Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được bình chọn là "Người có quyền lực nhất" trong năm:

Trong có ấm, ngoài mới êm

Thứ Sáu, 08/06/2012, 08:00

Vừa qua, nhân dịp "Ngày của mẹ" (ngày chủ nhật thứ hai của tháng Năm),  Tạp chí ForbesWoman đã chọn từ danh sách 100 phụ nữ có quyền lực nhất thế giới để bầu lấy 20 "Người mẹ có quyền lực nhất". Đứng đầu danh sách này là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, mẹ của cô con gái Chelsea.

Theo đại diện Tạp chí ForbesWoman cho biết thì cuộc bình chọn dựa trên các tiêu chí về sự kiểm soát tài chính, khả năng quyết sách vấn đề và tầm ảnh hưởng. Bà Hillary Clinton, với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, được xem như một nhân tố tích cực trong đời sống chính trị Mỹ, đồng thời được ghi nhận như "một người mẹ rất có trách nhiệm với con cái".

Về thứ hai trong danh sách này là Tổng thống Brazil Dilma Roussef, hiện có một cô con gái và một cháu ngoại. Kế tiếp là bà mẹ hai con Indra Nooyi, Chủ tịch Hãng PepsiCo. 

Trong cuốn "Người phụ nữ quyền lực" xuất bản hồi tháng 6/2007, nhà báo Carl Bernstein đã tìm cách lý giải tại sao vợ chồng nhà Clinton luôn dành tình yêu sâu sắc và sự quan tâm nhất mực đối với cô con gái Chelsea đến vậy. Đơn giản chỉ bởi họ thuộc trong số những cặp vợ chồng hiếm muộn. Ngay từ hồi trẻ, bà Hillary đã mắc chứng bệnh lệch màng tử cung, gây nên những cơn đau đột xuất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thụ thai. Chứng bệnh này thường chỉ xuất hiện ở những phụ nữ trung niên, song với Hillary, bà mắc chứng bệnh này khá sớm. Việc Chelsea ra đời quả là một kỳ tích đối với Hillary nên cả hai vợ chồng bà đều xem cô con gái như một kho tàng vô giá mà họ luôn phải để mắt tới.

Sau khi sinh Chelsea, dù tật bệnh như vậy song Hillary vẫn không nguôi mong ước có được người con thứ hai. Đến khi các chuyên gia y tế nhất mực khẳng định đó là điều "không thể" thì bà liền chuyển hướng. Trong thực tế, bà đã từng lên kế hoạch nhận một cậu con nuôi, bất chấp nó là người Mỹ hay không. Tuy nhiên, ước muốn của bà đã không nhận được sự ủng hộ của chồng. Ông Clinton liên tiếp đưa ra các lý do để thoái thác, đặc biệt là lý do cả hai vợ chồng đang rất bận rộn, không nên phân tâm vào một việc "không quá cần thiết" như vậy. Cho tới khi ông Clinton đắc cử Tổng thống, trở thành chủ nhân ông của Nhà Trắng thì ý định kiếm tìm con nuôi của bà Hillary triệt tiêu hẳn. Bà quay sang bằng lòng với những gì mình có. Không phải thường tình mà khi chúc con gái, bà thường nói: "Hãy sống để hạnh phúc và sinh ra những đứa con đáng yêu nhất!".

Là người mà ngay từ khi còn trẻ đã luôn bận rộn với các hoạt động chính trị, xã hội, song Hillary vẫn dành một khoảng thời gian thích đáng để chăm sóc chồng con. Chính vì lẽ ấy mà bà luôn tỏ ra dị ứng, thậm chí là ác cảm với những nhận xét đại loại "Bà ấy quá bận rộn", "Bà ấy không phải là mẫu người dành cho gia đình". Một lần, trong bữa ăn chiều được tổ chức tại nhà của vợ chồng Clinton, khi nghe người bạn của ông Clinton hát tặng cô bé Chelsea một bài hát do đích thân ông ta sáng tác, trong đó có đoạn: "Dường như chúng ta quá bé khỏ, khiến không ai để tâm đến…", bà Hillary đã vô cùng tức giận. Trong suy nghĩ của bà, cô con gái yêu Chelsea không hề "bé nhỏ" và sự thực bà cũng chưa khi nào vì bận rộn việc xã hội mà buông lơi việc gia đình, nhất là việc chăm sóc, dạy dỗ con gái Chelsea.

Chúng ta đều biết, Ngoại trưởng Hillary Clinton là một phụ nữ cứng rắn. Cách hành xử của bà đối với con gái cũng không ngoại lệ. Bà không thích con gái đua đòi làm quen với những cách ăn diện điệu đàng của tuổi mới lớn. Đặc biệt, bà rất không ưng với việc ai đó để cho con gái thoải mái bắt chước người lớn trang điểm hoặc thử mặc quần áo của mẹ.

Bà Hillary và con gái Chelsea.

Khi Chelsea mới 7 tuổi, cô đã được mẹ dạy cho biết những chuyện "tế nhị", "phức tạp". Do vậy, cô sớm có những hiểu biết về cuộc sống của người lớn.

Khi ông Bill Clinton đắc cử Tổng thống, cả gia đình chuyển vào ở trong Nhà Trắng, bà Hillary đã rất lo con mình mắc bệnh "ngôi sao".

Từng có lúc Chelsea đưa bạn bè vào chơi bowling và xem phim trong phòng chiếu ở Nhà Trắng. Chuyện này ông bà Clinton không ngăn cấm. Nhưng khi tụi trẻ lỡ làm rơi vãi vụn bánh xuống sàn nhà, Chelsea đã bị mẹ yêu cầu phải nhặt lên ngay.

