Tre già, măng...chưa mọc

Thứ Năm, 09/09/2010, 09:18
Trong thời buổi hội nhập, việc giữ gìn và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống luôn là yêu cầu cấp thiết bởi đó là bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhưng hiện nay có một thực tế, những người trẻ ngày càng ít theo học những lĩnh vực được coi là vốn cổ và vốn quý này...

Theo thông tin từ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, mùa tuyển sinh năm nay, lần đầu tiên không có bất kỳ thí sinh nào dự thi vào chuyên ngành đàn dân tộc. "Chuông vàng vọng cổ" - cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực cải lương, thí sinh nhỏ tuổi nhất trong vòng chung kết cũng đã ở tuổi 24. Không chỉ có vậy, ngay ở lĩnh vực được coi là "hot" nhất hiện nay là MC truyền hình cũng thấy sự chênh lệch rất lớn về khả năng dẫn dắt chương trình giữa thế hệ MC đi trước với đông đảo số lượng MC sau này. Những điều đó cho thấy chúng ta đang thiếu một lớp kế cận tài năng, nhiệt huyết, hăng say ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Từ những môn nghệ thuật truyền thống

Trong thời buổi hội nhập, việc giữ gìn và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống luôn là yêu cầu cấp thiết bởi đó là bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhưng hiện nay có một thực tế, những người trẻ ngày càng ít theo học những lĩnh vực được coi là vốn cổ và vốn quý này. Số lượng các bạn trẻ đến các lò luyện ca, luyện đàn truyền thống ngày càng ít. Ngay cả những trường đào tạo chính quy các loại hình nghệ thuật truyền thống này, số lượng thí sinh đầu vào cũng ngày càng giảm.

Theo thông tin mới nhất từ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, mùa tuyển sinh năm nay, dù chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa kịch hát dân tộc là 20 sinh viên cải lương nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 11 người. Điều đáng báo động hơn nữa là với chuyên ngành đàn dân tộc, không có bất kỳ thí sinh nào đăng ký dự thi. Mặc dù nhà trường cho biết, trước đó họ đã cho thông báo tuyển sinh rộng rãi trên khắp các tỉnh thành. Chế độ ưu đãi (giảm 75% học phí) với sinh viên học khoa kịch hát dân tộc vẫn không hấp dẫn được các bạn trẻ. Với tình trạng như vậy, nhiều người e rằng, năm nay nhà trường sẽ rơi vào tình trạng nhiều thầy dạy một trò vì khoa kịch hát dân tộc có tới 15 thầy cô giáo.

Câu chuyện thiếu những người kế thừa xứng đáng cũng bộc lộ rõ ở cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" cuối tháng 8 vừa qua. Được coi như một niềm tự hào của Đài Truyền hình TP HCM trong việc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ, nhưng thông qua cuộc thi, cho thấy một thực trạng đáng buồn của sân khấu cải lương. Trong danh sách 10 thí sinh vào vòng chung kết thì thí sinh trẻ nhất là Ninh Thị Như Quỳnh cũng đã 24 tuổi. Thí sinh lớn tuổi nhất là Nguyễn Văn Thu, 33 tuổi, tức là gần kịch sàn tối đa cho phép của Ban tổ chức (35 tuổi).

"Chuông vàng vọng cổ" là cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ của sân khấu cải lương, nhưng theo con số thống kê của nhạc sĩ Kiều Văn Tấn, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM, đồng thời là Phó ban Tổ chức cuộc thi thì tuổi bình quân của các thí sinh năm nay cũng khá cao: 24,5 tuổi. Với các ngành nghệ thuật thì mức tuổi ấy không phải là trẻ nữa.

Làm sao để ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với những cây đàn dân tộc như thế này.

Cải lương đã vậy, sân khấu tuồng còn "bi đát" hơn. Nhiều nhà hát tuồng chỉ có thể biểu diễn ở những dịp lễ hội do Nhà nước đứng ra tổ chức. Các suất diễn hàng tuần đều vắng bóng khán giả. Không ít lần diễn viên hóa trang xong rồi đành phải hủy sô diễn vì không có khán giả. Nhiều năm, trong cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu ở lĩnh vực này, các thí sinh đều đã xấp xỉ 30 tuổi và vẫn là những gương mặt quen thuộc.

Việc chúng ta ngày càng thiếu những tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật dân tộc đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo tồn, phát huy vốn nghệ thuật độc đáo này. Không khó để tìm ra nguyên nhân của việc các bạn trẻ, dù có năng khiếu cũng không mặn mà với các bộ môn nghệ thuật truyền thống bởi thời gian học tập thường dài, ra trường khó tìm việc. Điều quan trọng, những môn nghệ thuật nà khó có thể giúp họ ổn định cuộc sống, nếu không muốn nói là quá "hẻo" so với các bộ môn nghệ thuật khác.

