bạn hát "Dạ cổ hoài lang".

Có những ý tưởng mới được sinh ra từ những vật chất rất cũ. Triển lãm: "Tứ diện cũ"- "Four  Old  Faces" là cuộc triển lãm tác phẩm của 4 gương mặt "cũ" Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với trên 70 tác phẩm với các chất liệu sơn mài, giấy do, lụa, sơn dầu, acrylic trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Họa sĩ  Ngô Thành Nhân, triển lãm  21 bức tranh  chất liệu chủ yếu là Sơn mài - Với nhiều đề tài đan xen, nổi bật là những tác phẩm về đề tài miền núi, sinh hoạt miền biển... Tranh của Ngô Thành Nhân hay sử dụng một khuôn khổ vuông, khuynh hướng sáng tác  hiện thực lãng mạn. Họa sĩ  trước đây công tác tại NXB Văn hoá - Thông tin, đã từng biên tập nhiều cuốn sách nghệ thuật có giá trị.

Họa sĩ Bùi Việt Dũng, triển lãm 21 bức tranh Giấy dó và Lụa.

Tranh của Bùi Việt Dũng có bút pháp khoáng đạt, mầu sắc giản dị- chứa đựng nhiều ẩn ý.  Người xem có thể thấy được kĩ thuật tinh tế, sắc độ phong phú trong từng bức tranh của họa sĩ. Ông là thầy giáo dạy tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Họa sĩ Tô Chiêm: Với sự tìm tòi riêng của mình, Tô Chiêm rất chân thành khi biểu hiện các cảm xúc tự thân của mình, của sự vật … trong vòng xoay của xã hội trên mặt toal. Với 14 bức tranh  Sơn dầu, họa sĩ đã tỏ rõ bản lĩnh nghệ thuật  và  tay nghề vững vàng của mình. Họa sĩ  đã học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nộị, hiện đang  công tác tại NXB Kim Đồng.

Họa sĩ Phạm Xuân Dung: Là họa sĩ nữ duy nhất trong nhóm, từng công tác tại Artex Thăng Long. Với chị tưởng như mọi việc đã qua, nhưng sự thôi thúc của Nghệ thuật đã hướng chị trở lại với giá vẽ. Chị miệt mài vẽ với chất liệu duy nhất- Acrylic. Những đề tài trong tranh của chị nhẹ nhàng, lấy thiên nhiên làm chủ thể sáng tạo. Mầu sắc rực rỡ, mảng nét khúc chiết đầy bản năng. 25 bức tranh vẽ bằng chất liệu  Acrylic,  chị đã  thổi bùng lên ngọn lửa đam mê trong mình để cháy với Nghệ thuật.

Bốn nghệ  sĩ, với những chất liệu nghệ thuật khác nhau, phong cách nghệ thuật đa dạng đã  tạo nên được một Triển lãm Hội họa:  Trong trẻo về không gian, ấm áp tình người, lãng mạn về phong cách, chắc chắn về nghề nghiệp… Thông qua triển lãm này, các họa sĩ hy vọng sẽ đem lại cho công chúng yêu nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh những cảm nhận tươi mới, hào hứng  trong những ngày cuối năm 2018 này.
Như Bình (thực hiện)
.
.