Tính chuyên nghiệp của văn học hiện đại

Thứ Năm, 07/05/2009, 17:30
Tính chuyên nghiệp trong văn học hiện đại thể hiện đầu tiên ở ý thức làm nghề của nhà văn. Trong lịch sử văn học, có một thuộc tính chung của nhà văn là "anh ta không xem công việc của mình như một kế sinh nhai. Đó là một mục đích tự thân" (nhận xét của Mác). Đây là mặt thứ nhất của ý thức làm nghề của nghệ sĩ dù ở thời đại nào.

Ý thức nghề của nhà văn là sự tự giác về quy luật sáng tạo cái đẹp. Nó thiêng liêng đến độ - vẫn theo ý Mác - nhiều nhà văn, nghệ sĩ "hy sinh sự tồn tại của mình cho sự tồn tại của nó nếu cần".

Nhưng đến xã hội hiện đại, trong ý thức làm nghề của nhà văn xuất hiện mặt thứ hai không thể cưỡng lại: Viết văn là một nghề kiếm sống như mọi nghề khác trong nền kinh tế thị trường. Nhà văn hiện đại luôn bị đặt trong xung đột căng thẳng giữa hai bình diện đó của ý thức nghề nghiệp.

Dù là một nghề đặc biệt, nghề viết văn trong xã hội vẫn phải tồn tại theo quy luật thị trường. Sản phẩm nhà văn hiện đại làm ra, ngoài những tư cách sang trọng, thiêng liêng như từ hàng ngàn năm nay, còn có một tư cách khác không thể khước từ: tư cách hàng hóa.

Ý thức đó từng xuất hiện trực tiếp, công khai trong tuyên bố của Tản Đà: "Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu" (Lo văn ế), "Vợ dại con thơ, sự sinh hoạt trông nhờ một ngọn bút" (Giấc mộng con). Nhà văn cũng như người sản xuất hàng hoá khác, khi "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" thì "Lo văn ế", lo hàng ế, tức là lo khủng hoảng thừa.

Hoàn toàn không có gì ngạc nhiên, khái niệm nhuận bút chỉ xuất hiện trong đời sống văn học hiện đại. Nó là gì? Là phần "lợi nhuận" của kinh tế thị trường dành cho nhà văn. Nhưng đó là phần "nhuận" đầu thừa đuôi thẹo cuối cùng sau khi bị các cấp "ông chủ" bóc lột "thặng dư" đến "mút mùa" (ông chủ xuất bản, ông chủ nhà in, ông chủ tiệm sách…). Lao động sáng tạo nghệ thuật chân chính là công việc của người nghệ sĩ phải “nấu tim óc” của mình mới có tác phẩm:

Bao nhiêu củi nước mới thành văn,
Bán được văn ra chết mấy lần
                                 
(Lo văn ế - Tản Đà)

Tuyên bố nghề nghiệp của Tản Đà là một minh chứng đầy cảm thương và một diễn đạt đầy sinh động và chuẩn xác ý kiến của Mác về quan hệ giữa xã hội thị trường tư bản chủ nghĩa với nghề nghiệp sáng tạo nghệ thuật: "…Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thù địch với một số ngành nhất định trong sản xuất tinh thần như nghệ thuật và thi ca".

Tính chất "ngoan cố" và tàn nhẫn này của kinh tế thị trường biến người đọc của văn học thành một khách hàng với tư cách và thị hiếu cá nhân. Một loại khách hàng dù đặc biệt, dù lịch sự đến mấy cũng phải lấy "tiền của mình" mua tác phẩm. Vậy thích hợp thị hiếu thì mua, không thích thì bỏ qua, chẳng ai "bắt" được.

