Tôi viết bài thơ chúc thọ Võ Đại tướng

Thứ Hai, 17/05/2010, 09:00

9h sáng ngày 20/8/2007, khi tôi đang ngồi làm việc tại tòa soạn Báo Giáo dục & Thời đại thì nhận được điện thoại của Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Đồng chí chánh văn phòng thông báo với tôi nội dung: Ngày mai Hội sẽ tổ chức đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia. Đoàn do GS - VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục dẫn đầu.

Nhận được tin, tôi rất xúc động, thầm nghĩ: Được đến thăm Võ Đại tướng là  niềm tự hào của mỗi người dân Việt. Hơn nữa, Đại tướng vốn là nhà giáo, nhà báo xuất sắc trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (giai đoạn 1936-1939) nên chúng tôi cảm thấy rất thân gần. Tôi triệu tập lãnh đạo cơ quan, bàn về nội dung công việc cần làm cho hôm sau.

Chiều 21/8, đúng 14h kém 5' , đoàn chúng tôi có mặt tại tư gia của Đại tướng. Đón chúng tôi là đồng chí Lợi, Đại tá (anh lợi là thư ký giúp việc cho Đại tướng) cùng 3 sĩ quan quân đội khác. Trước khi chờ tiếp kiến Đại tướng, chúng tôi được hướng dẫn vào thăm Phòng Truyền thống của Đại tướng. Lòng tôi bồi hồi, thành kính khi được tận mắt nhìn hàng trăm hiện vật quý, hàng chục bài thơ hay được viết bằng nhiều ngôn ngữ: Việt, Pháp, Nga, Anh, Hoa... Tôi thầm nghĩ: Võ Đại tướng là bậc huân thần đặc biệt quý hiếm và kỳ lạ trong lịch sử nghìn năm của dân tộc, được xếp trong danh sách mười vị tướng lĩnh nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam ta, hơn sáu mươi năm qua, tên tuổi của Đại tướng luôn là những dòng chữ vàng lấp lánh, biểu tượng chói sáng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Có lẽ phải viết một cái gì đó? Đã có hàng vạn bài báo, hàng trăm quyển sách ca ngợi, tri ân Đại tướng, mình có viết gì cũng chỉ là lặp lại những ý tưởng và các con chữ ấy mà thôi. Nên viết một bài thơ chăng? Ý nghĩ ấy vụt lóe trong đầu tôi. Song viết như thế nào? Công ơn trời biển, đức độ sáng ngời của Đại tướng thì viết bao nhiêu cho đủ? Vả lại sức vóc và trí tuệ mình có hạn.

Từ lâu, chúng tôi biết Đại tướng là người rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa. Tôi quyết định chọn Hoa ngữ làm phương tiện thể hiện. Là người làm thơ, tôi hiểu sự hàm súc, cô đọng, sang trọng và nghiêm cẩn khi dùng chữ Hán để thể hiện trên phương diện văn bản học.

14h15', Đại tướng và phu nhân xuất hiện. Mặc dù đã gần trăm tuổi, Đại tướng vẫn minh mẫn đến kỳ lạ, tuy sức khỏe có phần hạn chế. Tôi nhìn Đại tướng và bần thần suy nghĩ: Cụ già 97 tuổi, vị Đại tướng bách chiến bách thắng kia sao gần gũi thân thiết như người cha người bác, người ông trong gia đình? Đại tướng cùng phu nhân ngồi tiếp khách. Chúng tôi vây quanh Đại tướng cùng chụp ảnh kỷ niệm.

GS - VS Phạm Minh Hạc thay mặt gần 1 triệu thầy cô giáo trong Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, chúc thọ và tặng hoa Đại tướng, trân trọng kính tặng Đại tướng chiếc đĩa gốm quý lưu niệm mang dòng chữ: "Nhất tự lưu phương, tình trường vạn lý". Đại tướng ân cần trò chuyện với chúng tôi, cảm ơn và đọc bài phát biểu do chính tay Đại tướng viết gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngành Giáo dục & Đào tạo, góp ý về chiến lược giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Giọng đọc của Đại tướng không mạnh nhưng rõ ràng và chậm rãi; 8 phút sau bài viết đã được đọc xong. Đại tướng quay sang trò chuyện vui vẻ cùng các đại biểu, nêu những ý kiến cô đọng và hàm súc: "Hồ Chí Minh và Đảng vĩ đại đã lãnh đạo nhân dân ta đã đứng lên bẻ xiềng gông, giành lại độc lập, thoát khỏi kiếp lô nệ nghìn năm. Đó là do đã khơi dậy được sức mạnh của dân tộc và thời đại để đưa nước ta tiến lên ngang tầm vóc các nước bầu bạn năm châu, xứng đáng là con em của một dân tộc anh hùng, xứng đáng là cháu con của lãnh tụ Hồ Chí Minh".

Tôi ngồi nhìn Đại tướng, nước mắt ứa trào trên má. Võ Nguyên Giáp - tên Người là cả một niềm tin, là những dòng chữ vàng lấp lánh trong lòng con. Trong đầu tôi vụt hiện ra những con chữ. Thế là trong khoảnh khắc, bài thơ  "Kính Võ Đại tướng" ra đời. Nguyên văn chữ Hán như sau:

Bách tuế tinh anh Việt sử kỳ
Nhất sinh thống tướng cổ kim hy
Vi dân, vi quốc, trung can tận
Thiên tải anh hùng, cẩm tú thi

(Tạm dịch nghĩa: Người thọ 100 tuổi vẫn minh mẫn sáng suốt thật là điều lạ lùng hiếm hoi trong lịch sử nước Việt. Một đời gần 70 năm là thống tướng của dân tộc, là điều xưa nay trên thế giới chưa từng có. Cả cuộc đời Người hy sinh tận tụy, tận chung, tận hiếu vì dân vì nước. Người là bậc đại anh hùng của nghìn đời, là bài thơ cẩm tú của giang sơn, Tổ quốc).

Từ đó đến nay, suốt 3 năm tôi trăn trở suy nghĩ mãi để dịch bài thơ này từ chữ Hán sang tiếng Việt, song cảm thấy hết sức khó, tôi chỉ tạm dịch được như sau:

Kính chúc Võ Đại Tướng
Trăm xuân minh triết, lạ lùng thay
Thống tướng lừng danh tổ quốc này
Vì dân, vì nước trung can tận
Anh hùng muôn thuở cánh thơ bay

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp Võ Đại tướng bước vào tuổi 100, tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ này, coi đó là món quà thành kính dâng lên người anh cả của QĐND Việt Nam

Trần Đăng Thao
.
.