Trái tim đàn bà

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:04
Nhân đọc tập thơ "Hình như mùa đã lỡ" của nhà thơ Bùi Kim Anh, NXB Hội Nhà văn, 2017.


Tôi với nhà thơ Bùi Kim Anh thuộc hai thế hệ, khác nhau khá nhiều về cách sống, về quan điểm nhưng chị luôn nói chuyện với tôi bằng khẩu khí của những người bạn. Biết và chơi với nhau chưa lâu, xưng hô chị em nhưng thực tình tôi luôn yêu quý, nghĩ về chị như nghĩ về một người mẹ có trái tim yêu thương, nhân hậu với đầy đủ bản năng phụ nữ đã trải mọi sự cay đắng, khổ đau trong cuộc đời.

Nói thật, mỗi lần đến nhà chị trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Đình Chiểu, tôi có phần hơi ngại. Bởi tuổi tôi còn thua cả tuổi con gái đầu của chị, một người phụ nữ mà tôi cũng rất ngưỡng mộ về tấm lòng nhân ái khi nhận nuôi bé Thiện Nhân, cùng với bao hoạt động xã hội khác. Và mỗi lần đến nhà chị tôi đều cảm nhận được tình thương yêu của những con người đang sống trong đó dành cho nhau thật ấm áp.

Rất nhiều lần chị không ngần ngại chia sẻ với tôi về những gian nan trong cuộc đời chị. Cháy nhà ư, tai nạn ư, lao lý ư, đổ vỡ hôn nhân ư, bệnh tật ư…chẳng có điều gì mà chưa từng xảy đến với tổ ấm của chị. Hiện hai vợ chồng chị sống với hai cô con gái đều lận đận về tình duyên và bốn đứa cháu ngoại, trong đó có bé Thiện Nhân đã rất nổi tiếng với biệt danh "chú Lính Chì dũng cảm". Có thể nói chẳng còn thử thách khốc liệt nào trong cuộc đời mà chị chưa trải qua. Người đàn bà nhỏ bé ấy cứ nhẫn nại chịu đựng và làm chỗ dựa cho người thân để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Mỗi lần đến nhà chị, tôi luôn nhận được những món quà nhỏ bé yêu thương. Lần gần đây nhất, tôi được chị tặng tập thơ "Hình như mùa đã lỡ". Chị viết khá khỏe, cứ trung bình hai năm lại ra một tập dày dặn. Và đến bây giờ chị đã có 10 tập thơ. 70 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn lướt web và chơi facebook ầm ầm, thậm chí còn hăng hái, nhiệt tình hơn cả cánh trẻ. Chị bảo: "Tao bây giờ thành bà già rồi không lên mạng chơi facebook thì biết làm gì".

Bìa tập thơ mới của nhà thơ Bùi Kim Anh.

Trên facebook chị tán gẫu với bạn bè, với học trò cũ, chị chia sẻ những sáng tác, chia sẻ những hình ảnh các cuộc rong chơi với bạn bè, chia sẻ những tình cảm trong gia đình. Nếu chỉ theo dõi trên facebook như vậy chắc hẳn ai cũng nghĩ nhà thơ Bùi Kim Anh có một cuộc sống rất bình yên. Nhưng thực tế lại rất khác.

Chị từng viết: "Buồn vui xếp cũng đã đầy/ Có thêm cũng chỉ cho dày vần thơ". Vậy là chị đã biến nỗi buồn cuộc đời mình thành chất liệu sáng tác mà không để phí một li một lai nào. Thế mới thấy câu nói của ai đó "nỗi buồn là mẹ đẻ của thi ca" quả không sai. Ở một khía cạnh nào đó thì người nghệ sĩ phải cảm ơn Thượng đế đã ban cho mình những buồn đau đó. Có lẽ đó cũng là cái giá phải trả đối với những người làm sáng tạo nghệ thuật.

Sau khi đọc xong và gấp lại tập thơ "Hình như mùa đã lỡ" của nhà thơ Bùi Kim Anh, cụm từ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi đó là "trái tim đàn bà" với một niềm thương, kính trọng. Tôi lại liên tưởng đến chuyện bình đẳng giới mà gần đây báo chí hay nói đến.