Chưa nói tới tính tích cực hay tiêu cực của "thị hiếu" người đọc, sự chuyển biến tư cách người đọc như thế là một biểu hiện của xu hướng dân chủ hóa văn học tác động trực tiếp vào ý thức nghề nghiệp của nhà văn. Ý thức nghề nghiệp của nhà văn hiện đại đã gắn vận mệnh của nhà văn với người đọc. Họ cần có người đọc ngay lúc mình đang sáng tác, không chờ đợi được đến "Ba trăm năm sau…" như Nguyễn Du. Nhà văn hiện đại cần người đọc đọc mình ngay để họ nuôi sống mình cả phần hồn lẫn phần xác hiểu theo nghĩa trần thế, trần trụi nhất của các từ đó.

Tuy vậy, khác với các ngành sản xuất vật chất trong nền kinh tế thị trường ở một điểm rất cơ bản: Nhà văn làm nghề trước hết phải viết ra cái mình cần viết theo đúng quy luật của sáng tạo, cái làm cho mình phải thao thức, nhức nhối bởi những số phận con người, cái mình đã thể nghiệm, cái buộc mình phải "nấu tim óc" của mình lên thành dòng chảy ngôn từ như dòng máu tự tâm hồn mình. Đến lượt người đọc, họ cũng bỏ tiền ra mua cái (tác phẩm) họ cần mua hợp thị hiếu của họ, giúp họ giải đáp một câu hỏi nào đó về cuộc sống. Trong khi đó, ở các ngành sản xuất vật chất, người ta chỉ cần sản xuất ra cái khách hàng cần mua - đó là thôi thúc lợi nhuận chính yếu - mà không cần lệ thuộc vào cái mình cần làm như thôi thúc sáng tạo cái đẹp chẳng hạn.

Trong văn học hiện đại, cái cần làm của người nghệ sĩ không phải bao giờ cũng gặp cái cần mua ở người đọc. Mỗi lúc như vậy, nhà văn chuyên nghiệp hiện đại có thể lâm vào bi kịch nghề nghiệp. Bao nhiêu nhà văn Việt Nam hiện đại đã cất lên tiếng kêu của những tài hoa bị vùi dập, bị bạc đãi. Sau cái chết của Tản Đà (1939), một bạn văn đã kêu lên: "Ở xứ này, ngọn bút không nuôi sống được người dẫu là một người đã làm cho trái tim bao người rung động" (Minh Tước). Hàn Mặc Tử cũng có phen kêu trời vì chất liệu của thi ca không làm no được cái bao tử của thi nhân:

Trời hỡi! Làm sao cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?

Nhưng sự thôi thúc của sáng tạo vẫn "đày đọa" họ, họ vẫn phải "mực mài nước mắt" trong cảnh cơ hàn, cùng quẫn:

Có những ngày khói bếp không lên,
Vợ ngược, con xuôi túi hết tiền
Chồng gục cả lòng trên giấy mực,
Bên ngoài mặt đất tối như đêm
                            (
Trần Huyền Trân)

Đâu chỉ bạc đãi về cuộc sống vật chất, họ còn bị xúc phạm cả về nhân cách. Ta từng nghe chuyện một nhà văn Việt Nam trước 1945 vì việc gì đó phải ra tòa. Chủ tòa là ông Tây không biết Việt ngữ phải dùng thông dịch. Chủ tòa hỏi nhà văn: "Làm nghề gì?". Nhà văn bình thản trả lời "viết văn". Tay thông ngôn tự ý dịch: "Sans profession", tức là vô nghề nghiệp.

Rồi oan trái, rồi gian lao của chiến tranh, nhà văn chân chính phải trải qua bao khổ ải đày đọa. Đó là thử thách nghiệt ngã, có tính chất sàng lọc giá trị của nhà văn. Nếu là nhà văn chuyên nghiệp đích thực, họ chấp nhận dấn thân sống chết với nghề để sáng tạo những giá trị mới làm sáng giá dân tộc và nhân dân và họ lại được người đọc vinh danh và tìm đến. Nhưng trong thử thách ấy, cũng có những người viết không chịu đựng nổi, đành phải "đào ngũ", đi làm quan hoặc các nghề khác. Đó là một dạng tha hóa nghề nghiệp trong văn học hiện đại.