Theo ý kiến của các nghệ sĩ lão thành, những nhà nghiên cứu giảng dạy thì nguyên nhân còn do lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo điều kiện và thu hút  giới trẻ đến với các loại hình nghệ thuật dân tộc. Cần có một sự đãi ngộ xứng đáng và quan tâm hơn nữa với những người dám dũng cảm đi vào con đường gian khó. Phần lớn các nghệ sĩ để có thể theo đuổi đam mê nghệ thuật đều phải lận lưng thêm một vài nghề tay trái. Điều đáng lo ngại rằng nếu không có những chính sách kịp thời, phù hợp thì chúng ta khó có được lớp kế cận nghệ sĩ tài năng, tâm huyết như NSND Thanh Tòng, NSND Đàm Liên, NSƯT Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…

…đến những lĩnh vực khác

Việc thiếu tài năng trẻ ở những loại hình nghệ thuật truyền thống là điều có thể hiểu được, nhưng ngay một số lĩnh vực được coi là hiện đại, khá "hot" với giới trẻ hiện nay cũng rơi vào tình trạng tre già mà măng thì chưa mọc, như MC truyền hình, diễn viên sân khấu. Với nhiều khán giả, những tên tuổi MC như Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Thu Uyên, Diễm Quỳnh, Quỳnh Hương, Đỗ Thụy… đã trở thành những thương hiệu của nhiều chương trình. Điều đó, họ đạt được là nhờ trình độ, trí tuệ và nét riêng trong cách dẫn dắt của mỗi người.

Việc thiếu vắng một lớp MC kế cận trong tình trạng "nhà nhà làm MC" như hiện nay là một thực trạng đáng báo động. Cuối tháng 8 vừa qua, tại hai đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt được tổ chức gần sát nhau, Anh Tuấn đều được mời làm MC. Đánh giá một cách công bằng, cách dẫn của MC Anh Tuấn không thật hay, nhưng để lựa chọn một gương mặt MC đủ bản lĩnh dẫn dắt một chương trình truyền hình trực tiếp không phải là có nhiều sự lựa chọn. Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt có lẽ đã nhanh chóng rút kinh nghiệm từ những hạt sạn không đáng có trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam từ người đẹp Ngô Mỹ Uyên như nói sai, nói vấp… để rồi đã quyết định "tung" MC Diễm Quỳnh vào giờ chót bên cạnh Hoa hậu Jennifer Phạm. Có thể, sự trẻ trung, sắc vóc không phải là lợi thế của những MC ở vào lứa tuổi như Diễm Quỳnh, nhưng rõ ràng, sự dẫn dắt khéo léo, linh hoạt đã góp phần vào sự thành công của đêm chung kết.

Chúng ta đã có một thế hệ MC chuyên nghiệp, khẳng định được tài năng và phong cách của mình như Tạ Bích Loan với những câu hỏi thông minh, đôi khi "gai góc" cho khách mời của mình trong chương trình "Người đương thời"; MC Thu Uyên lại có tài lấy nước mắt "Như chưa hề có cuộc chia ly"… Họ là những người không chỉ có khả năng dẫn dắt mà còn có thể viết kịch bản và xây dựng chương trình.

Đã có không ít MC được tìm thấy từ những cuộc thi tuyển chọn chuyên nghiệp như "Người dẫn chương trình truyền hình" của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ hàng năm, cuộc thi "Cầu vồng" của Đài Truyền hình Việt Nam, hay các cuộc thi tuyển MC của các kênh, các đài truyền hình, nhưng những gương mặt này mới chỉ lấp được sự thiếu hụt hơn là khẳng định thương hiệu.

Bên cạnh đó, việc lấy MC từ những người mẫu, diễn viên điện ảnh, ca sĩ khiến cho MC ngày một nhiều nhưng lại ít bản sắc. Và còn bởi chính những người trẻ khi bước vào nghề MC không bằng một thái độ nghiêm túc với nghề mà với tham vọng dễ được nổi tiếng.

Một lĩnh vực khá sôi động hiện nay ở TP HCM là sân khấu kịch nói cũng bộc lộ rõ khoảng trống lớp kế cận tài năng. Gần đây, khi sân khấu Idecaf dựng "Ngàn năm tình sử", dù ngoại hình NSƯT Thành Lộc không phù hợp lắm với nhân vật Lý Thường Kiệt, nhưng khó ai có khả năng thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật bằng Thành Lộc. Tính sơ sơ, hiện nay trên địa bàn TP HCM có tới hàng chục sân khấu kịch thường xuyên đỏ đèn với hàng trăm diễn viên. Tuy nhiên, để có thể đảm nhiệm những vai chính, đảm bảo bán được vé vẫn là những cái tên như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân, Hữu Châu, Thu Thủy…

Sân khấu phía Nam còn vậy, sân khấu phía Bắc còn đáng e ngại hơn. Một năm dựng một, hai vở, mấy năm mới có một mùa hội diễn nên cơ hội cho những người trẻ đã ít lại càng ít. Có những người hàng chục năm vào nghề chỉ chuyên vai phụ. Còn có nghệ sĩ đã ngoài 40 tuổi vẫn cứ phải hóa trang vào vai... 17, 18 tuổi vì lo diễn viên trẻ không đảm nhận được vai diễn. Những cái khó cứ bó nhau như thế khiến cho sân khấu kịch khó có được những gương mặt mới.

Điểm qua một vài lĩnh vực như thế để thấy, nếu không có chính sách phù hợp thì sau một thế hệ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết sẽ là sự thiếu hụt, khoảng trống lớn trong đời sống văn nghệ

Khánh Thảo
.
.