Trung tá, nhà thơ Nguyễn Đức Thịnh: Vẫn thảng thốt trước tiếng chuông điện thoại...

Thứ Hai, 02/04/2012, 08:00

Cầm hai tập thơ "Dưới ánh trăng" (NXB Hội Nhà văn, 2010) và "Khoảng sáng hình tam giác" (NXB Hội Nhà văn, 2011) dày dặn với gần 100 bài của Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, tôi không khỏi ngạc nhiên vì hai tập thơ dường như gói gọn được cả một chặng đường 30 năm công tác với những vui buồn, vất vả nhưng cũng đầy lãng mạn của người chiến sĩ Công an nhân dân. Thơ của Nguyễn Đức Thịnh như những trang nhật ký ghi lại chặng đường anh đã đi qua và neo giữ trong anh những cảm xúc, những kỷ niệm đáng nhớ…

Trong lễ kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội ngày 9-3 vừa qua, có một sĩ quan Công an đứng lặng lẽ ở một góc khuất của sân khấu nhận tấm thẻ hội viên. Hôm ấy, anh mặc thường phục và luôn nở nụ cười tươi tắn khi tự giới thiệu mình với những người bạn mới. Anh là Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội Tuyên truyền và Khám nghiệm thuộc Phòng PC67 - Công an Tp Hà Nội, chuyên theo dõi phân tích các vụ tai nạn giao thông, trực tiếp điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài và phụ trách mảng tuyên truyền luật lệ giao thông đường bộ - đường sắt cho các trường đại học, trung học phổ thông và các công ty vận tải lớn trên địa bàn TP Hà Nội...

Khi tôi hỏi anh về con đường dẫn anh đến với thi ca, Nguyễn Đức Thịnh cho biết: "Thực ra, tôi đã sáng tác và cộng tác với các báo trong suốt mấy chục năm qua, khi tôi còn là một chiến sĩ bảo vệ Trại giam Yên Hạ ở Tây Bắc. Nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an trại giam là ban đêm canh gác phạm nhân, ban ngày thì dẫn phạm nhân đi lao động. Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian tôi sáng tác bài thơ đầu tiên là năm 1980, sau một phiên gác đêm về, nhớ nhà không ngủ được, tôi ngồi cầm giấy bút viết bài thơ "Lá thư sau phiên gác". Tôi đã viết một mạch bài thơ và gần như không chỉnh sửa gì. Bài thơ sau đó đã được in trên Báo Tiền phong. Chính điều này đã là động lực để tôi cầm bút sáng tác. Bài thơ ấy như sau: "Đêm đêm hương rừng phảng phất/ Mình anh bồng súng dưới trăng/ Mảng mây xa như khối sao băng/ Lạnh thêm ánh trăng soi nỗi nhớ/ Giao phiên gác/ Anh về không ngủ/ Trải hồn thơ ru giấc bên em/ Trong mơ em có thấy bóng anh/ Với ngọn đèn giữa núi rừng thăm thẳm/ Ở biên giới/ Hoa rừng nhiều lắm/ Hoa thương người chiến sĩ nên ngát tràn đêm/ Anh nhờ gió gửi cả về em/ Để mỗi sớm mai/ Mái tóc em ngát hương rừng nơi anh đang sống".

Mỗi người cầm bút đều mang trong mình một ký ức, một hoài niệm về những vùng đất đã đi qua. Thơ Nguyễn Đức Thịnh cũng thế, vùng đất ghi dấu ấn trong anh nhiều kỷ niệm đẹp chính là Phú Thọ, nơi anh chôn rau cắt rốn và mảnh đất anh bắt đầu đi lên từ một người cảnh sát bảo vệ tập sự: Tây Bắc. Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: "Tôi may mắn có hơn 20 năm công tác gắn bó với Tây Bắc. Chính núi rừng hoang sơ với khung cảnh đẹp và nỗi nhớ nhà da diết đã khiến tôi có những cảm xúc thăng hoa. Sau 8 năm công tác ở Trại giam Yên Hạ, tôi chuyển về công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Sơn La. Rồi được cử đi học lớp Điều tra và xử lý tai nạn giao thông và lớp Tuần tra, kiểm soát. Sau đó tôi chuyển sang làm công tác Tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT - Công an tỉnh Sơn La, đã cùng đồng đội bắt được nhiều đối tượng phạm pháp hình sự trên các tuyến giao thông. Điển hình là năm 1989 và 1990, tôi đã cùng đồng đội bắt giữ được nhiều đối tượng buôn lậu và thu được tổng số lượng ma túy qua các vụ là hơn 200kg thuốc phiện.

Trung tá, nhà thơ Nguyễn Đức Thịnh (bên phải) cùng nhà văn Phùng Văn  Khai tại lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn Hà Nội 2012.

