Tình chung tình riêng trong ca khúc “Cỏ non thành cổ”

Thứ Hai, 27/07/2009, 15:00
Mỗi dịp tháng 7 về, giai điệu tha thiết của bài hát "Cỏ non thành cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền lại vang lên nhiều hơn trên Đài Truyền hình và sóng Phát thanh hướng về ngày Thương binh liệt sĩ. Ngay từ khi mới ra đời, bài hát đã chinh phục sự yêu mến của người nghe bằng sự xúc động trong ca từ, giai điệu. Nhạc sĩ Tân Huyền đã đi xa, nhưng thông điệp giản dị, nhân văn mà ông gửi gắm trong bài hát "Cỏ non thành cổ" vẫn còn ngân vang mãi.

Vào năm 2003, tôi có chuyến đi rất thú vị cùng các nhạc sĩ Tân Huyền, Doãn Nho, Lê Việt Hòa trong dịp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình "Âm vang sông La". Nhạc sĩ Tân Huyền là một người con của Hà Tĩnh.

Với quê hương, ông có bài hát "Một mình với sông La" được nhiều người yêu mến. Năm đó, nhạc sĩ Tân Huyền đã ở tuổi 72, dáng người cao gầy, lưng hơi gù, bước đi đã bắt đầu chậm và run, gương mặt nhiều nếp nhăn thêm phần "hài hước" vì có hai chiếc răng cửa đã rụng mất từ lúc nào.

Chuyến đi chỉ 3 ngày, nhưng từ những gì tôi cảm nhận thì nhạc sĩ Tân Huyền là một con người thật nhân hậu, từ tốn. Đôi khi ông trở nên đặc biệt vui vẻ, nhất là khi đã có chút... men bia. Sau này tôi mới biết nhạc sĩ Tân Huyền rất thích uống bia, đó là thức uống hàng ngày của ông.

Nhạc sĩ Tân Huyền vốn là thầy giáo dạy Văn. Ông đến với âm nhạc một cách tự nhiên bằng sáng tác đầu tay "Nhớ về quê em", để rồi bỏ nghề thầy giáo để đi theo tiếng gọi quyến rũ của âm nhạc.

Ông có một số ca khúc được yêu thích như "Tiếng hò trên đất Nghệ An", "Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc", "Xe ta đi trong đêm Trường Sơn", "Em đứng giữa giảng đường hôm nay", "Có một chiều như thế Hồ Gươm"... và một số ca khúc viết riêng cho thiếu nhi rất được yêu mến như "Chị ong nâu và em bé", "Cháu vẽ ông mặt trời"...

Đặc biệt, khi nhắc tới Tân Huyền, không thể không nhắc tới ca khúc "Cỏ non thành cổ" - một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông. Đây là sáng tác nằm trong chùm ca khúc mà ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Bài hát "Cỏ non thành cổ" còn được Bộ Quốc phòng trao giải "Bài hát xuất sắc nhất về đề tài Lực lượng Vũ trang nhân dân (1989 - 1994)".

Câu chuyện về sự ra đời của bài hát "Cỏ non thành cổ" từng được nhạc sĩ Tân Huyền chia sẻ với khán thính giả một số lần và lần nói chuyện nào cũng khiến ông xúc động. Tôi còn nhớ lần đó, ngồi trên ô tô qua một chặng đường dài, tôi đã được nhạc sĩ Tân Huyền kể về "Cỏ non thành cổ" bằng giọng nói nằng nặng, chầm chậm vì xúc động và cũng vì cách đó mấy năm ông trải qua một cơn tai biến: "Lần ấy, bác cùng với bác Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh... đi vào Quảng Trị thâm nhập thực tế sáng tác theo lời mời của địa phương.

Hồi ấy thành cổ còn hoang sơ lắm, chưa có tượng đài, chưa có bảo tàng như bây giờ đâu, chỉ thấy toàn cỏ là cỏ. Bác ở thành cổ Quảng Trị mấy hôm, có khi ngồi ngoài trời cả đêm mà vẫn chưa tìm ra "tứ" nào để viết. Bác trăn trở lắm, vì những hy sinh mất mát của chiến sĩ ta ở thành cổ Quảng Trị là rất to lớn.

Bỗng một sớm mai, bác đang đi loanh quanh trong thành thì gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập. Cậu ấy nói đại ý rằng: "Anh Huyền ơi, cỏ lên xanh đẹp thế này, nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống. Có khi chỉ lật nhẹ lớp đất là có thể bắt gặp ngay hài cốt ở dưới. Anh cố gắng viết cái gì về sự hy sinh này...".

Câu nói của Nguyễn Quang Lập đã gây xúc động mạnh cho bác. Thế là cái tứ bài hát bất ngờ bật ra: Cái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh, xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất...

