Tìm lại sắc phục Châu Ro

Thứ Ba, 26/09/2017, 08:15
Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng và một trong những nét đặc trưng đó được thể hiện qua trang phục của họ. Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, một số dân tộc thiểu số của Việt Nam không còn giữ được trang phục truyền thống bởi sự biến đổi của thời gian và bởi những tiện lợi trong trang phục cộng đồng các dân tộc xung quanh mang lại, trong đó có trang phục của người Kinh. Trang phục truyền thống của dân tộc Châu Ro tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nằm trong dòng chảy đáng buồn đó.


Trang phục truyền thống Châu Ro - ai còn nhớ?

Vào một ngày tháng tám, anh cán bộ văn hoá xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) gọi điện báo cho chúng tôi một tin vui: đã có một người phụ nữ Châu Ro có thể tự may được trang phục truyền thống của dân tộc mình. Anh cán bộ văn hóa xã cho biết thêm: "Từ trước đến nay, các bộ trang phục mà đồng bào Châu Ro trên địa bàn xã mặc trong các dịp lễ hội phần lớn đều được mua từ vùng Tây Nguyên".

Thông tin trên thôi thúc chúng tôi tìm về xã Bàu Lâm và gặp gỡ người phụ nữ đó. Bà tên là Tòng Thị Gái, 54 tuổi, hiện ngụ tại ấp 1 - ấp có đông đồng bào Châu Ro sinh sống nhất xã Bàu Lâm. Điều đáng buồn là hiện bà Gái đang mắc bệnh nan y, thế nên việc may lại trang phục Châu Ro bị gián đoạn.

Chị Đào Thị Hoa, con gái của bà Tòng Thị Gái cho biết, trước đây thấy mẹ tâm huyết với việc khôi phục lại trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Hoa đã cùng mẹ cắt, may. Nhưng đã gần 2 năm nay, mẹ chị lâm bệnh, công việc may vá bị gián đoạn.

Bản thân chị Hoa, tuy là một người trẻ nhưng chị cũng mong muốn có thể tự may lại trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chị mơ ước sẽ làm việc chăm chỉ, tích cóp tiền mua một chiếc máy khâu nhỏ để thực hiện nguyện vọng của mẹ chị, đồng thời cũng là tâm huyết của chính bản thân chị. Nguyên nhân chị muốn tự may trang phục là vì hiện tại, người Châu Ro ở Bàu Lâm không có trang phục riêng, chủ yếu đi mua lại từ các dân tộc khác ở Tây Nguyên.

Lễ hội của đồng bào dân tộc Châu Ro.

Người Châu Ro có ngôn ngữ, có những lễ hội truyền thống và nét đặc trưng văn hoá riêng thì chắc chắn trang phục cũng là nét truyền thống đã được hình thành từ ngàn xưa, không thể vay mượn từ dân tộc khác. Tuy nhiên, chị Hoa cũng không khẳng định trang phục mẹ chị và chị may giống 100% trang phục truyền thống của người Châu Ro từ thuở xa xưa, bởi chị và mẹ may chủ yếu dựa theo trí tưởng tượng trên cơ sở những gì chị còn nhớ được về cách ăn mặc của thế hệ ông bà.

Tự may thông qua lời kể của ông bà xưa là cách mà những thế hệ Châu Ro hôm nay muốn gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình, dù thực tế chưa có một cuộc thẩm định nào từ phía những người làm công tác nghiên cứu. Tìm về nguồn gốc trang phục truyền thống của người Châu Ro, chúng tôi tìm đến già làng Đào Văn Sơn ở Bàu Lâm và được ông giải thích rằng, y phục trước kia của người Châu Ro gồm có váy dành cho nữ và khố dành cho nam giới. Váy và khố được làm và chắp vá từ vỏ cây rừng tự nhiên.

Đồng bào dân tộc Châu Ro xưa kia chỉ mặc khố hoặc váy và để ngực trần, chỉ khi trời quá lạnh thì cả nam và nữ mới khoác lên mình một tấm chăn có lỗ chui đầu. Theo thời gian, người Châu Ro đã sử dụng vải bố đóng khố, quấn váy thay vì lên rừng tìm vỏ cây như trước. Tuy nhiên, từ những năm 50 của thế kỷ trước trở lại đây, vì không có nghề dệt vải như các dân tộc thiểu số khác cũng như do quá trình định cư ở gần người Kinh, người dân tộc Châu Ro đã dần bị ảnh hưởng bởi cách ăn mặc của người Kinh.

