Tiếng hát biên thùy

Thứ Ba, 18/04/2006, 08:00

Trải qua bốn mươi sáu năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn luôn giữ vững định hướng nghệ thuật cách mạng, bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát các đồn biên phòng và đồng bào các dân tộc ở những vùng sâu vùng xa trên biên giới.

Tôi đến Đoàn Nghệ thuật BĐBP đúng lúc đoàn vừa hoàn thành một chuyến lưu diễn dài một tháng rưỡi trở về. Thượng tá nhạc sĩ Đoàn trưởng Phạm Ngọc Châu kể: “Đoàn chúng tôi vừa có một chuyến xuyên Việt, bắt đầu từ ngày 1/12 năm 2005, kéo dài bốn mươi ngày, biểu diễn bốn mươi buổi. Chuyến lưu diễn này nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X. Ở Bình Thuận và Cà Mau, đoàn có dịp gặp gỡ đồng bào Chăm. Còn ở Bạc Liêu, buổi biểu diễn ở chùa Xiêm Cạn được đồng bào Khơme và cả sư sãi rất hoan nghênh. Đêm diễn ở huyện Vĩnh Châu có đông đảo bà con dân tộc Khơme, Chăm và Hoa dự. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Vĩnh Châu nói: “Buổi biểu diễn của đoàn có tác dụng giúp đỡ Đảng bộ địa phương trong công tác vận động quần chúng rất nhiều”.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Châu là người Đoàn trưởng thứ chín của Đoàn nghệ thuật Bộ đội biên phòng. Anh cùng các NSƯT Bảo Chung và Hoàng Long trước đây, cùng các đoàn phó Ngọc Lân, Viết Hồ hiện nay là những người chỉ huy trưởng thành từ người diễn viên...

Hai gương mặt đoàn trưởng

Năm 1959, được Tổng cục Chính trị điều từ Quân khu Hữu Ngạn về xây dựng Đoàn Văn công Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), Đoàn trưởng Hoàng Diệp đã cất công đi dự các hội diễn địa phương, đến các đoàn văn công để tìm và xin người, tuyển từng diễn viên một. Chỉ trong vòng sáu tháng, đến tháng 3/1960, Đoàn đã trình diễn buổi ra mắt đầu tiên gồm toàn các tiết mục tự biên tự diễn. Đến năm 1965, Đoàn Văn công CANDVT đã được khán giả chú ý qua các điệu múa nổi tiếng như “Ong vò vẽ”, “Tay chài vai súng”, kịch múa “Rừng thương núi nhớ” (biên đạo Trần Minh) và các bài hát “Vượt đèo”, “Giữ cho em tiếng hát chim rừng” (nhạc: Nguyễn An).

Tôi còn giữ được một kỷ niệm sâu sắc về Đoàn. Mùa hè 1967, tôi được lệnh cùng Đoàn trưởng Hoàng Diệp dẫn một tổ ca nhạc đến phục vụ nhân dịp Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam. Cuộc biểu diễn gọn nhẹ được tổ chức dưới một căn hầm sâu. Đến giờ nghỉ, Bác khen: “Các cháu đã biểu diễn tốt, Bác có lời khen”. Và, Bác Hồ đã lấy kẹo tặng cho các nam nữ diễn viên.

Người Đoàn trưởng thứ sáu là Phan Trọng Bằng đã đến với Đoàn vào lúc khó khăn. Thời kỳ đổi mới bắt đầu, mở ra niềm vui, đồng thời cũng đặt ra lắm thách thức. Quan điểm thương mại hóa nghệ thuật xuất hiện cùng khuynh hướng đề cao nhạc trẻ, coi thường văn nghệ dân gian dân tộc, ít nhiều  gây ảnh hưởng tiêu cực. Lúc này, những cán bộ giàu bản lĩnh lãnh đạo, chỉ huy như Hoàng Diệp, Đức Tạ, Nguyễn An đều chuyển sang công tác khác, Phan Trọng Bằng đã xác định phương châm nghệ thuật: “dân tộc, hiện đại, sáng tạo và đổi mới”, nhanh chóng củng cố Đoàn.

