"Trạng Tí phiêu lưu ký" dừng cuộc giữa mùa dịch

Thứ Sáu, 14/05/2021, 14:19
Bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" chính thức ra rạp từ ngày 30-4 và được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt. Tuy nhiên, do COVID-19 bùng phát phải đóng cửa các địa điểm giải trí, nên "Trạng Tí" đành dừng cuộc "phiêu lưu ký" khi chỉ mới thu được 25 tỷ đồng, nhỉnh hơn phân nửa kinh phí 45 tỷ đồng đầu tư sản xuất.


Bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" dựa theo tác phẩm truyện tranh nổi tiếng "Thần đồng đất Việt" từng gây tranh cãi ồn ào về bản quyền. Bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" sau mấy phen dời đi dời lại đã chính thức công chiếu vào dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua. Ca sĩ Tóc Tiên có mặt trong suất chiếu sớm, cho biết: "Mình và hàng trăm khán giả đã vỗ tay liên tục cho những cảnh quay đẹp mắt, thiên nhiên hùng vĩ, và đặc biệt là hiệu ứng đồ họa tiến bộ vượt bậc so với những sản phẩm trước của Studio 68".

Bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" do Studio 68 của diễn viên Ngô Thanh Vân sản xuất. Có vẻ tâm đắc với thổ lộ của ca sĩ Tóc Tiên, nên nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ: "Chúng tôi, những nhà làm phim nghiêm túc. Chúng tôi là những người thầy, người giám khảo khắt khe nhất đối với chính bản thân mình. Chúng tôi nghiêm túc qua từng khung hình, từng mảng ánh sáng đến từng cái tóc, cái áo cho diễn viên của mình. Với mong muốn điều gì? Chỉ để được nghe thấy tiếng cười, tiếng vỗ tay của các bạn vài giây trong rạp, thế thôi là chúng tôi đã vô cùng mãn nguyện rồi".

Những nhân tố làm nên "Trạng Tí phiêu lưu ký".

Dự án điện ảnh "Trạng Tí phiêu lưu ký" kéo dài 5 năm, với mục đích kiến thiết một bộ phim không chỉ dành cho trẻ em. Bản quyền truyện tranh "Thần đồng đất Việt" vốn là một cuộc giằng co mệt mỏi, nên bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" cũng ảnh hưởng ít nhiều. 

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đề nghị công chúng của bộ phim: "Chúng tôi xin các bạn đừng so sánh truyện và phim, vì suy cho cùng, nó cũng là hai thể loại khác nhau, hai cách kể chuyện khác nhau từ cấu trúc cho đến cách sáng tạo. Nó được tạo nên từ 2 nghệ sĩ xuất sắc và đầy kinh nghiệm ở cả 2 lĩnh vực. Và lẽ dĩ nhiên, nó được tạo nên từ 2 người khác nhau, nên sẽ có sự khác biệt về tính cách nhân vật".

Ngày 4-5, bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" ngậm ngùi dừng chiếu vì dịch COVID-19 bước vào đợt lây nhiễm mới. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bộc bạch: "Trạng Tí phiêu lưu ký đã bị dời lịch vì dịch 3 lần. Khi phim ra mắt, tôi thấy niềm hạnh phúc của mình được nhân đến 3 lần. Mỗi lần đến gần ngày ra mắt, tôi đều mất ngủ vài ngày. Cảm ơn các nhà sản xuất và 500 anh em đã ở bên nhau trong suốt hành trình 5 năm qua. Vậy mà, một lần nữa làn sóng dịch bệnh lại bùng phát, tôi đành ngậm ngùi xếp lại niềm vui, hạnh phúc ấy vì sức khỏe cộng đồng là trên hết. "Trạng Tí phiêu lưu ký" đã trải qua rất nhiều chông gai, thử thách suốt thời gian qua nhưng vẫn nhận được sự tin yêu của rất nhiều khán giả, đó là niềm vui và động lực rất lớn đối với tôi. Phim tạm dừng chiếu nhưng chắc chắn sẽ trở lại vào một ngày gần nhất".

Dù không ăn khách bằng bộ phim "Lật mặt: 48h" của Lý Hải, nhưng bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" của Ngô Thanh Vân cũng đạt số lượng vé đăng ký mua qua mạng khá cao. Bây giờ, "Trạng Tí" ngừng "phiêu lưu ký" thì quyền lợi của người tiêu dùng như thế nào? 

