Tính nhân bản trong “Người con di trú”

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:00
Với độ dày hơn 200 trang, nội dung tiểu thuyết "Người con di trú" (NXB Văn học, 2009) của Đại tá, nhà văn Trần Diễn thật ra không thật mới. Vẫn là về hoàn cảnh rủi ro, bế tắc của các cô gái trẻ, về cảnh ăn chơi trác tác của kẻ nhiều tiền, về vụ án oan sai do lối làm việc tắc trách, vị kỷ của những nhân viên thuộc cơ quan điều tra...

Song, dưới tầng sâu của câu chuyện quen thuộc ấy là hình ảnh về "phẩm chất người". Hãy điểm qua gương mặt một số nhân vật của Trần Diễn để nhận ra ở họ những phẩm chất ấy.

Đó là thầy giáo Trung, một thầy giáo dạy văn, yêu thích quan họ, hết lòng chăm lo cho học sinh của mình. Đêm trước của hôm cô học trò Diệu Thúy rời quê đi Hà Nội, hai thầy trò đã ngồi trò chuyện bên nhau dưới trăng thu vời vợi...

Trong bối cảnh sinh tình ấy, có lúc Thúy thấy "khoảng cách thầy và trò nhòa đi", còn thầy Trung thì nắm chặt tay Thúy, kéo cô đứng dậy, chủ động nói: "Về đi em. Khuya rồi!" (tr.24). Về sự chăm sóc của thầy Trung đối với học trò nói chung và cách xử sự của thầy trong đêm trăng ấy, không cần bình luận gì hơn, đủ thấy, thầy là một con người không để tình cảm bột phát phá vỡ quan hệ thầy trò tốt đẹp.

Đó là Thượng tá Công an Nhật Minh - công tác ở Viện Pháp y của Bộ Công an. Anh làm việc có trách nhiệm, biết lắng nghe và phân tích đúng đắn các luồng dư luận về vụ án, nhờ đó, anh cho tiến hành thẩm định bổ sung hồ sơ pháp y vụ Diệu Thúy, để đưa ra bằng chứng cô này vô tội. Kế đến là Duy Tường, một Đại úy công an giàu bản lĩnh và nhân ái.

Anh yêu Diệu Thúy bắt nguồn từ tình yêu chân chính, không e ngại về hoàn cảnh éo le của cô; sẵn sàng lên tiếng đấu tranh bảo vệ Diệu Thúy vì công lý. Thượng tá Nhật Minh và Đại úy Duy Tường có phẩm chất cao đẹp của những công chức hoạt động bảo vệ luật pháp, cũng là bảo vệ quyền con người và công bằng xã hội.

Xuyên suốt và bao trùm tác phẩm là nhân vật Diệu Thúy. Giống như nhiều cô gái nông thôn thi trượt đại học, ra thành phố tìm việc làm, song Diệu Thúy không bị sa ngã chốn thị thành, tự đánh mất phẩm chất của mình. Khi mới ra thành phố, Thúy làm nghề đánh máy vi tính.

Nào ngờ, gã chủ cửa hàng máy tính vừa tham lam vừa dâm dục. Gã trả công cho cô với giá rẻ mạt và không bỏ cơ hội quấy rối tình dục cô (Tr.65...). Không chịu đựng nổi, Thúy bỏ cửa hàng máy tính và được dẫn dắt đến nhà hàng karaoke Nhật Hồng - một quán mại dâm trá hình. Thúy ký hợp đồng với chủ nhà là chỉ hát quan họ theo nhu cầu của khách.

Nhưng hầu như tất cả khách đến cửa hàng đến cửa hàng nghe hát quan họ đều liếc mắt đưa tình, cầm tay, vuốt tóc, thậm chí bóng gió ngỏ lời cùng Thúy ân ái qua đêm và hứa cho cô rất nhiều tiền. Trong mọi trường hợp, Thúy đều từ chối bằng câu hát quan họ đằm thắm: "Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần".

Nhìn lại tất cả những gì Thúy đã hành xử, thấy rõ, Thúy mang đậm phẩm chất của người phụ nữ tiết hạnh.

Như vậy, "phẩm chất người" trong tiểu thuyết "Người con di trú" của Trần Diễn khá rõ nét. Đó chính là điểm mạnh của cuốn tiểu thuyết. Thiết tưởng, trong khi những giá trị nào đó đang bị xuống cấp bởi tác động của mặt trái cơ chế thị trường, việc đánh thức và cổ vũ phẩm chất người dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức văn chương như tiểu thuyết của Trần Diễn là điều rất đáng trân trọng

Mai Thanh
.
.