Trọn đời một đam mê

Thứ Tư, 12/10/2011, 08:00
Mặc dù tuổi đã ngoài 80 nhưng chưa khi nào tôi thấy GS - TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam là một... "ông già". Vì ông lúc nào cũng cho phép bọn trẻ chúng tôi "ngang hàng" khi đối thoại. Tính cách hài hước, gần gũi, ân cần, chia sẻ của ông khiến cho ông có nhiều bạn, mà toàn "bạn trẻ", thua ông cả nửa thế kỷ tuổi đời...

GS - TS Tô Ngọc Thanh  có vóc người nhỏ, nhưng nụ cười sáng làm ông không thể lẫn vào đám đông. Cả đời mình ông dành trọn tâm huyết để theo đuổi, nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa dân gian của dân tộc. Đi gần hết con đường, ngoảnh lại đằng sau, ông vẫn buồn day dứt vì không nhìn thấy người tâm huyết tiếp tục công việc của mình, trong khi các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc thì mỗi ngày một mất dần đi...

GS-TS Tô Ngọc Thanh là con trai của danh họa Tô Ngọc Vân. Lúc nhỏ, ông cũng được cha mình hướng cho theo hội họa. Nhưng rồi âm nhạc dân tộc quyến rũ tâm trí ông hơn. Ông nhớ lại: "Tôi thường trốn nhà đi nghe hát xẩm đầu phố Khâm Thiên hoặc đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát kiễng chân nhìn vào cửa bên trong để nghe hát ả đào. Nhận ra niềm đam mê ấy của tôi, cha tôi quyết định cho tôi theo âm nhạc dân tộc mà ngừng cuộc "thám hiểm" vào thế giới hội họa. Cha tôi bảo: "Không có tài thì đi chơi chỗ khác, đừng đứng cho chật đất của người khác". Việc học nhạc của Tô Ngọc Thanh cũng mấy lần dang dở vì chiến tranh, nhưng rồi cuối cùng ông cũng tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Trung cấp âm nhạc, tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bây giờ, cùng với những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt Nam như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Vĩnh Cát, nhạc sĩ Hồng Đăng...

Chọn âm nhạc dân tộc để theo đuổi, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ tại Bungary, sau đó trở thành Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học. Năm 1990, ông được công nhận là Giáo sư ngành âm nhạc dân tộc. Ông là người có nhiều công lao, cùng với các cộng sự của mình hoàn thiện các hồ sơ về nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ để trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn của thế giới. Với tính cách thẳng thắn, quyết liệt, kiến thức uyên thâm và tình yêu vô bờ bến dành cho văn hóa dân gian, ông đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. Là người đi nhiều nơi trên thế giới, GS - TS Tô Ngọc Thanh hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của văn hóa truyền thống trong sự tồn vong của một quốc gia.

"Chúng ta có thể trở thành một quốc gia giàu có về kinh tế. Nhưng nếu trên đường đi chúng ta bỏ quên văn hóa, đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống thì chúng ta sẽ trở thành một quốc gia không có bản sắc. Mà đã không có bản sắc thì sẽ bị hòa tan hoàn toàn trong thế giới hội nhập. Nói khác đi, không còn văn hóa dân tộc thì cũng không còn chính dân tộc đó".

Gặp GS - TS Tô Ngọc Thanh không dễ, vì phần lớn thời gian ông rong ruổi trên đường. Điểm dừng chân của ông là các bản làng xa xôi ở vùng núi cao Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, các làng quê Bắc Bộ, Nam Bộ…Trên vai ông là máy ảnh, máy ghi âm, sổ tay để ghi chép, lưu giữ, sưu tầm các giá trị văn hóa dân gian của các tộc người, các vùng đất. Ông cặm cụi đi tìm các nghệ nhân cao tuổi, ghi âm các điệu hát cổ, rồi hướng dẫn các cụ mở lớp truyền dạy cho con cháu trong làng để truyền bá, lưu giữ các giá trị văn hóa lâu đời của tổ tiên. Từ rất lâu ông đã nhiều lần lên tiếng cần phải tôn vinh các nghệ nhân dân gian vì họ là chính là các "báu vật nhân văn sống". Ông chia sẻ: "Bản chất của văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa phi vật thể nằm trong trí nhớ con người và chuyển giao bằng truyền nghề, truyền ngón, truyền miệng. Tức là nó phi văn bản. Nên các nghệ nhân đóng một vai trò rất lớn. Quy tụ trong một nghệ nhân là kết quả sáng tạo của cả một cộng đồng, trong suốt chiều dài lịch sử. Ngoài ra, chính họ là người sáng tạo, bổ sung thêm những giá trị họ đang nắm giữ. Họ chính là những người có đủ năng lực truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Tôn vinh họ là một trong những cách để tôn vinh chủ thể văn hóa dân tộc trong dòng chảy hội nhập, để nhận ra bản sắc riêng của dân tộc trong thế giới văn minh vật chất hôm nay".

Từ năm 1992, với tư cách là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, GS - TS Tô Ngọc Thanh đã đề nghị Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương phong danh hiệu cho các nghệ nhân dân gian theo tiêu chí như phong danh hiệu cho các nhà giáo, bác sĩ. Đến nay, hàng trăm nghệ nhân trên khắp mọi miền đất nước được phong tặng danh hiệu này. Họ chính là những hạt nhân quan trọng để gieo trồng các giá trị văn hóa cổ truyền của cộng đồng trong lớp trẻ.

