Trường quay phim Việt: Làm gì để tránh lãng phí?

Thứ Hai, 30/06/2014, 08:00

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại "Hội nghị - hội thảo về Kế hoạch triển khai Chiến lược và Quy hoạch điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" vừa được tổ chức là dự kiến sắp tới Việt Nam sẽ có 3 trường quay tại Hà Nội, Tp HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận quan tâm bàn luận đó chính là việc liệu 3 trường quay có là lãng phí khi mà việc khai thác không tốt trường quay Cổ Loa thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình?

1. Thiếu trường quay là vấn đề được nhắc tới lâu nay trong lĩnh vực điện ảnh. Hầu hết các nhà làm phim, đặc biệt là các đạo diễn phim lịch sử, cổ trang khi chia sẻ khó khăn đều nhắc đến việc không có trường quay chuyên nghiệp để thực hiện. Chuyện những đoàn làm phim lịch sử như "Đường tới thành Thăng Long", "Thái sư Trần Thủ Độ" phải thuê trường quay ở nước ngoài là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc chúng ta đang thiếu những trường quay cho dòng phim đặc biệt này.

Thiếu trường quay, phải vất vả chỉnh sửa bối cảnh là tình trạng mà nhiều đạo diễn nếm trải. Trung tá, đạo diễn Đào Duy Phúc - Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân - tâm sự khi thực hiện bộ phim "Ma rừng", đoàn làm phim gặp không ít khó khăn khi tìm bối cảnh. Kịch bản được viết có bối cảnh miền núi với những ngôi nhà sàn truyền thống. Tuy nhiên, sau khi đi khảo sát các tỉnh miền núi Tây Bắc thì một vấn đề đặt ra là để tìm được những khung cảnh nguyên sơ vô cùng khó khăn.

Cuộc sống hiện đại với những trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất tiện dụng đã len vào từng gia đình khiến cho những ngôi nhà sàn không còn giữ được vẻ nguyên sơ nữa. Thực tế, trong một ngôi nhà sàn dân tộc nhưng bên trong có sự xuất hiện của đầy rẫy những thứ thuộc đời sống hiện đại như dây ăng ten, tivi, vệ sinh khép kín…

NSND Đào Bá Sơn khi thực hiện bộ phim "Long Thành cầm giả ca" tại Ninh Bình đã kêu trời khi mà quay góc nào cũng nhìn thấy cột điện. Không nằm ngoài cảnh ngộ ấy, đạo diễn, NSƯT Quốc Trọng - người thực hiện khá nhiều bộ phim về giai đoạn bao cấp - cũng gặp nhiều khó khănå khi tiến hành quay phim "Bí thư tỉnh ủy", "Ngõ lỗ thủng"… ông mất rất nhiều thời gian chọn bối cảnh bởi cảnh trí đã không còn nguyên vẹn như xưa. Nông thôn thì đô thị hóa, xi măng hóa... Vì thế, những người làm phim đã phải bôi nhọ, làm cũ những trụ sở, bờ tường… mượn của nhà dân cho đúng với hoàn cảnh và không gian thời bấy giờ. Sau khi quay xong lại phải hì hục phục dựng lại như cũ để trả chủ nhân. Vì thực trạng thiếu trường quay như vậy nên các phim thường rơi vào tình trạng đa phần phải quay ở những góc hẹp. Những góc rộng, khoảng không lớn rất hạn chế.

Một trong những vấn đề các đoàn làm phim gặp phải khi không có trường quay chuyên nghiệp là sự tốn kém về kinh phí mà phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" là một ví dụ. Ban đầu, dự trù kinh phí cho bộ phim hết khoảng gần 50 tỉ đồng nhưng sau này, các nhà làm phim đã phải trù liệu lên tới con số gấp 4 lần như thế vì chủ yếu phải thuê, mượn trường quay ở nước ngoài.

Nhiều bối cảnh chỉ sử dụng cho một phim rồi bỏ như thế này khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Từ bài toán nan giải về xây dựng một trường quay hoành tráng, các nhà làm phim đã nảy ra sáng kiến hình thành những trường quay tư nhân để làm giảm phần nào cơn khát về bối cảnh cho điện ảnh Việt Nam. Những trường quay này được các nhà làm phim nôm na gọi là trường quay "mỳ ăn liền". Hàng loạt dự án trường quay tư nhân đang được triển khai để đưa vào hoạt động như "Happy Land Studio" (Xứ sở hạnh phúc) ở Long An, trường quay rộng 10.000m2 của đạo diễn, diễn viên Trần Lực đang trong giai đoạn hoàn thành…

Nhưng cái khó bó cái khôn, vốn đầu tư thiếu thốn, quy mô nhỏ nên không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các nhà làm phim có dự án phim lớn. Chưa kể đến việc đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, xập xệ. Rầm rộ xây dựng, ồ ạt triển khai nhưng hiệu quả các trường quay tư nhân lại không xứng đáng với kỳ vọng. Một số ít trường quay như "Focus 300" của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải ở Gia Lâm đạt được hiệu quả sử dụng. Theo thống kê hiện nay có tới gần 50 trường quay tư nhân lớn, nhỏ khác nhau. Đây là một con số không nhỏ, tuy nhiên, trường quay tư nhân chỉ mang tính thời vụ, không có ý nghĩa lâu dài. Các nhà làm phim không mặn mà với các trường quay tư nhân.