Đại diện cụm rạp Galaxy khẳng định: "Khán giả yên tâm là khi đã mua vé rồi, muốn hoàn tiền lại chắc chắn tất cả mọi người sẽ được hoàn đủ bằng tiền mặt hoặc qua thanh toán online. Một lần nữa, hệ thống rạp phim TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19. Chúng tôi đã ngưng mọi hoạt động theo yêu cầu, dù từ khi mở cửa hoạt động lại, các cụm rạp chúng tôi luôn tuân thủ kỹ lưỡng những yêu cầu phòng, chống dịch như sát khuẩn, khẩu trang… Hy vọng dịch sớm được kiểm soát".

"Trạng Tí phiêu lưu ký" được thực hiện từ truyện tranh "Thần đồng đất Việt".

Bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" của Ngô Thanh Vân được các đồng nghiệp đánh giá rất trân trọng. Tuy nhiên, cái "gai" vẫn tồn tại là xung đột bản quyền, mà những nhà làm phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" chưa tìm ra tiếng nói chung với họa sĩ Lê Linh đã được tòa án công nhận là tác giả của các nhân vật trong truyện tranh "Thần đồng đất Việt" (chứ không phải Công ty Phan Thị). 

Giới luật sư phân tích: Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh. Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định "tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Do đó, chuyển thể là một hình thức của tác phẩm phái sinh và đây là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả". 

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân, tổ chức mà không nhất thiết phải là tác giả. Ví dụ, Disney làm phim từ truyện tranh Marvel thì phải mua bản quyền từ Marvel Comics vì Marvel Comics là chủ sở hữu của những truyện tranh này. 

Đối với hợp đồng mua bản quyền chuyển thể giữa nhà sản xuất phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" và Công ty Phan Thị, thì đây là hợp đồng độc lập của các tổ chức với nhau. Nếu đối tượng của hợp đồng là tác phẩm chuyển thể từ các tác phẩm truyện tranh thì cần xác định tác phẩm truyện tranh gốc có thuộc quyền sở hữu của Công ty Phan Thị hay không. 

Trường hợp, tác phẩm gốc do Công ty Phan Thị là chủ sở hữu thì công ty này hoàn toàn có quyền làm tác phẩm phái sinh, tức là chuyển thể sang hình thức kịch bản phim, sau đó hoàn toàn có thể chuyển nhượng, cho phép... tổ chức, cá nhân khác sử dụng kịch bản này.

Tuy nhiên, việc làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc, tức là đảm bảo quyền nhân thân của tác giả (quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ).

Là người trực tiếp dàn dựng bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký", đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giải thích, truyện tranh có thể không có logic về mặt tâm lý, nhưng phim thì phải có. Chẳng hạn, Tí gặp cướp thì sẽ sợ và bị đánh như một đứa trẻ ngoài đời. Cậu thông minh nhưng là con nhà nghèo nên sẽ mặc cảm. Được mẹ dạy là phải yêu thương mọi người nhưng Tí không nhìn thấy điều đó ở dân làng xung quanh nên sẽ hoài nghi. Truyện không nhắc việc mẹ Tí không chồng mà có con nhưng khi lên phim, chị sẽ gặp điều tiếng vì văn hóa làng xã. 

Bên cạnh đó, bổ tử (miếng vải thêu hình chim, thú đính trước ngực và sau lưng áo thời phong kiến) của Tí cũng đổi từ chữ S thành hình cá chép theo ý đồ đạo diễn. Hình tượng cá chép thể hiện ước mơ vượt vũ môn hóa rồng. Khi còn là cậu bé nhà nghèo, Tí vẫn là chú cá chép chờ ngày thành danh. Hình ảnh trên bổ tử sẽ thay đổi qua từng tập phim để thể hiện hành trình của Tí.

Thêm vào đó, dù bản đồ hình chữ S rất ý nghĩa, hình ảnh đó không đúng với niên đại trong lịch sử. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, và ở thời Hậu Lê, bản đồ Việt Nam chưa có hình chữ S.

Từng đầu tư nhiều bộ phim đạt doanh thu lý tưởng như "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" hoặc "Hai Phượng", nhưng bây giờ lại phải đau đầu với những rắc rối của bộ phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" giữa mùa dịch COVID-19, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thổ lộ: "Thật ra khi mới bắt đầu, tôi cũng ôm tham vọng giúp phim Việt thay đổi thị trường, rồi khiến khán giả Việt yêu phim Việt hơn, người trẻ hiểu về văn hóa Việt hơn. Bây giờ thì đã có rất nhiều những nhà làm phim đa tài nữa đang cùng chung tay vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Chúng ta đã tiến rất xa! Giờ nhìn lại, tôi đã sản xuất được 8 bộ phim, và mỗi phim lại mang một dấu ấn của riêng nó. Tất cả đều để lại cho tôi những kỷ niệm và bài học khó quên". 

Tâm Huyền
.
.