Tiểu thuyết gia Salman Rushdie: Quá tam ba bận

Thứ Ba, 29/07/2008, 16:30

Cách đây ít ngày, khi diễn ra Liên hoan văn học tại Southbank Centre, London, Ban Tổ chức Man Booker Prize đã tổ chức lễ trao giải thưởng đặc biệt có tên "Đệ Nhất Booker" (The Best of Booker) với mục đích suy tôn tác giả cuốn tiểu thuyết hay nhất trong 40 năm tồn tại của giải thưởng này. Các ứng viên được chọn từ 41 nhà văn đã từng giành giải Booker suốt từ năm 1968 đến năm 2007.

Ngay từ tháng 5, Ban Giám khảo đã công bố danh sách 6 tác giả vào vòng chung khảo để mở cuộc bầu chọn công khai trên mạng cho các độc giả. Trong số những nhà văn lần này được đề cử, có hai nhà văn từng được tặng giải thưởng Nobel (Nadine Gordimer và Josef M. Coetzee, đều của Nam Phi), nhà văn từng hai lần nhận giải Booker: Peter Carey, Australia; Pat Barker, tác giả tiểu thuyết bộ ba về Thế chiến thứ nhất…

Ngày 10/7/2008, Ban Tổ chức giải thưởng Man Booker đã thu được kết quả cuối cùng. Nhà văn gốc Ấn Độ Salman Rushdie đã vượt qua năm đồng nghiệp khác. Thông tin này khiến người Á Đông liên tưởng nhanh đến câu phương ngôn "quá tam ba bận": Tiểu thuyết "Những đứa trẻ lúc nửa đêm" của Salman Rushdie ba lần giật giải Man Booker! Tin vui này đến với Salman Rushdie nửa tháng kể từ khi nhà văn được Nữ hoàng Elizabeth II tấn phong tước hiệu Hiệp sĩ.

Khi Salman Rushdie nhận giải Booker lần thứ nhất (1981), nhà văn đang còn rất trẻ - 34 tuổi và thuộc cỡ tân khoa trẻ nhất của giải thưởng này. Cuốn sách vừa ra đời, lập tức giới phê bình văn học đồng loạt ca tụng rằng "Những đứa trẻ lúc nửa đêm" không đơn thuần là hiện tượng của văn học viết bằng Anh ngữ, mà còn hơn thế nữa! Một bình luận gia của tờ The New York Times (Hoa Kỳ) nhận định rằng kể từ cuốn sách này, diện mạo văn học Ấn Độ sẽ phải khác đi! Và lời khen đó không hề thiếu căn cứ: chẳng một cuốn tiểu thuyết quan trọng nào được viết bằng tiếng Anh bởi những người đồng hương của Rushdie lại không chịu ít nhiều ảnh hưởng của "Những đứa trẻ lúc nửa đêm". Điều này hoàn toàn đúng với cả "Vị thánh của những vặt vãnh" của Arundhati Roy lẫn "Di sản bị thất tán" của Kiran Desai - hai cuốn tiểu thuyết từng giành giải Booker năm 1997 và năm 2006.

Booker là một giải thưởng gây nhiều tranh cãi song cũng rất ấn tượng, đấy là nơi các nhà phê bình văn học với những tiêu chuẩn chủ quan chọn ra cuốn tiểu thuyết hay nhất trong năm. Sự cạnh tranh là rất ráo riết, cho nên có khi cuốn sách được trao   giải Booker chưa hẳn đã là hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Ví dụ như cuốn "Những nghi lễ của chuyến đi" được giải Booker năm 1981 chỉ là một cuốn sách tầm thường của Wiliam Golding nếu như so sánh với những cuốn khác của tác giả này, như "Ngọn tháp" hoặc "Chúa ruồi" chẳng hạn. Nhưng "Đệ Nhất Booker" lại do độc giả (chứ không phải giới phê bình văn học) bình chọn, và đây là sự công nhận chính xác nhất cống hiến và ảnh hưởng của nhà văn, bởi vì từ khi ra đời đến nay đã 27 năm, "Những đứa trẻ lúc nửa đêm" vẫn chưa bao giờ cũ.

Với giải thưởng "Đệ Nhất Booker", Salman Rushdie đang có thêm cơ hội giành giải thưởng văn học lớn nhất hành tinh do Viện Hàn lâm Thụy Điển xét tặng. Theo dự đoán, giải Nobel 2008 có thể chưa đến tay Salman Rushdie, bởi vì trong những năm gần đây, số nhà văn viết bằng Anh ngữ đã giành quá nhiều giải thưởng này. Nhưng, nếu như không vấp phải những người Hồi giáo cực đoan, thì Salman Rushdie có thể bước lên "Đỉnh cao Stockholm" trong vòng đôi ba năm nữa.

Nên nhớ: William Golding nhận giải Booker năm 1980 và ba năm sau, 1983 nhận giải Nobel; Nadine Gordimer nhận giải Booker năm 1974 rồi Nobel 1991. Còn Josef M. Coetzee nhận giải Booker hai lần (1983 và 1999) để 4 năm sau nhận giải Nobel 2003

Đăng Bẩy
.
.