2. Chính vì vậy, Đề án "Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030" được Chính phủ phê duyệt được ví như là một cuộc "cách mạng" về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trong đó phải kể đến sự xuất hiện 3 trường quay. Theo dự kiến, diện tích trường quay ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có quy mô đất xây dựng khoảng 100 đến 150 ha, ở Đà Nẵng là 50 đến 70 ha. Việc xây trường quay này sẽ do Bộ Văn hóa,  Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng UBND các thành phố thực hiện. Kinh phí huy động chủ yếu theo cơ chế xã hội hóa, còn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư một số hạng mục ban đầu.

Khi nào mô hình trường quay Cổ Loa hiện đại trở thành hiện thực vẫn là mơ ước của nhiều người làm phim.

Việc sẽ xuất hiện 3 trường quay là tin vui cho điện ảnh Việt Nam khi đang thiếu trường quay chuyên nghiệp trầm trọng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bài học từ trường quay Cổ Loa là một minh chứng quan trọng cho việc sử dụng trường quay như thế nào cho hợp lý.

Để phục vụ cho việc thực hiện những bộ phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2008, trường quay Cổ Loa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục hồi, nâng cấp, cải tạo với tổng số vốn đầu tư hơn 106 tỉ đồng. Một trường quay rộng 450m2 được phục hồi, tu sửa, trang bị thêm dàn đèn chiếu sáng hiện đại, điều khiển tự động bằng máy tính trị giá gần 2 triệu USD… Tuy nhiên, từ lúc trường quay Cổ Loa được tu sửa đến giờ mới chỉ có 2 đoàn làm phim là "Thái sư Trần Thủ Độ" và "Huyền sử thiên đô" thực hiện cảnh quay ở đây. Nhưng ngay sau khi đoàn phim rút đi, phim trường rơi vào tình trạng xập xệ hoang tàn như một bãi đất bỏ hoang.

Thực trạng ấy xuất phát từ cơ chế Ban quản lý trường quay được quyền cho thuê mặt bằng, còn việc dựng phim trường là do phía đoàn làm phim. Chính vì thế, để tiết kiệm chi phí, không đoàn làm phim nào chịu bỏ nhiều tiền ra để dựng những bối cảnh có tính chất kiên cố, bền vững mà chỉ làm bằng những vật liệu tạm thời kiểu dùng một lần rồi thôi. Cổng thành được làm bằng gỗ dán, xốp, chỉ qua vài cơn mưa là hỏng, cổng vênh, cánh méo, không đóng lại được. Các đoạn tường thành được gắn xốp bong tróc nham nhở… Đoàn làm phim khác cần quay sẽ lại phải dựng bối cảnh từ đầu. Điều đó tưởng là tiết kiệm nhưng thực ra lại là sự lãng phí không nhỏ cho ngành điện ảnh.

Không chỉ có trường quay Cổ Loa, các nhà làm phim còn nhắc chuyện trước đó, điện ảnh Việt Nam từng lãng phí trong việc phá bỏ trường quay Xuân Mai (Hà Nội) khi mà năm 1992, một đạo diễn người Pháp đã thực hiện bộ phim về Điện Biên Phủ tại đây. Tốn một số tiền không nhỏ để đầu tư nhưng sau đó cũng bị phá hỏng vì chúng ta không quản lý được.

Từ Đề án "Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030", nhiều ý kiến cho rằng liệu có nhất thiết phải xây dựng tới 3 trường quay? Việc xây dựng trường quay chỉ phù hợp với 2 thành phố lớn và có hoạt động điện ảnh tương đối sôi động là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Còn đối với Đà Nẵng, việc đó xem ra chưa phù hợp và có thể gây lãng phí. Ngay tại hội thảo, nhiều đại biểu khá đồng tình với ý kiến của PGS. TS Trần Luân Kim khi ông nhấn mạnh cần tránh lãng phí khi đầu tư xây dựng 3 phim trường. Ông cho rằng, hiện nay, Việt Nam yếu nhất là phim trường nội cảnh, thiếu thiết bị nội cảnh nên khó chủ động ánh sáng, màu sắc. Hiện ở nước ngoài người ta ngày càng có xu hướng quay ngoại cảnh nhiều, do đó cần xem xét kỹ hơn khi lấy nhiều đất, tốn tiền để xây trường quay.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm thì lo lắng: "Xây dựng thêm thì tốt nhưng chỉ sợ đầu voi đuôi chuột, không biết đầu tư, không biết quản lý. Nếu giá thuê không hợp lý thì các đạo diễn sẽ không mặn mà với trường quay. Họ sẽ thuê nhà dân hoặc tận dụng bối cảnh tự nhiên cho tiết kiệm". Vì vậy, để các trường quay được sử dụng hiệu quả là điều các nhà quản lý điện ảnh cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp

Khánh Thảo
.
.