Tình yêu hội họa của một đại tá công an

Thứ Hai, 25/09/2017, 08:19
Đến với hội họa như cuộc hạnh ngộ tình cờ, vậy mà mối duyên ấy với Đại tá Trương Văn Thuận bền chặt đến nay đã gần 30 năm. Vợ ông – nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết – thường trêu: “Nhiều khi tôi muốn mình hóa thành bức tranh để cho anh ấy ngắm cả ngày”.


Trải qua nhiều vị trí công tác, từ Đội trưởng Tham mưu, Đội Trưởng đội Điều tra án Hình sự Phòng Cảnh sát điều tra (PC16) đến Phó Công an quận 7, Phó Công an huyện Bình Chánh, Phó Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh, rồi làm việc ở Văn phòng Bộ Công an cho đến khi về hưu, Đại tá Trương Văn Thuận luôn khiến đồng đội nể phục vì sự tận tụy, hết lòng vì công việc, lập nhiều thành tích xuất sắc. Sau tất bật công việc, ông lại thả hồn vào tranh để tận hưởng phút thư giãn bình yên.

Với bạn bè, đồng nghiệp, Đại tá Trương Văn Thuận là chuyên gia mỹ thuật. Anh em nào muốn tìm hiểu chỉ việc nhờ “Thuận cố vấn”. Có ông bạn mua bức tranh của một họa sĩ nhưng không biết thật hay giả. Nghe đến tranh, dù bận mấy, Trương Văn Thuận cũng cố sắp xếp để tư vấn cho bạn. Đến nơi, biết đây là bức tranh quý của một họa sĩ có tên tuổi nhưng do bạn không biết cách bảo quản nên tranh bị hư hỏng nặng, ông tiếc đứt ruột. Nể tình bạn nên ông không ngần ngại, mua lại bức tranh để sửa chữa.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận bên bộ sưu tập tranh của mình.

Từ nhỏ, cậu bé Thuận đã ham hội họa. Các hoạt động ở trường, lớp có liên quan đến trang trí, vẽ vời như làm báo tường, vẽ sơ đồ lớp, vẽ bản đồmôn Địa lý, vẽ hình môn sinh vật..., Thuận đều đảm nhận. Yêu cái đẹp nên ông thích ngắm và mua tranh, nhất là tranh dân gian Đông Hồ về trang trí nhà ngày Tết. Hồi học ở trường An ninh, Thuận có chiếc máy ảnh rất oách. Cậu mê chụp hình phong cảnh, non nước hữu tình. Thuở thiếu thời chỉ mê nghệ thuật sơ sơ vậy thôi chứ ông không nghĩ một ngày nào đó đời mình lại gắn duyên nợ với nó. 

Năm 1991, cái duyên khi giúp tư vấn giải quyết vài vụ việc cho một gia đình họa sĩ và nhà sưu tập, Trương Văn Thuận bị tranh nghệ thuật mê hoặc. Ông mua vài bức về treo. Ngắm lâu lại thấy thích thú, tò mò về người vẽ bức tranh, về câu hỏi thế nào là tranh đẹp, tranh này thuộc trường phái nào... Sự tò mò đó lớn dần, đưa ông dấn thân vào nghệ thuật và trở thành một tình yêu sâu đậm lúc nào không hay.

Ngày đầu mới sưu tập tranh, ông cũng vấp phải nhiều trở ngại. Không ít nhà sưu tập lão làng từng bị dính vố đau khi mua phải tranh giả, tranh nhái. Trương Văn Thuận cũng không ngoại lệ. Do không am hiểu nhiều về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm, kiến thức trong việc thẩm định tranh thật - giả nênkhông ít lần ông mua hớ hoặc rước về hàng dỏm, hàng nhái. Đặc biệt, ông cũng lúng túng khi sưu tầm tranh của các họa sĩ nổi tiếng nhưng đã qua đời. Nhưng với tình yêu ông dành cho nghệ thuật, nếu không may mua phải tranh giả, ông tự tay tiêu hủy hết.

Càng dấn sâu “ái tình” với nàng tranh, ông giật mình nhận ra rằng nếu kiến thức của mình về hội họa cứ lõm bõm như vầy mãi thì nguy to, không khéo hại ta, hại cả người. Vậy là ông “cắp cặp” lân la làm quen với các họa sĩ. Ông bảo, đây là cách học thực tế nhất. Từ những lần gặp gỡ họa sĩ để sưu tầm tranh, ông phát hiện ra một điều rất quan trọng: gặp họa sĩ, nhà điêu khắc không chỉ để trao đổi, tìm hiểu về tác phẩm của chính họ, mà còn là cơ hội để học hỏi để có thêm  kiến thức giúp ông nhận định được cái đẹp của một tác phẩm, cũng như độ thật, giả của tác phẩm đó.

