“Tiếng nói nhà văn” - tiếng nói của lương tâm

Thứ Sáu, 24/08/2007, 14:30

Với 211 bài viết, bộ sách “Tiếng nói nhà văn” (trọn bộ 2 tập) do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2006 đã được lọc lựa trong tổng số hơn 500 bài viết đã đăng tải từ gần chục năm nay trên tờ Văn nghệ. Như vậy, thời gian và lượng bài được chọn đủ có thể tạo nên sự phong phú về nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm.

“Tiếng nói nhà văn” là tên một chuyên mục được duy trì đều đặn trên trang nhất của tuần báo Văn nghệ từ  năm 1998 đến nay. Về khuôn khổ và tính chất, nó có nhiều điểm tương đồng với một số chuyên mục của các tờ báo bạn, trong đó có chuyên mục “Cửa sổ văn nghệ” của Văn nghệ Công an và “Không nhàn mà đàm” của An ninh thủ đô.

Cái khác biệt lớn nhất của nó chính là đối tượng người viết. Đúng như tên gọi đã quy ước, “Tiếng nói nhà văn” chỉ đăng tải các ý kiến, bài viết của những tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Với 211 bài viết, bộ sách “Tiếng nói nhà văn” (trọn bộ 2 tập) do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2006 đã được lọc lựa trong tổng số hơn 500 bài viết đã đăng tải từ gần chục năm nay trên tờ Văn nghệ. Như vậy, thời gian và lượng bài được chọn đủ có thể tạo nên sự phong phú về nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Và trong thực tế, bộ sách cũng đã ít nhiều đem đến những tiếng nói có tính khơi mở cùng nhiều suy tư, trăn trở của các nhà văn về muôn mặt đời thường của cuộc sống.

Với óc quan sát tinh nhạy cùng lối tư duy giàu tính khái quát, trong bài viết “Lại nói về ngôi đền của trí tuệ”, nhà thơ Vũ Quần Phương đã chỉ ra cho chúng ta thấy một lỗ hổng trong quy trình giáo dục hiện nay. Đó là việc suồng sã hóa quan hệ thầy trò, một điều tối kỵ ở thời trước. Và ông nêu ví dụ: Khi nhà trường bố trí thầy và trò cùng đi vệ sinh ở một “công trình phụ” thì trong mắt trẻ thơ, hình ảnh người thầy không còn “thiêng” như trước nữa.

Nhà thơ Vương Trọng, trong bài “Vì môi trường và người nghèo”, đã có cách nhìn nhận thỏa đáng khi cho rằng, người chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của môi trường chính là người nghèo “ví như cái ôtô chẳng hạn, người ngồi trong xe thì vừa đi nhanh, vừa mát nhưng khí thải xả ra thì người khác, chủ yếu là người đi bộ phải hứng chịu”.

Từ đó, ông đưa ra ý kiến cần tăng thuế từ những mặt hàng xa xỉ này để thêm vào quỹ vì môi trường, vì người nghèo. Với việc sản xuất túi nilon gây ô nhiễm môi trường, ông cũng đề nghị Nhà nước phải đánh thuế thật cao để giá thành sản phẩm tăng, người sử dụng sẽ biết tiết kiệm, không dùng bừa bãi gây ô nhiễm. Thoạt nghe thì thấy cách đặt vấn đề hơi… lạ, song ngẫm ra không phải nhà thơ không có lý.

Xung quanh vấn đề giải tỏa, đền bù, mua bán nhà đất, nhà văn Mai Quốc Liên sau khi nêu hiện trạng “Qua kiểm tra vừa qua, dân khiếu kiện rất nhiều... Có nơi đền bù, giải tỏa với một giá rất thấp rồi “quy hoạch” định giá gấp mấy mươi lần khi bán lại”, đã kết luận một cách chua chát: “Đất đẻ ra tiền, tiền lại đem mua đất, kinh doanh dễ dàng quá!”. Giá như các nhà quản lý lĩnh vực này “thấu” được nỗi niềm của nhà văn (mà thực chất cũng là của chính người dân).