Năm 1989, Đoàn đã vượt qua thử thách, xây dựng kịch hát “Mảnh đất tình người” tham gia Hội diễn kịch hát toàn quốc đoạt huy chương vàng. Tiếp đó năm 1999, Đoàn đã xây dựng chương trình ca múa nhạc dân tộc giàu màu sắc dân gian, đi dự Festival ở Triều Tiên được thưởng Huy chương Hữu Nghị. Thành công của Đoàn trong thời kỳ này trước hết là thành công về công tác tư tưởng và tổ chức.

Những con chim đầu đàn: NSND Lê Đóa và NSND Trần Minh

Năm 1965, Nhạc trưởng Lê Đóa được Tổng cục Chính trị điều từ Đoàn Ca múa Quân đội về Đoàn Văn công CANDVT. Từ một người chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng với hàng trăm diễn viên nhiều lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đến với một tốp nhạc công chỉ có mười hai người, hầu hết mới qua lớp trung cấp. Ông đã dày công huấn luyện, tổ chức dàn nhạc, hòa âm phối khí, đảm bảo vai trò chỉ đạo nghệ thuật, ngoài ra còn tham gia viết nhạc múa. Năm 1981, Đoàn trưởng Lê Đóa dẫn Đoàn nghệ thuật BĐBP tham gia cuộc thi độc tấu, đơn ca và múa ít người toàn quốc. Kết quả, toàn đoàn giành giải nhất, tất cả các tiết mục tham gia đều được tặng thưởng huy chương vàng, huy chương bạc.

NSND Trần Minh tham gia Đoàn nghệ thuật BĐBP từ năm 1961 đã sáng tác nhiều tác phẩm múa xuất sắc như “Ong vò vẽ”, “Tay chài tay súng”, nhất là vở kịch múa “Rừng thương núi nhớ”. Điệu múa “Ong vò vẽ” diễn tả quyết tâm đánh Mỹ của người nông dân Nam Bộ, khi đem sang trình diễn tại Cuba đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Trong mười lăm năm công tác ở Đoàn nghệ thuật  BĐBP, tài năng sáng tạo của Trần Minh đã thăng hoa. Ông thật xứng đáng với danh hiệu NSND và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.--PageBreak--

Niềm say mê âm nhạc của NSƯT Bảo Chung

Từ một diễn viên, hát tốp ca, một nhạc công chơi controbasse phấn đấu trở thành một nhạc sĩ, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội để đảm đương vai trò nhạc trưởng, từ một chiến sĩ diễn viên Bảo Chung đã rèn luyện trở thành Đoàn trưởng, với 34 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Bảo Chung là một tấm gương tu dưỡng hiếm có. Trải qua bao năm tháng cùng Đoàn lặn lội khắp các tuyến biên giới, đến với đồng bào các dân tộc, anh tự mày mò tìm ra những tổ chức âm thanh, những tổ hợp tiết tấu để rồi phả hồn nhạc dân tộc vào sáng tác của mình, Bảo Chung có một bề dày sáng tạo ca khúc, kịch hát, nhạc múa và nhạc phim.

