Trẻ em muốn gì ở sách?

Thứ Sáu, 13/07/2007, 16:05
Một cuốn sách muốn nhận được sự chào đón của trẻ em không chỉ là một cuốn sách có nội dung tốt, mà còn phải tạo ra được sức lôi cuốn các em từ hình thức thể hiện như bìa sách, khổ sách, cách trình bày, ngôn ngữ của người viết sao cho phù hợp với tư duy của các em.

Chúng tôi xin mượn tên tác phẩm của nhà văn Nga Muxtai Karim để làm tên gọi cho chuyên đề sách dành cho thiếu nhi trong số báo này. Ở lời giới thiệu cuốn sách, dịch giả Phạm Mạnh Hùng đã viết: “Tìm về tuổi thơ, về cái giới hạn uyên nguyên của đời người là tìm về ngọn nguồn của những giá trị tinh thần, tìm lại sự hài hòa giữa cái tôi và cái không tôi…”.

Chúng ta ai cũng từng đi qua tuổi thơ và ai cũng có những ấn tượng đặc biệt mãi nằm trong ký ức về một vài cuốn sách nào đó mình đã được đọc từ tấm bé. Thật khó hình dung thế giới của trẻ em sẽ như thế nào nếu không có người bạn gần gũi là sách. Những cuốn sách nhỏ ẩn giấu trong nó là một bầu trời rộng lớn, mang tới nhiều ngạc nhiên và cả những mầu nhiệm…

Ngày hôm nay trẻ em có nhiều phương tiện để tiếp cận thế giới, và sách chỉ là một trong số đó. Để có được lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt với các loại hình giải trí khác như Internet, truyền hình, âm nhạc… các nhà làm sách cho thiếu nhi đang hàng ngày hàng giờ vận động, thay đổi, tìm ra những phương cách hấp dẫn để phục vụ đúng và trúng nhu cầu đọc sách của các em.

Không chỉ riêng NXB Kim Đồng với chức năng chính là làm sách cho trẻ em, mà một số đơn vị khác như NXB Trẻ, các công ty tư nhân cũng mở rộng, tìm kiếm nguồn bản thảo hay, hấp dẫn phục vụ các “thượng đế nhỏ tuổi”.

Thời kỳ bao cấp, sách cho thiếu nhi chủ yếu là sách văn học. Nhưng ngày hôm nay, các bậc phụ huynh và các em nhỏ có thể tha hồ lựa chọn sách thuộc mọi lĩnh vực khác nhau tại các hiệu sách, từ văn hóa nghệ thuật đến khoa học, kỹ thuật, kỹ năng sống, sách hướng nghiệp…

Riêng NXB Kim Đồng mỗi năm phát hành hơn 1.000 đầu sách với hàng triệu bản in, đóng góp rất lớn vào việc bồi dưỡng đời sống tinh thần, nâng cao kiến thức cho các em nhỏ. Một cuốn sách muốn nhận được sự chào đón của trẻ em không chỉ là một cuốn sách có nội dung thông tin tốt, mà còn phải tạo ra được sức lôi cuốn các em từ hình thức thể hiện như bìa sách, khổ sách, cách trình bày, ngôn ngữ của người viết sao cho phù hợp với tư duy của các em.

Trong biển sách mênh mông chào mời trẻ em ấy, không hẳn cuốn sách nào cũng thực sự cần thiết và thực sự tốt. Đã có nhiều ví dụ cho thấy người làm sách, vì chạy theo lợi nhuận đã đưa ra thị trường những sản phẩm cẩu thả, vội vàng, nội dung không lành mạnh, không phù hợp với trẻ em mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng. Trong đó truyện tranh được nhắc tới nhiều nhất.

Vì quyền lợi của trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi người làm sách, mỗi đơn vị làm sách cho các em cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình để mỗi ngày có thêm những cuốn sách hay, bổ ích, mở rộng thế giới tuổi thơ vốn vô cùng trong sáng, lung linh của các em.

Ngoài ra, các bậc làm cha mẹ cũng cần phải có những kỹ năng tốt để hướng dẫn con em mình tiếp cận, lựa chọn sách hay, sách quý, làm nền tảng cho việc hình thành nhân cách, trí tuệ của trẻ...

Vũ Quỳnh Trang
.
.