Nhà văn Bùi Tự Lực, từ những dích dắc trong lần đi viếng mộ liệt sĩ Chu Cẩm Phong (trên mộ phần người ta chỉ ghi tên thật của ông là Trần Tiến chứ không ghi bút danh Chu Cẩm Phong khiến anh em phải mất nhiều thời gian mới tìm ra), đã nêu kiến nghị: “Với một nhà văn bút danh quan trọng hơn tên thật... Để tránh sự nhầm lẫn trong công chúng, đồng thời tôn vinh sự ngưỡng mộ với một nhà văn, nên chăng Hội Nhà văn Việt Nam cần có tiếng nói chung với ngành Lao động- Thương binh và Xã hội sửa lại và ghi thêm bút danh vào bia mộ”.

Không dùng hình thức thể hiện của một bài báo, nhà văn Trần Quốc Tiến đã góp vào chuyên mục một câu chuyện mang yếu tố ngụ ngôn: Một cậu bé nghe lời ông, nhiều lần dùng khăn lau đi lau lại bàn ghế, song vẫn không sạch. Người ông mới hỏi, đại ý, cháu lau kỹ thế sao bàn ghế vẫn còn vết bẩn. Cậu bé không trả lời được. Người ông mới chỉ ra cho cậu thấy: Đó là do chính khăn lau không sạch, vì thế mà việc lau bàn của cậu không được như mong đợi.

Trên đây chỉ là một số ví dụ. Cũng còn những ý kiến sâu sắc, những cách lập luận thuyết phục khác. Song công bằng mà nói, so với cả tập sách, những bài này chiếm tỉ lệ không nhiều. Đây đó có bài chỉ là suy nghĩ tản mạn của tác giả về thơ; có bài viết ra để góp ý về một chữ in sai; có bài ca ngợi việc cán bộ tăng cường xuống cơ sở; có bài viết như để thông báo nước Iraq đang bị chiếm đóng; có bài viết để khẳng định sự cần thiết của văn chương trong thời đại hiện nay; có bài chỉ là phát biểu cảm tưởng trước gương sáng của hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm...

Nói chung, những bài đó, nếu ở các chuyên mục khác thì chẳng nói làm gì, đứng vào chuyên mục “Tiếng nói nhà văn” nó chưa đúng tầm. ấy là chưa kể trong một số bài, các nhà văn còn đưa ra những ý kiến mang nặng yếu tố cảm tính, thậm chí là cực đoan, thiếu thuyết phục.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: “Phần nhiều mới chỉ nêu vấn đề chứ chưa đưa ra được giải pháp”

- Là cán bộ đang công tác tại Hội Nhà văn, song bạn đọc ít thấy ông “cất tiếng” trên chuyên mục “Tiếng nói nhà văn” của báo Hội, mà lại tham gia viết bài cho mục “Không nhàn mà đàm” của báo An ninh thủ đô? Phải chăng, với ông, đây là hai dạng bài hoàn toàn khác nhau?

-  Thật ra, vui thì làm. Chính mình và Tổng biên tập An ninh thủ đô Đào Lê Bình mở ra mục ấy đấy. Nhưng đến nay mình cũng mới chỉ viết được mươi bài. Không phải vì về nhuận bút, An ninh thủ đô  trả cao gấp 2 - 3 lần ở Văn nghệ, mà cái chính là mình thích sự tung tẩy của chuyên mục. Ngay cái tên gọi “Không nhàn mà đàm” nghe đã thấy vui hóm rồi.

- Có nghĩa là, trong quan điểm của ông, cách thể hiện là quan trọng hơn cả?

- Không! Theo mình, nói gì thì nói, cách nói chỉ là phương tiện, còn tầm vấn đề đặt ra mới quan trọng. Đọc mục “Tiếng nói nhà văn”, mình thấy nhiều nhà văn ta tuy bài viết phát hiện ra những nét thông minh, một số chỗ thể hiện cũng hóm, nhưng vẫn chưa làm được những điều độc giả mong muốn. ý kiến còn dựa dẫm.

Phần nhiều mới chỉ nêu vấn đề chứ chưa đưa ra được giải pháp. Đọc sang các báo khác thì thấy, hầu hết những bài bình luận xã hội có tầm lại thuộc về những người làm về khoa học tự nhiên, hoặc những người từng kinh qua quản lý kinh tế…

- Ông có thể cắt nghĩa lý do dẫn tới tình trạng trên?

