“Truyện Kiều ” lên sàn diễn Ballet!

Thứ Ba, 23/01/2007, 15:00
Lần đầu tiên “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được dự định đưa lên sân khấu bằng một loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm: đó là ballet. Những người ấp ủ thực hiện dự án có tham vọng khi dựng thành công vở ballet, “Thúy Kiều” một lần nữa sẽ được giới thiệu với bạn bè khắp năm châu.

Nhân dịp này, phóng viên VNCA đã có cuộc trò chuyện với biên đạo múa Nguyễn Việt - tác giả kịch bản văn học của vở ballet  “Thúy Kiều”.

- Thưa ông, đưa hình tượng nàng Kiều lên sân khấu ballet là một ý tưởng khá mới mẻ, độc đáo và táo bạo. Xin ông cho biết ý tưởng này của ông ra đời như thế nào?

+ Có thể nói, là người Việt Nam thì không mấy ai không biết đến “Truyện Kiều”, nhiều người còn thuộc lòng. Tôi cũng rất thích “Truyện Kiều” bởi vì nếu “Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân dạy người ta cách chơi ở chốn lầu xanh thì “Kiều” của Nguyễn Du thực thanh cao, lấy chữ tâm làm gốc “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Vừa rồi, trong một lần đi Hà Tĩnh, tôi ghé thăm mộ cụ Nguyễn Du và lại thêm một lần nữa xúc cảm, ngưỡng mộ tài năng của cụ và những điều cụ gửi gắm trong “Truyện Kiều”. Về nhà, tôi quyết định viết kịch bản văn học vở ballet “Thúy Kiều”.

Tôi biết, đây là một ý tưởng táo bạo, nhưng tôi và một số anh em trong nghề đã thống nhất với nhau rằng, trong “Truyện Kiều” có nhiều trường đoạn đầy kịch tính có thể đưa lên sàn múa thành công với ngôn ngữ hình thể và hành động của ballet. Vì nó mới mẻ như vậy, nên tôi và một số cộng sự tâm huyết đang hết sức cố gắng để vở diễn được dựng thành công.

- Truyện Kiều là một câu chuyện dài về 15 năm phiêu bạt của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh. Như vậy có nghĩa là không thể đưa lên sân khấu ballet tất cả những trường đoạn mà Nguyễn Du đã miêu tả trong truyện thơ. Vậy ông làm thế nào đảm bảo được tính liên tục của câu chuyện để người thưởng thức bộ môn nghệ thuật hàn lâm này có thể hiểu được?

+ Ballet “Thúy Kiều” dự tính dài khoảng 60 phút gồm 4 hồi, 8 cảnh và 18 lớp, tất cả vẫn bám vào nội dung cốt truyện. Có nhiều lớp tôi đã đưa vào kịch bản để đảm bảo tính liên tục của câu chuyện cũng như tái hiện được thân phận Kiều như lớp Kiều ra mộ Đạm Tiên và linh hồn Đạm Tiên dự báo thân phận của nàng; rồi Mã Giám Sinh đến mua Kiều; Kiều ở lầu xanh của Tú Bà rồi gắp Thúc Sinh; cơn ghen của Hoạn Thư bắt Kiều đánh đàn cho hai vợ chồng thưởng thức; Từ Hải vì nghe lời Kiều mà bị Hồ Tôn Hiến sát hại; Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu vớt; rồi màn Kiều tái hồi Kim Trọng…

Phức tạp nhất trong vở này là đại cảnh trong nhà Tú Bà và cảnh Từ Hải về với triều đình gặp Hồ Tôn Hiến thì trong quá trình dàn dựng chúng tôi sẽ có cách xử lý sao cho thích hợp.  Theo tôi, người xem vở ballet này hoàn toàn có thể thưởng thức trọn vẹn một câu chuyện. Chỉ có điều, nó được kể với một phương thức thể hiện hoàn toàn mới mà thôi!

- Âm nhạc là một yếu tố vô cùng quan trọng của một vở ballet. Vậy nhạc nền của ballet “Thúy Kiều” sẽ được xử lý theo hướng nào?

+ Trong dự định, NSND Nguyễn Công Nhạc - Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam sẽ là chỉ đạo nghệ thuật và biên đạo chính của vở diễn. Chúng tôi đã mời được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo viết nhạc và âm hưởng nhạc truyền thống sẽ là yếu tố xuyên suốt. Hiện giờ anh Đạo mới đọc kịch bản để bắt tay vào làm nên tôi chưa thể nói gì hơn.

- Với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, những câu thơ tuyệt bút đã góp phần to lớn vào thành công của tác phẩm. Trong kịch bản văn học của ballet “Thúy Kiều”, ông đã đưa vào khá nhiều đoạn thơ đặc sắc. Vậy khi lên sàn múa ballet, những câu thơ ấy  được xử lý như thế nào?

+ Thực sự thì nếu đưa thơ vào rất dễ làm mất tính đặc thù của ballet bởi vì ngôn ngữ ballet là ngôn ngữ hành động. Nhưng nếu không đưa được vào thì tôi cũng rất tiếc. Vì vậy, tôi đang bàn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo xem làm cách nào đưa được những câu thơ không thể thay thế của Nguyễn Du vào vở diễn, như có thể đưa vào bằng hình thức phụ đề, hoặc có những đoạn ngâm thơ nằm trong nhạc nền…

- Vấn đề khó khăn nhất của vở diễn hiện nay có phải là vấn đề kinh phí không, thưa ông?

+ Đúng vậy. Nhà hát Vũ kịch Việt Nam đã đồng ý dựng vở diễn này từ cuối năm ngoái, nhưng kẹt nỗi, kinh phí cần cho “Thúy Kiều” ước tính ít nhất phải có khoảng 20.000 USD. Vì vậy, chúng tôi đang phải kêu gọi các nhà tài trợ và sự hỗ trợ của các quỹ văn hóa thì mới có thể dàn dựng được.

Với dự định sẽ mang “Thúy Kiều” đi biểu diễn ở nước ngoài, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ “tinh thần” của một số nơi, nhưng chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ về mặt…vật chất để có thể sớm dàn dựng vở diễn theo đúng dự định là sẽ hoàn thành và biểu diễn vào tháng 10/2007.

- Xin cảm ơn ông và chúc cho vở ballet “Thúy Kiều” sớm thành công!

Nguyệt Hà
.
.