Tôi hoàn toàn ủng hộ bình đẳng giới, đó là lẽ tự nhiên cho một xã hội văn minh. Nhưng đấu tranh cho sự bình đẳng giới đến mức như muốn xóa bỏ bản năng, thiên chức của người phụ nữ thì có nên không. Thiết nghĩ đó là quy luật của tự nhiên, bản năng do tạo hóa đem lại.

Đàn bà hãy cứ giữ những bản năng đàn bà như những gì tạo hóa ban cho họ thì đó là một sự vĩ đại, là một thứ quyền năng vô song, một sự may mắn cho thế giới này. Và chỉ có những người đàn bà như thế mới đem lại tình yêu cho một nửa còn lại của nhân loại.

Với tâm trạng đó, tôi gọi điện cho nhà thơ Bùi Kim Anh để chia sẻ về tập thơ và những suy nghĩ của mình. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, quyết liệt, nhà thơ nói với tôi: "Trong tập thơ, chị đã có hẳn một bài với nhan đề "Dở hơi khi quên mình là đàn bà". Thế thôi chẳng phải nói gì nhiều".

Cũng như mấy tập thơ gần đây của chị mà tôi được đọc, "Hình như mùa đã lỡ" vẫn mang một giọng điệu nhẹ nhàng đầy nữ tính với cảm xúc chân thật. Từng bài thơ như một sự giãi bày được chắt lọc từ những thăng trầm trong đời chị, từ những suy nghĩ, sinh hoạt rất đời thường. Những niềm vui rất đàn bà và cả những lo lắng suy tư cũng đậm chất đàn bà: "Đan tùy tiện thời gian của ngày/ đêm mỏi mệt/ đêm vo tròn/ đan không tùy tiện cảm xúc của ngày/ đêm tháo bung/ đêm vò rối" (Đan).

Đọc thơ mới thấy trái tim người đàn bà yếu đuối, dễ rung động, đầy xúc cảm đó lại rất kiên cường và bền bỉ. Chị rộng lòng đón nhận mọi vui buồn trong cuộc đời này. Vui thì mình hưởng, buồn thì mình phải chấp nhận và vượt qua nó không một lời than oán, bởi chị hiểu đó là lẽ tự nhiên của cuộc đời: "Ta từ lâu tin ở chính mình/ Tin khổ đau, tin bình yên trú lại/ Lời tụng niệm quen nam mô sớm tối/ Ngọn gió chiều nào xoay nổi hướng tâm linh" (Ta từ lâu tin ở chính mình).

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, chị lắng nghe hết thảy mọi hơi thở cuộc đời và bình tâm trước mọi sự. Nói là bình tâm xét trong khía cạnh ứng xử với cuộc đời, nhưng với một trái tim của nhà thơ nữ thì liệu có bình tâm được không đây, ngay cả khi tưởng chừng như đang bình yên nhất với thiên chức của một người phụ nữ: "Đàn bà chỉ nên lo bếp núc/ Sớm mua hoa và đón một lời yêu/ Biết thì nhiều viết được bao nhiêu/ Mà trăn trở nhoài trong suy nghĩ…/ Dở hơi khi quên mình là đàn bà/ Viết cho mình để thơ lủi thủi…" (Dở hơi khi quên mình là đàn bà).

Thơ Bùi Kim Anh không chú trọng vào hình thức, chị mặc cho cảm xúc dẫn dắt ngôn từ, chính vì vậy người đọc dễ rung cảm khi đọc thơ chị. Xét cho cùng, thơ vốn là biểu hiện của sự mong manh trong tâm hồn mà thiếu đi cảm xúc thì thơ sẽ chẳng còn là thơ nữa.

Với Bùi Kim Anh, thơ như một thứ ngôn ngữ giúp chị giao tiếp với cuộc đời này, thơ như tri kỉ cùng chị vượt qua mọi gian truân cuộc đời, để không bị gục ngã. Trong tập thơ "Hình như mùa đã lỡ" có một mảng đề tài chị viết về gia đình, đặc biệt là viết cho các con. Đọc những bài thơ đó ta như đọc những lời tự sự của chị về đời mình, gia đình mình và không thể không cảm phục người phụ nữ ấy.

