Trào lưu Parody: Ranh giới nào giữa chọc cười và bôi nhọ nghệ sĩ?

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:57
Parody nghĩa là nhại lại, bắt chước tác phẩm, nhân vật gốc theo hướng hài hước hóa để gây cười hoặc châm biếm. Trào lưu parody khai sinh từ Mỹ đầu năm 2000 nhưng phải đến năm 2013, nó mới nở rộ ở Việt Nam khi mạng xã hội trở nên phổ biến. Bên cạnh những clip parody vui vẻ là chính, không ít màn nhại lại phản cảm, bôi bác. Clip Trấn Thành nhại Phi Thanh Vân, Lâm Khánh Chi mới đây là một ví dụ.


Các nghệ sĩ nổi tiếng hoặc MV (tức video ca nhạc), bộ phim triệu view luôn là mục tiêu hàng đầu để ai thích thể loại parody thử nghiệm. Vì parody là kiểu nhại theo hướng hài hước hóa để gây cười nên các gameshow bắt chước nghệ sĩ như "Gương mặt thân quen", "Biến hóa hoàn hảo"… không thuộc thể loại này.

Trên Facebook và YouTube, các clip parody nhan nhản. Bất kỳ một MV, bộ phim hay clip nổi tiếng nào cũng có ngay phiên bản parody của nó. Bản gốc mới tung hôm nay, hôm sau đã rần rần có ngay bản nhại. MV "Em gái mưa" của ca sĩ Hương Tràm; "Lạc trôi", "Nơi này có anh", "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng; "Bao giờ lấy chồng", "Mình yêu nhau đi" của Bích Phương; "Anh không đòi quà" của Only C ... đều có vô số bản nhại.

Phim thì không thể không nhắc tới phim ngắn parody "Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể" nhại phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", "Hoàn Châu Cua Chống" nhại "Hoàn Châu Cách Cách", "Bỗng dưng nổi loạn - Hotboy muốn khóc" nhại "Hotboy nổi loạn" và "Bỗng dưng muốn khóc"... Một MV có tận hàng chục, thậm chí hàng trăm bản nhại là điều bình thường. "Anh không đòi quà" năm 2013 là một ví dụ. Đây cũng là MV khơi mào cho trào lưu parody bùng nổ.

MV parody "Em gái mưa" của Huỳnh Lập được khen ngợi vì tạo hình lung linh y chang bản gốc và mang thông điệp ý nghĩa.

Mục đích chính của padory là mua vui, giải trí nên rất được giới trẻ ưa chuộng. Chỉ với vài ba đạo cụ đơn giản, hóa trang sao cho na ná và một chiếc điện thoại có khả năng quay phim là họ thỏa sức làm clip parody cộp mác cá nhân.

Nội dung hài hước, sáng tạo nên không ít clip parody vượt mặt bản gốc về lượt xem. Chẳng hạn như MV parody "Em gái mưa" của Huỳnh Lập, "Anh không đòi quà" phiên bản siêu nhân Gao... Cá biệt, MV nhại "Anh không đòi quà" của nhóm BB&BG thu hút trên 100 triệu lượt xem. Lượt xem tăng thì đồng nghĩa với việc nhóm thực hiện có doanh thu từ YouTube hay các nhãn hàng quảng cáo.

Nhận thấy parody "đào ra tiền" chứ không chỉ "vui là chính" nên bây giờ, các nhóm mạnh tay đầu tư cho clip parody lung linh, hoành tráng không kém bản gốc. Để làm MV parody "Em gái mưa" giống bản gốc đến từng khuôn hình, góc máy, trang phục, bối cảnh... Huỳnh Lập chi hơn 100 triệu. Riêng phim ngắn parody "Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể", anh chi hơn 1 tỷ để may trang phục và tạo kỷ xảo "khủng" như bản gốc của Ngô Thanh Vân. Nhờ trào lưu này, từ vô danh tiểu tốt trên mạng, các nhóm BB&BG, DamTV… nhanh chóng nổi tiếng. Linh hồn của nhóm là Huỳnh Lập, Hải Triều, Trần Bảo Bảo (tức BB Trần)...  được giới trẻ biết đến.

Ai cũng biết clip parody thu hút người xem nhờ nó ăn theo bản gốc quen thuộc. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ. Bởi theo diễn viên Tiko Tiến Công - cựu thành viên nhóm BB&BG, nếu chỉ nhại theo và làm lố điệu bộ, tình huống để gây cười thì sản phẩm parody đó có dễ bị "ném đá" và cầm chắc thất bại dù hình ảnh có đẹp cỡ nào. "Parody không đơn thuần chỉ dựa theo sản phẩm có sẵn, mà phải có sự sáng tạo, chứa đựng hàm ý và thông điệp ý nghĩa. Tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người mà có sự sáng tạo, biến tấu hài hước phù hợp với từng tình huống cụ thể dựa trên clip gốc" - Tiko nói.

Làm theo MV "Em gái mưa" nhưng phiên bản parody của Huỳnh Lập có kết thúc hoàn toàn khác với bản gốc. Đó là cái kết có hậu với mong muốn hai nhân vật chính đến được với nhau chứ không phải chia lìa trong đau xót. Nhóm thực hiện "Anh không đòi quà" phiên bản siêu nhân Gao thì mong truyền thông điệp lạc quan, sống tích cực đến giới trẻ, đồng thời châm biếm các vấn đề nhức nhối của xã hội như trộm cướp, nạn phân biệt giàu nghèo...

