Tôi về quê nội

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:00
Trong những tác phẩm còn lại của cha tôi - nhà thơ Quang Dũng - bài thơ "Không đề"(2) là một trong những bài thơ có sức mạnh kéo tôi trở về với quê nội nhiều nhất... Năm nay, nương theo những câu thơ của cha, tôi trở về quê nội xứ Đoài mây trắng tham dự lễ hội thả diều.

Mới đầu hè, nắng đã rực rỡ chói chang suốt dọc theo bờ đê ven sông Đáy. Mùa này nước cạn nên lòng sông cũng hiền hòa, có những quãng trơ đáy chỉ còn rêu và cát, sỏi. Bên lối vào từng ngõ làng, những khóm tre xanh um tỏa bóng mát như muôn đời vẫn thế… tạo một nốt lặng giữa muôn trùng nắng.

Đã tháng ba, đúng ngày rằm là vào mùa lễ hội của nhiều làng, xã ở huyện Đan Phượng, một địa danh thuộc xứ Đoài mà mới chỉ nghe tên đã mường tượng bao vẻ đẹp ẩn chứa. Vùng quê có nhiều danh thắng nổi tiếng, là cái nôi của các loại hình nghệ thuật dân gian và là nơi sinh ra những danh nhân văn hóa đã lưu danh lịch sử địa phương và đất nước: thi sĩ Tản Đà, thi sĩ Quang Dũng… Thật tự hào, quê nội tôi đấy!

Từ Hà Nội, đi chừng hơn hai mươi cây số theo bờ đê đã thấy những dây cờ đuôi nheo đủ kích cỡ, màu sắc phần phật tưng bừng trên lối dốc dẫn xuống các làng, làm sinh động thêm vùng quê yên tĩnh giữa ban trưa. Qua rất nhiều ngôi làng dọc theo triền đê rồi cũng đến con dốc đổ xuống cổng làng Bá Dương Nội thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (còn có tên là Bá Giang), nơi sẽ diễn ra lễ hội thi thả diều truyền thống đặc sắc của cả vùng châu thổ sông Hồng. Thú chơi diều của người dân làng Bá Dương Nội đã có từ xa xưa, duy trì kế tiếp nhiều đời.

Lễ hội thả diều ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội - quê hương nhà thơ Quang Dũng.

Ngoài truyền thuyết về thú chơi diều gắn với sự tích ông Nguyễn Cả - một tướng tài của Đinh Tiên Hoàng khao quân khi thắng giặc trở về và dạy người dân cách làm cũng như thả diều - thì lễ hội thả diều còn có ý nghĩa văn hóa tâm linh lớn. Lễ hội thả diều là để cầu tạnh, năm nào thả diều thành công, cánh diều bay cao, tiếng sáo kêu to và trong trẻo, năm đó ắt sẽ có mùa màng tươi tốt, dân làng no ấm… Câu lạc bộ thả diều xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Trải qua nhiều biến động của thời gian, đến năm 1986 hội thi được tổ chức lại và duy trì đều đặn đến nay với quy mô ngày một lớn, thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Từ xa, đã râm ran nghe được tiếng trống báo hội, tiếng nói cười xen lẫn những làn điệu dân ca huyên náo. Nhiều sân khấu ngoài trời khéo léo núp dưới tán cây um tùm cho bóng mát hay tận dụng một khoảng hiên nhà rộng. Sân khấu cũng vừa nhỏ, giật cấp lên một bậc chân đủ cho một chiếu chèo hay tấu hài, đơn ca... Các diễn viên không chuyên (đều là người làng) biểu diễn hết cả buổi trưa giữa cái nắng nóng khủng khiếp. Các bà, các chị và cả lũ con nít xúng xính trong bộ trang phục sặc sỡ, phấn sáp nhạt nhòa lũ lượt ra hội. Các ông không thua kém (có ông mới ngoài 50 tuổi) đóng khăn áo lễ ra nhà hội từ sớm. Vậy là cuộc thi thả diều thiếu nhi làng đã làm từ chiều hôm qua nên hôm nay lũ trẻ gọi nhau ra hóng hội, chật cả một góc miếu, đứa nào đứa nấy đều vã mồ hôi.

Trong hội làng còn có nhiều trò chơi như: đá gà chọi, đánh cờ người cùng nhiều trò bổ ích cho lứa tuổi thiếu nhi... Nhưng trò được mong ngóng nhất là thi thả diều. Làng xã những ngày vào lễ hội được dịp vui như tết, cũng là dịp biết bao người trong, ngoài làng mong chờ. Những dịp thế này, ngoài các bậc cao niên có trọng trách trong làng thì những nam thanh nữ tú nhân lễ hội cũng có dịp gặp gỡ trao đổi vài ba câu chuyện và chẳng ngoại lệ, cả hẹn hò với nhau….

Giữa sân Nhà văn hóa xã Hồng Hà, mấy cái dù lớn được căng ra, dựng rạp để đón tiếp khách thập phương và bà con làng xã. Cỗ của làng của xã thật mộc mạc, thơm thảo từ hạt gạo nếp cái dẻo quánh đến khoanh đậu phụ bùi bùi, đĩa chè con ong vàng sẫm màu mật rắc chút vừng rang đẹp mắt, bát canh nấu chua chan vào từng cuốn bún cuộn tròn… làm mát lòng du khách.

