Tự bạch của diễn viên chính trong phim tình báo "Mùa chết"

Thứ Sáu, 09/06/2006, 10:00

Nhà xuất bản “Ast-Press” của Nga vừa mới ấn hành cuốn hồi ký của nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Donatas Banionis “Từ nhỏ tôi đã muốn đóng phim”. Ông đã từng hai lần đoạt giải thưởng Nhà nước, huân chương Hữu nghị và nhiều giải thưởng của các cuộc liên hoan phim.

Donatas Banionis đã tham gia những bộ phim nổi tiếng như “Không ai muốn chết”, “Goya’, “Solyaris”, “Cuộc chạy trốn của ngài Mak-Kinli”, “Cuộc đời Beethoven”, và đặc biệt là bộ phim tình báo nổi tiếng “Mùa chết” đã từng được trình chiếu ở nước ta... Dưới đây là đoạn trích từ chương kể về công việc đóng phim “Mùa chết” của Donatas Banionis.

Vào cái năm 1967 xa xôi đó tôi đến Leningrad, lòng không mấy tin tưởng vào thành công. Hy vọng được nhận đóng vai trong phim “Mùa chết” của tôi không quá 10%, ít ra là tôi có cảm giác như vậy. Đây không phải là một cảnh như trong phim “Hãy coi chừng ôtô”, mà là một vai, hơn nữa lại vai chính. Kịch bản ban đầu do V. Vladimirov và A. Shlepyanov viết theo rập khuôn, trên cơ sở cuốn hồi ký của nhà tình báo Liên Xô đã từng làm việc ở phương Tây có biệt danh là Gordon Lonsdeyl, nhưng lúc bấy giờ tôi không biết điều đó. Nói thật, tôi không thích kịch bản này lắm. Nhân vật trung tâm mà tôi đến để thử vai, trông có vẻ như một siêu nhân. Nhưng thử hỏi tôi thì siêu nhân cái gì? Chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ! Đây không phải là vai diễn của tôi! Nhưng mặt khác, tại sao lại không thử xem vận may cái nhỉ? Hơn nữa lại được đi Leningrad bằng tiền chùa...Và nếu may mắn thì nhân tiện mua một ít phụ tùng cho xe Moskvich...

Tôi không biết chúng tôi sẽ quay cái gì và như thế nào. Người ta bắt đầu từ cuối phim, từ cảnh trao đổi nhân vật của tôi - nhà tình báo Liên Xô - với một nhân viên tình báo nước ngoài. Cảnh này được quay trên một đại lộ gần Moskva. Trong phim tôi được “đổi” với một diễn viên khác cũng người Litva, Laymonas Noreyka. Người ta nói rằng ông cố vấn, tác giả cuốn sách và nguyên mẫu của nhân vật mà tôi đóng, sẽ đến. Họ nói tên của ông ta: Konstantin Panfilov. Tất nhiên đấy là bí danh, còn tên thật là Konon Molodyi.

Tôi nhìn khắp một lượt, rồi nhìn kỹ tất cả mọi người. Tôi vô cùng tò mò muốn biết ông ta là người như thế nào, nhà tình báo nổi tiếng ấy... Nhưng tôi không thấy ai giống như trong hình dung của tôi về nhân vật này. Cuối cùng tôi hỏi đạo diễn Savva Kulish: “Ông ta ở đâu? Không có ông ta à?”. Kulish trả lời: “Ông ta kia kìa”. Tôi nhìn thấy một người hoàn toàn chẳng có gì giống một nhà tình báo thật đang đứng kia. Bởi trong điện ảnh chúng ta quen nghĩ rằng đã là nhà tình báo Liên Xô thì lộ ra ngay, từ đằng xa - trẻ trung, đẹp trai, cao to, vạm vỡ, cân đối... Nói tóm lại là giống như Shtirlits trong phim “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân”. Còn đây là một người không cao, không trẻ, không đẹp trai, không cân đối. Giống như tôi... Nói chung, tất cả đều không phù hợp với bản mẫu.

Trước mặt tôi là một con người bằng xương bằng thịt, gương mặt từng trải. Ông ta luôn sống trong màn bí mật, kể cả trong thời gian làm phim cũng ở khách sạn. Không ai có thể tiếp cận được với ông ta - có những quy định như vậy. Molodyi đến trường quay và chúng tôi trò chuyện với nhau. Ông cười và nói: “Người ta sáng tác những chuyện thần thoại về chúng tôi, còn chúng tôi chỉ là những người được đào tạo tốt, nhận lương cao và làm việc”...

Trong phim trước hết chúng tôi cố gắng thể hiện nhà tình báo như một con người. Ban đầu đạo diễn Kulish thậm chí nghĩ rằng nhân vật của tôi cần phải có một mối tình. Nhưng sau ông từ bỏ ý định đó: nó có thể ảnh hưởng xấu tới công việc của các nhà tình báo thời đó, bởi vì những người vợ của họ đang ở lại hậu phương như những “con tin”. Như tôi đã nói, kịch bản được viết rất sơ lược. Và trong quá trình làm phim chúng tôi đã sửa lại nó cho tới khi không thể nữa mới thôi.