Trong nền kinh tế thị trường hôm nay, quy luật hàng hóa đã từng và sẽ còn tiếp tục "thù địch" với văn học nghệ thuật. Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật (NQ 23/NQTW) "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã cảnh báo chính xác với các cấp quản lý văn nghệ và văn nghệ sĩ một trong những "yếu kém, khuyết điểm" của hoạt động văn học nghệ thuật: "Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên". Nhiều bài báo của các nhà văn, nhà lý luận, phê bình đã bàn thảo, phân tích và đề nghị các giải pháp để đưa nền văn học trở lại quỹ đạo chuyên nghiệp.

Không ít nhà văn chuyên nghiệp hiện nay đã không còn đủ bản lĩnh nghệ sĩ chân chính của mình trước thách đố của xã hội thị trường. Một số nhà văn không còn một chút ý nghĩ xả thân cho nghệ thuật, hầu như viết chỉ là một kiểu phản ứng bản năng sinh tồn.

Do đó, so với các nhà văn danh tiếng mà cảnh ngộ đầy bất hạnh trước năm 1945 và với các nhà văn từng lao mình vào cuộc chiến giành độc lập 30 năm, mỗi loại hy sinh theo một kiểu nhưng đều đã hy sinh sự sống riêng của mình để vinh danh văn học nghệ thuật, tức là vinh danh những giá trị văn hóa của con người và dân tộc, thì một số nhà văn chuyên nghiệp ngày nay được xã hội nuôi nấng, cưng chiều lại bị thui chột mất cái thuộc tính của nhân cách nghề nghiệp: sự hy sinh. Mà ta biết rằng, mọi sự hy sinh có ý thức trên đời này bao giờ cũng để nhằm khẳng định cái lý tưởng văn hoá mà mình theo đuổi.

Còn về tài năng, nói tới tính chuyên nghiệp của sáng tác, người ta nghĩ tới tài năng của nhà văn. Vì đây là câu chuyện chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Văn học hiện đại có tính chuyên nghiệp là nói tới những người chuyên làm một nghề, say mê với nghề và phấn đấu cho sự tinh xảo của nghề để có những sản phẩm thực sự là nghệ thuật. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", đã chấp nhận "dấn thân vô" một nghề thời phải học, phải rèn ngòi bút. Một năng khiếu thiên bẩm là rất cần thiết, nhưng nhà văn chuyên nghiệp nhất định phải học nghề. Xã hội ngày nay mở ra vô vàn cơ hội và điều kiện cho nhà văn học nghề. Tất nhiên học nghề văn không chỉ học trong nhà trường, nhưng rõ ràng được đào tạo là điều kiện cần cho một nhà văn chuyên nghiệp hiện đại.

Trong lịch sử văn học hiện đại hơn trăm năm qua vẫn có những nhà văn mà nghề viết văn không phải nghề chính, nghề chuyên nghiệp để kiếm sống, thì sáng tác của họ vẫn phải cuộn chảy trong quỹ đạo của dòng thác văn học chuyên nghiệp.

Qua đó mới thấy tính chuyên nghiệp của văn học hiện đại luôn gắn bó nhà văn với người đọc, nghĩa là nó được bảo hành bởi tính dân chủ của đời sống văn học. Hướng về người đọc, bằng nghệ thuật đỉnh cao, góp phần giải đáp những bài toán về con người, về số phận và tương lai của con người thì văn học mới đạt đến tính chuyên nghiệp thực sự, mới có những tác phẩm có giá trị lâu dài. Ngay cả những nhà văn viết theo phương thức nghiệp dư, khi đã xác định được yêu cầu nghiêm túc này vẫn có thể vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật. Sự xuống cấp phẩm chất và tài năng của nhà văn sẽ làm cho tiếng nói nghệ thuật của anh ta không còn là tiếng nói đồng vọng của những nỗi niềm và khao khát của nhân dân, của người đọc và do đó sẽ dẫn nhà văn tới sự tha hóa nghề nghiệp, một nghề nghiệp đầy vinh quang mà khốn khó

Lê Văn Tùng
.
.