Người Đan Phượng nói chung và ở mỗi làng nói riêng được tiếng khéo, đảm từ xa xưa. Chả thế mà câu "quê hương người gái đảm" chỉ người phụ nữ Đan Phượng chịu thương chịu khó tháo vát mọi bề trong thời kì chiến tranh cam go của đất nước cũng như thời bình. Ngay ở trung tâm huyện đang sừng sững tượng đài Người gái đảm, một niềm tự hào của phụ nữ Đan Phượng. Những chén rượu trắng cay nồng, thơm sực lên mùi men gạo được đựng trong chai nút lá chuối - ngoài cất rượu ngon thì làng Bá Giang còn có bí quyết làm đậu phụ và bánh gio rất tuyệt nữa - nếp làng đón khách ngày hội là cứ phải no say rồi vào hội mới vui. Tôi tranh thủ đi một vòng quanh chào hỏi các mâm chủ nhà, ra mắt các mâm khách quý về hội làng, chén rượu quê cứ vơi lại đầy…

 Đã qua trưa nhưng phải ngày trời oi nóng, nắng vẫn như giữa đỉnh đầu. Tôi háo hức cùng đoàn khách Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội ra sân miếu tập trung dự khai mạc hội thi thả diều. Trong bài phát biểu của ông Minh Nhương thay mặt cho Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội có nhắc đến câu thơ của thi sĩ Quang Dũng trong tác phẩm "Mắt người Sơn Tây": "Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc / Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...".

Người dân háo hức chờ đợi các màn thả diều.

Phải chăng xuất phát của câu thơ bay bổng nhất trong bài thơ đã gắn tên tuổi ông với vùng đất xứ Đoài là đây - Bá Giang - cái nôi của hội thi thả diều truyền thống huyện Đan Phượng. Chắc hẳn người thi sĩ tài hoa đã hòa quyện tâm hồn nghệ sĩ của mình trong tiếng ngân nga của những ống sáo diều, trong những đêm trăng vằng vặc trên con đê làng lộng gió… và kí ức ấy sống mãi trong câu thơ xuất thần của ông (cha tôi vốn tâm hồn bay bổng nên sau khi chuyển nhà vài bận, ông đã chọn căn nhà ở gác ba cuối phố Bà Triệu, Hà Nội - căn nhà gác lúc đó đã là cao nhất nhì phố và có đến ba cái sân thượng.

Mỗi tháng đến tuần trăng, những mảnh sân nhỏ trong phố lại bát ngát gió và tràn ngập thứ ánh sáng huyền ảo làm rung động trái tim thi sĩ). Tôi có ý quan sát, ngắm nghía những ống sáo được làm và gắn khéo léo vào thân diều. Có những ống sáo phủ sơn ta màu đỏ đẹp mắt, lại có ống sáo để mộc giản dị. Lúc cánh diều căng gió lên cao thì tiếng sáo càng hay. Những con diều được trang trí phong phú bằng cách vẽ tranh hay viết thơ lên thân diều và bằng nhiều chất liệu sao cho nhẹ nhất. Hàng mấy chục con diều nhưng mỗi con đều có nét khác biệt qua sự trang trí trình bày của chủ nhân. Dưới sân miếu, mấy chục con  diều sặc sỡ xếp cạnh nhau được đánh số theo thể lệ cuộc thi.

Ban tổ chức cho biết, cuộc thi không chỉ có diều của xã mình mà còn của những làng bên và các đơn vị khác tham gia. Thế mới thấy được giữa rất nhiều đổi thay mang tính thị trường tràn vào cuộc sống nông thôn mới nhưng sức thu hút của các lễ hội dân gian vẫn luôn có sức sống mãnh liệt, mang bản sắc văn hóa mỗi vùng miền. Đó đây hay ngay ở những vùng lân cận, ruộng đồng được chuyển đổi thành mô hình sân chơi golf, sân tennis… thì vẫn còn có những làng xã gìn giữ và phát triển được truyền thống quê hương mình như xã Hồng Hà, Đan Phượng này.

Nắng vẫn rực rỡ sau 3h chiều, sau hồi trống cầu phong theo nghi lễ, những cánh diều lần lượt được thả lên trời trong sự chờ đợi của bao người. Tiếng rôm rả nói cười, reo vui tán thưởng và cổ vũ làm vợi đi cái không khí ngột ngạt trên cánh đồng trống trải. Thí sinh quên đi cái nắng nóng, lựa tìm hướng gió để nâng diều lên. Người chơi phải chạy thật nhanh, giữ dây diều cho chắc, phải nhử diều điêu luyện lắm thì con diều mới chịu phép chủ diều vút lên mà không chao đảo. Trên cao, những cánh diều chao đi chao lại đón gió, diều càng cao, sáo càng vang xa. Những cánh diều muôn màu, muôn dạng như vẽ lên trời xanh một bức tranh khổ lớn, bức tranh về vẻ đẹp nên thơ của một vùng quê xứ Đoài. Niềm hân hoan thắng cuộc và niềm vui được thỏa chí đam mê với thú chơi diều sẽ còn lưu lại nhiều ngày sau lễ hội của làng.

Sẽ có nhiều con diều còn dạo chơi đến tận khuya trong đêm trăng vắng lặng, thanh bình của Bá Giang. Chiều đã xâm xẩm, tôi chia tay bà con dân làng bên một ngõ nhỏ trồng giàn thiên lí xanh mát cùng lời hẹn sẽ lại gặp nhau vào lễ hội năm sau.

…Đường về quê hương về quê hương
Có một ngày sao mà bất tận…
Hai mươi cây số tưởng vô vàn
Dài đến bây giờ vẫn chứa chan…

(Không đề 2 - Quang Dũng)

Dọc đường về theo lối cũ trên đê, tôi cứ mường tượng ra từng vòng quay chiếc xe đạp Thống Nhất của cha tôi cũng đang lăn bánh…  Quê hương luôn hiện hữu trong trái tim nhân hậu của cha tôi và người như đang cùng tôi đi trên con đường bất tận ấy…

 25/5/2015.

Bùi Phương Thảo
.
.