Người đàn bà nhỏ bé ấy chính là điểm tựa tinh thần vững chãi cho tổ ấm của mình cho dù có những lúc cảm thấy chùn chân mỏi gối trên đường đời, trước những thử thách  nghiệt ngã đang  bày ra trước mắt. Và những lúc như thế chỉ có thơ mới có thể an ủi, sẻ chia hết với chị.

Đọc những bài thơ chị viết cho con gái mới thấy trái tim người mẹ tuyệt vời làm sao và có lẽ trên đời này, chẳng có gì đẹp đẽ, kì vĩ cũng như khổ đau bằng trái tim người mẹ. Khi con hạnh phúc thì người mẹ cũng là người cảm thấy hạnh phúc nhất, khi con gặp bất hạnh hay đau đớn thì cũng chính người mẹ là người cảm thấy bất hạnh và đau đớn nhất.

Bởi tình thương của người mẹ dành cho con không bao giờ thay đổi, nó mãi nguyên sơ như thế từ lúc sinh con ra.

Và khi đứa con dẫu có trưởng thành thì vẫn luôn muốn sà vào lòng mẹ như một đứa trẻ để thấy mình như được chở che: "Cái cò đi đón cơn mưa/ mẹ ru con lời ru xưa xa rồi/ ngủ đi con gái yêu ơi/ mẹ ru con ngủ bằng lời hôm nay/ giời mưa sũng cả bóng mây/ cái rét co quắp trên cây sấu già/ lời ru ấp ủ trong nhà/ ngày mai nắng phố nở hoa đón mùa/  lời mẹ là tiếng võng đưa/ bình yên con ngủ giấc vừa sang canh/ lời ru của ngọn gió lành/ qua bao giông bão mẹ dành ru con" (Lời ru của ngọn gió lành).

Giọng thơ nhẹ nhàng mà khiến người đọc rưng rưng. Đọc những bài thơ đó của chị càng thấy rằng, sẽ là thiệt thòi vô cùng to lớn, mất mát không gì bù đắp cho những đứa con không còn mẹ. Mẹ chính là thứ tài sản quý giá nhất trên đời này mà khi mất đi rồi, ta không thể có lại được.

Bùi Kim Anh quê gốc ở Thái Bình nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên có thể thấy phong thái của chị mang nhiều dấu ấn của người Hà Nội. Gần hết một đời sống trên mảnh đất này, Hà Nội giờ đây giống như một ẩn ức đối với chị.

Điều này cũng có thể thấy trong rất nhiều người con đã từng sinh sống ở Hà Nội qua những năm tháng bao cấp cho đến ngày nay. Họ thảng thốt hoài niệm về Hà Nội xưa, và rồi họ lo lắng, tiếc nuối, ẩn mình trong Hà Nội nay. Với nhà thơ Bùi Kim Anh cũng không tránh được những cung bậc tình cảm đó. Những ẩn ức đó được chị dồn cả vào trang viết qua những bài bút kí, tản văn và thơ. Với những hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ ấy, đôi khi chị cảm thấy mình như kẻ mộng du đi lạc: "Hà Nội xưa là của tôi/ Lối nào cũng chật bước người yêu thương/ Ai hay xa lạ phố phường/ Đi như lạc vía lạc phương lạc người..." (Về thôi quay gót về thôi).

Xét cho cùng, một vùng đất cũng có số phận như một con người, sẽ phải trải qua những thăng trầm, có mảnh ghép vui và mảnh ghép buồn. Và Bùi Kim Anh giống như kẻ mộng du đi nhặt từng mảnh ghép đó, những mảnh ghép của mảnh đất mình đã gắn bó, và cả những mảnh ghép đời mình, với bao hoài niệm, khát vọng để đưa vào thơ. Với chị thơ chính là sự thăng hoa của nỗi buồn.

Trần Vũ Long
.
.