Trương Văn Thuận đã thực sự là bạn tâm giao của nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ, khắp mọi miền đất nước, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như: Huỳnh Văn Thuận, Trần Lưu Hậu, Mai Long, Đặng Hoài Nam, Bùi Quang Ngọc, Lâm Kim, Trương Văn Ý, Văn Thơ, Trần Khánh Chương, Nguyễn Trịnh Thái, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hoàng Vượng, Tạ Quang Bạo, Trần  Tuy, Lê Liên, Xuân Việt, Xuân Thảo, Lương Xuân Đoàn, Phạm Minh Hải,Trương Lộ, Nghiêm Xuân Hưng,Nguyễn Tấn Cương,Nguyễn Xuân Tiệp, Đỗ Phấn, Hoàng Hà Tùng, Xuân Chiểu, Trịnh Minh Sơn,Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, …Cho đến nay, ngôi nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP Hồ Chí Minh của ông đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu quen thuộc của bạn bè nghệ sĩ.

“Tôi sưu tập những bức tranh mà tôi thích”. Cách chơi tranh của Trương Văn Thuận đơn giản vậy. Ông không chọn tranh theo một trường phái, chủ đề hay thời đại nào riêng biệt. Nhưng am hiểu nghệ thuật nên những bức ông thích toàn là tinh tuyển. Hồi triển lãm “Một tình yêu hội họa” diễn ra vào tháng 6 -2017 để mừng sinh nhật tuổi 60 của mình, Trương Văn Thuận trưng bày nhiều tác phẩm tuyệt đẹp, trong đó có cả những tác phẩm của họa sĩ mà tên tuổi của họ còn khá xa lạ với người yêu tranh. Cái hay của ông nằm ở chỗ đó. Ông tìm kiếm những bức tranh đẹp chứ không quan trọng tên tuổi tác giả. Tất cả các trường phái từ trừu tượng, hiện thực, ấn tượng đến lập thể, lãng mạn... của họa sĩ thời “Đông Dương” (tức trường Mỹ thuật Đông Dương), “Gia Định” (trường Mỹ thuật Gia Định) hay họa sĩ đương đại đều được ông trân trọng.

Chân dung Trương Văn Thuận do họa sĩ Văn Thơ vẽ tặng.

Sưu tập được bức nào, ông cẩn thận chụp lại và làm giấy xác nhận bản gốc để họa sĩ, nhà điêu khắc hoặc thân nhân của họ ký tên. Cách làm này chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của tranh. Ông còn tự mình quản lý tác phẩm như một nhân viên bảo tàng, tỉ mỉ thu thập, bổ sung các thông tin tác giả, tác phẩm. Trương Văn Thuận dành hẳn hai tầng lầu để cất giữ, trưng bày bộ sưu tập của mình. Ở đây có cả khu vực cho ông sửa chữa những bức tranh bị hư hỏng.

Họa sĩ Đặng Kim Long bộc bạch: “Các họa sĩ quý anh Thuận ở chỗ anh ấy rất cầu thị, không ngừng học hỏi. Tình yêu của anh với nghệ thuật vô bờ bến, không toan tính. Với chúng tôi, anh ấy chân tình như những người bạn, trân quý lao động nghệ thuật, nhìn thấy được giá trị sáng tạo của anh em nghệ sĩ. Cho nên chúng tôi coi anh Thuận như một nguồn hỗ trợ động viên, khuyến khích chúng tôi yên tâm sáng tác”.

Năm 2011, Trương Văn Thuận đã từng tổ chức triển lãm tranh mang tựa đề “Hội tụ mùa Thu” cho một nhóm họa sĩ thuộc nhiều lứa tuổi (ba trong số họa sĩ tham gia cuộc triển lãm đã không còn nữa). Thậm chí, ông còn chủ động tìm gặp các họa sĩ trẻ có triển vọng  để mua tranh với hy vọng tạo động lực để tài năng của họ tỏa sáng mai sau. Với ông, các nghệ sĩ là người dẫn lối, dìu mình trên bước đường hoàn thiện bộ sưu tập hội họa.

Điều đặc biệt ở triển lãm “Một tình yêu hội họa” còn ở chỗ: khoảng một nửa số tác phẩm trưng bày là tranh, tượng chân dung chính ông và các thành viên trong gia đình do các họa sĩ, nhà điêu khắc thể hiện. Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu nhìn riêng ở khía cạnh này, đây là bộ sưu tập độc đáo và hiếm có tại Việt Nam. Khác với nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết có nét sắc sảo, mặn mà nên dễ phóng cọ, chân dung Trương Văn Thuận lại khó vẽ. Thế mà từ những buổi trò chuyện, gặp gỡ, bằng tấm lòng bằng hữu, các họa sĩ đã vẽ ông và gia đình. Số tác phẩm này lên tới cả trăm bức.

Đại tá Trương Văn Thuận tâm sự, điều cần nhất ở một nhà sưu tập chính là sự đam mê không bao giờ vơi cạn. Càng tìm hiểu, ông càng bị sắc màu mê hoặc. Tình yêu ông dành cho tranh đắm đuối ngày đêm khiến chính vợ cũng phải ghen tị. Nhưng cũng hoạt động trong nghệ thuật nên chị thấu hiểu niềm say mê của chồng. Sưu tập tranh không đơn giản chỉ là thú chơi tao nhã. Nó khó khăn và nhiều phức tạp đòi hỏi ở nhà sưu tập rất nhiều yếu tố. Yêu tranh và có điều kiện tài chính thôi chưa đủ, nhà sưu tập còn phải tỉ mỉ, kiên trì và am hiểu, biết chắt lọc để tìm thấy ngọc giữa cát vùi.

Phan Thi Uyên
.
.