Tiền không quyết định được chất lượng diễn viên

Thứ Hai, 11/08/2008, 14:00
(Phỏng vấn NSND Khải Hưng, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình-Đài Truyền hình Việt Nam)

-Thưa NSND Khải Hưng, Hãng phim Truyền hình có quy định nào về việc trả cátsê cho diễn viên hay chỉ là dựa trên thỏa thuận của đơn vị sản xuất với diễn viên?

+ Trước tiên các bạn phải hiểu rằng, phim truyền hình không phải là phim  bán vé chiếu ngoài rạp cho nên buộc phải dựa vào nguồn thu quảng cáo. Phim truyền hình phải lấy nguồn thu quảng cáo để bù cho chi phí sản xuất.

Bởi vậy, kinh phí làm phim truyền hình nói chung là thấp. 15 năm nay, chi phí cho phim truyền hình có tăng một cách dè sẻn, rón rén, nhưng nói chung là chả thấm tháp gì trong thời buổi bão giá. Tiền trả cátsê cho diễn viên chiếm tỉ lệ khoảng 20% tổng chi phí sản xuất phim.

Con số này nói thật là chưa lớn, vì ở nước ngoài, tiền cátsê trả cho diễn viên có khi lên tới 70% chi phí sản xuất một bộ phim. Nhưng đó là người ta trả tiền theo thương hiệu của diễn viên. Người ta đổ tiền ra để có được diễn viên đảm bảo phim có khán giả.

- Với số tiền cátsê trên dưới 1 triệu đồng cho một vai diễn một tập phim, ông có thấy là thu nhập của diễn viên chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra?

+ Tôi phải nói ngay là dù sao thì ở nước ta phim ảnh vẫn là thứ "xa xỉ", chưa nuôi sống người làm nghề. Đâu chỉ riêng diễn viên, mà cả đạo diễn, biên kịch, quay phim... đều phải sống trong cảnh ấy. Tôi rất biết, nhìn ra các lĩnh vực nghệ thuật khác, như âm nhạc chẳng hạn, thì tiền trả cho diễn viên là rất "bèo".

Hiện nay ở Hãng chúng tôi đang áp dụng một phương thức trả  thù lao cho diễn viên theo từng phân đoạn. Đóng góp của từng diễn viên trong mỗi phân đoạn thế nào sẽ được tính toán và trả cho phù hợp.

Diễn viên có nghề sẽ được trả thù lao cao hơn diễn viên nghiệp dư. Như vậy là công bằng và chuyên nghiệp. Dù số tiền trả cho diễn viên còn hạn chế, nhưng tôi cũng cần phải nói thẳng rằng, ở phim truyền hình nói riêng, mức tiền trả và trình độ diễn xuất của diễn viên là tương đối hợp lý.

- Nghĩa là ông chưa đánh giá cao khả năng diễn xuất của các diễn viên truyền hình?

+ Tâm trạng của tôi nhìn chung là thất vọng. Ngoại trừ các diễn viên lớn tuổi, nghiêm túc và cẩn trọng với nghề, còn lại tôi rất e ngại các diễn viên trẻ. Một số người rất vô kỷ luật với nghề và vô trách nhiệm với chữ ký của mình. Chúng tôi đã phải chứng kiến nhiều cảnh diễn viên bỏ dở công việc giữa chừng khiến cho cả êkíp làm phim phải tá hỏa, chạy đôn chạy đáo.

Họ học hành không đến nơi đến chốn, nôn nóng để nổi tiếng, để có nhiều tiền, mà quên đi việc đầu tư để làm nghề cho tốt. Họ làm việc không có nguyên tắc, "vượt rào" ghê quá. Tôi cam đoan tất cả các đạo diễn khi làm phim với các diễn viên trẻ đều lo nơm nớp, cho đến khi bộ phim thực sự hoàn thành.

Sợ nhất là các em bỏ việc, bỗng dưng "mất tích", không biết đâu mà tìm. Nhẹ thì cũng bị các em cho cả đoàn "leo cây", dài cổ chờ đợi, với lý do cháu bị mệt, cháu bận việc gia đình, nhưng kỳ thực là đang chạy sô đi đóng phim khác.

Tôi biết có cô diễn viên ký một lúc 4 hợp đồng làm phim trong cùng một thời điểm. Và cứ vô tư trễ giờ, vắng mặt, gây ra sự bực bội, thậm chí là thiệt hại cho cả đoàn làm phim.

- Thưa ông, nhìn vào hiện tượng đó cũng có thể giải thích rằng, vì thù lao cho diễn viên quá thấp nên "cực chẳng đã" họ mới phải đóng nhiều phim trong cùng một thời điểm...