Bác cũng đã đi nhiều nhưng chưa thấy cỏ ở đâu lại xanh non thế, đẹp đến thế, lại phơ phất gió đùa, đúng như lời bác đã viết trong bài hát "Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đong đưa...".

Rồi ông kể thêm bằng giọng ngậm ngùi: "Bác viết bài hát này còn là vì có nỗi niềm riêng. Em trai bác đi bộ đội, chiến đấu ở miền Nam và từ ngày em đi, cứ chiều chiều, người mẹ già của bác lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng em trai bác không bao giờ trở về nữa.

Vì thế, cái đoạn "Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về..." là có hình ảnh người mẹ già của bác đấy! Viết ra được bài hát này, bác cũng cảm thấy thanh thản hơn, bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh và cả với người mẹ đã khuất của mình!".

Bài hát của nhạc sĩ Tân Huyền đã có một sức lan tỏa mãnh liệt. Nhiều người cho rằng, "Cỏ non thành cổ" mới chính là ca khúc để đời của nhạc sĩ Tân Huyền. Tác giả đã có những xúc động chân thực, sự dồn nén tình cảm thể hiện trong từng nốt nhạc khiến bài hát càng nghe càng thấy hay và có chiều sâu, mặc dù đó là một bài hát với ca từ rất giản dị. 

Trong đêm ca nhạc "Âm vang sông La" lần ấy, nhạc sĩ Tân Huyền cũng chia sẻ với khán giả quê nhà câu chuyện này. Ông đứng trên sân khấu tại huyện Đức Thọ quê ông mà cả tay cầm micrô và giọng nói đều như run lên, như sắp khóc.

Đêm hôm ấy, buổi biểu diễn ca nhạc đang diễn ra thì mất điện, phải chạy bằng máy phát nhưng khán giả vẫn đông chật, đứng lặng nghe ca khúc "Cỏ non thành cổ" do ca sĩ Kim Tiến biểu diễn và những lời tâm sự gan ruột nghẹn ngào của nhạc sĩ Tân Huyền.

Sau này, nhạc sĩ Tân Huyền còn nói thêm với tôi về thông điệp ông muốn gửi tới mọi người, rằng chiến tranh đang dần lùi xa và những thế hệ sau khó mà hình dung ra dân tộc ta từng có cuộc chiến tranh khốc liệt để giành độc lập tự do như vậy.

Vì thế, bài hát của ông như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: "Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình...". Có cuộc sống yên bình, tươi xanh như hôm nay, xin đừng quên quá khứ hào hùng, đau thương phải đánh đổi bằng bao máu xương của đồng bào chiến sĩ.

Từ khi "Cỏ non thành cổ" ra đời, nhiều ca sĩ đã thể hiện bài hát thành công như Thái Bảo, Nhã Phương, Lệ Thu, Kim Tiến... nhưng lúc sinh thời, nhạc sĩ Tân Huyền rất thích sự thể hiện của ca sĩ Nhã Phương. Giai điệu của bài hát đã khiến không ít người rơi nước mắt, đặc biệt là những người vợ, người mẹ có chồng, có con hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo về thành cổ Quảng Trị.

Trong số những người con đã nằm lại trên mảnh đất ấy, còn có biết bao người cho đến nay còn chưa tìm thấy được hài cốt... Nhạc sĩ Tân Huyền kể rằng, ông có nhận được thư chia sẻ của một người mẹ liệt sĩ. Bà nói, lần nào nghe bài hát này, bà cũng khóc vì thương nhớ con!

Khi thực hiện bài viết này, tôi đã tìm đến nhà riêng của cố nhạc sĩ Tân Huyền ở Khu tập thể Giảng Võ. Trong căn phòng nhỏ trên tầng 3 của khu nhà cũ kỹ, bà quả phụ của nhạc sĩ Tân Huyền rơi nước mắt khi nhắc về người chồng quá cố vừa qua kỳ giỗ đầu.

Căn bệnh ung thư mà ông mang trong mình khi phát hiện ra đã ở giai đoạn cuối, nên sự ra đi của ông sau hơn một tháng nằm viện đối với gia đình người thân vẫn quá đỗi bất ngờ. Trên bàn thờ, di ảnh của nhạc sĩ Tân Huyền với gương mặt hiền hậu như đang mỉm cười.

Trên bức tường đã ố vàng, vẫn còn đó cây đàn ghi ta mộc mạc, cũ kỹ đã theo ông từ thuở còn là thầy giáo dạy Văn ở quê nhà. Vật thiêng còn đó, người đã đi xa. Nhưng những bài hát của ông, trong đó có "Cỏ non thành cổ" sẽ còn vang mãi trong trái tim những người con Việt Nam yêu chuộng hòa bình

Nguyệt Hà
.
.