Trăn trở tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Thứ Hai, 07/02/2005, 14:57
Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, xuất hiện của các trào lưu nghệ thuật mới như: trình diễn, sắp đặt, video art và tác phẩm hội họa mang phong cách hiện đại. Dù đã gây được sự chú ý của đông đảo công chúng nhưng đến nay rất ít tác phẩm nghệ thuật đương đại đươc jtrưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật(?).

Theo bà Nguyễn Bình Minh - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tổng diện tích của Bảo tàng ở 66 Nguyễn Thái Học là 4.200m2, song diện tích trưng bày chỉ hơn 3000m2, trong khi đó phải trưng bày mỹ thuật từ thời tiền sử - sơ sử , các thời Lý - Trần - Lê sơ… cho tới nay.

Số hiện vật trưng bày chỉ bằng một phần mười con số có thực. Còn cơ sở 2 ở Hoàng Cầu chủ yếu dùng để làm kho bảo quản và tu sửa phục chế. Vậy nên những tác phẩm mỹ thuật đương đại không thể có chỗ để trưng bày thường xuyên.

Như vậy cuốn Lịch sử Mỹ thuật viết bằng hiện vật này còn khuyết một chỗ. Chỗ khuyết ấy không kém phần quan trọng của chặng đường phát triển mỹ thuật, nhất là trong tình hình hiện nay, cần mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, cần khuếch trương, quảng bá nghệ thuật nước nhà.

Dẫu sao bảo tàng vẫn có thể chọn mua một số tác phẩm  đánh dấu bước đường mới của mỹ thuật Việt Nam, chẳng hạn tác phẩm Trình diễn của Đào Anh Khánh, Sắp đặt của Nguyễn Bảo Toàn, Nghệ thuật video art của một vài tác giả trong triển lãm Cửa sổ châu Á, hay là tranh của Nguyễn Quân… để trưng bày ở một không gian cố định, cho công chúng trong nước và ngoài nước nắm  biết được hiện trạng mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn thiếu các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Trước khi có được một bảo tàng mỹ thuật hiện đại (mà nhiều nước trên thế giới đã có từ lâu) nên chăng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành riêng một không gian cho các tác phẩm mỹ thuật đương đại độc đáo,  những tác phẩm đánh dấu một sự đổi thay, dẫu sự đổi thay ấy có thể chúng ta chưa chấp nhận.

Được biết, mỗi năm kinh phí thường niên nhà nước cấp cho bảo tàng vào khoảng 2,5 tỉ đồng, bao gồm  cả tiền chi trả lương cho cán bộ công nhân viên đến việc bảo quản, phục chế và sưu tầm tác phẩm… Kinh phí đột xuất dành cho sưu tầm tác phẩm dao động từ 300 đến 500 triệu đồng. Với số kinh phí ấy, bảo tàng không thể mua tất cả tác phẩm mỹ thuật đoạt giải thưởng và càng khó có thể mua được những tác phẩm nghệ thuật giá trị với giá quá cao.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng số tác phẩm mỹ thuật đương đại được bảo tàng chọn mua, giá cũng không hề thấp  mà vẫn chưa thật nổi trội, sáng tạo còn nhạt. Nếu chỉ chú ý mua những tác phẩm đoạt giải thưởng của các cuộc thi do Hội - Vụ - Bộ tổ chức thì khó chọn được tác phẩm mỹ thuật điển hình cho đất nước, vì không ít tác giả có tác phẩm được đánh giá cao nhưng không tham dự giải, hơn nữa, tác phẩm đoạt giải thường là đánh trúng  ý đồ của Ban giám khảo, đúng chủ đề phục vụ cho nhu cầu chính trị chứ chưa hẳn vì có giá trị nghệ thuật. Hiện nay, nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại của chúng ta đã nằm trong tay những nhà sưu tầm người nước ngoài.

Vẫn biết mỹ thuật là ngành nghệ thuật trừu tượng, không dễ một sớm một chiều đánh giá được ngay chất lượng của nó mà phải qua sự thẩm định của thời gian.Do vậy rất cần những người phải có một trình độ nhất định về mỹ thuật và khiếu thẩm mỹ cao, làm việc phải công tâm đảm đương công việc này. Thế nhưng riêng số nhân sự phòng nghiên cứu, sưu tầm của bảo tàng chỉ có 4 người học mỹ thuật ra, còn lại 4 người học các chuyên ngành khác.

Đau lòng hơn là, tất cả người làm công tác phục chế của bảo tàng hiện nay vẫn chưa qua một lớp đào tạo cơ bản về phục chế tác phẩm mỹ thuật, bởi thật ra ở nước ta chưa có Trường đại học nào đào tạo cái nghiệp này. Họ là những họa sĩ, những nghệ nhân tự học kinh nghiệm  của lớp trước và cả tự mày mò ra phương pháp phục chế. Trong khi đó, số tranh sơn dầu bị hỏng nặng của bảo tàng đã chiếm đến 15%, hư nhẹ gần như toàn bộ

Thương Huế
.
.