Cửa sổ văn nghệ

Tri ân bụi phấn

Thứ Ba, 26/11/2013, 08:00

Trong mỗi cuộc đời, nếu bình tâm mường tượng lại những tháng ngày đáng nhớ nhất, chắc chắn nhiều người sẽ thấy lấp lánh bao nhiêu hình ảnh thân thương dưới mái trường. Bên cạnh gương mặt bạn bè dần nhạt nhòa theo ký ức, khoảnh khắc khiến chúng ta thánh thiện nhất là hát thầm trên môi mình những bài hát về một thời cắp sách.

Nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ XX đã có rất nhiều bài hát xúc động ngợi ca mái trường và tri ân thầy cô giáo. Phổ biến nhất phải kể đến ca khúc "Bụi phấn" với hình ảnh "khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi". Và kế đến là một danh sách dài, từ "Đi học" dành cho lứa tuổi thiếu nhi với "Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp", đến "Ngôi trường dấu yêu" nhắc nhớ thời trung học "Nhớ những tháng năm dài sống dưới ngôi trường bao mến thương của tôi/ Có ánh nắng tươi hồng với tiếng chim ngoài xa líu lo hòa ca", và cả "Con đường đến trường" dành cho những ai đã trưởng thành được dịp ngoảnh lại "Một chiều đi trên con đường này, hoa điệp vàng trải dưới chân tôi, ngập ngừng trong tôi như thầm hỏi, đường về trường ôi sao lạ quá".

Bằng chính lịch sử phát triển, không ai dám phủ nhận âm nhạc cũng là một phương cách giáo dục hiệu quả và có tác dụng lâu dài. Khi một con người biết cất lên tiếng hát trân trọng những người đưa đò lặng lẽ, thì tất cả mọi tin yêu nơi sâu thẳm trái tim họ đều được đánh thức. Từ những bài hát nho nhỏ, tình cảm kính yêu đối với thầy cô sẽ lớn dần lên trong lòng mỗi học trò.

Không rung động sao được khi nghe "Cây bông hồng em trồng tặng cô, cánh hoa hồng tươi như khoe ngày hội mát dịu mùi hương như tình thương mến cô dành cho chúng em" (bài "Bông hồng tặng cô). Không bồi hồi sao được lúc nghe "Khi nắng hồng trở lại bên em, khi nắng vàng dịu dịu trải xuống. Thầy mang cho em ước vọng, đi trên con đường có những lá rơi" (bài "Ơn thầy"). Và không ngậm ngùi sao được trước ca từ thổn thức "Người thầy vẫn lặng lẽ dưới mưa, dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi" (bài "Người thầy").

Nếu làm một cuộc tổng kết, chúng ta có được khoảng 100 bài hát viết về mái trường và thầy cô giáo. Có những bài ca ngợi trực tiếp như "Những điều thầy chưa kể", và cũng có những bài gián tiếp phản ánh vẻ đẹp trường lớp như "Những nụ cười trở lại". Thậm chí có bài hát ngỡ là đề tài thương binh liệt sĩ như "Vết chân tròn trên cát" vẫn hiện lên sức sống người thầy "Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ/ Bài hát quê hương".

Không thể nói khác hơn, những bài hát ấy là tài sản lớn rất đáng tự hào của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, đã đến lúc phải tìm kiếm thêm những giai điệu mới đồng hành với nền giáo dục hiện đại. Một cuộc vận động sáng tác về mái trường và thầy cô hoàn toàn không chỉ là sự mong đợi của giới nhạc sĩ mà cả của rất nhiều công chúng!

Lê Thiếu Nhơn
.
.