Tôi nhớ mãi trong một phiên tuần tra, chúng tôi nhận được tin báo trên một chuyến xe khách chạy tuyến Tây Bắc - Hà Nội có một nữ hành khách khoảng 20 tuổi có mang theo thuốc phiện quấn quanh người. Tôi đã cho anh em thông báo để tất cả hành khách xuống xe vì có thông tin trên xe có hàng lậu. Khi hành khách lên xe, tôi chủ động đứng ngay cạnh cửa lên xuống và quan sát qua gương chiếu hậu. Khi cô gái thuộc diện nghi vấn bước lên xe thì "vô tình" khuỷu tay tôi chạm vào người cô ấy. Tôi thấy một vật cứng chắc ở bụng cô gái. Lập tức cô này được mời về trụ sở Công an. Qua kiểm tra, đã phát hiện một bao tượng đựng thuốc phiện được gạt mỏng ra khâu vuông từng ô với số lượng 2,5kg. Khó khăn khi phá án và theo dõi đối tượng nhiều bao nhiêu, thì tôi cần lắng lại những giây phút bình yên cho tâm hồn bấy nhiêu. Tôi ghi khắc những hình ảnh đẹp dọc đường tuần tra. Đó là con suối róc rách, những bản làng vào buổi chiều khi các cô gái Thái thường ra suối lấy nước, rồi những đêm trăng đốt lửa ở bản… Tất cả như một bức tranh đẹp mà bất cứ ai yêu thiên nhiên, con người cũng muốn ghi lại những khoảnh khắc ấy. Tôi đã viết nên những bài thơ như "Tà Xùa", "Nhớ Tây Bắc", "Sơn La của mẹ", "Vòng xoè đêm hội", "Em mùa xuân", "Mưa đêm", "Nhớ".

Chẳng hạn, bài thơ "Dưới ánh trăng" tôi đã sáng tác trong một đêm đi tuần tra, ý tưởng nảy ra trong chính thực tế của cuộc sống chiến đấu của tôi cùng đồng đội. Sau này tôi đã lấy bài thơ làm tựa đề cho tập thơ của mình: "Đêm hè dưới ánh trăng thanh/ Có cô thiếu nữ đánh gianh bên thềm/ tay em luồn giải lạt mềm/ Lớp gianh vàng óng chặt thêm bao lần/ Chiều thu trên một khoảng sân/ Mắt em đọc sách. Tay chằm gianh khô/ Thẹn thùng chạm một câu thơ/ Để lòng bối rối bây giờ chưa phai/ Đêm nằm mơ thấy bóng ai/ Cười duyên lại dám sánh vai cùng mình/ Em nhìn bao nếp nhà xinh/ Mái gianh đầm ấm chung tình lứa đôi/ Lòng anh vương vấn bồi hồi/ Nhớ cô thiếu nữ đang ngồi đánh gianh".

Theo Nguyễn Đức Thịnh tự nhận xét thì trong con người anh có hai thứ rành mạch: Khi đối mặt với trang giấy và cây bút, anh là một người thơ thăng hoa với những khoảnh khắc của cảm xúc, nhưng một con người tỉnh táo trong anh chính là người chiến sĩ CSGT trong bộ quân phục luôn bận rộn, luôn cần sự tỉnh táo để giải quyết những sự vụ nóng hổi. Bởi hiện nay, ngoài công việc chuyên môn là điều tra tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh còn phụ trách mảng tuyên truyền luật lệ giao thông đô thị cho các trường Đại học, các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Anh đang xây dựng hoàn chỉnh một bộ đề cương phục vụ công tác tuyên truyền trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Nhớ lại những câu chuyện trên "ghế nóng" của mình, anh kể: "Tết Nguyên đán vừa qua, có một vụ tai nạn giao thông gây chết người do không làm chủ tốc độ. Tôi và đồng đội rất khó khăn trong việc khám nghiệm hiện trường cũng như giải quyết những hậu quả đã xảy ra. Vì hầu hết người dân mình đều kiêng kỵ những điều đen đủi đầu năm nên chúng tôi không có được sự giúp đỡ của người dân trong những trường hợp tai nạn giao thông như thế. Đúng vào thời điểm đó, người nhà nạn nhân khi đến hiện trường thấy người thân của mình tử vong đã nhảy vào hành hung, dọa giết lái xe. Trước tình thế cấp thiết như vậy, ngoài việc bảo vệ hiện trường, anh em còn ra sức bảo vệ an toàn tính mạng cho lái xe. Những lúc này, lý trí và sự xử lý nhanh của người chỉ huy là rất quan trọng.

Có một trường hợp khác, do hiểu lầm nguyên nhân dẫn đến tai nạn, gia đình nạn nhân đã khiêng quan tài ra đặt ngang đường quốc lộ làm ách tắc giao thông kéo dài. Chúng tôi đã phối hợp tích cực với Công an sở tại nhằm gặp gỡ giải thích cho gia đình nạn nhân hiểu rõ để không tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy".

Dù đã có 30 năm trong nghề, song với Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, những đêm trực ở cơ quan, mỗi lần điện thoại của Phòng trực ban đổ chuông anh luôn có cảm giác thảng thốt, lo lắng vì đâu đó đã xảy ra tai nạn giao thông, có thể có người bị thương, có thể có người xấu số qua đời... Với tâm hồn nhạy cảm của một người làm thơ, anh luôn cảm thấy bất an và xót xa. Anh chỉ mong sao những đêm trực đi qua mà không phải xử lý bất kỳ một vụ việc nào. Xuất phát từ những đêm trực ấy, Nguyễn Đức Thịnh đã viết bài thơ "Đêm trực ban", trong đó có những câu như một giai điệu để an ủi lòng mình: "Những đêm trực dẫu đã quen/ Tôi vẫn thảng thốt tiếng chuông điện thoại/ Tiếng chuông kêu đau trong tiếng gọi/ Phá vỡ cả trời đêm/ Phá vỡ cả bình yên...

Thiên Kim
.
.