Trào lưu này không chỉ hấp dẫn người vô danh hay những nghệ sĩ mới nổi mà còn thu hút không ít nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt là nghệ sĩ hài. Trấn Thành, Thu Trang, Trường Giang… đều có những clip parody đình đám. Clip "Cô là ai, con không biết cô, cô đi đi" gây bão trong cộng đồng mạng lập tức được Trấn Thành, Phương Mỹ Nhi... bắt tay thực hiện clip parody siêu hài. Mới đây, clip Trấn Thành nhại Phi Thanh Vân được chia sẻ chóng mặt.

Tuy nhiên, không ít các clip chỉ đu theo các sản phẩm đang hot để câu khách. Họ chỉ cần bám theo bản gốc, thêm thắt vào yếu tố như giả gái, dung tục, giật gân là thành clip parody "mì ăn liền". Có thể kể đến MV parody "Em không nhớ" nhại "Em đã quên" (ca sĩ Thủy Tiên) của một nhóm bạn trẻ. Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên bị méo mó khi cậu chàng đóng vai Thủy Tiên mặc quần đùi áo thun, tay không ngừng nâng hai quả bong bóng giả làm ngực.

Phân cảnh khác, cậu chàng đội tóc giả, trùm mền uốn éo vòng ba bên cây lau nhà, xô nước trông rất phản cảm. Bắt chước màn lột đồ giữa đường ở MV "Anh không đòi quà", phiên bản parody ở Cần Thơ bị xử phạt vì nội dung gợi dục, trái thuần phong mỹ tục. "Đậu phộng trôi phiên bản bựa" - clip nhại "Lạc trôi" của Sơn Tùng - không chỉ khiến người xem đỏ mặt vì ca từ nhại thành thô tục mà còn phô bày vô số hình ảnh hở hang, mô tả cảnh nhạy cảm...

Ở thể loại parody, ranh giới giữa mục đích gây cười, giải trí và bôi nhọ tác phẩm, hình tượng nghệ sĩ trở nên mong manh. Là nghệ sĩ ham parody, Trấn Thành liên tục bị dư luận phản ứng. Clip Trấn Thành ăn mặc, hóa trang và nhại y chang điệu bộ, giọng nói Phi Thanh Vân trong clip cô trả lời ứng xử tại cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017" gây tranh cãi. Nhiều người nức nở khen Trấn Thành bắt chước quá chuẩn và làm lố đúng chỗ khiến khán giả cười lăn cười bò. Có người khó chịu cho rằng anh mang Phi Thanh Vân ra làm trò cười như cách đây vài năm anh từng giễu cợt cô.

Trấn Thành giả gái nhại Phi Thanh Vân trong cuộc thi “Hoa hậu danh nhân Thế giới người Việt”.

Dù Phi Thanh Vân cho hay cô bỏ qua chứ không đáp trả chua cay như hồi còn trẻ nhưng dư luận và nhiều nghệ sĩ không khỏi bức xúc thay. Trước đó, Trấn Thành làm clip parody Lâm Khánh Chi để kể chuyện chuyển giới, chuyện yêu đương, hôn nhân... của cô.

Thừa nhận mình không cảm thấy bực bội nhưng Lâm Khánh Chi không hài lòng khi hình tượng công chúa của mình bị Trấn Thành hóa trang sơ sài, thô kệch. Không chịu nổi kiểu parody mỉa mai đồng nghiệp của Trấn Thành, Bảo Duy - chồng cũ Phi Thanh Vân viết lên trang cá nhân: "Một vài thành phần nghệ sĩ hạng A, chả hiểu nghĩ thế nào mà dìm hàng đồng nghiệp, quay clip làm những trò lố lăng để câu view! Đã là nghệ sỹ hạng A thì khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ, hài thì cũng phải có tính nhân văn và sạch sẽ chứ! Trước thì rất quý bạn ý nhưng giờ xét về nhân văn học thì khinh rồi. Bạn ấy đã rất thành công khi lấy đi rất nhiều tiếng cười của khán giả, trong đó có tôi. Khán giả cười vì clip đó vui nhưng riêng tôi thì tôi không cười nội dung clip đó mà tôi cười bạn ấy nhiều hơn!".

Lạm dụng thể loại parody trong các sản phẩm hài kịch, Trấn Thành từng dính tai tiếng khi parody vở cải lương kinh điển "Tô Ánh Nguyệt". Hình tượng Tô Ánh Nguyệt đoan trang, giàu đức hy sinh đã bị bôi bác, dung tục hóa trong vở hài kịch "Tô Ánh Nguyện Remix".

Có vẻ như ở sân khấu lớn dễ bị "ăn đòn" nên Trấn Thành bắt đầu khoái làm parody về những nhân vật scandal của làng showbiz. Điều quan trọng là người xem không thấy được thông điệp tích cực từ các clip này mà chỉ thấy anh đang "đá xéo" đồng nghiệp.

"Dù nghệ sĩ đó dính nhiều thị phi nhưng họ không đáng bị châm chọc như vậy. Dù anh là ai, anh không được quyền làm như thế. Bản thân anh có hoàn hảo không mà đả kích người ta. Hay anh đạp lên người ta để tôn vinh bản thân mình? Là nghệ sĩ càng có tên tuổi thì mình càng phải cẩn trọng để giữ gìn hình ảnh trong mắt công chúng và trong mắt đồng nghiệp. Đó là tư cách đạo đức và là sự tôn trọng nhau" - ca sĩ Ánh Tuyết nhắn nhủ.

Phan Thi Uyên
.
.