Bà Hillary đã học được một kinh nghiệm từ Jacqueline Kennedy (vợ của cố Tổng thống Kennedy): Phải dạy con tính độc lập. Dù có là đang ở trong Nhà Trắng đi nữa thì cũng cứ phải tự phục vụ mình, đừng trông đợi người giúp việc.

Nếu như bố Chelsea - cựu Tổng thống Bill Clinton thường để cho con gái tận hưởng cuộc sống theo cách mà cô muốn và không can thiệp gì thì ngược lại, mẹ cô - bà Hillary lại không thích con gái thay đổi cách sống mà mình muốn xếp đặt. Bà sợ Chelsea sẽ trở thành "miếng mồi" cho những tờ báo lá cải dòm ngó.

Sống giữa hai thái cực như vậy, Chelsea đã nhanh chóng trưởng thành, trở thành một trong những ái nữ được khen ngợi nhiều nhất trên thế giới. Cô kết hợp được phong cách cứng cỏi, tự tin của mẹ và sự hòa nhã, lịch thiệp từ bố. Nhiều người đã có nhận xét khi gặp Chelsea trong thời gian cô sống tại Nhà Trắng: Nụ cười ngoại giao của Chelsea rất giống nụ cười của mẹ cô - người hiện đứng đầu cơ quan Ngoại giao Mỹ.

Kể từ khi ông Clinton rời Nhà Trắng (tháng 1/2001), Chelsea ít xuất hiện trước công chúng. Cô chỉ xuất hiện nhiều trở lại khi đứng ra vận động cho mẹ trong chiến dịch tranh cử chức Tổng thống Mỹ hồi năm 2008. Trong cuộc tranh cử, mặc dù bà Hillary thất bại nhưng cá nhân Chelsae thì để lại trong lòng công chúng Mỹ nhiều thiện cảm.

Cách đây 2 năm, mặc dù đang đi công tác xa song khi hay tin Chelsea quyết định lấy chồng, bà Hillary đã sử dụng thư điện tử để cùng con gái chuẩn bị hôn lễ. Bà tâm sự rằng, nhiệm vụ ngoại giao toàn cầu với chức phận lo tổ chức hôn lễ cho con đều là những việc đại sự, không thể coi trọng mặt nào hơn mặt nào.

Con gái của bà Hillary theo đạo Thiên chúa còn chàng rể Mezvinsky của bà là người Do Thái. Khi được hỏi bà thấy thế nào về sự khác biệt tín ngưỡng này, bà Hillary đã cởi mở cho rằng: "Trong nhiều năm qua, những rào cản về ranh giới tín ngưỡng hoặc màu da, sắc tộc từng ngăn cản các bạn trẻ đến với hôn nhân chẳng đang ngày một được gỡ bỏ đó sao? Vấn đề là trước khi đến với nhau, bạn đã nghĩ kỹ chưa? Thấy rõ các hậu quả - nếu có - sau này hay chưa? Riêng tôi, tôi cho rằng, trong thế giới mà chúng ta đang sống, có nhiều thứ khiến chúng ta cần để tâm hơn là sự khác biệt về tín ngưỡng".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình NBC, bà Hillary cho biết, cũng như chồng, bà rất xúc động và hồi hộp trước hôn lễ của con gái. Tuy nhiên, bà xin không hé lộ bất cứ một chi tiết nào về cuộc hôn lễ này bởi theo bà: "Miệng tôi đã được kéo khóa. Tôi đã hứa và sẽ tuân thủ nghiêm ngặt việc không nói bất cứ thông tin gì xoay quanh vấn đề này. Đây là chuyện riêng tư". 

Cách đây ít lâu, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã có phút "mở lòng" với phóng viên Tạp chí Harper Bazaar của Mỹ. Trả lời câu hỏi liệu bà có chuẩn bị tinh thần để làm "bà ngoại", bà Hillary đã dí dỏm: "Hiện tại, tôi chưa muốn trở thành một người phụ nữ trong vai ấy. Nhưng chắc chắn một ngày nào đó, tôi sẽ thích trở thành bà ngoại". Khi được hỏi, trong "vai" mới này, bà sẽ nhận xét về mình như thế nào, bà Hillary đùa: "Có thể là một bà ngoại không thể…chịu đựng nổi. Và bà ngoại ấy sẽ nói với đứa cháu của mình: Lạy Chúa, ta sẽ chăm đứa trẻ, ta sẽ làm mọi thứ cho nó".

Với con, với cháu thì như vậy, trong cái nhìn của đức lang quân, bà Hillary hiện lên như thế nào? Phải khẳng định, ông Clinton đã từng không ít lần thể hiện sự hãnh diện về người bạn đời của mình. Người ta ghi được rằng: Vào một buổi tối nọ, trước màn hình vô tuyến, Bill Clinton ngồi theo dõi kết quả bầu cử hạ viện. Khi nghe một phóng viên loan báo thắng lợi đã thuộc về các dân biểu đảng Dân chủ và khi anh ta bình luận thêm: "Các dân biểu đảng Dân chủ có được chiến thắng này chính là nhờ công lao to lớn của bà Hillary Clinton, mặc dù sức ép rất lớn đến từ phía Cộng hòa trong Quốc hội", Bill Clinton đã sung sướng đứng phắt dậy hô to: "Đúng vậy, anh hoàn toàn có lý, đúng là không có bà ấy, tôi... chúng tôi không thể nào chiến thắng được"

Lưu Thanh Minh
.
.