Tiếng hát kết nối những phận đời

Thứ Bảy, 05/05/2018, 08:24
“Họ dắt díu nhau đi, người này bám vai người kia, có người được bế lên sân khấu vì dị tật cả hai chân. Tất cả đều ăn mặc đẹp. Tất cả đều là những người khuyết tật. Họ đến để dự cuộc thi hát dành cho người khuyết tật. Hơn như vậy, họ đến như thể tham dự những dạ tiệc dành riêng cho họ” - tác giả “Mười năm tình cũ” - nhạc sĩ Trần Quảng Nam đã thốt lên như thế khi làm giám khảo cuộc thi “Giai điệu trái tim”.


Năm nay, cuộc thi “Giai điệu trái tim” tròn 5 tuổi. Hiệu ứng và thông điệp tốt đẹp của cuộc thi ngày càng lan tỏa nên mùa này, ca sĩ phòng trà Thụy Uyên – người khởi xướng cuộc thi - quyết tâm mở rộng quy mô. Lâm Đồng là quê hương của Thụy Uyên, nơi nuôi đam mê âm nhạc của chị.

Lập nghiệp ở Sài Thành, thỉnh thoảng Thụy Uyên trở về xứ sở mù sương để hòa giọng với bạn bè, đồng nghiệp cho vơi bớt nỗi nhớ. Nơi đây, Uyên bắt gặp rất nhiều giọng ca đẹp trú ngụ trong hình hài khiếm khuyết.

Nhưng bốn mùa trước, “Giai điệu trái tim” chỉ tổ chức ở TP Hồ Chí Minh nên nhiều bạn không thể dự thi vì đường đi khó khăn mà thân xác thì dị tật. Năm nay, Thụy Uyên quyết định đưa cuộc thi lên Đà Lạt. Tại đây diễn ra vòng sơ kết và bán kết. Sau đó, các thí sinh sẽ được đưa xuống TP Hồ Chí Minh để tham gia vòng bán kết 2, vòng chung kết và gala trao giải.

Phần trình diễn của nhóm thí sinh khiếm thị trong cuộc thi “Giai điệu trái tim”.

“Giai điệu trái tim” lần 5 diễn ra từ ngày 16-4 đến ngày 18-5 thu hút 100 thí sinh tham gia. Dù là cuộc thi ở tầm “vui là chính” nhưng Thụy Uyên cố gắng tổ chức bài bản không kém gì một cuộc thi chuyên nghiệp. Dàn giám khảo là những gương mặt uy tín như nhạc sĩ Trần Quảng Nam, thạc sĩ thanh nhạc Lý Hoàng Kim, nhạc sĩ - Đại tá Võ Công Phước (Trưởng đoàn Ca múa nhạc Quân khu 7), ca sĩ Đức Minh, ca sĩ Huỳnh Lợi (giải 3 Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh 1998), nhạc sĩ Nguyễn Tánh, nhạc sĩ Lê Huy Cầm, nhạc sĩ Cao Nguyên (Phó Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Lâm Đồng)…

Đặc biệt, tại Đà Lạt, cuộc thi được sự hỗ trợ của chị Lê Thị Minh Yêm, Phó Hội trưởng Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng, trong công tác đưa đón, thông tin đến thí sinh.

Các thí sinh đến với cuộc thi thuộc đủ mọi thành phần, đủ tuổi già trẻ nhưng phần lớn là người lao động nghèo. Đa phần họ không được đào tạo âm nhạc bài bản nên câu ca cất lên hoàn toàn bản năng. Có người còn hát sai lời, trật nhịp.

Nhưng nói như nhạc sĩ Trần Quảng Nam, nhiều khi để học được cách thổi hồn vào bài hát, ca sĩ chuyên nghiệp phải học hỏi họ rất nhiều. Để củng cố kỹ thuật thanh nhạc cho thí sinh, trước mỗi vòng thi, Thụy Uyên luôn mời một ca sĩ, giảng viên thanh nhạc đồng hành với mình tập hát cho họ.

Những ngày tập nhạc, cô ca sĩ của xứ núi mù sương luôn mướt mồ hôi đi tìm địa điểm, mời ban nhạc và trực tiếp thị phạm.  Không chỉ vậy, chị còn bỏ tiền túi lo khâu tổ chức, lo băng rôn, quà tặng… Thậm chí, bạn nào không có chỗ tác túc, chị sẵn lòng biến căn nhà nhỏ trong hẻm Lê Văn Sỹ của mình thành chốn trọ miễn phí.

Vất vả thế nhưng hỏi thì Thụy Uyên cười khì: “Nhìn các bạn hát say sưa, hát hồn nhiên quên trời quên đất và sung sướng khi nhận được các phần quà, nghe giám khảo góp ý nhận xét cho phần trình diễn về sau càng hay hơn, Uyên vui quên mệt”.

Thấy chị như con thoi ôm đồm biết bao nhiêu việc đến nỗi cứ  mỗi lần kết thúc cuộc thi là sụt mất mấy ký, bạn bè ai cũng mắng “khùng”. Mắng vậy, nhưng mùa sau, mọi người chung tay san sẻ bớt phần việc cho chị. Người tình nguyện làm đội dìu đỡ, bưng bê thí sinh lên sân khấu; người thiết kế băng rôn; người kêu gọi thí sinh tham gia; người tài trợ địa điểm tổ chức; người nhận làm MC, giám khảo không catse...

Nhờ hiệu ứng tốt đẹp của chương trình nên vài năm trở lại đây, “Giai điệu trái tim” nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm. Thông qua Báo Công an nhân dân, đã hai mùa giải, năm nào ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi cũng tài trợ cho chương trình 50 triệu đồng.