- Do có thể chúng ta chưa quen việc bàn luận về những vấn đề mang tính vĩ mô, bởi hầu hết các nhà văn của chúng ta chưa ý thức mình là những nhà hoạt động xã hội như công dân của các nước phát triển. Các bài viết có phần manh mún, viết cho hả những bức bối cá nhân. Không ít bài còn dừng lại ở mức ca cẩm.

Hình như chúng ta vẫn có thói quen nêu hiện trạng, còn giải pháp thì “khoán trắng” cho các nhà chính trị. Đây cũng là một điểm thiếu hụt của chuyên mục “Tiếng nói nhà văn”. Tất nhiên tôi hiểu, những người “gác gôn” chuyên mục này cũng gặp những khó khăn bởi diện đối tượng tham gia chuyên mục luôn bị bó hẹp.

Nhà thơ, NSND Lê Huy Quang: “Phải là tiếng nói của nhân dân”

- Cùng với nhà văn Nam Hà, nhà thơ Thanh Thảo, ông là một trong những tác giả có bài in nhiều nhất trong tập sách này. Có lẽ đây cũng là một sở trường của ông?

- Những ngày đầu, tôi viết theo đơn đặt hàng của ông Thỉnh (nhà thơ Hữu Thỉnh, bấy giờ là Tổng biên tập báo Văn nghệ), sau thì chuyển sang làm mục “Góc nhìn nghệ sĩ” là chính. Có lẽ bởi người ta thấy tôi thạo viết chính luận.

- Nhưng thực tế, không phải bài nào trong chuyên mục này cũng có thể được xem là bài “chính luận”. Thậm chí, có bài chỉ đáng gọi là một trích đoạn báo cáo thành tích, hoặc một mẩu tin?

- Đúng là như vậy. Chuyên mục này cũng phải hứng đựng nhiều bài nhạt. Theo tôi nghĩ, đã là ‘Tiếng nói nhà văn” thì phải vượt trên tầm suy nghĩ của những người bình thường. Trước khi buông ra một nhận xét hay một phán quyết, anh cần phải nghiên cứu kỹ pháp luật. Và đã là tiếng nói nhà văn thì đừng sa vào những chuyện vụn vặt. Có những bài viết chỉ để đòi nhuận bút, tôi thấy không nên. Tiếng nói nhà văn không phải để giải quyết chuyện cá nhân của nhà văn mà phải là tiếng nói của nhân dân, vì  nhân dân...

- Nghe nói, có những tác giả nhiều thời giờ rảnh rỗi, lại thấy chuyên mục đề là “Tiếng nói nhà văn”, nên cứ thường xuyên “tái xuất giang hồ” để mọi người càng biết thêm mình là nhà văn?

- Đúng là có những người viết hăng thật. Phải có 3, 4 người xuất hiện với mật độ dày như tôi ngày xưa. Có lẽ họ nghĩ mục này ít chữ, dễ viết, trong khi thực tế, bài càng ngắn thì ý kiến càng phải chắc mới có sức bật.

- Ông vừa nói việc đòi nhuận bút là chuyện vụn vặt, vậy xin cứ được hỏi: người ta trả ông nhuận bút như thế nào với những bài tham gia bộ sách này?

- Trước đây NXB Hội Nhà văn có tập hợp một số bài trong chuyên mục in làm 2 tập, tên tôi được nhắc ngay ở phần mở đầu. Giờ thì tôi mới nghe nói có bộ sách của NXB Phụ nữ, chứ đã tận mắt nhìn thấy nó đâu. Sáng nay, anh Huân (Tổng biên tập báo Văn nghệ- nhà văn Nguyễn Trí Huân) trong cuộc họp giao ban cơ quan cũng nói anh không hiểu cuốn sách do đâu đứng ra tổ chức biên soạn mà không thấy bàn bạc gì với lãnh đạo báo Văn nghệ cả? Tôi thì tôi sẵn sàng “cho qua” chuyện nhuận bút, nhưng khi in ra, nên báo cho các tác giả lấy một tiếng và tặng họ quyển sách

 

.
.