Thật khó tin khi biết vị giáo sư tuổi 80 vẫn đi xe ôtô xuyên Việt là "chuyện bình thường". Ông kể: "Tôi được tiêu chuẩn cấp xe Camry, nhưng tôi nói ngay với các vị lãnh đạo là tôi không đi đường phố, đường đô thị nhiều mà công việc của tôi là phải đi đường trường, đường địa hình, nên tôi cần một chiếc xe 7 chỗ, 2 cầu. Nếu không được thì tôi cũng xin trả lại xe Camry". Và chiếc xe Pajero 7 chỗ đã rong ruổi "trèo đèo lội suối" cùng với ông. Thành quả sau mỗi chuyến đi là những tập bản thảo, những công trình nghiên cứu có giá trị.

Người làm văn hóa dân gian hôm nay không ít, nhưng làm văn hóa dân gian kiểu như GS - TS Tô Ngọc Thanh thì không có mấy người. Ông quan niệm, muốn giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian thì phải đi đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mắt di sản, đánh giá được tình trạng cụ thể của di sản, từ đó mới đề ra các giải pháp tu tạo, khôi phục hợp lý. Còn nếu chỉ nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, trên tài liệu, giấy tờ thì không có hiệu quả. Đến nay, Tô Ngọc Thanh không thể nhớ hết các chuyến đi của mình, chỉ biết rằng, ông có thể thuộc làu văn hóa của nhiều vùng đất, nhiều dân tộc thiểu số. Ông có thể sử dụng thành thạo tiếng Thái, Mường, Tày, Nùng, Bana… để trò chuyện với bà con dân tộc thiểu số. Ông dạy những người nông dân cách ghi chép, tổ chức bản thảo để họ có thể theo dõi hiện trạng các giá trị văn hóa của làng mình, bản mình, giúp ích cho các nhà nghiên cứu trong việc đề ra giải pháp giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa dân gian. Nhờ đó, ông cùng với các cộng sự trong Hội Văn nghệ Dân gian đã làm được một cuộc tổng kiểm kê lớn về văn hóa cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. 46/54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S đã được "kiểm kê" xong về số lượng và chất lượng di sản và đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc trùng tu, bảo tồn. Còn lại 8 dân tộc có số lượng dân cư ít, địa bàn sinh sống ở những vùng hẻo lánh hơn sẽ được "kiểm kê" tiếp tục trong tương lai gần.

Thật vui là kết quả cuộc tổng kiểm kê di sản văn hóa dân gian của GS-TS Tô Ngọc Thanh và các cộng sự của ông đã được biến thành "tài sản văn hóa" nhờ dự án "Công bố và phổ biến văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" của Chính phủ. Nhiều bản thảo quý về văn hóa các dân tộc nhiều năm tháng chất chồng trong kho cho gián gặm nay đã thực sự biến thành những cuốn sách nằm trong hệ thống thư viện từ Trung ương đến địa phương, các trường đại học và các viện nghiên cứu. Việc phổ biến các tư liệu quý giá này sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức của đông đảo nhân dân trong giữ gìn, bảo vệ những tinh hoa văn hóa bao đời cha ông để lại. Đến nay, cuốn sách thứ 400 trong tổng số 2.000 cuốn đã được phát hành đến tay bạn đọc. Mỗi công trình như vậy sẽ được tóm tắt bằng tiếng Anh và được đưa lên trang web của Hội Văn nghệ Dân gian, tiện cho người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cổ truyền Việt Nam. Tô Ngọc Thanh rất phấn khởi về sự kiện này. Tuy nhiên, để bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, với ông, còn phải làm rất nhiều việc đồng bộ khác nữa.

Ông buồn khi thấy không ít nhà quản lý văn hóa lại không am tường về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian. Ông xót xa khi nhìn thấy Tây Nguyên đang mất dần đi không gian cho văn hóa cồng chiêng. Quan họ không còn giữ được cái không gian thuần túy của liền anh liền chị. Ông không đồng tình với quan điểm sân khấu hóa một số bộ môn nghệ thuật truyền thống. "Phải bảo vệ văn hóa dân gian trong thể sống động của nó. Không có liền anh liền chị thì quan họ chỉ còn là các tiết mục. Cồng chiêng Tây Nguyên mà mang lên sân khấu, chứ không phải trong không gian của bản làng, với những lễ hội và sự tham gia của đông đảo đồng bào thì cũng chỉ là "cái xác", không phải là các giá trị văn hóa nữa".

Trong nhiều câu chuyện, GS - TS Tô Ngọc Thanh không ngừng nói về những thách thức của một quốc gia, dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Nếu không quan tâm đến văn hóa thì quá trình phát triển cũng đồng thời là quá trình hủy diệt văn hóa. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là việc nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về thái độ trọng thị các giá trị văn hóa dân gian, vốn là nền tảng vững bền của văn hóa dân tộc. Ông như người lữ hành cô độc đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình, và cao hơn thế là tìm kiếm tình yêu dân tộc mình, trong văn hóa dân gian…

Vũ Quỳnh Trang
.
.