Các nhà biên kịch không hài lòng. Họ bảo rằng họ xây dựng nên nhân vật, còn chúng tôi biến anh ta thành một con người bình thường, mô tả anh ta hoạt động một cách khó khăn như thế nào, anh ta cần phải tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy ra sao, chủ nghĩa anh hùng hầu như thiếu vắng... Điều này gần với trường phái của Miltinis mà tôi đã được đào tạo: thông qua những giải pháp phức tạp, thông qua triết lý của nhân vật, chúng tôi tìm kiếm xung đột con người, những tình cảm, khát vọng của con người... Cái chính là anh, còn những gì giúp anh khám phá hình tượng chỉ là cái nền. Nhưng đó không phải là biểu tượng, không phải là ẩn dụ, như thường thấy trong sân khấu hiện đại. Trong trường hợp đó với tư cách là một diễn viên nói chung anh không cần thiết nữa. Và hiện nay trong nhà hát đôi khi chúng ta thấy đạo diễn mời đóng vai chính không phải là một diễn viên, mà là một người ngoại đạo. Ví dụ như trong vở “Hamlet” của đạo diễn Eymuntas Nyakroshyus.--PageBreak--

Chính vì vậy mà tôi không muốn làm việc trong nhà hát “hiện đại”. Tôi muốn xây dựng một hình tượng tâm lý, chứ không phải ngồi, nằm hay treo lơ lửng trên sân khấu, trong khi người ta làm mưa làm gió tất cả thay tôi.  Không, với tôi điều đó không thể chấp nhận. Trên sân khấu tôi luôn luôn thể hiện những tính cách, chứ không phải tạo ra tính cách bằng các ẩn dụ. Hơn nữa khán giả chịu tác động nhiều hơn bởi diễn xuất hăng say của nghệ sĩ, sức sáng tạo và thông điệp ẩn chứa trong lời thoại của tác phẩm mà anh ta chuyển tải tới khán giả, chứ không phải tạo ra một hệ thống ký hiệu nào đó.

Tuy nhiên, ta hãy quay trở lại với bộ phim. Tôi diễn một, hai, ba cảnh và  cảm thấy rằng cần phải thể hiện được sự không may mắn của nhân vật. Chỉ có nghĩa vụ đối với Tổ quốc là điều cần phải thực hiện. Cuộc sống của anh ta gặp muôn vàn khó khăn. Bất hạnh luôn luôn săn đuổi anh ta: khi thì nhân vật của tôi bị tai nạn, khi thì anh ta bị bắt. Hơn nữa anh ta biết rất rõ rằng sau khi được trao trả, anh ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Quả vậy, điều đó đã xảy ra với Konon trong đời thực. Ông ta kể cho tôi rằng sau khi được trao đổi, ông phải sống cách ly, chờ cho tới lúc KGB (tên gọi tắt của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô) tìm hiểu xem ông có tội lỗi gì không hay là trong sạch. Nhà tình báo bị thẩm vấn, và nếu như  bị nghi ngờ là hợp tác với đối phương, thì ông có thể bị tiêu diệt. Vì vậy trong cảnh cuối cùng, khi nhân vật của tôi đi trên xe ôtô, cả Kulish và tôi đều muốn diễn tả anh ta đang đi vào một tương lai vô định. Và khi máy bay hạ cánh, không ai hoan hô anh ta, bởi anh đâu phải là một vận động viên mang vinh quang về cho đất nước...

Sau khi hoàn thành phim “Mùa chết”, trong những hoạt động khác nhau tôi thường được giới thiệu như một người am hiểu bí mật của một nhà tình báo... Có lần tôi được mời đến dự sinh nhật của một trong những tướng KGB. Bữa tiệc được tổ chức trong một nhóm nhỏ. Rõ ràng, tôi được mời với tư cách là “người mình” - nhà tình báo Ladeynikov... Còn nhớ, tại một bảo tàng an ninh ở Lubyanka (trụ sở KGB) tôi đã nhìn thấy chân dung của mình treo bên cạnh chân dung các nhà tình báo như là người đã đóng vai nhà tình báo Konon Molodyi trong điện ảnh.       

Sau này tôi và đạo diễn Savva Kulish còn có ý định tiếp tục làm tập hai phim  “Mùa chết”. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về nội dung. Câu chuyện cần phải xảy ra sau nhiều năm. Nhân vật nhà tình báo Ladeynikov của tôi đã già đi sau những năm qua, bản thân ông và kinh nghiệm hoạt động tình báo của ông trở nên vô dụng, bởi vì thời cuộc đã thay đổi. Ông bị sa thải khỏi KGB, trở nên thất nghiệp, cuộc sống rất vất vả (nhân tiện xin nói, điều đó cũng xảy ra với Konon Molodyi ). Trong khi đó Savushkin trở thành “người Nga mới”, rất giàu có. Một lần họ tình cờ gặp nhau trên phố. Savushkin nhận ra Ladeynikov trước và nghĩ: “Tốt nhất là không nên gặp anh ta, hiện nay anh ta là kẻ vô tích sự, hơn nữa lại là cựu nhân viên KGB... Cuộc gặp gỡ này có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình”. Còn Ladeynicov thì lại nghĩ: “Cần phải nói chuyện với anh ta. Biết đâu có thể giúp đỡ...”. Ladeynikov biết chỗ ở của Savushkin và tìm đến. Tuy nhiên Savushkin không muốn biết gì hết. Và họ chia tay nhau. Nhưng rồi bỗng nhiên Savushkin gặp rắc rối to trong công việc: anh ta làm kinh doanh với một người nước ngoài và dính vào một phi vụ nào đấy. Savushkin cần giúp đỡ và sực nhớ tới Ladeynikov, hy vọng có những mối quan hệ cũ... Câu chuyện dừng lại ở đây vì chúng tôi vẫn chưa kịp hoàn tất kịch bản... Thế rồi đạo diễn Savva Kulish đột ngột qua đời. Và tập hai “Mùa chết” không thành

Trần Hậu
.
.