Theo thống kê, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 9.000 đồng bào Châu Ro đang sinh sống, tập trung nhiều ở xã Bàu Lâm huyện Xuyên Mộc; thị trấn Ngãi Giao, các xã Bàu Chinh, Kim Long, Bình Giã huyện Châu Đức; Châu Pha, Hắc Dịch huyện Tân Thành, hiện nay hầu hết người dân tộc Châu Ro nơi đây lúc đi làm, lúc sinh hoạt thường ngày đều ăn mặc hoàn toàn giống với trang phục của người Kinh ở địa phương.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, đó chỉ là sự thuận tiện và thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh sống, nếp sinh hoạt hiện tại chứ không phải là sự lãng quên quá khứ, bởi các thế hệ người Châu Ro đi trước vẫn luôn dành tâm huyết đời mình truyền dạy cho thế hệ sau những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, từ ngôi nhà sàn truyền thống, đến các lễ hội cúng thần rừng, thần lúa hay các nhạc cụ, nhạc khí, các bài ca, điệu múa dân gian và chắc chắn trong đó có cả những lời nhắc nhớ về trang phục truyền thống.

Cần hơn những nỗ lực giữ gìn

Không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà người Châu Ro còn định cư ở Đồng Nai, và rải rác một phần ở Bình Phước. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất nào về trang phục truyền thống của người Châu Ro ở các địa phương trên và tất nhiên mỗi nơi "thiết kế" mỗi kiểu. Và thực tế này cũng trả lời cho câu hỏi: "Vì sao trang phục của người Châu Ro trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng mỗi nơi mỗi kiểu?". Đã đến lúc ngành văn hoá, dân tộc các địa phương cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này.

Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, vì không còn ai nhớ trang phục nguyên gốc của người Châu Ro là như thế nào dẫn đến thực tế, cùng là người Châu Ro nhưng trang phục Châu Ro Bà Rịa - Vũng Tàu khác trang phục Châu Ro Đồng Nai. Chính vì sự chưa thống nhất này nên hiện nay, trang phục truyền thống vẫn chưa thể phổ biến trong cộng đồng dân bản, nhiều người khi được hỏi còn rất mơ hồ.

Sản phẩm sắc phục truyền thống của người Châu Ro.

Ông Hạnh cho biết, hiện trang phục Châu Ro trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không có bản nguyên gốc. Đối với đồng bào dân tộc Châu Ro chủ yếu là đang sử dụng các trang phục của người Kinh. Có một số trang phục được sử dụng trong các ngày lễ hoặc các chương trình biểu diễn thì đã cách tân, sân khấu hóa, không còn là trang phục truyền thống. Đối với đồng bào trong các vùng dân tộc hiện nay hầu như không sử dụng trang phục loại này. Hiện nay, kể cả trường dân tộc nội trú cũng có một số quần áo, nhưng mà gần như trang phục sân khấu thôi.

Qua một số tài liệu nghiên cứu về trang phục cổ truyền của người Châu Ro Việt Nam nói chung trong các ấn phẩm: "Các dân tộc ít người ở Việt Nam" - các tỉnh phía Nam - (1984); "Bức tranh văn hoá các dân tộc ở Việt Nam" (1997); "Người Châu Ro ở Đồng Nai" của Chi hội Văn học dân gian Đồng Nai (1998); tư liệu dân tộc học "Trang phục của người Châu Ro" (2004) và mới đây là tài liệu nghiên cứu của thạc sĩ Lâm Nhân, Trường Đại học Văn hoá TP Hồ Chí Minh "Trang phục cổ truyền và một số vấn đề liên quan đến trang phục của người Châu Ro ở Đồng Nai" cho thấy, người Châu Ro thuở xưa thường tự trồng bông nhuộm sợi, dệt vải làm khố, váy, áo và chăn. Công cụ dệt và kỹ thuật dệt của người Châu Ro giống như nhiều dân tộc Nam Tây Nguyên.

Người Châu Ro không thêu hoa văn như các dân tộc thiểu số khác mà dệt hoa văn đồng thời với quá trình dệt vải. Các hoa văn chính trên vải của người Châu Ro thường dệt là: tong yih (đầu chà gạc), tong tênh (đường viền) mat ncau (mắt cú mèo); khiya (khung quay sợi)…

Điều này chứng tỏ, người Châu Ro có trang phục cổ truyền riêng. Thế nhưng hiện nay nghề dệt vải trong cộng đồng Châu Ro đã bị mai một, một số nơi bị mất hẳn bởi thời chiến tranh tản lạc, người Châu Ro sống rải rác thành từng nhóm nhỏ, lại liên tục di chuyển chỗ ở, khung dệt vải và các chất liệu dệt khó trồng, khó kiếm, trong khi nghề dệt vải của người Kinh và các dân tộc sống xen cư phát triển mạnh, người Châu Ro dễ dàng trao đổi sản vật để lấy vải vóc, quần áo. Theo thời gian, hoa văn truyền thống không còn lưu giữ được.    

Đã đến lúc ngành Văn hoá, Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề trang phục cũng như việc khôi phục lại nghề dệt vải của người Châu Ro, bởi càng về sau thì việc tìm về nguồn cội và phục dựng trang phục Châu Ro sẽ càng khó khăn.

Hải Âu
.
.