Hỗ trợ Thụy Uyên từ những mùa đầu, ca sĩ Võ Trọng Phúc thú thật: "Chúng tôi  rất biết ơn các thí sinh vì ngọn lửa đam mê ca hát của họ đã truyền động lực để những người làm nghề như chúng tôi tự nhủ mình phải cố gắng rất nhiều. Họ hát bằng cả trái tim mà đôi khi giới nghệ sĩ không phải ai cũng làm được".

Đến xem một đêm thi của các thí sinh mới thấy được điều mà ca sĩ Võ Trọng Phúc tâm đắc. Họ bước lên sân khấu. Chiếc nạng gỗ, cái xe lăn, chiếc gậy dò đường tập tễnh. Kẻ dìu người đỡ cho bước đi của họ bớt nhọc nhằn. Và họ hát. Không màng vẻ bề ngoài lụa là, son phấn, không màng lời khen tiếng chê, sợi tơ óng ánh họ rút ra là tiếng hát từ cõi lòng mình, không giả trá, dối lừa. Họ hát vô tư như thể tâm sự phận mình với “Mưa nửa đêm”, “Con đường xưa em đi”, “Áo mới Cà Mau”, “Chuyện tình không dĩ vãng”, “Còn tuổi nào cho em”… Mọi người như một gia đình, cùng nhau chia sẻ cảnh đời mình qua âm nhạc.

Đại diện Báo Công an nhân dân thay mặt Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi trao tặng 50 triệu đồng cho chương trình “Giai điệu trái tim” lần 5.

Có khi họ căng thẳng quá khiến phần thi không trọn vẹn. Hiểu tâm lý nên mỗi lần nhận thấy các bạn quá run, Thụy Uyên lại “leo” lên sân khấu khuấy động phong trào. Chị bắt nhịp cho các bạn thí sinh đang hồi hộp chờ đợi trong cánh gà hát vang “Hãy hát lên” rồi hô to “Các bạn còn run nữa không?”.

Khi nào tiếng hô “Không” vang lên dõng dạc và rõ to, Thụy Uyên mới chịu xuống. Có cô bé hát xong, nói như mếu: “Vừa rồi con run quá nên hát sai giám khảo ơi!”. Nhạc sĩ Trần Quảng Nam mỉm cười dịu dàng: “Con khiếm thị nên con không thấy rằng, đêm nay con đẹp như một thiên thần. Con đã hát tốt và chú mong sẽ thấy phần sau con hát tốt hơn nhé”.

Năm 2014, “Giai điệu trái tim” ra đời như một nơi gắn kết những phận đời chịu nhiều bất hạnh. Hồi ấy, nhiều lần đi biểu diễn cùng các đoàn từ thiện, Thụy Uyên có dịp gặp gỡ nhiều người khuyết tật. Chị xuống giao lưu, thấy các bạn coi mình như thần tượng để ước ao một ngày được đứng trên sân khấu cầm micro như chị. Nhưng đôi mắt họ đượm buồn, bởi các sân khấu ca nhạc lẫn cuộc thi lúc bấy giờ đâu có chỗ cho những thân phận như thế.

Một hôm các bạn mời Thụy Uyên đến xem tiết mục văn nghệ do các bạn biểu diễn. Chị ngỡ ngàng trước những thân hình tàn tật, oặt ẹo rướn cổ trên chiếc micro, tay ôm đàn mà phiêu lãng: "Mệt quá đôi chân này/ Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi/ Mệt quá thân ta này/ Nằm xuống với đất muôn đời"... Thụy Uyên nghe sống mũi cay xè.  Tất cả thúc giục chị phải gầy dựng cuộc thi ca hát dành riêng cho người khuyết tật.

Mùa đầu tiên, chương trình diễn ra trong phòng trà mini chật hẹp của chị. Mọi chi phí đều do chị tự bỏ tiền túi và vận động thêm vài người bạn thân có thiện chí để tổ chức “Giai điệu trái tim” lần 1-2014. Chỉ đưa thông tin trên Facebook, vậy mà cuộc thi cũng thu hút hơn 60 thí sinh từ các tỉnh, thành phía Nam. Có năm vì quá mệt mỏi, tiền túi cạn, khó khăn bủa vây, Thụy Uyên tính “bỏ cuộc chơi”. Nhưng cứ vào tháng 4 hằng năm, các bạn đã í ới hỏi han, chị lại không nỡ.

Nhiều người coi “Giai điệu trái tim” như mái nhà thân thương của mình. Rất nhiều gương mặt thi từ năm này qua năm khác. Thí sinh khiếm thị Huỳnh Thảo Tâm Thương là một ví dụ. Anh bảo: “Tui tham gia cuộc thi đến chai mặt không phải vì ham hố đoạt giải cao. Mà vì nơi đây tạo cơ hội cho những người khuyết tật tụi tui giao lưu và hát với nhau. Hát để nhìn thấy cuộc đời bằng âm nhạc và xóa tan những nhọc nhằn của cuộc sống”.

Còn chàng trai tàn tật Mai Khánh Phụng, quán quân “Giai điệu trái tim” lần 4 thì hồ hởi khoe: “Nhờ chương trình  mà lần đầu tiên cả nhà tui ôm nhau khóc sung sướng như vậy. Má tui cứ biểu bà không ngờ thằng con què quặt lê la khắp chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương bán rổ rá, kẹo kéo để được thỏa chí hát hò lại ẵm giải nhất, sau chương trình nó lại còn được các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng mời đi diễn chung nữa chứ”.

Mai Quỳnh Nga
.
.