Tôi còn nhớ năm nào Bảo Chung mời tôi đến Nhà hát Lớn dự một buổi độc tấu violoncelle của nghệ sĩ Bùi Gia Tường. Bên cạnh các tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, có một nhạc phẩm của Bảo Chung, điều ấy càng khiến tôi mến tài năng của anh. Tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1995 tại Hải Phòng, Đoàn nghệ thuật BĐBP giành giải nhất trong số hai mươi ba đoàn, riêng NSƯT Bảo Chung được tặng bằng khen về chỉ đạo nghệ thuật. Cũng trong năm 1995, nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm thành lập Công an nhân dân Việt Nam, Bộ Công an và Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trương xây dựng một chương trình ca múa nhạc lớn mang tên “Chặng đường chiến đấu - Lửa và hoa”. NSƯT Bảo Chung là một người trong nhóm tác giả xây dựng tổ khúc giao hưởng múa mang tính sử thi “Vì bình yên cuộc sống”  và là nghệ sĩ được giao nhiệm vụ làm Tổng đạo diễn toàn bộ chương trình. Tiếc thay, anh ngã bệnh đột xuất và ra đi hai ngày trước buổi trình diễn chính thức tại Cung Văn hóa Hữu Nghị (12/8/1995). Sau lễ kỷ niệm, Đoàn nghệ thuật BĐBP được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, riêng Bảo Chung được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Hai bông hoa rừng: NSƯT Vi Hoa và NSƯT Ngọc Lan

Cùng được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2000, hai Trung tá nghệ sĩ Vi Hoa và Ngọc Lan đều quê ở miền núi. Vi Hoa người dân tộc Thái, sinh ra ở Sơn La, còn Ngọc Lan ở Lạng Sơn. Mỗi năm, Đoàn hành quân lên biên giới vài ba lần. Vi Hoa luôn luôn có mặt. Có lần, do đường sá trắc trở Đoàn đến đồn biên phòng lúc mười giờ đêm. Đồng bào người dân tộc vẫn chờ và Đoàn đã biểu diễn liên tục đến hai giờ sáng, riêng Vi Hoa đã hát đến bảy bài. Chất giọng của Vi Hoa ấm áp, mượt mà rất phù hợp với ca nhạc dân tộc, cô được khán giả mệnh danh là “con chim sơn ca miền núi”. Trong tổng số bảy mươi huy chương vàng mà Đoàn nghệ thuật BĐBP giành được, riêng Vi Hoa đã góp vào mười chiếc. NSƯT Vi Hoa đã thay thế xuất sắc các nghệ sĩ đơn ca lớp trước của Đoàn: Hoàng Long, Quỳnh Liên, Thanh Xuân, Hà Vi.

NSƯT Ngọc Lan mang trong mình dòng máu nửa Kinh, nửa Tày, có năng khiếu nghệ thuật từ bé, mới bảy tuổi đã được Trường Múa Việt Nam chọn trực tiếp vào hệ bảy năm. Năm 1996, Ngọc Lan lại được đoàn cử đi học Khoa Biên đạo, Chỉ huy tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội. Nhiều tiết mục múa do Ngọc Lan biên đạo như: “Xuân về trên đỉnh núi”, “Lớp học nơi biên cương”… đã được trao tặng huy chương vàng tại các hội diễn ca múa nhạc toàn quân và toàn quốc. NSƯT Trung tá Ngọc Lan còn phải đảm đương chức phó Đoàn trưởng phụ trách chuyên môn của Đoàn nghệ thuật BĐBP.

Bốn mươi sáu năm - một chặng đường

Trải qua bốn mươi sáu năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn nghệ thuật  BĐBP luôn luôn giữ vững định hướng nghệ thuật cách mạng, bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát các đồn biên phòng và đồng bào các dân tộc ở những vùng sâu vùng xa trên biên giới. Đoàn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng bảy Huân chương Quân công và Chiến công. Đặc biệt, Đoàn đã được Bác Hồ tặng thưởng lẵng hoa của Người. Bộ Văn hóa - Thông tin đã có nhận xét: “Đoàn nghệ thuật  BĐBP luôn luôn khắc phục khó khăn gian khổ, gương mẫu đi đầu trong chiến lược phát triển văn hóa văn nghệ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nơi biên giới hải đảo”.

Một vinh dự to lớn đến với Đoàn nghệ thuật  BĐBP là trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QĐNDVN (1944 - 2004), Đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng LLVTND” trong thời kỳ đổi mới
Lương Sỹ Cầm
.
.