+ Nói về chuyện thu nhập của diễn viên đủ sống hay không thì rất khó. Sẽ chẳng ai nói là đủ sống cả. Mà thế nào mới là đủ sống? Những đòi hỏi về tiền bạc, vật chất là vô cùng. Người ta bao giờ cũng thấy không thỏa đáng.

Nhưng hãy nhìn ra mặt bằng chung của xã hội, nhìn nhân dân lao động để thấy, người làm nghệ thuật hay là ai đi nữa thì cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt với công việc mới làm ra đồng tiền. Chúng ta quen nhìn diễn viên là phải hào nhoáng, phải lấp lánh, phải nhiều tiền, phải nhà đẹp, xe đẹp mà quên rằng đó cũng là một nghề.

Trước tiên anh phải lao tâm khổ tứ, phải học hành đến nơi đến chốn, phải say nghề, phải làm việc có kỷ luật, có trách nhiệm thì rồi anh sẽ nhận được những gì xứng đáng với công sức anh bỏ ra. Tôi cho rằng người yêu nghề thực sự hôm nay rất ít. Đa số các em vội vã, quấy quá, dùng nghề này để đánh bóng mình rồi quay đi làm một việc gì khác. --PageBreak--

- Thử đặt giả thiết, nếu bây giờ ta trả cho diễn viên 100 triệu đồng cho một vai diễn chẳng hạn, thì có thể phim sẽ hay hơn, diễn viên sẽ diễn tốt hơn chăng?

+ Không. Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta không nên mang tiền ra làm thước đo. Tiền cátsê không quyết định chất lượng của diễn viên, xét về một khía cạnh nào đó. Điều này tôi nói không hề đạo đức giả.

Là bởi vì diễn xuất là một công việc cần đến tài năng và sự học hành nghiêm túc, lòng yêu nghề và đạo đức làm nghề. Chúng ta không thể nào bỏ ra 100 triệu để ngay lập tức một diễn viên nào đó trở nên một diễn viên tốt. Tiền đó cần phải đầu tư vào trường học.

Phải đào tạo lại. Phải làm lại từ đầu. Chứ cứ như tình trạng "ăn xổi ở thì" hiện nay, chúng ta sẽ chỉ có được những diễn viên nghèo nàn về kiến thức, thực dụng trong tư duy mà thôi.

- Ông từng nói: "Thu nhập của một diễn viên không nên quá 10 lần thu nhập của một ông thợ mộc". Ai cũng biết, lao động của một diễn viên là một lao động mang tính đặc thù. Sự so sánh của ông như vậy liệu có cực đoan quá không?

+ Tôi không cực đoan đâu. Một ông thợ mộc cũng phải học làm nghề rất ghê thì mới đến ngày chạm trổ ra một cái tủ, một bộ bàn ghế. Nghề diễn cũng phải học rất ghê thì mới có ngày làm nên một nhân vật. 

- Nói như vậy thì mỗi diễn viên phải biết tự hài lòng, thưa ông? Nhưng họ hài lòng sao được khi nhìn ra xung quanh, đồng nghiệp của mình đóng phim cho các hãng tư nhân, cátsê một vai diễn có thể mua được một ngôi nhà. Hay một ca sĩ biểu diễn một đêm cũng có thể có được số tiền bằng họ đóng hàng chục, hàng trăm vai trong phim truyền hình…

+ Quy luật của thị trường, ai có thương hiệu sẽ có cơ hội có nhiều tiền. Những diễn viên trẻ hôm nay, thay vì kêu ca tiền bạc ít, hãy chăm chỉ lao động và xây dựng thương hiệu cho mình. Rồi đến lúc nào đó họ sẽ được ghi nhận. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, có rất nhiều điều vô lý vẫn tồn tại và chúng ta đang phải chấp nhận.

Ví dụ một nhạc sĩ đau đớn hàng năm mới sáng tạo ra một tác phẩm mà chỉ nhận được thù lao rất ít. Còn ca sĩ biểu diễn tác phẩm ấy lại có thể kiếm bộn tiền. Nhưng không phải vì thế mà nhạc sĩ không sáng tác nữa, không yêu nghề nữa.

Với diễn viên truyền hình, tôi chỉ muốn nói rằng, nếu các bạn chê ít tiền, các bạn có thể không tham gia vai diễn. Nhưng nếu đã đặt bút ký hợp đồng thì phải làm việc cho chuyên nghiệp, cho tâm huyết...

- Xin cảm ơn đạo diễn Khải Hưng

Quỳnh Trang
.
.