Trong cái "rủi" có cái "may"

Thứ Sáu, 23/10/2009, 09:30
Tháng 3 năm 1912, trong khi nằm điều dưỡng tại một bệnh viện ở quê hương Bengali của mình, để giải trí đồng thời để thử khả năng học ngoại ngữ, thi hào Ấn Độ Rabinđranat Tagor (1861-1941) đã lọc lựa trong số những bài ông sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ rồi đem dịch ngược sang tiếng Anh.

Dịch xong cũng vừa lúc nhà thơ khỏi bệnh. Ngày 27/5 năm đó, ông lên tàu qua Anh. Thời gian trên tàu, ông soạn lại những bài thơ dịch theo thể xonnê (một thể thơ truyền thống của châu Âu, mỗi bài gồm 14 câu) và đặt tên là "Thơ Dâng".

Một sự "không may" đã mở ra một cơ hội lớn lao khiến tên tuổi của ông được chú ý ở Anh quốc. Trên một đường tàu điện ngầm ở thủ đô Luân Đôn, Tagor đã đánh rơi cái hộp đựng bản thảo…

Tình thế ấy buộc ông phải loan báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhờ một vài người bạn Anh tìm hộ.

Mấy ngày sau, cơ quan quản lý tài sản bị mất ở Luân Đôn báo cho tác giả đến nhận lại bản thảo. Nhân đó, tập bản thảo được biết đến và một số nhà thơ nổi tiếng của Anh đã nhiệt liệt biểu dương Tagor. Thậm chí nhà thơ Anh danh tiếng Yếtxơ đã tập hợp nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi ở thủ đô Luân Đôn để giới thiệu tập thơ nói trên.

Sau khi tập thơ được "Công ty Đông Ấn" xuất bản thành sách, tên tuổi Tagor càng được biết đến rộng rãi. Tập thơ cũng đến tay một số thành viên Hội Văn học Hoàng gia Anh. Hội này đã giới thiệu và đề nghị Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Noben. Với giải thưởng lớn lao trên (được trao vào năm 1913) Tagor trở thành nhà văn châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng cao quý này.

Thật là " trong cái rủi có cái may". Không biết sự thể sẽ đến đâu nếu không có chuyện Tagor sơ ý để rơi chiếc hộp đựng bản thảo ở một đường tàu điện ngầm hôm đó?

Trần Hoàng Giang
.
.